Lá phiếu ân oán: Tôi hợm mình xưng là nhà tiên tri!

Nguyễn Hoàng Văn

Ngày bầu cử liên bang Úc (21/5/2022) tôi đến ăn tối ở nhà một người bạn. Chủ nhà, môt kỹ sư viễn thông, hỏi tôi anh đoán Tự Do hay Lao Động thắng, tôi ngập ngừng nói hàng hai nhưng vợ anh, làm việc trong ngành truyền thông, trả lời đâu vào đó dự báo của giới phân tích. Đến lúc này tôi mới giật mình, ngạc nhiên với chính tôi rằng tại sao năm nay lại quá hờ hững với cuộc bầu cử trong khi những năm trước tôi đều theo sát sao từng diễn tiến.

Rồi một kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử này nữa. Nó làm tôi nhớ lại cái lần mày mò làm nhà “tiên tri” với nền chính trị phòng phiếu để rồi bị đổ vỡ một mối quan hệ xã hội.

Từ trại tỵ nạn tôi đến Úc định cư như một người tứ cố vô thân nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, qua chuyện viết lách, đã tạo dựng được nên những mối quan hệ xã hội kha khá, trong đó có một khoa học gia. Ông đến Úc bằng học bổng Colombo vào năm 1965, tức lúc tôi còn ở truồng tắm mưa, và lúc này đã là một hình mẫu thành công mà bất cứ người nào – không chỉ là người Việt – cũng mơ ước: hai vợ chồng đều có bằng tiến sĩ, có thu nhập khá, con cái không chỉ học hành rất giỏi mà còn có tài, khi còn học trung học đã là thành viên trong dàn nhạc Giao hưởng trẻ của Úc, đều đặn sang Âu châu trình diễn. Một con người như vậy mà chủ động tìm đến tôi, một sinh viên nghèo, đang tập tành làm lại cuộc đời từ… số âm, làm tôi ngưỡng mộ vô cùng. Thỉnh thoảng ông lại hẹn tôi đi ăn phở, uống cà phê và, qua một số lần chuyện trò, tôi nhận ra rằng dẫu rất thành công về mặt xã hội, ông lại là người luôn luôn bất mãn và hậm hực.

Đó là sự không bằng lòng với chính trị bầu cử. Ông là người thiên hữu, hết mình ủng hộ Đảng Tự Do, có quan hệ với các đảng viên cao cấp của đảng này và ra mặt xem thường Đảng Lao Động. Một người Việt được Lao Động chọn mặt, đắc cử vào Nghị viện tiểu bang Victoria, ông cho rằng đó là sự khinh rẻ Cộng đồng Việt Nam: Đưa một “thằng ngu” như thế này ra ứng cử có nghĩa là xem cả cộng đồng Việt Nam cũng ngu luôn!

Và ông không nói suông. Cứ đến mùa bầu cử là viết bài chỉ trích các ứng cử viên Lao Động, kêu gọi nên bầu cho Đảng Tự Do và, trong những lý do nêu ra, ông dẫn đến chính sách thù nghịch với Việt Nam Cộng Hòa và người tỵ nạn của Lao Động dưới thời nguyên Thủ tướng Gough Whitlam.

Ông Whitlam là người thiên tả. Năm 1971, còn là lãnh tụ đối lập, ông đã đến Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai; nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 1972 thì, hơn một năm sau (1974), ông lại chính thức công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bất chấp sự phản đối của Mỹ. Đặc biệt, năm 1975 Whitlam đã chiều ý Hà Nội, quyết không nhận người di tản: trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Toà Đại sứ Úc tại Sài Gòn khẩn thiết kêu gọi chính phủ cấp visa cho những nhân viên người Việt tuy nhiên đích thân ông ta cảnh cáo họ là không được đi quá lề. Sau khi Sài Gòn thất thủ thì Whitlam cương quyết không đón nhận thuyền nhân và còn hăm trục xuất toàn bộ những sinh viên Việt du học tại Úc. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, ngày 11/11/1975, Whitlam bị bãi chức và ông Malcome Fraser của Tự Do lên thay, chính sách trên bị quay ngược 180 độ.

Bỏ phiếu cho Tự Do, trừng phạt Lao Động là để trả cái “ân” này, và rửa cái “oán” kia.

Ý tưởng này phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt nên, đến một ngày kia, tôi quyết định lên tiếng. Dẫu không trực tiếp đốp chát, tôi cũng va chạm khá nhiều trong quan điểm với nhà khoa học trên khi đề cập thẳng đến vấn đề “bầu cho ai?”.

Tôi cho rằng đây là quyết định của từng cá nhân dựa trên kinh nghiệm, phán đoán và dự cảm chính trị của họ: không ai dạy đời ai được nhưng dẫu sao cũng có một lời bàn hợp tình hợp lẽ. Theo tôi thì hợp lý nhất là “bầu cho mình” còn làm thế nào để bầu cho mình thì phải nói có đầu, có đuôi!

Tôi lập luận rằng lâu nay người Việt hay bỏ phiếu theo cảm tính, để “giải quyết ân oán”, vì tâm lý nhược tiểu và gà nhà, hay bầu vì suy tính cho những quyền lợi trước mắt.

Bầu để “trả thù” thì, như đã nói ở trên, là để rửa hận với Whitlam và trả ân Fraser. Bầu vì mặc cảm nhược tiểu hay tâm lý gà nhà thì không cần biết thế nào, hễ thấy ứng cử viên Việt là nhắm mắt bầu, bầu cho “vẻ vang dân Việt”.

Cũng có người nhắm mắt bầu cho Lao Động vì những chính sách phúc lợi dễ dãi trong khi Tự Do hay cắt xén lại còn làm khó dễ. Nhưng chính sách phúc lợi là chính sách liên bang trong khi kết quả bầu phiếu tại riêng vùng mình chưa chắc gì đã thay đổi kết quả bỏ phiếu của cả nước.

Tôi nhấn mạnh rằng những vấn đề thiết thực của cử tri lại nằm ngay khu vực mình đang sống: từ vấn đề dân sinh và an ninh cho khu vực, từ vấn đề trường học cho con em. Xa hơn là tư thế để chúng ta vận động hành lang, gây sức ép cho những vấn đề đối ngoại trong quan hệ với Việt Nam.

Tôi nêu ra hiện trạng của các vùng có đông người Việt như Cabramatta ở New Souht Wales và Marybynong ở Victoria: đây là vùng tuyệt đối an toàn của Lao Động nên đảng này cũng chẳng chú tâm đầu tư gì nhiều. Điều dễ hiểu là tài nguyên của họ có hạn. Chỉ thỉnh thoảng cộng đồng Việt có lễ lạt nào đó, các ngày kỷ niệm, ngày Hội Chợ Tết, v.v. thì họ đến ban cho vài lời đãi bôi và cử chỉ chiếu lệ để lấy thảo là xong. Tài nguyên của họ, họ đầu tư cho các vùng bấp bênh.

Trong khi đó thì Tự Do cũng chả thèm đầu tư vào lãnh địa của Lao Động mà dồn hết tâm sức các vùng bấp bênh!

Vì lẽ đó tôi cho rằng để cả hai phía của chính trị Úc đều biết trân trọng lá phiếu của người Việt, cộng đồng Việt cần biến các khu của mình thành một khu vực ngang ngửa, không an toàn cho bất cứ đảng nào. Đó là nơi mà khi nhìn vào Tự Do thì sẽ không còn tâm lý thất bại chủ nghĩa, còn Lao Động thì phải có cảm giác bất an, không còn tư thế của kẻ chỉ biết ngồi vào mâm cơm dọn sẵn.

Người Việt cần phải cho các đảng chính trị bấy lâu đã hưởng lá phiếu của mình như là thứ trời cho một bài học cảnh tỉnh: phải làm cho họ hiểu rằng không khéo cử tri sẽ nổi giận, họ sẽ mất vùng này. Và người Việt cũng cần cho đảng lâu nay nhìn vào vùng mình chỉ thấy kẻ thù một nguồn hy vọng mới, theo đó họ vẫn có cơ hội để chen chân nếu biết điều với cử tri.

Bầu như vậy có nghĩa là “bầu cho mình”, nâng cao sức mạnh ở lá phiếu của mình, cho phép các đại diện cộng đồng có tiếng nói mạnh mẽ khi vận động hành lang với các cơ cấu lập pháp tiểu bang và liên bang.

Ngoài ra, tôi cũng viện dẫn nhiều tài liệu lịch sử, cho rằng khi quyết định mở cửa đón nhận thuyền nhân Việt, ông Fraser cũng đã chơi một canh bài chính trị thực dụng, y như ông Whitlam.

Ông Whitlam nhất định không nhận người tỵ nạn Việt Nam vì cho rằng đây là những thành phần tư bản, có đầu óc thiên hữu: nếu cho những người này nhập cư và trở thành công dân Úc thì họ sẽ là nguồn hậu thuẫn của Đảng Tự Do.

Ông Clyde Cameron, người từng nắm giữ chức Bộ trưởng Di Trú trong chính phủ Whitlam, kể cho biết ông Whitlam đã tuyên bố trong nội các của mình là phải ngăn chặn, đừng để “Bọn Balt Việt Nam chết tiệt đó đem những oán thù chính trị và tôn giáo của chúng đến gieo rắc vào xã hội chúng ta.”

“Bọn Balt” là người tỵ nạn từ các nước Trung Âu và Đông Âu, có tiếng nói thuộc ngữ hệ Balt. Họ được Úc mở cửa đón nhận sau Đệ Nhị Thế Chiến và đây được xem là sự thay đổi lớn trong chính sách di dân vì trước chỉ đón nhận người da trắng có gốc gác Anglo-Saxon.

Thật ra thì đây là một tính toán chiến lược và thực dụng. Trong chiến tranh, nước Anh đã không đủ sức tự bảo vệ mình nói gì là bảo vệ Úc, do đó Úc phải tự lo cho mình, phải mở rộng cánh cửa di dân để gia tăng dân số. Đồng thời, nhu cầu phát triển thời hậu chiến đòi hỏi một nguồn nhân lực dồi dào cho kỹ nghệ hầm mỏ và những dự án lớn như thủy điện Snowy Moutain.

Cái làm ông Whitlam cay cú là những người tỵ nạn từ các nước Trung và Đông Âu nói trên không ủng hộ nền chính trị khuynh tả nên chủ yếu chỉ bỏ phiếu cho Tự Do. Khi ông Fraser mở rộng cánh cửa cho người tỵ nạn Việt là ông muốn lặp lại bài học lịch sử này: sử dụng người tỵ nạn “thiên hữu” để tấn công Lao Động.

Việc khu Cabramatta trở thành thủ phủ của cộng đồng người Việt tại tiểu bang NSW hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Cabramatta là vùng mà ông Whitlam đại diện tại Hạ viện liên bang và ông Fraser nghĩ rằng mình đã chơi “đòn độc” khi sắp xếp cho người tỵ nạn thiên hữu đến tạm trú tại các doanh trại cũ của quân đội ở đây, ngay trong “thành trì” của phe tả. Nhưng thực tế không đúng như tính toán này vì khi đến Úc, đa số người Việt đều trở thành “người lao động” chính hiệu, và họ lại bầu cho Đảng Lao Động, vốn dễ dãi trong vấn đề phúc lợi.

Tôi lập luận rằng cả hai lãnh tụ Lao Động và Tự Do đều có những tính toán chính trị rất ư là vị lợi trong quyết định của mình nên người Việt hãy bỏ qua chuyện cảm tình hay ân oán mà tính toán để nâng cao thế giá cho lá phiếu của mình. Nói cho gọn thì những người Việt sống trong các vùng an toàn của Lao Động thì nên bầu cho Tự Do; còn những ai khá hơn, sống trong vùng của Tự Do, thì nên bầu cho Lao Động.

Ý kiến tôi hoàn toàn trái ngược với nhà khoa học có máu chính trị trên nên ông giận tôi ra mặt. Không thường xuyên gặp nhau nữa nhưng nếu lỡ gặp nhau thì hay có lời khích bác nhưng tôi chỉ cười, nói lảng sang chuyện khác hay giữ im lặng để giữ hòa khí. Ông đã ra người thiên cổ cách đây mấy năm vì bệnh ung thư, cầu hương hồn ông được siêu thoát, dứt khỏi những ân oán chính trị trần thế.

Ý tưởng trên được tôi nêu ra cách đây hơn 20 năm và trải qua bao nhiêu cuộc bầu cử, mức chênh lệnh trong tỷ lệ ủng hộ giữa hai đảng Lao Động và Tự Do tại vùng Fowler – bao trùm thủ phủ tỵ nạn Cabramatta – ngày càng thu hẹp dần.

Đặc biệt, trong cuộc bầu cử năm nay, Lao Động đã bị thất bại ngay tại an toàn khu của mình. Đây cũng là lần đầu tiên có một người Việt đắc cử vào Hạ viện liên bang, cô Lê Đài, và chắc chắn ứng cử viên độc lập này sẽ khiến cả hai đảng Lao Động và Tự Do giật mình.

Cô này vốn theo Đảng Tự Do, đã ứng cử vào hai năm 2008 và 2011 nhưng không thành công. Năm 2012 cô bất chấp những sắp xếp phe phái của Đảng Tự Do để ra ứng cử Thị trưởng Fairfield và bị đảng này khai trừ trong 10 năm. Sau đó cô trở thành Phó Thị trưởng trong vai trò một ứng cử viên độc lập. Nay thì cô sẽ là dân biểu đại diện vùng Fowler tại Hạ viện liên bang, cũng trong vai trò độc lập.

Còn Đảng Lao Động thì lại bất chấp nguyện vọng của những đảng viên tại vùng Fowler, trong đó có nhiều người gốc Việt, để áp đặt cựu Thủ hiến NSW kiêm cựu Thượng nghị sĩ liên bang Kristina Keneally – hoàn toàn không sống tại Fowler – về đây ứng cử. Rõ ràng, thái độ coi thường cử tri của đảng này đã khiến họ giận dữ phản ứng bằng lá phiếu!

Tự Do, trong cảnh thua thê thảm, sẽ tìm cách thuyết phục cử tri tại đây khi thấy một cựu đảng viên của mình thành công. Và Lao Động, dẫu giành được chiến thắng mà để mất an toàn khu của mình, sẽ phải đầu tư nhiều cho vùng này, sẽ phải chứng minh rằng họ biết quý những lá phiếu của cử tri tại đây.

Xem ra sự thể sẽ diễn ra như tôi đã từng kêu gọi từ 20 năm trước và tôi có thể hợm mình xưng là nhà tiên tri được hay không?

N. H. V.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn