Cập nhật chiến tranh tại Ukraine 2.9.2022 10AM Nga xâm lược Ukraine

Cù Tuấn

Giao tranh tại Kherson tiếp tục giằng co. Nga khẳng định cuộc phản công của Ukraine đã thất bại, còn Ukraine khẳng định họ đã gây áp lực cho quân Nga khi pháo kích vào cầu đường, trạm kiểm soát và các địa điểm tập trung quân lính và vũ khí.

– Hãng tin RT dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, Ukraine đã cử hai nhóm biệt kích gồm khoảng 60 binh sĩ đổ bộ gần khu vực nhà máy điện hạt nhânZaporizhzhia do Nga kiểm soát ở miền Nam. Theo đó, nhóm biệt kích này đã dùng 7 thuyền vượt qua hồ chứa Kakhovka, đổ bộ khu vực cách nhà máy khoảng 3 km vào rạng sáng 1/9. Quân đội Nga đã lập tức hành động để ngăn chặn nhóm biệt kích của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho hay, khoảng 2 giờ sau khi nhóm biệt kích đổ bộ, Ukraine bắt đầu pháo kích thành phố Energodar, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. "Khoảng từ 8h sáng cùng ngày, lực lượng của Ukraine bắt đầu pháo kích địa điểm dự kiến diễn ra cuộc họp của phái đoàn IAEA ở thành phố và khu vực nhà máy. Bốn quả đạn đã phát nổ cách nhà máy chỉ khoảng 400 m", thông cáo cho biết.

RT dẫn lời ông Vladimir Rogov, một quan chức của chính quyền vùng Zapozhiazhia do Nga bổ nhiệm, cho biết trong số 3 binh sĩ Ukraine bị bắt sống có 2 người bị thương nặng. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu sống họ. Trong khi đó, còn khoảng 12 binh sĩ khác của Ukraine vẫn đang giao tranh với lực lượng Nga gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Zapozhiazhia. Hãng tin RT cũng dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/9 cho biết, trong vòng 24h qua, quân đội Ukraine mất hơn 350 binh sĩ, 31 xe tăng, 22 xe chiến đấu bộ binh, 18 xe bọc thép khác, 8 xe bán tải quân sự và 17 xe khác.

– Quân đội Ukraine khẳng định đang gây áp lực cho lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson khi tập kích một số mục tiêu tại đây. "Các đơn vị tên lửa và pháo binh của chúng tôi bắn vào ba trạm kiểm soát, một trạm radar và hai địa điểm tập kết nhân lực, vũ khí cùng trang thiết bị của đối phương", Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam Ukraine ngày 1/9 thông báo, song không nêu chi tiết thiệt hại của lực lượng Nga. Cơ quan này cũng thông báo Ukraine tập kích ngăn lực lượng Nga dựng cầu phao mới ở Darivka, tỉnh Kherson. Các vụ pháo kích nhằm vào cầu Kakhovsky, gần thành phố Novaya Kakhovka, làm mặt công trình bị thủng thêm và khiến lực lượng Nga không thể di chuyển qua đây. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cùng ngày thông báo các đợt tiến công với xe tăng, pháo và súng cối ở miền nam tiếp tục trong nỗ lực làm suy yếu tuyến phòng thủ của lực lượng Nga. Cơ quan này cáo buộc lực lượng Nga pháo kích 15 khu dân cư trong khu vực, chủ yếu dọc theo địa giới hai tỉnh Mykolaiv và Kherson, vốn là chiến tuyến trong hơn hai tháng qua.

– Theo các nhà phân tích, cuộc phản công diễn ra sau khi cả Nga và Ukraine tập trung binh lực cũng như vật lực xung quanh thành phố Kherson trong những tuần qua. Trong khi cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo nước ngoài Ukraine Nikolai Malomuzh mô tả cuộc phản công như một bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến và cho rằng Kiev nhiều khả năng sẽ thành công thì các nhà quan sát phương Tây lại khá dè dặt khi đưa ra đánh giá về triển vọng của Ukraine. Trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/8, các quan chức Mỹ mô tả cuộc tấn công mới này chỉ là "sự gia tăng hỏa lực" bởi vài tuần qua, Ukraine cũng đã thực hiện một số động thái tương tự. Đánh giá này đã được Bộ Quốc phòng Anh ghi nhận trong bản cập nhật về tình hình chiến sự Ukraine ngày 30/8, trong đó, khẳng định họ "vẫn chưa thể xác nhận những bước tiến lớn của Ukraine". Tuy vậy, tất cả đều có chung nhận định là cuộc tấn công của Ukraine sẽ Nga buộc phải tập trung vào phòng thủ, giảm bớt tần suất tấn công. Một số người cho rằng, mặc dù đây không phải bước ngoặt làm đảo chiều cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 7 gây tổn thất nặng nề cho cả hai phía, nhưng nó cho thấy không chỉ riêng Nga mà Ukraine hiện giờ cũng muốn giành thế chủ động. Việc thực hiện cuộc phản công là một quyết định quan trọng đối với Ukraine, để làm được điều đó Kiev nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận tổn thất lớn về người và của.

­­– Giám đốc IAEA bày tỏ lo ngại khi nhà máy Zaporizhzhia "bị xâm phạm nhiều lần", thông báo một số thanh sát viên sẽ ở lại tiếp tục đánh giá. "Nhà máy Zaporizhzhia và tình trạng nguyên vẹn của cơ sở bị xâm phạm nhiều lần", giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói ngày 1/9 sau khi cùng một phần phái đoàn trở về khu vực do Ukraine kiểm soát. "Tôi lo ngại và sẽ tiếp tục lo ngại về nhà máy. Tình hình bây giờ dễ đoán hơn", ông Grossi cho biết. "Chúng tôi ở đó 4-5 tiếng. Tôi đã thấy rất nhiều thứ, các nhân sự của chúng tôi ở đó. Chúng tôi có thể thị sát toàn bộ cơ sở". Giám đốc IAEA nói một phần của phái đoàn 14 người sẽ ở lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tới ngày 4 hoặc 5/9 để tiếp tục đánh giá tình hình. "Một số chuyên gia của chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại đó. Chúng tôi còn rất nhiều việc tại đây như phân tích một số khía cạnh kỹ thuật", ông Grossi cho biết, song không tiết lộ có bao nhiêu thanh sát viên của IAEA sẽ ở lại Zaporizhzhia.

– Nga cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra nếu nhóm 7 nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới G7 áp giá trần lên mặt hàng dầu thô của Matxcơva. RT đưa tin, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 1/9 tuyên bố, Matxcơva sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất. "Theo tôi, đây là một điều hoàn toàn vô lý. Đối với những công ty hoặc quốc gia áp giá trần lên năng lượng Nga, chúng tôi sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu, bởi vì chúng tôi sẽ không hợp tác với điều khoản phi thị trường," ông Novak bình luận khi được hỏi về kế hoạch áp giá trần lên dầu Nga mà G7 đang thảo luận. Trước đó, Mỹ và các đồng minh bàn bạc về việc đặt giới hạn trên cho giá dầu Nga để cắt giảm lợi nhuận của Matxcơva. Đề xuất này dự kiến sẽ được đưa ra bàn bạc vào cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 vào ngày 2/9.

– Tổng thống Nga Putin ngày 1/9 cho biết, Nga đang tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, xuất phát từ hậu quả của cuộc chính biến năm 2014, cũng như ngăn chặn sự xuất hiện của một “khu vực chống Nga” trên lãnh thổ Ukraine. Trong bài phát biểu trước một lớp học mở dành cho học sinh Nga, ông Putin khẳng định: “Mọi người đều thấy rằng đã xảy ra một số hành động gây hấn đối với Nga. Không ai hiểu hoặc biết rằng sau cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, một số lượng lớn người dân Donetsk, Lugansk, Crimea không muốn công nhận kết quả của cuộc đảo chính này”. “Sau cuộc đảo chính, các nhà lãnh đạo Ukraine đã bắt đầu cuộc chiến với chính công dân của họ và “đã tiến hành cuộc chiến này trong 8 năm”, ông Putin nói. “Mục tiêu của chúng tôi, sứ mệnh của chúng tôi và của các dân quân Donbass, là chấm dứt cuộc chiến này, bảo vệ người dân và tất nhiên bảo vệ chính nước Nga”. “Một vòng vây chống Nga được tạo ra trên lãnh thổ của Ukraine ngày nay, đang đe dọa đất nước của chúng ta”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

– Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 1/9 cho rằng phương Tây đã mở ra một cuộc chiến hỗn hợp với Nga khi họ nhận ra rằng kế hoạch biến Ukraine thành quốc gia chống Nga đã thất bại. Phát biểu khi đến thăm trường Đại học MGIMO ngày 1/9, ông Lavrov cho biết: “Phương Tây đang tung ra một cuộc chiến hỗn hợp một cách công khai và khiêu khích đối với Nga khi họ nhận ra rằng âm mưu biến Ukraine thành nhà nước chống Nga và các vùng lãnh thổ của nước này thành thành trì để ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga đã thất bại”. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, phương Tây đang ngấm ngầm chấp nhận lệnh cấm tiếng Nga trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông và văn hóa ở Ukraine. Ông Lavrov lưu ý, việc phương Tây chấp nhận cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine và ủng hộ một chính phủ luôn đưa ra các khẩu hiệu chống Nga cũng như tấn công người dân trên chính lãnh thổ của họ là điều không thể chấp nhận được. “Khi nhận ra tất cả những tuyên bố của chúng tôi trong những năm qua không phải những yêu cầu sáo rỗng, mà phản ánh những lợi ích cơ bản của nước Nga thì họ đang trở nên cuồng loạn và cố gắng thay đổi bằng sự khiêu khích chưa từng có. Họ không sẵn sàng thực hiện các hoạt động tiếp xúc, giao thương dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ yếu là Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

– Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nêu một số lý do cho thấy chiến sự Nga - Ukraine có thể sắp kết thúc sau khi đã kéo dài hơn nửa năm qua. Trong bài phát biểu hôm 1/9, Tổng thống Alexander Lukashenko nhận định, kịch bản cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc đang tới gần. Ông cho rằng, dường như nội bộ Ukraine đang xảy ra căng thẳng giữa lực lượng vũ trang nước này và đội ngũ lãnh đạo dân sự. Theo nhà lãnh đạo Belarus, Ukraine "đang bị chia rẽ" và "đang có mâu thuẫn gia tăng giữa Tổng thống (Ukraine Volodymyr Zelensky) với quân đội". Ông Lukashenko cho biết, quân đội Ukraine là lực lượng duy nhất tại nước này có thể đề xuất phía Kiev "ngồi vào bàn đàm phán, nếu không Ukraine sẽ biến mất khỏi trái đất". Tổng thống Belarus nhận định, lực lượng vũ trang Ukraine - bên đang nắm rõ tình hình ở tiền tuyến, dường như nhận ra tình hình lúc này đang trở nên bất lợi cho phía Kiev. Ông Lukashenko cảnh báo, xung đột ở Ukraine có thể trở thành "cuộc đối đầu đáng sợ nhất" liên quan đến việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông nhận định, Nga sẽ không thể chịu thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine và Belarus sẽ đứng vững bên đồng minh Matxcơva.

– Ngoại trưởng Nga cảnh báo Moldova nguy cơ đối đầu quân sự nếu nước này đe dọa lực lượng an ninh của Moskva tại vùng ly khai Transnistria. "Tất cả các bên nên hiểu rằng mọi hành động đe dọa an ninh quân nhân của chúng tôi ở Transnistria theo luật pháp quốc tế sẽ được coi là tấn công nhằm vào Nga, giống như trường hợp ở Nam Ossetia, khi lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi bị chính quyền cựu tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili tấn công", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ngày 1/9. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Moldova Daniel Voda sau đó tuyên bố nước này "cam kết hướng đến đối thoại hòa bình ở Transnistria và kêu gọi Nga rút binh sĩ đang đóng quân trái phép trên lãnh thổ Moldova. Mọi đề xuất về cách tiếp cận khác đều không có cơ sở". Ông Voda cho biết Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu đã triệu quyền đại sứ Nga tại nước này để "làm rõ các quan điểm". Ông Voda cũng khẳng định quyền lợi của mọi dân tộc thiểu số tại Moldova, trong đó có những người nói tiếng Nga, đều được đảm bảo.

– The Guardian đưa tin, Gazprom - tập đoàn năng lượng nhà nước Nga hậu thuẫn - đang chuẩn bị chuyển cho Điện Kremlin gần 10 tỷ USD cổ tức sau khi ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục. Gazprom vừa báo cáo đạt lợi nhuận ròng đạt 2.500 tỷ rúp (tương đương 41,4 tỷ USD) trong 6 tháng nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukraine. Điện Kremlin sở hữu 49,3% cổ phần tại Gazprom và sẽ được chia trong khoản 1.210 tỷ rúp (tương đương 20 tỷ USD) cổ tức sau khi Hội đồng quản trị Gazprom đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt 51,03 rúp cho mỗi cổ phiếu phổ thông. Quyết định này sẽ được đưa ra tại buổi họp đại hội đồng cổ đông bất thường của tập đoàn vào ngày 30/9.

– Chỉ thời gian ngắn sau khi "chia tay" Nga, chính phủ mới của Bulgaria đã sẵn sàng trở lại với Matxcơva bằng cách ký một hợp đồng mới với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom. Chính phủ tạm quyền ở Bulgaria chỉ mới lên nắm quyền được 3 ngày thì đối mặt với những người biểu tình xuất hiện trước văn phòng tổng thống kêu gọi lãnh đạo từ chức. Vụ việc xảy ra sau khi chính phủ tạm quyền phát đi tín hiệu sẽ quay lại với nguồn cung cấp năng lượng từ tập đoàn Gazprom của Nga sau khi nguồn cung khí đốt của Bulgaria bị cắt vào tháng 4. Chính phủ trước đó đã loay hoay tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, cũng như nối lại cách tiếp cận thân thiện truyền thống của quốc gia Balkan này với Điện Kremlin. Gazprom cung cấp hơn 90% nguồn cung cấp khí đốt của Bulgaria cho đến khi quốc gia này, cùng với Ba Lan, từ chối thanh toán hóa đơn mua năng lượng bằng đồng rúp.

– Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết nước này có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ đủ để khai thác trong 100 năm tới. "Những khách hàng của chúng tôi, những công dân Nga, sẽ được tiếp cận với nguồn năng lượng đáng tin cậy, giá rẻ này. Điều đặc biệt quan trọng là họ có thể lạc quan về tương lai khí đốt của Nga. Bởi vì chúng tôi có nguồn dự trữ cho 100 năm tới", Alexey Miller, người đứng đầu tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom nói, đồng thời cho biết một số mỏ của Gazprom sẽ vẫn cung cấp khí đốt kể cả vào năm 2120. Ông Miller đã đưa ra dự báo lạc quan về sự phát triển của các nguồn tài nguyên rộng lớn ở bán đảo Yamal của Nga, đồng thời nói thêm rằng Gazprom đang chuẩn bị khai thác mỏ khí Kharasavey và bắt đầu phát triển các mỏ sâu Bovanenkovo. Nga hiện sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.

– Ông Ravil Maganov, chủ tịch Tập đoàn Lukoil (nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Nga), đã tử vong hôm nay 1-9 sau khi rơi từ cửa sổ bệnh viện ở thủ đô Matxcơva. Thời điểm đó ông Maganov đang nằm trong bệnh viện sau một cơn đau tim. Vị chủ tịch này cũng đang dùng thuốc chống trầm cảm. Theo Hãng tin Interfax, các quan chức thực thi pháp luật đang làm việc tại hiện trường. Ông Maganov gia nhập Lukoil ngay sau khi công ty này được thành lập và ông phụ trách khâu thượng nguồn (hay còn gọi là "khâu đầu", bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác…) của công ty. Ông được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Lukoil vào năm 2020. Công ty này cho biết "nhờ tài năng quản lý của ông ấy, Lukoil đã phát triển từ một công ty sản xuất dầu mỏ quy mô nhỏ thành một trong những công ty năng lượng hàng đầu thế giới".

– Một tàu hàng chở hơn 3.000 tấn ngô từ Ukraine đã bị mắc kẹt ở Istanbul vào thứ Năm (1/9), tạm dừng vận chuyển trên eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Văn phòng thống đốc Istanbul và công ty vận chuyển cho biết tàu Lady Zehma cao 173 mét đã neo đậu an toàn sau sự cố động cơ vào khoảng 1h sáng ngày 2/9, theo giờ Việt Nam. Văn phòng cho biết không có ai bị thương và lực lượng bảo vệ bờ biển đang triển khai công tác cứu hộ. Mũi tàu cách bờ biển khoảng 150 m trong khu phố Bebek sầm uất của Istanbul.

Ảnh 1: Xe thiết giáp Nga tuần tra ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine hôm 24/8. Ảnh: Reuters.

clip_image002

Ảnh 2: Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi (giữa) trả lời phóng viên tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 1/9. Ảnh: Reuters.

clip_image004

C.T.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Xem thêm bản tin đặc biệt:

Quân Nga mất tinh thần bỏ chạy trên tất cả các mặt trận. Hàng loạt thị trấn Ukraine được giải phóng

Kim Thúy-Thụy Khanh VietCatholic News / 2/9/2022

Pháo binh Putin bắn hỏa tiễn nổ tung thành phố Nga. Hạ viện Moscow họp khẩn, hô hào ám sát Zelenskiy

Thảo Ly-Kim Thúy- Túy Vân VietCatholic News / 2/9/2022

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn