Lo ngại đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế "quá lớn", khó tránh trục lợi

H. Anh

Cho rằng đưa ra nền kinh tế 1 triệu tỷ đồng, qua việc hỗ trợ 4% lãi suất trong 2 năm có thể dẫn tới những hệ lụy như trục lợi chính sách, dòng tiền chảy vào lĩnh vực phi sản xuất, chuyên gia đề xuất đưa ra nền kinh tế 330.000 tỷ/năm, hỗ trợ lãi suất không quá 3%/năm.

Đưa 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế "quá lớn", khó tránh trục lợi

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ này đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ này đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng và hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. (Ảnh: ABB)

Như vậy, nếu hỗ trợ 4%/năm thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sau đó tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng, giảm bội chi ngân sách vào những thời kỳ sau.

Liên quan đến đề xuất này, tại một tọa đàm vừa diễn ra, TS.Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia cho rằng, 1 triệu tỷ đồng là con số "e rằng quá lớn".

Theo ông Lực, không nên hỗ trợ đến mức 1 triệu tỷ đồng thông qua gói hỗ trợ lãi suất bởi con số 1 triệu tỷ đồng rất lớn, có thể dẫn tới việc hỗ trợ đại trà và vượt quá khả năng ngân sách nhà nước.

Về mức lãi suất hỗ trợ, ông Lực cho rằng hỗ trợ lãi suất chỉ nên cân nhắc không quá 3%/năm. Lý do, theo TS.Cấn Văn Lực với mức hỗ trợ lãi suất lớn có thể dẫn tới việc trục lợi chính sách, doanh nghiệp vay đem đi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán... gây rủi ro cho nền kinh tế; hoặc đem gửi lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất như một số thực trạng đã diễn ra khi thực hiện gói hỗ trợ lãi suất hồi năm 2009.

Như vậy, thay vì đưa vào nền kinh tế 1 triệu tỷ đồng như đề cập của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trước Quốc hội, theo vị chuyên gia này, Chính phủ có thể cân nhắc gói hỗ trợ lãi suất tổng giá trị 20.000 tỷ đồng trong 2 năm và mức hỗ trợ lãi suất là 3%/năm. Tức là, thay vì tung 1 triệu tỷ đồng, thì chỉ cần tung ra 667.000 tỷ đồng trong 2 năm, tương đương mỗi năm chỉ đưa vào nền kinh tế khoảng 330.000 tỷ đồng.

Cùng quan điểm với TS.Cấn Văn Lực, ông Trần V.T – Giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao cũng bày tỏ lo ngại về câu chuyện "xin – cho", trục lợi chính sách.

"Chẳng hạn doanh nghiệp A đạt 8 tiêu chí, doanh nghiệp B đạt 10 tiêu chí nhưng doanh nghiệp A có quan hệ với ông nọ bà kia,… có khi lại được hỗ trợ còn doanh nghiệp B lại không. Đây không phải là vấn đề mới, mà nó là thực tế đã xảy ra, vì vậy doanh nghiệp cũng rất quan ngại vấn đề này", vị này chia sẻ với Dân Việt.

Không nên hỗ trợ cào bằng

Cũng theo ông Trần V.T, việc có được 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế với hỗ trợ lãi suất 4% từ nhà nước là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi.

Tuy nhiên, điều ông T. băn khoăn là, liệu gói hỗ trợ này có đi vào thực tiễn hay không khi các gói hỗ trợ trước vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng?

"Doanh nghiệp tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tàu kinh tế của tỉnh. Bản thân doanh nghiệp luôn tăng đầu tư, tăng giá trị mang lại cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Trong quan hệ tín dụng, doanh nghiệp cũng không có nợ xấu mà 3 năm nay theo đuổi các gói hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được. Các ngân hàng cũng chia sẻ với chúng tôi, dù có chủ trương nhưng trong quá trình triển khai rất nhiều vướng mắc khiến ngân hàng không đủ mạnh dạn để cho doanh nghiệp vay,… Vì vậy, chủ trương là tốt nhưng mấu chốt vẫn nằm ở việc triển khai", vị này nói với PV Dân Việt.

Còn theo TS.Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, không cào bằng trong việc hỗ trợ, thay vào đó cần có sự đánh giá một cách chính xác đối tượng bị tác động của dịch bệnh từ đó có những hỗ trợ phù hợp kể cả lãi suất cũng như các chính sách khác. Bởi thứ nhất, nguồn ngân sách có hạn, thứ hai là dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng. Đó là chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng khai báo không trung thực để được hỗ trợ.

Liên quan đến quá trình triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất sắp tới, các chuyên gia cho rằng, ngay cả như các quốc gia phát triển như Mỹ vẫn xảy ra sai sót trong việc hỗ trợ thì Việt Nam cũng cần phải chấp nhận mức độ sai sót nhất định trong quá trình triển khai. Bởi nếu coi sai sót đó là vấn đề hình sự hóa và quy trách nhiệm hình sự thì sẽ rất khó triển khai gói do cả ngân hàng và doanh nghiệp e sợ không dám triển khai, như vậy là gói không thực hiện được.

H.A.

Nguồn: Dân Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn