Thể thao và chính trị: Môi hở răng lạnh, răng cắn môi bầm

Hai thứ không thể tách bạch.

Y Chan

Năm 1978, World Cup diễn ra tại Argentina.

Trước đó hai năm, quốc gia Nam Mỹ này vừa trải qua một cuộc đảo chính quân sự. [1] Các nhà lãnh đạo độc tài quân sự hy vọng dùng giải bóng đá lớn nhất hành tinh làm cơ hội để nâng cao vị thế và uy tín của mình, cả trong nước lẫn quốc tế. Chiến thắng là mục tiêu cuối cùng.

Trước trận đấu cuối tại vòng bảng thứ hai để tranh vé vào chung kết, Argentina và Brazil đứng đầu với cùng điểm số. Argentina sẽ đụng độ Peru, còn Brazil gặp Ba Lan.

Hai trận đấu đáng lẽ phải diễn ra cùng thời điểm nhưng nước chủ nhà Argentina đã lùi thời gian thi đấu trận của mình. Brazil đá trước, thắng Ba Lan với tỷ số 3-1. Argentina vì vậy biết cần phải thắng Peru với cách biệt bốn bàn để vào chung kết.

Kết quả cuối cùng, Argentina thắng đậm Peru 6-0, xếp trên Brazil, vào chung kết và sau đó thắng Hà Lan để đoạt cúp.

Trận đấu giữa Argentina và Peru vào năm 1978 thường được nhắc tới như một trong những bê bối dàn xếp tỷ số nổi tiếng ở đấu trường World Cup. [2]

Vào năm 2012, cựu Thượng nghị sĩ Peru Genaro Ledesma tố cáo giữa chính quyền hai nước có một thỏa thuận để dàn xếp trận đấu. Theo đó, Argentina tiếp nhận và xử lý giùm các tù nhân chính trị của Peru, đổi lại Peru đảm bảo nước chủ nhà vào chung kết.

Trận đấu trên và cả World Cup 1978 không phải là sự kiện thể thao đơn lẻ mà trong đó chính trị đóng vai trò quan trọng.

Xuyên suốt lịch sử phát triển của thể thao, yếu tố chính trị luôn song hành, như môi với răng, không thể tách biệt.

Thể thao nào không bị chính trị ảnh hưởng?

Quan điểm thể thao tách biệt với chính trị khó truy nguyên nguồn gốc, nhưng có lẽ nó đến từ cách hiểu nhập nhằng về thể thao.

Từng được đề cập trong một bài viết trước đây, một trong những cách đơn giản để tìm hiểu về thể thao là thông qua phân loại như trong từ điển bách khoa Britannica, với bốn khái niệm “chơi” (play), “trò chơi” (game), “thi đấu” (contest), và “thể thao” (sport). [3]

Theo đó, “chơi” được dùng để đối lập với “làm” (work). Nó là hoạt động tự nguyện, không ép buộc và không cần mục đích. Trong các loại chơi, loại có luật lệ rõ ràng được gọi là “trò chơi”.

Trong các loại trò chơi, người ta phân ra có hoặc không có tính cạnh tranh/ ganh đua. Những trò có ganh đua được gọi là “thi đấu”.

Trong các loại thi đấu, những trò yêu cầu kỹ năng thể chất nhất định được gọi là “thể thao”.

clip_image002

Minh họa các khái niệm từ trò chơi đến thể thao. Nguồn: Britannica. Việt hóa: Luật Khoa.

Như vậy, chỉ có những thú chơi thuần chất nhất - tức thời, không luật lệ, không ganh đua - mới có thể được xem là phi chính trị.

Còn thể thao - những trò ganh đua thể chất, có luật lệ, có tổ chức - đã luôn có yếu tố chính trị kèm theo.

Thể thao, đặc biệt là thể thao đỉnh cao tại các giải quốc tế, vốn luôn thu hút một lượng lớn người theo dõi, lại càng có yếu tố chính trị đậm nét.

Lịch sử đan xen chính trị và thể thao

World Cup 1934, giải bóng đá thế giới lần thứ hai, được tổ chức tại Ý, khi đó đang ở dưới trướng của lãnh đạo phát xít Benito Mussolini.

Mussolini tìm thấy ở World Cup một cơ hội để quảng bá tư tưởng của mình. Giải đấu được tổ chức với các thông điệp và hình ảnh của đảng phát xít cầm quyền được thể hiện xuyên suốt, còn trong sân là những quyết định gây tranh cãi của trọng tài tạo lợi thế cho nước chủ nhà. [4]

Ý cuối cùng giành cúp, một điều may mắn cho các cầu thủ nước này, những người bị dọa sẽ phải nhập ngũ ngay lập tức nếu đá thua. [5]

Hai năm sau, Olympics 1936 được tổ chức tại nước Đức của Adolf Hitler, một đồng minh của Mussolini.

Giống như Mussolini, Hitler cũng dùng sự kiện thể thao quốc tế lớn để quảng bá cho sự ưu việt của chế độ phát xít Đức, đặc biệt là cho thuyết chủng tộc ưu việt (master race theory) của người Aryan. [6]

Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh trước, trong và sau thời gian diễn ra thế vận hội. Các biển báo cấm người Do Thái xuất hiện ở nơi công cộng được gỡ bỏ. Vận động viên Đức gốc Do Thái bị gạt khỏi đội tuyển được gọi trở lại thi đấu. Các vận động viên da đen từ nước ngoài thì được đón tiếp nồng hậu.

Nghi lễ rước đuốc quen thuộc của Olympics được bắt đầu từ chính Thế vận hội Berlin. Lễ rước đuốc từ Hy Lạp đến Đức đi qua bảy quốc gia.

Vài năm sau, Hitler và các đồng minh xâm lược tất cả các quốc gia mà ngọn đuốc đã đi qua.

Bên cạnh vai trò là công cụ tuyên truyền ưa thích của các lãnh đạo độc tài, những giải đấu thể thao quốc tế cũng là dịp thể hiện các quan điểm chính trị, xã hội khác nhau.

Hành động chính trị phổ biến nhất trong thể thao là tẩy chay.

clip_image004

Thế vận hội Mùa hè tại Berlin, Đức năm 1936. Nguồn: Heinrich Hoffmann/ Getty Images.

xuất hiện ngay từ những kỳ World Cup đầu tiên. Uruguay, nhà vô địch World Cup lần thứ nhất vào năm 1930, tẩy chay không tham gia World Cup tiếp theo tổ chức tại Ý để phản đối việc các nước châu Âu đã không tham dự World Cup trước đó tổ chức tại nước mình. Đến World Cup 1938 tại Pháp, tới lượt Argentina tham gia tẩy chay cùng Uruguay, lần này để phản đối việc giải đấu được giao cho hai nước châu Âu liên tiếp thay vì luân phiên tổ chức tại châu Âu và châu Mỹ. [7]

Gần đây, việc Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine làm dấy lên làn sóng tẩy chay từ khắp nơi trong giới thể thao. Các đội tuyển và vận động viên của Nga và Belarus (đồng minh của Nga trong cuộc chiến) lần lượt bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế. [8]

Không ít ý kiến phản đối các lệnh cấm đoán này, với lý do thể thao và chính trị là tách bạch. Nhưng với việc thể thao đỉnh cao xưa nay luôn được dùng để quảng bá và tuyên truyền hình ảnh của quốc gia, chuyện tách bạch là gần như không thể.

Ví dụ như tại giải thi đấu thể dục dụng cụ vào đầu năm 2022, Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (IGF) vẫn cho phép các vận động viên Nga và Belarus tham gia. Trên bục nhận huy chương, một vận động viên Nga đã mặc trang phục với biểu tượng “Z”, thể hiện sự ủng hộ cho cuộc chiến của Nga. Ngay sau đó, các vận động viên của Nga và Belarus đều bị cấm thi đấu. [9]

Loại chính trị nào, loại thể thao đó

Những người phản đối việc “chính trị hóa thể thao” thực chất là phản đối thông điệp chính trị mà họ không ưa thích. Với những thông điệp chính trị họ chấp nhận, hay ít nhất là thấy quen thuộc, mọi thứ hoàn toàn ổn.

Nếu chỉ thuần túy vì lý do thể thao, sẽ không mấy quốc gia hào hứng đăng cai các sự kiện thể thao lớn.

Chi phí tổ chức khổng lồ và thường vượt xa dự toán ban đầu. Nhiều công trình đắt tiền được xây dựng cho các sự kiện thể thao để rồi sau đó không được tận dụng hiệu quả, thậm chí là bị bỏ phế.

Việc Qatar, một quốc gia nhỏ bé với vỏn vẹn 350.000 dân, tìm mọi cách để giành quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh là một minh chứng sinh động cho sự đan xen giữa thể thao và chính trị.

Căng thẳng với các nước láng giềng lớn trong khu vực khiến Qatar phải tìm cách tồn tại bằng việc tạo dựng hình ảnh và liên kết với những cường quốc khác. [10]

Năm 2017, Ả Rập Xê Út cùng các đồng minh Vùng Vịnh cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố, tìm cách phong tỏa vùng trời và các cảng của nước này. Ả Rập Xê Út chỉ đồng ý gỡ phong tỏa nếu Qatar chấp nhận một loạt yêu sách từ bỏ chủ quyền. Nhờ các mối quan hệ lâu dài với những nước như Anh, cùng với hình ảnh quốc tế được xây dựng cẩn thận, Qatar mới vượt qua được đợt cấm vận trên.

Ý nghĩa thể thao qua những sự kiện như World Cup với Qatar vì vậy xếp sau ý nghĩa chính trị.

Điều tương tự diễn ra với nhiều quốc gia đăng cai các sự kiện thể thao lớn. Chẳng vậy mà với mỗi sự kiện thể thao được tổ chức tại Việt Nam, người dân trong nước lại luôn được nghe những cụm từ như “nâng tầm vị thế” hay “quảng bá hình ảnh quốc gia”. Ngay cả một trận thắng bóng đá tại vòng loại World Cup cũng có thể được nâng lên thành sản phẩm “được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”. [11]

Vấn đề vì vậy không phải là tách bạch thể thao và chính trị, một chuyện không thể xảy ra trong xã hội hiện đại.

Vấn đề nằm ở loại chính trị nào. Những hình thái biểu đạt, thông qua sức ảnh hưởng lan tỏa của thể thao, cho những giá trị tiến bộ là thứ cần được ủng hộ và tiếp sức.

Như việc hai miền Nam - Bắc Triều Tiên cùng xuất hiện dưới một lá cờ chung biểu trưng cho hòa bình và thống nhất tại Thế vận hội Mùa đông 2018. [12] Hay như hành động quỳ gối trước trận đấu của các cầu thủ bóng đá châu Âu để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc. [13] Hoặc như các băng tay One Love được đeo để ủng hộ cho quyền của người đồng tính. [14]

Bày tỏ các thông điệp chính trị tiến bộ không phá hỏng các sự kiện thể thao như nhiều người lo ngại.

Nó chỉ giúp chúng ta thưởng thức thể thao như những người trưởng thành có trách nhiệm, vừa đắm mình vào niềm vui của những trò chơi ganh đua, vừa san sẻ được một chút trách nhiệm cần có của xã hội.

Y.C.

Nguồn: Luât Khoa Tạp chí

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn