Tự do tôn giáo có giới hạn không? (phần I)

Thục-Quyên

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo/niềm tin được ghi nhận bởi Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền UDHR, sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa bởi Điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, ICCPR (*1)

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo /niềm tin có nhiều khía cạnh và nó đan xen với các quyền con người khác

Trong Bình luận chung CCPR số 22, thông qua tại Kỳ họp thứ 48 của Ủy ban Nhân quyền, vào ngày 30.07.1993 (CCPR / C / 21 / Rev.1 / Add.4, General Comments 22), Ủy ban đã diễn giải rõ ràng và chi tiết Điều 18 ICCPR để hướng dẫn những quốc gia thành viên đã ký, phê chuẩn và gia nhập ICCPR, giúp họ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, bảo vệ và phát huy.

Điều khoản 18 ICCPR và diễn giải của Ủy ban Nhân quyền LHQ

18.1. Mọi người đều phải có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo/niềm tin. Quyền này phải bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin, một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như trong việc thờ phụng, thực hiện lễ nghi, thực hành và truyền giảng.

Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo (bao gồm cả quyền tự do có niềm tin) trong Điều 18.1 có nghĩa theo cả chiều rộng và chiều sâu; nó bao gồm quyền tự do suy nghĩ về mọi vấn đề, niềm tin cá nhân, và sự gắn bó với tôn giáo hoặc niềm tin, cho dù được thể hiện với tư cách cá nhân hay cùng với những người khác trong cộng đồng.

Ủy ban lưu ý các Quốc gia thành viên là tự do tư tưởng và tự do lương tâm được bảo vệ bình đẳng với tự do tôn giáo và niềm tin.

Đặc điểm cơ bản của quyền tự do này còn thể hiện ở chỗ không thể bị suy chuyển, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp cộng đồng (như đã nêu trong điều 4.2 của Công ước) (*2)

18.2. Không ai có thể bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc niềm tin do họ chọn lựa.

Điều 18 bảo vệ các niềm tin hữu thần, phi hữu thần và vô thần, cũng như quyền không theo bất kỳ tôn giáo hoặc niềm tin nào.

Thuật ngữ “niềm tin” và “tôn giáo” được hiểu theo nghĩa rộng. Điều 18 không chỉ áp dụng giới hạn với các tôn giáo truyền thống hoặc các tôn giáo và niềm tin có hệ thống tổ chức hoặc có tính cách tương tự như các tôn giáo truyền thống.

Do đó, Ủy ban lưu tâm đến mọi xu hướng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ tôn giáo hoặc niềm tin nào vì bất kỳ lý do gì, bao gồm cả trường hợp tôn giáo/niềm tin này mới được thành hình hoặc là các nhóm tôn giáo thiểu số (mà có thể) là đối tượng của sự thù nghịch trong cộng đồng của tôn giáo chiếm đa số.

Ủy ban xét rằng quyền tự do có hoặc theo một tôn giáo/niềm tin, nhất thiết đòi hỏi có quyền tự do lựa chọn tôn giáo/niềm tin, bao gồm quyền thay đổi tôn giáo/niềm tin hiện tại của mình bằng một tôn giáo/niềm tin khác kể cả bằng các quan điểm vô thần, cũng như quyền duy trì tôn giáo/niềm tin của mình.

Điều 18.2 cấm các hành vi cưỡng ép có thể làm tổn hại đến quyền có hoặc theo một tôn giáo/ niềm tin, bao gồm các hình thức đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp trừng phạt hình sự, để buộc các tín đồ hoặc những người có niềm tin, phải tiếp tục tuân theo giáo đoàn hay niềm tin cũ, hoặc buộc họ từ bỏ tôn giáo/niềm tin cũ, hoặc phải thay đổi tôn giáo/niềm tin.
Các chính sách hoặc biện pháp có cùng mục đích hoặc hiệu lực, chẳng hạn như những chính sách hạn chế quyền tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, có việc làm, hoặc các quyền được đảm bảo bởi Điều 25 (*3) và các quy định khác của Công ước ICCPR, đều vi phạm Điều 18.2.
Tất cả những người có các niềm tin có tính chất phi tôn giáo cũng đều được hưởng sự bảo vệ tương tự.

Điều 18 phân biệt tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo/ niềm tin với tự do biểu hiện tôn giáo hoặc niềm tin. Nó không cho phép bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do tư tưởng và lương tâm hoặc quyền tự do có hoặc theo một tôn giáo/ niềm tin một người đã lựa chọn.

Các quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, cũng như quyền của mọi người được đưa ra ý kiến mà không bị can thiệp trong điều 19.1 (*4). Theo các điều 18.2 và 17 (*5), không ai có thể bị bắt buộc phải tiết lộ suy nghĩ của mình hay tiết lộ tôn giáo hoặc niềm tin mình có.

Phần II 18.3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin chỉ có thể bị áp đặt các giới hạn bởi được quy định bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khoẻ hoặc đức lý công cộng, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
18.4. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ.

______________________________________________________

(*1)  https://www.ohchr.org/en/professionalinterest/pages/ccpr.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx

(*2) Điều 4 ICCPR
a. Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
b. Điều này không được áp dụng để hạn chế các quyền quy định trong điều 6, 7, 8 (các khoản 1 và 2), 11, 15, 16 và 18.

(*3) Điều 25 ICCPR

Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào như đã nêu ở điều 2 và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để:   

a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn;

b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình;

c) Được tiếp cận với các dịch vụ công cộng ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng.

(*4) Điều 19.

1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội

(*5) Điều 17.

1. Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

T.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn