Tự do ngôn luận ở xứ sở mà chính quyền là ông chủ

Tấn Thành

RSF chỉ trích bản án 8 năm tù cho cựu nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu (VOA)

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hôm 27/4 lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam khi đưa ra bản án 8 năm tù đối với nhà báo và blogger Trần Thị Tuyết Diệu và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho phóng viên từng làm việc cho một tờ báo của Đảng Cộng sản.

Bà Diệu bị một toà án ở tỉnh Phú Yên kết án 8 năm tù giam hôm 23/4 với cáo buộc “tuyên tuyền chống Nhà nước” theo điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam sau khi đăng tải các bài viết và video trêng trang Facebook và YouTube cá nhân.

Theo RSF, nhà báo từng làm việc cho báo Đảng này đã “tuyên truyền và cung cấp cho đồng bào của mình những tin tức và thông tin độc lập và đáng tin cậy qua internet”. Vẫn theo tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, nhà báo mới bị kết án đã viết bài về các chủ đề “bị cấm kỵ” như tham nhũng của các quan chức, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyên và sự thiếu phản ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước các cuộc xâm nhập của hải quân Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam.

Hoa Kỳ lên tiếng về việc các phóng viên Báo Sạch bị Việt Nam bắt (RFA)

Hoa Kỳ bày tỏ lo lắng về việc cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ ba phóng viên thuộc nhóm Báo Sạch là Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã và Đoàn Kiên Giang vào ngày 20 tháng Tư vừa qua.

Phát ngôn nhân Ned Price của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thông cáo phát đi vào chiều tối ngày 26 tháng Tư giờ miền Đông nước Mỹ cho biết như vừa nêu. Ba nhà báo bị bắt với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam và biện pháp đó được tiến hành sau khi một thành viên khác của nhóm Báo Sạch bị bắt vào năm ngoái là Trương Châu Hữu Danh cũng cùng tội danh.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc bắt giữ bốn phóng viên nhóm Báo Sạch là hành động mới nhất trong xu thế đáng ngại tại Việt Nam về biện pháp giam giữ và buộc tội những công dân chỉ vì họ thực thi quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.

Hoa Kỳ kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ một cách bất công, đồng thời hãy cho phép tất cả mọi công dân được bày tỏ quan điểm một cách tự do và không sợ bị trả thù.

Washington cũng kêu gọi chính phủ Hà Nội bảo đảm các hoạt động được nhất quán với những điều khoản nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam và những nghĩa vụ cùng cam kết quốc tế đã ký kết.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại tự do báo chí là nền tảng căn bản cho công tác quản trị của chính phủ có trách nhiệm và minh bạch. Các tác giả, bloggers và phóng viên thường phải tác nghiệp trước bao nguy hiểm, và Hoa Kỳ kêu gọi các chính phủ cùng công dân khắp nơi trên thế giới bảo đảm việc bảo vệ cho những người đó.

Cái giá của tự do ở Việt Nam thực sự cay đắng. Hoặc bạn im miệng, hoặc bạn ngồi tù.

Ảnh: Loan Phạm/ Việt Nam Thời Báo.

Vào hai năm trước, một chiếc xe tuk tuk đưa đoàn nhà báo quốc tế ngoằn ngoèo qua những con hẻm ở Chiang Mai, Thái Lan, rồi dừng lại trước một trạm phát thanh tư nhân. Chú Sangmuang Mangkorn đưa đoàn chúng tôi vào tham quan MAP Radio. MAP là chữ tiếng Anh viết tắt của Migrant Assistance Programme – Chương trình hỗ trợ lao động di cư.

Nếu bạn nghĩ một trạm phát thanh phải thật to lớn với máy móc phải tối tân thì hãy đến xem MAP Radio. Ở đó chỉ có hai phòng phát thanh nhỏ. Hai nhân viên đang thực hiện chương trình trực tiếp vẫy chào chúng tôi sau tấm kính cách âm. Đó là tất cả những gì họ có.

Chú Sangmuang và những người bạn thành lập MAP Radio vào năm 1996, khi một luồng lao động di cư từ Myanmar đến Chiang Mai để tham gia các công trình xây dựng mọc lên như nấm. Những công nhân người Myanmar thường xuyên gặp rắc rối ở Thái Lan, và không biết tìm kiếm thông tin từ nguồn nào. MAP Radio vừa là đài phát thanh về quyền lao động, sức khỏe, giáo dục, luật pháp phục vụ người lao động di cư, vừa là tổ chức vận động quyền cho những lao động này. MAP Radio phát thanh bằng một số tiếng mẹ đẻ của lao động di cư.

Một phòng thu ở MAP Radio – Chương trình hỗ trợ lao động di cư. Ảnh: MAP Radio/ Facebook.

Năm 2018, Malaysiakini, báo tin tức trực tuyến bằng bốn ngôn ngữ ở Malaysia, phát hành một ấn phẩm báo chí dữ liệu về những cái chết trong đồn cảnh sát. Tờ báo này khám phá ra rằng chỉ có khoảng 1/4 những trường hợp người chết trong đồn cảnh sát nước này được người dân chú ý đến. Tờ báo đã lập một trang riêng tổng hợp thông tin về những cái chết trong đồn cảnh sát, những cách cơ bản để bảo vệ bản thân, và trải nghiệm trở thành nạn nhân trong một vụ bắt giữ.

Năm 2021, tờ Malaysiakini bị tòa án Malaysia phạt 500.000 RM (hơn 120.000 USD) vì cho rằng năm bình luận của độc giả trên website báo này làm giảm lòng tin công chúng đối với ngành tư pháp. Ngay sau khi có quyết định xử phạt, Malaysiakini kêu gọi độc giả quyên góp tiền để họ nộp phạt. Chỉ sau vài giờ, số tiền quyên góp đã vượt qua số tiền nộp phạt.

So với phần còn lại của Đông Nam Á, tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một bức tranh rất khác.

Năm 2018, cũng liên quan đến việc thu thập thông tin về án mạng trong đồn công an, một nhà hoạt động ở Việt Nam phải nhận bản án 10 năm tù giam. Người đó là nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Sau hai năm ngồi tù, cô phải sang Mỹ tị nạn chính trị.

Năm 2020 là một năm nặng nề đối với báo chí ở Việt Nam. Báo chí chính thống bẻ lái theo quy hoạch báo chí của chính phủ. Báo chí độc lập mất đi trang Báo Sạch, mất ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, mất đi Phạm Đoan Trang, mất gia đình nhà hoạt động Cấn Thị Thêu cùng hai con trai, cùng rất nhiều người khác. Tất cả đều đang bị giam giữ vì những phát ngôn, hoạt động không làm hài lòng chính quyền.

Còn vài tháng nữa, Chung Hoàng Chương, chủ cửa hàng sim số tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ sẽ mãn án tù giam 18 tháng. Chương bị bắt vào đầu năm 2020 vì chia sẻ, bình luận những bài viết về sự kiện Đồng Tâm. Bài đăng cuối cùng trên Facebook của anh có khoảng 1.400 bình luận, rất nhiều trong số đó là bình luận sỉ vả anh vì dám chống chính quyền.

Cái giá của việc thực hành quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam thực sự cay đắng. Hoặc bạn im miệng, hoặc bạn ngồi tù.

Khi chính quyền hành xử như ông chủ

Các tội danh hình sự buộc tội người thực hành quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, dù là Điều 331 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ…), Điều 117 (… tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước…) hay Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), chung quy đều là những tội danh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ trái sang, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn – ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã bị kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự. Ảnh: Luật Khoa tổng hợp.

Trong các cáo buộc như thế, nhà nước thường đánh đồng quyền lợi của đảng và quyền lợi của người dân. Khi quyền lợi của đảng bị ảnh hưởng thì quyền lợi của nhân dân cũng bị sứt mẻ.

Có lẽ bạn cảm thấy quen thuộc với mối liên hệ này. Đây là mối liên hệ thường xuyên xuất hiện trong các doanh nghiệp, giữa người lao động và giới chủ. Khi doanh nghiệp làm ăn khó khăn thì lương bổng của người lao động sẽ bị ảnh hưởng hoặc ngược lại.

Việt Nam luôn tuyên truyền về quyền làm chủ của người dân. Nhưng trong thực tế, đảng và chính quyền lại hành xử như người làm chủ. Nếu người dân chỉ trích họ, họ sẵn sàng trừng phạt người đó. Đảng khẳng định quyền làm chủ, chứ không phải nghĩa vụ phục vụ.

Trong doanh nghiệp, ông chủ có quyền xử phạt, đuổi việc người lao động vì họ là chủ sở hữu. Tuy nhiên, đất nước Việt Nam không phải do đảng sở hữu. Quyền sở hữu đất nước hoàn toàn thuộc về người dân.

Tại Myanmar, chính quyền quân sự do các tướng lĩnh quân đội nắm quyền đã kiểm soát đất nước trong một thời gian dài. Sau khi chuyển đổi sang chính quyền dân sự, quân đội mặc định họ sẽ luôn có 25% số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, chính quyền trung ương và địa phương được những lãnh đạo dân sự điều hành.

Nếu thay cái mác tướng lĩnh quân sự thành mác đảng viên một đảng, tình hình Việt Nam còn tệ hơn Myanmar. Từ Quốc hội, tòa án, viện kiểm sát, chính quyền trung ương, đến các cấp địa phương, tất cả đều do đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền điều hành. Ngay cả trong bầu cử, Đảng cũng cử thành viên ra ứng cử, dàn xếp sao cho đảng đảm bảo được quyền lợi của mình. Một chính quyền như vậy không để người dân có một lựa chọn nào khác, ngoài việc phục tùng.

Tác dụng phụ của kiểm soát báo chí

Có bao giờ bạn tự hỏi một ngày bạn đọc tin tức về Việt Nam như thế nào? Bạn có thể nghe đài khi làm vào buổi sáng, buổi trưa đọc báo mạng, buổi tối sau giờ làm xem TV hoặc xem mạng xã hội. Ngoại trừ mạng xã hội, những kênh thông tin còn lại mà bạn xem gần như được nhà nước kiểm soát hoàn toàn.

Một người dân đọc báo đảng ở Hà Nội. Ảnh: AFP.

Hãy tưởng tượng bạn sống trong một khu dân cư mà chỉ được phép mua hàng ở một cửa hàng thực phẩm. Những hàng hóa trong cửa hàng đó sẽ quyết định bạn ăn gì trong ngày. Nếu hàng hóa dồi dào, bạn có thể đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình. Nếu hàng hóa thiếu thốn hoặc kém chất lượng, bạn cũng đành chịu. Nói cách khác, sức khỏe của bạn và gia đình phụ thuộc vào cửa hàng đó, phụ thuộc vào chủ cửa hàng nhập hàng hóa nào.

Bây giờ hãy hình dung, nếu có nhiều cửa hàng trong khu phố, bạn không thích thực phẩm ở cửa hàng này thì có thể đến cửa hàng khác mua sắm. Các cửa hàng sẽ cạnh tranh với nhau cung cấp cho bạn những thực phẩm tốt nhất, họ tôn trọng nhu cầu của bạn, vì đáp ứng nhu cầu của bạn sẽ giúp họ tăng doanh thu.

Kiểm soát báo chí cũng giống như chuyện chỉ cho phép người dân mua hàng ở một cửa hàng duy nhất. Trong nhiều thập niên qua, chính quyền đã quyết định người dân nên biết gì và không nên biết gì. Họ quyết định những tòa soạn nào hoạt động, hoạt động như thế nào, không được đăng những tin tức gì… Toàn bộ việc kiểm soát này sẽ quyết định bạn tiếp cận thông tin như thế nào.

Báo chí độc lập mới là kênh thông tin tốt nhất đối với người dân. Một người dân bình thường không có đủ thời gian để tự tìm hiểu các vấn đề có thể ảnh hưởng đến họ. Một trạm thu phí không minh bạch được xây dựng, một cánh rừng bị biến thành sân golf, các loại thuốc chữa bệnh bị làm giả, các quan chức tham nhũng, ngân sách nhà nước bị sử dụng lãng phí, vấn đề về cải cách giáo dục… đều là những sự việc cần sự tham gia của báo chí. Và chỉ khi có sự độc lập, các nhà báo mới có thể mang đến những thông tin thực sự có giá trị.

Rất tiếc, mỗi người chúng ta đã bị ép buộc phải mua sắm ở một cửa hàng quá lâu. Chúng ta thậm chí không dám biểu lộ nhu cầu về tin tức của mình bởi việc đó là quá nguy hiểm. Thậm chí, một số người đã không còn biết bản thân thực sự có nhu cầu thông tin gì.

Không có thông tin độc lập, người dân không thể phản biện và ngày càng mất đi tiếng nói của mình. Rốt cuộc, họ sẽ không còn khả năng làm chủ nữa, hoặc sẽ trở thành một người chủ bù nhìn.

T.T.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Nguồn: Luật khoa

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn