Vỗ ngực về năng lực học lỏm, Trung Quốc có thể trả giá đắt khi đòi như "nước Nga của ông Putin"

Nam Anh

Vỗ ngực về năng lực học lỏm, Trung Quốc có thể trả giá đắt khi đòi như "nước Nga của ông Putin"

Ảnh minh họa (Nguồn: Daily Express)

Trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc và Nga đang ấm áp dần lên như hiện nay, thì gần như chắc chắc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lấy "nước Nga của ông Putin" làm hình mẫu.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân, Giám đốc trung tâm Keck về các nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại trường Đại học Claremont McKenna và là thành viên cao cấp của Quỹ Marshall (Mỹ) hôm 13/6 đã có bài viết gây chú ý trên tờ Nikkei Asia của Nhật.

Mở đầu bài viết, ông cho rằng, Trung Quốc lâu nay vẫn luôn vỗ ngực tự hào về năng lực "học lỏm" những kinh nghiệm sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.

Một Trung Quốc đã "rất khác" dưới thời ông Tập

Sau sự kiện chấn động thế giới này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc mở các công trình nghiên cứu hàn lâm, liên tục tổ chức các cuộc hội thảo để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao một đất nước hùng mạnh như Liên Xô lại sụp đổ.

Đây hoàn toàn không phải là một chiến lược không hiệu quả. Những bài học mà Bắc Kinh nghiệm ra được - chẳng hạn như sự xâm chiếm quá mức của chủ nghĩa đế quốc, một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và kinh tế trì trệ - đã giúp Trung Quốc hình thành chiến lược tồn tại của mình trong thời kỳ "hậu Thiên An Môn".

Theo ông, có thể nói rằng, nhìn chung, Bắc Kinh đã được hưởng lợi từ những bài học trên - cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng một chiến lược hoàn toàn mới sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012.

Giờ đây, theo vị chuyên gia này, Trung Quốc đã thực sự trở lại chế độ nắm quyền độc đoán và trong bối cảnh đang bị cộng đồng quốc tế "quay lưng" như hiện nay, Bắc Kinh nên nhìn lại mình và nhìn lại một nước Nga dưới hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Thực tế hiện nay cho thấy, Trung Quốc đang đi trên con đường đầy nguy hiểm tương tự như con đường đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, điển hình là Chiến tranh Lạnh đang bùng nổ với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh còn có những nguy cơ hoàn toàn khác. Về mặt lý thuyết, việc tránh lặp lại những sai lầm mà ông Putin đã mắc phải, phần nào đó cũng sẽ giúp củng cố vị thế của đảng cầm quyền khi ông Tập bắt đầu thập kỷ cầm quyền lần thứ hai.

Chắc chắn, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn vẽ ra một bức tranh ấn tượng của "kỷ nguyên Putin", xem đó là sự thành công ngoạn mục. Trong đó, người hùng của nước Nga đã giúp vực dậy nền kinh tế, khôi phục trật tự và khôi phục vị thế cường quốc một thời của nước này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Bùi Mẫn Hân, thực tế lại hoàn toàn khác.

Vỗ ngực về năng lực học lỏm, Trung Quốc có thể trả giá đắt khi đòi như nước Nga của ông Putin - Ảnh 1.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân. Ảnh: You Tube

"Hình mẫu" từ nước Nga

Giáo sư Bùi Mẫn Hân cho hay, thập kỷ cầm quyền đầu tiên của ông Putin, trùng với thời điểm giá dầu tăng, đã giúp kinh tế Nga phục hồi. Mặc dù nhà lãnh đạo này đã ngay tức thì "dẹp loạn" nền dân chủ non trẻ của Nga trong vòng vài năm sau khi lên nắm quyền vào năm 1999, nhưng từ đó, ông Putin không tìm cách uốn cong địa chính trị của Nga cho đến nhiệm kỳ thứ hai.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 vào năm 2012 (ông Putin giữ chức thủ tướng từ năm 2008- 2012), nhà lãnh đạo này đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm vào chiến lược tương tự để đưa nước Nga vĩ đại trở lại.

Nhưng thành tích của ông chủ Điện Kremlin trong 9 năm qua vẫn ẩn chứa những sai lầm đắt giá. Về kinh tế, Nga vẫn phụ thuộc vào dầu khí, trong đó dầu mỏ và khí đốt chiếm 39% nền kinh tế vào năm 2018. Dự án đầy tham vọng của Điện Kremlin nhằm phát triển các ngành công nghệ cao và đa dạng hóa nền kinh tế vẫn chỉ là nằm trên giấy.

Và hậu quả tai hại nhất trong chính sách đối ngoại của ông Putin là cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh với các nước phương Tây. Tổng thống Putin có thể cảm thấy hài lòng về chuỗi thành tích chiến thuật quân sự của mình như: cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine, can thiệp quân sự ở Syria, can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để giúp ông Donald Trump chiến thắng (cáo buộc này Moscow cho đến nay vẫn luôn bác bỏ).

Nhưng tổn thất kinh tế là đáng kinh ngạc. Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm vào Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Moscow đã khiến nền kinh tế nước này tổn thất nặng nề. Cuộc chiến ủy nhiệm đang hoành hành ở miền đông Ukraine đang tiêu hao nguồn lực lớn.

Đứng trước áp lực trừng phạt về kinh tế và cả sự cô lập về ngoại giao, ông Putin phải ngả về Trung Quốc, một liên minh chiến thuật mà ông sẽ tránh xa nếu được lựa chọn. Tổng thống Putin đã duy trì lập trường kiên quyết lạnh lùng đối với Trung Quốc trong thập kỷ cầm quyền đầu tiên.

Vỗ ngực về năng lực học lỏm, Trung Quốc có thể trả giá đắt khi đòi như nước Nga của ông Putin - Ảnh 2.

Theo GS Bùi Mẫn Hân, sự cô lập trên trường ngoại giao đã đẩy Nga về phía Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc nên làm gì?

Theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, nếu muốn tránh vấp phải những khó khăn mà nước Nga đang gặp phải, thì Trung Quốc nên chú trọng đến một số bài học quý giá của "chủ nghĩa Putin".

Đầu tiên là "đừng bao giờ đặt chiếc xe địa chính trị lên trước con ngựa kinh tế". Sai lầm lớn nhất của ông Putin là đánh giá quá cao sức mạnh của mình và đối đầu với phương Tây trong khi kinh tế chưa mạnh.

Nga có thể sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân, nhưng cũng lộ những điểm yếu về cơ cấu kinh tế - chẳng hạn như sự phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, một nền kinh tế chỉ bằng 1/10 quy mô của Mỹ và thiếu thương mại công nghệ cao. Tất cả sẽ khiến nước này không thể công khai duy trì chính sách đối ngoại đầy tham vọng.

Do đó, những thành công mà họ nhìn nhận hầu hết chỉ tạo ra những lợi ích địa chính trị ảo tưởng. Ví dụ, sự can thiệp quân sự Nga ở Syria có vẻ là một bước đi sáng suốt nhưng nó chỉ nằm trên giấy. Thực tế là Nga khó có được lợi ích lâu dài vì Trung Đông quá xa so với khu vực lân cận của Moscow.

Một bài học khác mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc có được từ Nga là không đánh giá thấp cái giá phải trả khi đối đầu với phương Tây. Mỹ và các đồng minh sở hữu hàng loạt công cụ tấn công, trả đũa. Chẳng hạn như trong cuộc đối đầu giữa hai bên trong vấn đề Ukraine, Mỹ và phương Tây ra đòn trừng phạt tài chính, hạn chế công nghệ và viện trợ cho Ukraine khiến Nga bị ảnh hưởng nặng nề.

Bài học cuối cùng mà Trung Quốc nên lưu ý là: không có cơ hội sửa chữa sai lầm ở giữa nhiệm kỳ. Mọi thứ có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ cầm quyền lần hai của các nhà lãnh đạo vì hầu hết họ thường bị kiệt sức.

Nếu không thể thực hiện các cam kết đề ra trong thập kỷ nắm quyền đầu tiên, hầu hết các nhà lãnh đạo khó có thể hoàn thành được nhiều việc trong thập kỷ thứ hai. Đồng thời, các nhà lãnh đạo còn có xu hướng tái phạm sai lầm hơn là sửa chữa vì mối lo ảnh hưởng quyền lực.

Trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc và Nga đang ấm áp dần lên như hiện nay, thì gần như chắc chắc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lấy "nước Nga của ông Putin" làm hình mẫu. Nhưng họ thật sự đang mắc sai lầm rất lớn.

Theo tác giả bài viết, nếu có ý định đi theo con đường mà ông Putin đã đi một thập kỷ trước, hình ảnh "nước Nga hôm nay" cũng có thể sẽ chính là hình ảnh của "Trung Quốc ngày mai".

N.A.

Nguồn: SOHA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn