Từ cách xử lý của báo Văn nghệ năm xưa đến lá thư của Hội nhà văn năm nay

Thái Hạo

Tôi đã đọc các văn bản thuộc hồ sơ của 23 năm trước trên trang Dạ Thảo Phương và thấy một số điểm mâu thuẫn trong cách xử lý vụ việc của báo Văn nghệ thời đó, xin nêu ra đây.

1. Hai bản tường trình của Lương Ngọc An có nội dung khác nhau.

- Bản thứ nhất đề ngày 15.4.2000, nêu lý do dẫn đến sự việc ngày 14.4.2000 (Lương Ngọc An đè lên Dạ Thảo Phương trên ghế trong phòng làm việc, có nhân chứng tường trình, văn bản còn lưu) là: do mâu thuẫn cá nhân, do không gian làm việc ồn ào và chật chội (vì bị ảnh hưởng bởi ban nhạc của Lê Tâm), điều đó khiến Lương Ngọc An “căng thẳng, ức chế” rồi dẫn tới hành hung Dạ Thảo Phương.

- Nhưng trong bản tường trình số 2 đề ngày 30.1.2003 thì lý do lại khác hẳn: Lương Ngọc An nói vì hai người có quan hệ luyến ái, đã từng nhiều lần quan hệ tình dục tự nguyện với nhau, nhưng vì đây là mối quan hệ “sai trái” nên dần dẫn tới nhiều “khúc mắc” và “bế tắc” rồi sinh ra “cãi vã”… “Hành hung” là bởi tại như thế!

2. Biên bản Cuộc họp do BCH Công đoàn Văn nghệ trẻ thực hiện ngày 26.2.2003 cũng có hai chi tiết đăc biệt đáng lưu tâm.

- Một là, cuộc họp không có mặt cô Dạ Thảo Phương, mà chỉ có Lương Ngọc An. Cô Dạ Thảo Phương không được mời/triệu tập (?).

- Hai là, trong cuộc họp này Lương Ngọc An đã đề nghị “MONG CUỘC GẶP TỚI TRÁNH ĐỐI CHẤT”. Lưu ý, “đối chất” là đề nghị của Dạ Thảo Phương trong những đơn thư cô đã gửi tới các bộ phận của Văn nghệ lâu nay. Lại lưu ý thêm, trong cuộc họp cũng do BCH Công đoàn Văn nghệ trẻ thực hiện trước đó 2 ngày thì chỉ có Dạ Thảo Phương mà không có Lương Ngọc An!

Tại sao BCH Công đoàn không triệu tập cùng lúc cả hai người/tại sao lại có sự vắng mặt của 1 trong 2 người trong khi Dạ Thảo Phương luôn đòi hỏi đối chất? Và tại sao không tổ chức cho nạn nhân và kẻ bị tố cáo đối chất? Lý do là gì?

3. Hầu hết những hồ sơ này (biên bản họp hành, công văn chỉ đạo, kết luận, quyết định kỷ luật…) được ban ra từ Văn nghệ trẻ do Trương Vĩnh Tuấn ký đều không đến tay Dạ Thảo Phương đúng lúc, thậm chí cô còn hoàn toàn không biết là đã có những văn bản đó. Văn bản kỷ luật Lương Ngọc An và Bản kết luận về sự việc chỉ đến tay Dạ Thảo Phương khi cô chuẩn bị nghỉ việc để rời khỏi Văn nghệ, trong khi trước đó cô đã luôn đòi hỏi phải có những văn bản chính thức về vụ việc. Rất lạ là không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo báo Văn nghệ đã không công khai chúng, đến mức mà Dạ Thảo Phương vẫn nghĩ rằng không có những cuộc họp hành và ban hành văn bản ấy? Tại sao lại có những cuộc họp và ban hành văn bản “bí mật” như vậy, và nhằm mục đích gì? Có lẽ câu trả lời là liên quan đến mục số 4 dưới đây?

4. Sự việc xảy ra ngày 14.4.2000 thì đến 10.6.2000 Lương Ngọc An có quyết định đình chỉ công tác. Tuy nhiên, trong khi Dạ Thảo Phương vẫn đang tiến hành khiếu nại mà chưa được giải quyết dứt điểm thì Lương Ngọc An đã được trở lại làm việc tại Đặc san văn nghệ dân tộc của báo Văn nghệ trẻ. Hồ sơ sạch bong. Phải chăng đây là lý do của việc âm thầm ban hành các văn bản như Quyết định và Kết luận mà nạn nhân không hề được biết để khi cần thì có thể hủy bỏ mà không bị phát tán ra ngoài?

5. Sự việc được tường trình theo hai hướng khác nhau. Lương Ngọc An (trong bản tường trình số 2) cho rằng hai người có quan hệ tình cảm và tình dục là đồng thuận; còn Dạ Thảo Phương thì vẫn nhất mực khẳng định rằng không có chuyện đó, mà là cô bị cưỡng hiếp. Vậy tại sao báo Văn nghệ lại lựa chọn xử lý vụ việc ngả theo hướng lời khai của Lương Ngọc An mà không phải theo lời khai của Dạ Thảo Phương? Trong khi đó lời khai của Lương Ngọc An thì bất nhất giữa bản tường trình số 2 và bản số 1? Còn nữa, sự việc Lương Ngọc An có hành vi đè lên người Dạ Thảo Phương trong phòng làm việc khiến cô chống cự, một ngón tay bị bật máu, được sự chứng kiến của nhiều nhân chứng và đã có tường trình là hình ảnh củng cố thêm cho lời khai của Dạ Thảo Phương, vậy tại sao báo Văn nghệ vẫn không kết luận sự việc theo hướng mà cô đã khai mà lại thiên về lời nói đầy mâu thuẫn của Lương Ngọc An?

6. Phải chăng, chính cách xử lý sự việc như thế của báo Văn nghệ cách đây 23 năm trước là nguyên nhân dẫn đến lá thư tố cáo của ngày hôm nay? Điều đáng nói là, nếu năm xưa báo Văn nghệ [cụ thể là Phó TBT Trương Vĩnh Tuấn] đã “tráo đổi bản chất sự việc”, “nhiều lần ngăn cản quyền tố cáo, khiếu nại của tôi, trù dập và vu khống tôi” như Dạ Thảo Phương đã nói trong Thư ngỏ; thì cho đến lần này báo Văn nghệ thậm chí còn đi xa hơn, đó là im lặng, không thèm đáp lại lời kêu cứu của nạn nhân. Phía sau ông Trương Vĩnh Tuấn là ai nếu không phải ông Hữu Thỉnh mà Dạ Thảo Phương cũng đã nhắc đến?

Báo Văn nghệ thì như vậy, còn Hội nhà văn? Hội đã gửi một lá thứ không đóng dấu, không chữ ký từ một địa chỉ email cá nhân nào đó với nội dung tỉnh rụi mà “Việt dịch” ra thì đại khái là: không liên quan!

Cái ác không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi. Cái ác chỉ được nuôi dưỡng bởi chính cái ác và sự vô cảm.

Nhìn từ cách hành xử của báo Văn nghệ và Hội nhà văn, thì trong hơn 1 tuần nay từ khi DTP tố cáo, dường như là lặp lại đúng những gì mà nó đã diễn ra ở 23 năm trước. Điều ấy không bao giờ chấp nhận được. Và không được phép tái diễn!

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn