Campuchia, một phiên thuộc của Trung Quốc

Trịnh Khải Nguyên-Chương

Những năm gần đây sự việc Trung Quốc chiếm đảo, vét cát dưới đáy biển xây dựng căn cứ quân sự, xây sân bay, đặt tên lửa tại biển Đông khiến người ta vô tâm quên mất rằng cánh tay dài của Đại Hán đã vươn qua biển thò đến tận Phnom Penh tự thuở nào. Dưới mắt nhiều quan sát viên quốc tế thì Campuchia ngày nay là một tỉnh của Trung Quốc, và Thủ tướng Hun Sen là một bí thư tỉnh ủy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không hơn không kém.

    Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự trên đất Campuchia là mối đe dọa nghiêm trọng cho các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á, và Hoa Kỳ chắc chắn không thể không nhận ra hiểm họa to lớn đó. Trong buổi tường trình lên Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm tháng Giêng năm 2019, Giám đốc Sở Tình báo Quốc gia, lúc đó là ông Dan Coats, đã cảnh báo rằng “Campuchia đang có nguy cơ biến thành một quốc gia độc tài, và điều đó sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự trên miền đất ấy.”

    Campuchia ngày nay sống nhờ Trung Quốc; chế độ thối nát, tham nhũng, cực quyền do Thủ tướng Hun Sen cai trị với những thủ đoạn bất lương của một băng đảng, hoàn toàn khống chế, bằng những biện pháp đàn áp thô bạo nhất, mọi tiếng nói đối lập, phản biện từ quần chúng. Hiến pháp Campuchia, cũng như Hiệp định Paris 1991, thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm, và trên nguyên tắc, không cho phép bất cứ một thế lực ngoại bang nào thiết lập lực lượng quân sự trên đất nhà, thế nhưng những gì thực sự đã và đang xảy ra ngày nay phơi bày cho thế giới thấy một thực trạng hoàn toàn khác biệt.

    Bắc Kinh từ nhiều năm là nguồn tài trợ to lớn đổ vào Campuchia, chính quyền Hun Sen tùy thuộc phần nhiều vào sự trợ giúp đó để tồn tại. Nhưng theo các phân tích viên quốc tế thì Hun Sen sẽ giẫm qua “lằn ranh đỏ,” ít nhất là trên mặt nổi, đối nội cũng như đối ngoại, nếu ông ta cho phép Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự trú phòng. Lẽ đương nhiên, quan chức Campuchia và chính bản thân Hun Sen cực lực bác bỏ lời cáo buộc của tình báo Hoa Kỳ, họ gọi đó là “fake-news.” Nhưng theo nhiều tài liệu và văn kiện báo chí thế giới phanh phui được thì Trung Quốc và Campuchia đã ký kết một điều ước mật cho phép Trung Quốc đặt căn cứ hải quân tại Ream, một văn kiện khác tiết lộ một toán chuyên gia Trung Quốc đã xuống khảo sát hình thế, thi hành các công tác trắc địa tại đây.

    Để trả lời câu hỏi của báo chí về các biến chuyển này, chính quyền Bắc Kinh và Phnom Penh lặp đi lặp lại luận điệu cố hữu: những dự án ấy nằm trong chương trình đầu tư và xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thời bình. Với tham vọng bành trướng bá quyền càng ngày càng lộ rõ, không ai tin Trung Quốc bỏ cả tỉ bạc giúp Campuchia xây khu du lịch, đường sá, trường học cho trẻ em nghèo, v.v. Bằng chứng sáng tỏ như ban ngày là Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự chứ không phải nhà nghỉ mát. Đường băng và hải cảng nước sâu ở tỉnh Koh Kong là bằng chứng hiển nhiên, rồi mô hình thiết kế khu du lịch nằm trên đảo Koh Rong cho thấy đây là một căn cứ quân sự chứ không phải khách sạn và sân chơi cho khách du lịch.

    Đi ngược thời gian ít năm, chính xác là năm 2013, Chủ tịch Nhà nước Tập Cận Bình công bố một dự án khổng lồ lấy tên là Nhất Đới Nhất Lộ (Tây phương gọi là Belt and Road Initiative) – một dự án lên đến cả ngàn tỉ Mỹ kim. Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Quốc – một vành đai, một con đường – là dự án lấy danh nghĩa phát triển kinh tế đa quốc gia thông qua hai kế hoạch Con Đường Tơ Lụa và Đường Hàng Hải. Tuy nhiên, học viện Brookings của Hoa Kỳ, trong một bản tường trình hôm tháng 9 năm 2019 ghi nhận là, “Những dự án hạ tầng cơ sở này được xây dựng mau chóng và hoạt động dễ dàng hơn là các căn cứ quân sự. Để thiết lập và bảo trì ít tốn kém kinh phí hơn, và trên thực tế, chúng thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.”

    Hơn nữa, hiệp thương kinh tế bao giờ cũng đi đôi với hiệp ước hỗ tương quân sự, mà cán cân thường ngả về phía quân sự nhiều hơn, như có lần bị Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao của Hoa Kỳ phanh phui năm 2017.

    Đòn phép che mắt thế giới của Tập Cận Bình là tạo sự nhập nhằng giữa quân sự và dân sự. Bằng nghị quyết trung ương, Tập dần dà xóa bỏ lằn ranh giữa dân chính và quân chính. Đây là âm mưu thâm độc nhằm biến tiềm năng cả nước thành một lực lượng vũ trang kinh khiếp khi cần thiết. Điển hình là với những nghị quyết trung ương trong hai năm 2015 và 2016, thương thuyền của Trung Quốc từ nay trở đi phải đạt tiêu chuẩn quân sự. Có nghĩa là một chiếc thương thuyền chở hàng hóa có thể biến ngay thành một chiến thuyền trong trường hợp chiến tranh hay xung đột xảy ra. Tại biển Nam Trung Hoa, ngư thuyền Việt Nam và Philippines thường là những miếng mồi ngon cho khinh hạm bọc sắt ngụy trang tàu đánh cá của Trung Quốc.

    Xuyên qua dự án Nhất Đới Nhất Lộ, nhất là tại các hải cảng và vùng duyên hải, chính quyền Trung Quốc hiện đang xây dựng cơ sở và căn cứ vững chãi tại các địa điểm chiến lược. Tay làm nhưng miệng vẫn chối bai bải: Chúng tôi nào có tham vọng quân sự, chúng tôi làm vì nhân đạo và hòa bình thế giới!

    Quyền lợi kinh tế của Trung Quốc hiện nay nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, và để bảo vệ, Trung Quốc sẽ phải đổ tiền vào xây dựng căn cứ quân sự. Các căn cứ này, từ khả năng phòng ngự lúc ban đầu sẽ nhanh chóng biến thành cứ điểm mạnh mẽ dùng cho tiềm lực tấn công chiến lược một khi chiến tranh xảy ra. Đây là chính sách Trung Quốc đã và đang áp dụng trên toàn vùng Đông Á.

    Ở biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc từ năm 1974 đã “thái dồi” xong quần đảo Hoàng Sa trong tay Việt Nam và ngang nhiên kéo những giàn khoan dầu nổi có cả hạm đội tàu chiến yểm trợ vào vùng biển mà Hà Nội vẫn xem là thuộc Việt Nam. Cùng một nước cờ, Trung Quốc cưỡng chiếm bãi đá ngầm Macclesfield Bank (Trung Quốc gọi là Trung Sa) và bãi cạn Scarborough Shoal (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo) của Philippines. Trung Quốc cũng tiến chiếm một số các hòn đảo ám tiêu san hô thuộc quần đảo Trường Sa từ Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng. Từ năm 2013, tại đây, Trung Quốc bất chấp công pháp quốc tế, thực hiện các công trình quy mô vét cát dưới lòng biển, đổ bê-tông, biến rạn san hô thành đảo nhân tạo rồi xây đường băng, đặt giàn tên lửa, v.v. Sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò chín đoạn” của Trung Quốc – đòi chủ quyền 90% lãnh hải biển Nam Trung Hoa, một vùng biển rộng cả triệu dặm vuông, hải sản và tài nguyên phong phú, và cũng là một hải tuyến giao thương quan yếu năm nghìn tỉ Mỹ kim hàng hóa qua lại mỗi năm – Trung Quốc vẫn tiếp tục xem thường công luận quốc tế, duy trì thái độ hung hăng cố hữu, không ngừng tập diễn quân sự tại các hòn đảo nhân tạo này, đồng thời tích cực vận động ngoại giao để lôi kéo đồng minh về phe mình.

    Thoạt đầu họ tuyên bố mục đích chỉ để bảo vệ san hô đang bị môi trường hủy diệt, và trợ giúp tàu bè lâm nạn trên biển, nhưng khi hành vi trở nên quá lộ liễu thì họ thú nhận là có quân sự hóa nhưng chỉ nhằm vào mục tiêu thuần túy phòng ngự. Ngay cả khi đặt giàn tên lửa hành trình và chuyển đến một lực lượng chiến đấu cơ khá hùng hậu trên các hòn đảo ấy, Bắc Kinh vẫn trơ trẽn tuyên bố với thế giới rằng họ không hề có bất cứ một tham vọng quân sự nào!

    Cùng một luận điệu, Bắc Kinh cũng đang biến Djibouti thành một căn cứ quân sự trọng yếu. Djibouti tọa lạc tại vùng đất thường được mệnh danh là Sừng Châu Phi. Nó canh gác hệ thống các hải cảng bên bờ biển Châu Phi, từ vịnh Ba Tư, góp phần hình thành nên hải tuyến thương mại quan trọng từ thời cổ đại trải dọc Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã đầu tư vào đây từ năm 2000, họ lấy lòng chính quyền địa phương bằng cách cho vay nợ mà không cần trả. Năm 2016 chính quyền Djibouti tuyên bố thiết lập đặc khu và ký kết một điều ước 10 năm với Trung Quốc. Dĩ nhiên, Trung Quốc trấn an thế giới bảo đây chỉ là một căn cứ hậu cần sử dụng trong những công tác trợ giúp nhân đạo và chống hải tặc. Nhưng sự thật thì khác hẳn, không ảnh vệ tinh gần đây cho thấy những công trình xây dựng hiện rõ là một căn cứ hải quân khổng lồ có khả năng đón nhận tàu chiến và tàu ngầm nguyên tử.

   Cùng một sách lược ấy, Trung Quốc đang dần dà biến Campuchia thành một phiên thuộc. Với nguồn tài trợ khổng lồ từ Bắc Kinh đổ vào, chính quyền Phnom Penh càng lúc càng trở nên độc tài, vi phạm nhân quyền một cách thô bạo để thỏa mãn những yêu sách của Bắc Kinh. Thủ tướng Hun Sen chỉ là kẻ thừa hành những chương trình do Trung Quốc đặt ra. Trận đại dịch Covid-19 cho thế giới thấy rõ Hun Sen là người như thế nào. Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa, Hun Sen là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bay lên Bắc Kinh chúc mừng Tập Cận Bình. Và, trong khi đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội, nhà nước Campuchia vẫn không ra lệnh đình chỉ các chuyến bay giữa hai quốc gia. Điều này chứng tỏ ông ta coi trọng đồng tiền của Bắc Kinh hơn sinh mạng người dân. Hun Sen còn giúp Trung Quốc tránh thuế thương chính của Hoa Kỳ trong trận thương chiến giữa hai quốc gia bằng cách cho phép Trung Quốc sử dụng đặc khu kinh tế do Trung Quốc làm chủ ở Sihanoukville để vận chuyển hàng hóa.

    Có lẽ Hun Sen không có chọn lựa nào khác. Ngày nay Campuchia gần như bị cô lập trên chính trường quốc tế; dân chúng trong nước, nhất là giới trẻ, hoàn toàn mất tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của con người nhiều thủ đoạn và hèn kém ấy. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ Trung Quốc, chính quyền Phnom Penh không từ bỏ bất cứ một biện pháp thô bạo nào nhằm bóp nghẹt tiếng nói của phe đối lập và báo chí. Tình trạng tham nhũng trong chính quyền và các thiết chế xã hội tràn lan khủng khiếp; sắc luật “Chống Tham nhũng” ban hành năm 2010 chỉ là một văn kiện khôi hài, thí dụ, kẻ thổi còi báo động tham nhũng (whistle-blower), nếu không trưng ra được bằng chứng cụ thể, sẽ bị sáu tháng tù! Không cần nói nhiều, những vi phạm nhân quyền như giết chóc, tra tấn những kẻ bị xem là nguy hiểm cho chế độ, kể cả trí thức và báo chí đối lập, xảy ra thường xuyên, đến nỗi năm 2018 Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo. Đáng buồn nhất là ở Campuchia ngày nay tình trạng nô lệ vẫn còn tồn tại. Theo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu (văn phòng chính ở Paris) công bố năm 2016 thì Campuchia có 256.800 người (tức 1,65% dân số) là nô lệ!

Dao Koh Rong.jpg

Vị trí tỉnh Koh Kong (Ảnh Google Map)

   Trung Quốc đổ nguồn đầu tư vào Campuchia với danh nghĩa phát triển kinh tế, nhưng sự thật là những lợi ích chỉ dồn vào Hun Sen và tập đoàn thống trị của ông ta. Tại tỉnh Koh Kong (xem bản đồ) phía tây nam Campuchia, sân bay và hải cảng nước sâu không phải để giúp ngành du lịch quốc gia có thêm lợi nhuận, dân chúng có công ăn việc làm, mà được sử dụng như một căn cứ vĩ đại của hải quân Trung Quốc. Nhà nước Campuchia đã dâng cho Tập đoàn Liên hợp Phát triển Thiên Tân ít nhất 20% chiều dài toàn thể bờ biển quốc gia, gấp ba lần con số luật đất đai cho phép, để xây dựng căn cứ này. Theo điều ước 99-năm-nhượng-địa với cái giá rẻ hơn bèo 30 Mỹ kim một héc-ta, Trung Quốc sẽ làm chủ dải đất chiến lược này trong một thời gian rất dài. Không người Campuchia nào được phép làm bất cứ điều gì trên dải đất đó. Cả ngàn gia đình bị cướp đất, không một đồng xu bồi thường, và khi dân oan lên Phnom Penh khiếu kiện nhà nước thì bị cảnh sát bắt giam vào nhà tù.

    Nắm giữ hải cảng nước sâu Koh Kong, Trung Quốc kiểm soát cửa ngõ biển Nam Trung Hoa ra Ấn Độ Dương, đi luồn qua eo biển Malacca nhỏ hẹp và trắc trở. Từ lâu các chiến lược gia thế giới đều đồng ý rằng ai kiểm soát eo biển đó sẽ kiểm soát luôn Đông Nam Á, và có lẽ cả Đông Á, bởi đa phần dầu khí dùng thắp đèn và chế tạo xăng nhớt cho ô-tô chạy ở Nhật Bản và Nam Hàn đều phải đi qua vùng biển này.

    Đặt căn cứ quân sự tại Koh Kong, cùng với Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc tạo thành thế tam giác bao vây các quốc gia Đông Nam Á vào giữa, trong đó Việt Nam là cái đích dễ ngắm bắn nhất. Nếu chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia xảy ra (một điều không ai mong muốn, kể cả Trung Quốc), với tên lửa hành trình và một lực lượng phóng pháo / chiến đấu cơ tàng hình thế-hệ-thứ-năm J-20 tiên tiến, trong vòng 72 giờ, cả nước Việt Nam sẽ biến thành biển lửa, và “bài học” năm 1979 chỉ là cái “búng tai” thật nhẹ.

    Chiến tranh có thể không xảy ra, nhưng trong lúc ngồi đàm phán, bạn chẳng thể nào ở thế thượng phong nếu khẩu súng to đùng của phe địch lúc nào cũng lăm lăm chĩa vào đầu bạn.

    Ngoài Campuchia, các quốc gia khác trong vùng cho tới giờ phút này vẫn chưa bị Trung Quốc áp đặt một chế độ cho phép họ đem quân đội và vũ khí vào. Nhưng nếu cộng đồng thế giới làm ngơ vì quyền lợi nhỏ trước mắt để Trung Quốc tiếp tục sách lược “nói một đàng, làm một nẻo” thì sớm muộn Campuchia sẽ biến thành trạm gác của Trung Quốc. Sách lược ấy, họ không cần tìm kiếm đâu xa, mà chỉ cần giở lại thiên Kế sách trong binh pháp Tôn Tử. Cách đây hai nghìn năm trăm năm, Tôn Tử nói: “Binh giả, ngụy đạo dã.” Có nghĩa là: Dụng binh tác chiến là một hành vi ngụy tạo, giả trá, tấn công trong lúc đối phương không đề phòng, hành động ở chỗ đối phương không ngờ tới, mà mục đích cuối cùng vẫn luôn luôn là đánh thắng quân thù. Kỳ thực, xảo trá là tư tưởng chiến lược rất quan trọng xuyên suốt binh pháp Tôn Tử mà Tập Cận Bình cùng ban tham mưu của ông ta ngày nay áp dụng một cách triệt để trên chính trường thế giới.

    Các nhà nắm chính sách của Hoa Kỳ chắc chắn biết như thế, và Hoa Kỳ vừa ngấm ngầm vừa công khai giúp các quốc gia nhỏ trong vùng như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam những phương tiện kỹ thuật để rà soát mạng lưới an ninh hàng hải, bao gồm cả công tác dò thám hành động quân sự mật của Trung Quốc, và chia sẻ những thông tin này với Washington. Điều này trở nên cấp bách hơn bao giờ, và cần triển khai cho rộng lớn hơn. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh nếu không kịp thời ngăn chặn Trung Quốc biến Campuchia thành một pháo đài tiền tuyến thì đó sẽ là gót chân của Achilles trong sách lược ngăn chặn hiểm họa làn sóng bá quyền của Trung Quốc đang ồ ạt bành trướng phủ trùm lên toàn cõi Đông Á. Thêm nữa, dân tộc Campuchia cần được hỗ trợ để họ giữ vững chủ quyền đất đai, đòi hỏi có bầu cử tự do và lương thiện, hầu phục hồi lại thể chế độc lập và trung lập trên xứ sở vốn trải qua không biết bao nhiêu tai ương khốc hại suốt gần thế kỷ qua.

    Biết như vậy, Tổng thống Obama của Hoa Kỳ đã sớm “xoay trục” chính sách đối ngoại với chủ đích nhắm vào Á Châu nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ông Pat Mulloy, cựu thành viên của Ủy ban Xét duyệt Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, thì sách lược “xoay trục” xem-quân-sự-là-chính của Nhà Trắng đã để lộ ra sự thiếu hiểu biết cơ bản của Hoa Kỳ về yêu cầu cấp thiết tái dựng sức mạnh quốc gia tổng hợp. Ông đưa ra nhận định sau: “Tổng thống bảo chúng ta phải xoay trục sang Á Châu vì Trung Quốc đang vươn lên. Nhưng Trung Quốc vươn lên chính vì chúng ta đã để cán cân mậu dịch nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Do đó, phải chăng sẽ hợp lý hơn nhiều nếu chúng ta quân bằng cán cân ấy bằng cách chấm dứt ngay tình trạng giới tiêu thụ Mỹ tiếp tục nuôi cho Trung Quốc đi lên? Đấy mới là phương cách xoay trục sang Á Châu thật sự thông minh.”

    Câu nói của ông Mulloy nghe càng chua xót trong trận đại dịch Covid-19 khi người dân biết là 90% thuốc men của Hoa Kỳ là do Trung Quốc sản xuất và cung cấp!

    Giáo sư Tiến sĩ Peter Navarro, hiện đang là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Trump, thì đưa ra suy nghĩ sau về khó khăn này của Hoa Kỳ: “Để chống đỡ những thách đố khó khăn và các vấn đề kinh tế, an ninh nghiêm trọng gây nên bởi sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc, trước hết chúng ta phải có đồng thuận chính trị. Tuy vậy, rất khó đạt được sự đồng thuận như thế trong một thể chế dân chủ mở nơi những phe nhóm lợi ích tranh giành ảnh hưởng kinh tế chia nhau đặc quyền trong việc buôn bán với Trung Quốc, những nhóm “chính trị hành lang” sẽ tranh giành lẫn nhau chứ không chịu ngồi chung bàn để cùng hướng về một mục đích chung. Thêm nữa, trong khi chính quyền Cộng sản độc tài Trung Quốc có toàn quyền dùng báo chí, truyền thanh, truyền hình làm cái loa cho luận điểm của mình thì giới truyển thông Tây phương và các trường đại học Hoa Kỳ đều tự áp đặt một chế độ kiểm duyệt. Sự thật là “căn nhà chia rẽ” này đã từ lâu giải thích tại sao các nền dân chủ Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ, đã tỏ ra vô cùng chậm chạp khi phản ứng lại một Trung Quốc hận thù ấp ủ nhất quyết tiến lên chiếm lĩnh vai trò độc bá thế giới. Tuy nhiên, nếu tình trạng vùi-đầu-xuống-cát này tiếp diễn mãi thì kết cuộc của câu chuyện, tôi e là rất tệ.”

    Lời lẽ của giáo sư Navarro rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.

T. K. N.-C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn