Rừng ngày càng ít, sân golf ngày càng nhiều: Ai được lợi?

Trọng Hiệp

Diện tích rừng tự nhiên đang suy giảm, số lượng sân golf thì vẫn không ngừng tăng lên.

Việc chính phủ phê duyệt dự án đầu tư sân golf Đak Đoa (Gia Lai) thời gian qua đã khiến dư luận dậy sóng. Điểm mấu chốt là quá trình triển khai dự án này bao gồm việc “chuyển đổi mục đích sử dụng” hơn 174 hecta đất rừng, trong đó có hơn 150 hecta đất rừng thông gần 50 tuổi. Để so sánh, diện tích đó bằng 10 lần diện tích của Thảo cầm viên Sài Gòn.

“Chuyển đổi mục đích sử dụng” là một cách nói tránh. Nói thẳng ra, hơn 174 ha đất rừng sẽ không còn. Nhà đầu tư FLC sẽ biến nó thành một đại sân golf tiêu chuẩn quốc tế kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng. Mà đó mới chỉ là giai đoạn 1. Sang giai đoạn 2, họ sẽ chiếm trọn 500 ha rừng thông.

Cây rừng bị đốn hạ tại tỉnh Quảng Trị. Theo số liệu thống kê năm 2016, cả nước chỉ còn hơn 10 triệu hecta diện tích rừng tự nhiên. Ảnh: VnExpress.

Các cuộc thảo luận về việc nên hay không nên biến khu rừng thông cổ thụ thành sân golf đã được bàn thảo trước đó gần nửa năm. Trong đó, dự án này đã dấy lên nhiều lo ngại về tác động đến môi trường của việc xây dựng sân golf.

Các rủi ro có thể kể đến bao gồm việc làm mất đi thảm thực vật rừng vốn đã ổn định gần 50 năm, gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái tự nhiên, hay đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương.

Rừng thông Đak Đoa với đồi cỏ hồng đặc trưng là điểm tham quan của nhiều du khách mỗi khi đặt chân đến Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy/ baogialai.com.vn.

Dự án xóa sổ khu rừng thông cổ thụ được bật đèn xanh chỉ vài ngày trước khi thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh tại Việt Nam.

Chính phủ một bên cho phép phá rừng, bên kia hô hào trồng thêm rừng mới.

Trong khi đó, theo số liệu năm 2020, độ che phủ rừng của Việt Nam bình quân đạt 42%, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Lào (58%) hay Campuchia (47%). Mặc dù con số này vẫn đang dần tăng lên, nhưng chủ yếu là nhờ quá trình mở rộng diện tích rừng trồng, trong khi chất lượng rừng tự nhiên của Việt Nam thì lại giảm. Trong tổng số 10,3 triệu hecta diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam, chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình, còn lại 35% là rừng nghèo kiệt.

Cơn sốt sân golf

Theo ước tính của ông Phạm Thành Trí, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cứ trung bình hai tuần thì lại có một sân golf được cấp phép. Với tốc độ xây dựng như hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm từ 50 đến 100 sân golf.

Còn trong một phát biểu vào năm 2018, chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết việc đầu tư xây dựng sân golf là một trong những chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này. Cụ thể hơn, trong mục tiêu đến năm 2022, FLC dự kiến sẽ sở hữu khoảng 100 sân golf trên khắp 63 tỉnh, thành của cả nước. Ông Quyết lạc quan cho rằng, “mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một sân golf, tỉnh nhiều sẽ có hàng chục sân golf”.

Chưa hết, bạn có biết Việt Nam có hẳn một chiến lược phát triển sân golf?

Việt Nam hiện có 75 sân golf đang hoạt động. Riêng tập đoàn FLC sở hữu 30 sân. Ảnh: Sân golf Sầm Sơn của FLC.

Vào năm 2009, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf tại Việt Nam cho đến năm 2020. Theo nội dung của kế hoạch, dự kiến sẽ có 89 sân golf được xây dựng trên khắp cả nước cho đến 2020, trong đó có 19 sân đã đi vào hoạt động (vào thời điểm trên). Mục tiêu của định hướng quy hoạch nhằm “góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương”; đồng thời “tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước”.

Tuy vậy, triển vọng kinh tế của những dự án đầu tư này không cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Trên thực tế, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách quy hoạch thì nhiều sân golf đã mang lại doanh thu không như kỳ vọng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), chi phí đầu tư cho một lỗ golf tiêu tốn ít nhất một triệu USD. Do đó, một sân golf 18 lỗ tại Việt Nam trung bình sẽ cần ít nhất 30.000 lượt người chơi trong một năm nếu muốn thu hồi lại vốn, và cần 33.000 lượt người chơi nếu muốn có lợi nhuận 10%. Vào năm 2013, chỉ có khoảng 10 trong tổng số 32 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam là kinh doanh hòa vốn hoặc thu về được một ít lãi.

Những dự án đô thị sân golf tích hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hiện đang được nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam chọn làm hướng phát triển chính. Tuy nhiên, việc phát triển tràn lan những dự án kiểu này đang mang lại ảnh hưởng đến môi trường và gây lãng phí tài nguyên đất.

Muôn vàn sai phạm

Dự án sân golf của FLC tại Đak Đoa không phải là lần đầu tiên tập đoàn này xin chuyển đổi mục đích sử dụng của đất rừng để triển khai dự án.

Nhiều công trình xây dựng sân golf khác của FLC trên khắp đất nước cũng đang biến rừng thành các khu nghỉ dưỡng hạng sang. Có thể kể đến như quần thể FLC Hạ Long lấy 100 ha đất rừng, FLC Quảng Bình vẫn đang thu hồi đất rừng phòng hộ ven biển cho dự án có tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ, hay FLC Sầm Sơn với những sai phạm về chiếm dụng đất trái phép.

Vào năm 2014, đại dự án sân golf và resort nghỉ dưỡng của FLC tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đã xóa sổ hàng chục hecta đất rừng phòng hộ, cũng như chiếm dụng hơn 15 hecta đất rừng và đất ven biển nằm ngoài quy hoạch.

Theo ước tính sơ bộ trên các trích lục bản đồ giao đất, tổng diện tích rừng phòng hộ mà chính quyền tỉnh Thanh Hóa chuyển giao cho FLC là trên 43 hecta, trong khi Điều 58 của Luật Đất đai năm 2013 quy định rằng việc chuyển mục đích sử dụng từ 20 hecta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên phải có văn bản chấp thuận của thủ tướng chính phủ.

Trước đó, trong quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu FLC phối hợp với chính quyền địa phương trong việc “nghiên cứu, tính toán kỹ việc giữ chiều dày lớp rừng phòng hộ ven biển”, FLC sau đó cũng đã cam kết thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Người Lao Động, hầu như tất cả diện tích rừng phòng hộ phía giáp biển đều đã bị FLC xóa sổ. Hàng phi lao chắn sóng từng chạy dọc theo bãi biển Sầm Sơn, theo người dân địa phương, chỉ còn sót lại một số cây ở cuối dự án sân golf.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển Sầm Sơn đã bị dọn sạch để nhường chỗ cho dự án của FLC. Ảnh: Dân Trí.

Không khó để tìm được những thông tin về các sai phạm tương tự trong việc thực hiện các dự án xây dựng sân golf.

Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Hoà Bình đã tiến hành thu hồi hơn 60 hecta trong tổng số 140 hecta đất trồng rừng được phê duyệt để xây dựng sân golf không nằm trong quy hoạch. Theo đó, tỉnh này đã chuyển giao hơn 140 hecta đất lâm nghiệp cho doanh nghiệp để làm sân golf, bên cạnh các dự án xây dựng viện dưỡng lão, công viên tâm linh và khu nhà ở sinh thái trên hơn 66 hecta đất thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Hoà Bình.

Một số nhà đầu tư đã xin làm dự án sân golf ở những khu vực đắc địa như sát biển, ven sông, hay gần rừng tự nhiên với mục đích chiếm hữu nhiều quỹ đất, bao gồm đất nông nghiệp và đất rừng. Trên thực tế, các doanh nghiệp này lại tận dụng những khu phức hợp sân golf để xây dựng bất động sản và kinh doanh dịch vụ, hoặc tự ý mua bán và chuyển nhượng lại cho những nhà đầu tư thứ cấp mà không theo quy định của pháp luật.

Những tác động về môi trường của quá trình xây dựng và bảo quản sân golf thì đã được cảnh báo từ lâu.

Trong một báo cáo về các tác động của hoạt động du lịch đến môi trường, Dự án môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme) đã đưa ra một số cảnh báo của việc xây dựng sân golf. Vấn đề nổi bật nhất được nêu lên trong báo cáo này là “làm cạn kiệt nguồn nước sạch dự trữ” và dẫn đến tình trạng thiếu nước “ở những khu vực có nguồn tài nguyên hạn chế”.

Thêm nữa, các sân golf cũng sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt côn trùng để duy trì cảnh quan nhân tạo. Các loại hóa chất này một khi bị lạm dụng quá mức thì có thể ngấm vào lòng đất và làm ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt (surface water), từ đó có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống tại khu vực xung quanh.

Các hóa chất dùng để duy trì thảm cỏ nhân tạo tại các sân golf có nguy cơ ngấm vào lòng đất và gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt. Ảnh: Pennsylvania Record.

Không chỉ xảy ra ở Việt Nam, cơn sốt đầu tư ồ ạt cho các dự án sân golf cũng đã từng diễn ra tại Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2006.

Tuy nhiên, lượng cung vượt cầu, kinh tế suy thoái, cũng như việc môn thể thao này đang mất dần sức hấp dẫn đối với thế hệ millennials (những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) là những lý do đang khiến nhiều sân golf tại Hoa Kỳ buộc phải ngừng hoạt động. Trong thập niên vừa qua, có khoảng 800 sân golf tại quốc gia này đã đóng cửa.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Thể thao và Sức khỏe (Sports & Fitness Industry Association), bắt đầu từ năm 2009, tỷ lệ tham gia chơi golf của nhóm người thuộc độ tuổi từ 18 đến 24 tại Hoa Kỳ đã giảm khoảng 13%, trong khi tỷ lệ tham gia những môn thể thao năng động hơn như chạy bộ tăng đến 29%. Một số ý kiến cho rằng, việc tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí đắt đỏ và không còn hợp thời là những lý do chính giải thích vì sao golf không còn hấp dẫn đối với những người trẻ.

***

Nhìn lại tổng quan bức tranh quy hoạch sân golf của Việt Nam, có lẽ hai câu hỏi mà người viết, hay bất cứ ai cũng sẽ đặt ra đối với các dự án này là “tại sao?” và “để làm gì?”.

Tại sao lại ồ ạt xây dựng sân golf bất chấp các rủi ro về môi trường và những tiếng nói phản đối? Và thi công những dự án này để làm gì khi lợi ích kinh tế chưa chắc đã được đảm bảo, sai phạm thì đầy rẫy, còn hậu quả đối với đời sống của người dân địa phương là nhãn tiền?

Liệu chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ những mảnh rừng hiếm hoi còn sót lại cho thế hệ tương lai, hay sẽ nhắm mắt đánh đổi môi trường để lấy những công trình xa hoa trước mắt?

T.H.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn