Tham nhũng vặt và quảng cáo bẩn

Nguyễn Quang Dy

Chống tham nhũng đang lên đến đỉnh với các đại án gây sốc và không chừa vùng cấm như “tứ trụ”. Nhưng nó vẫn chưa đến hồi kết vì vẫn chưa cải tổ được thể chế lỗi thời là cái gốc sinh ra tham nhũng, nay đã di căn vào hệ thống và lũng đoạn nhà nước. Muốn chống tham nhũng triệt để và hiệu quả, phải xử lý cả thượng tầng lẫn hạ tầng như tham nhũng vặt và quảng cáo bẩn. Mỗi khi tra cụm từ “tham nhũng vặt” trên mạng, bạn nhận được rất nhiều kết quả (9,620,000 results in 0.30 seconds). Điều đó phản ánh thực trạng bất ổn.

Tham nhũng vặt

Có nhiều định nghĩa về tham nhũng: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi” (định nghĩa trong Luật Phòng chống Tham nhũng); “Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân” (định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế); tham nhũng là sự tác động của những quyết định không thông qua cơ chế được xã hội chấp nhận để trực tiếp hay gián tiếp giành lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nào đó.

Nói cách khác, tham nhũng là sự thiếu liêm chính và không trung thực khi sử dụng vị trí được tin tưởng để đoạt lấy những lợi ích bất chính. Tham nhũng vặt là hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, nhằm trục lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, với giá trị vật chất không lớn. Nhưng tham nhũng vặt rất nguy hiểm, như những cái vòi bạch tuộc luồn lách khắp nơi, hút cạn kiệt sức dân và doanh nghiệp. Vấn nạn đó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm mục ruỗng thể chế chính trị, và làm cho người dân mất lòng tin vào chính quyền.

Tham nhũng còn là một hiện tượng xã hội. Hình thức và mức độ của tham nhũng phụ thuộc vào những thay đổi đang diễn ra trong lòng xã hội. Xã hội càng phát triển thì vấn nạn tham nhũng càng gia tăng với mức độ và thủ đoạn càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Từ góc độ kinh tế, tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân, mà còn cản trở và kìm hãm sự phát triển. Còn dưới góc độ chính trị, tham nhũng thể hiện sự tha hóa của “một bộ phận không nhỏ” công chức của chính quyền.

Kết quả chống tham nhũng ở Việt Nam được tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận qua chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI). Năm 2021, Việt Nam đạt 39/100 điểm, tăng ba điểm so với 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2021. Nhưng Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) công bố ngày10/5/2021, cho thấy tỷ lệ người làm thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất phải chi 40% đến 90%, tại 40 tỉnh/thành phố.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng Indonesia 38 điểm, kém Việt Nam một điểm. Theo một nghiên cứu của Minh bạch Quốc tế, tìm hiểu tham nhũng của Indonesia thông qua ba lăng kính hành vi, đã chỉ ra rằng dưới thời Tổng thống Suharto (nổi tiếng tham nhũng), một môi trường “tham nhũng bền vững” đã được hình thành với ba trụ cột: Thể chế hóa, Hợp lý hóa, và Xã hội hóa. Từ đó “tham nhũng trở thành bình thường hóa”, ăn sâu vào cấu trúc và hoạt động của hệ thống công mà các thành viên trong tổ chức coi là hiển nhiên.

Nghiên cứu này chứng minh tham nhũng ở quy mô lớn được hình thành từ những hành vi rất nhỏ, thậm chí rất bình thường, làm cả xã hội bị lôi cuốn vào đó. Tại Việt Nam, quản lý đất đai là một lĩnh vực màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kiếm chác. Đó là môi trường dễ “xã hội hóa” và “bình thường hóa” hoạt động tham nhũng. Liệu luật đất đai mới năm 2023 có tạo ra được một cơ chế và môi trường minh bạch hơn để giảm thiểu tham nhũng và đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân hay không, vẫn là một vấn đề chưa có lời giải.

Tham nhũng vặt đã góp phần làm vô hiệu hóa những kết quả đạt được trong quản trị và cải cách hành chính công nhiều năm qua. Nhân viên hành chính đã thành thạo trong việc “mê cung hóa” các quy trình xử lý vốn đơn giản. Theo vnexpress.net (14/5/2022), bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có cơ chế ngăn chặn tham nhũng vặt trước khi nó trở thành “bình thường”, như một thứ văn hóa và thói quen khó bỏ. Nếu để văn hóa tham nhũng trở thành lực cản xã hội, nó không chỉ cản trở phát triển của đất nước mà còn đe dọa tồn vong của dân tộc.

Những từ như “lo lót”, “bôi trơn”, “bồi dưỡng” hay “cám ơn”, đã trở thành phổ biến như văn hoá ứng xử hàng ngày trong xã hội. Những cái mà người ta gọi là “tham nhũng vặt” không hề “vặt” chút nào. Một khi tham nhũng vặt được tích tụ lại thành hệ thống, nó sẽ “tồn tại bền vững” như một vấn nạn. Tham nhũng thường xuất phát từ lòng tham và quyền lực. Khi lòng tham và quyền lực không được kiểm soát, tất có tham nhũng. “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton, 1834-1902).

Tham nhũng trên thế giới luôn là căn bệnh xã hội trầm kha. Tham nhũng là một nguy cơ và thách thức lớn trong quá trình cải cách và phát triển đất nước, nên chống tham nhũng là đòi hỏi tất yếu của Việt Nam, nhất là trong thời kỳ quá độ. Đó là một cuộc chiến cam go, không chỉ đối phó với lòng tham của con người, mà còn đối mặt với các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Để chống tham nhũng hiệu quả, phải hiểu rõ động cơ dẫn tới tham nhũng. Trong một thể chế độc quyền và chuyên chế thì bao giờ cũng có nguy cơ lạm dụng quyền lực.

Tham nhũng vặt diễn ra hàng ngày qua các giao dịch dân sự thông thường trong xã hội. Điều đáng nói là không chỉ những cán bộ trong bộ máy hành chính tham nhũng vặt, mà còn có cả hệ thống chân rết làm môi giới. Theo các chuyên gia, một nhóm “cò đất” bằng hối lộ có thể thao túng bộ máy lãnh đạo của một huyện hay tỉnh. Loại tham nhũng vặt nói trên diễn ra ở mọi địa phương, mọi lĩnh vực, với nhiều hình thức khác nhau. Các vụ đại án vừa qua như Việt Á, AIC, Cục Lãnh sự, và Đăng kiểm, là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Quảng cáo bẩn

Hiện nay, bên cạnh vấn nạn tham nhũng vặt, tình trạng quảng cáo bẩn vô tội vạ là một vấn nạn khác đối với người dân. Cách đây vài thập niên, các công ty quảng cáo kêu trời vì sự ấu trĩ và cực đoan trong quy định về quảng cáo, như số chữ tiếng Việt và tiếng Anh trong khẩu hiệu phải bằng nhau, hoặc phải dịch tất cả mọi chữ ra tiếng Việt như Sony hay Honda. Nay thì các loại quảng cáo bẩn tràn lan vô tội vạ, hầu như thiếu sự kiểm soát. Gần đây, cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng (như consumer protection) dường như biến mất.

Nay quảng cáo của nước ngoài trên truyền hình ngày càng ít, và quảng cáo nội địa bẩn ngày càng nhiều. Mạng xã hội cũng tràn ngập các loại quảng cáo phản cảm. Đến “giờ vàng”, nếu bật TV lên, bạn có cảm giác như bị khủng bố, vì các loại quảng cáo bẩn đã biến “giờ vàng” thành “giờ tự do oanh kích”. Đang ăn cơm, bạn phải nghe những từ phản cảm như “đờm, ho, khó thở”, để quảng cáo cho một loại thuốc ho nào đó; hoặc đập vào mắt bạn hình ảnh phản cảm của hậu môn, để quảng cáo cho một loại thuốc chữa trĩ nội và trĩ ngoại.

Theo báo Lao động (2/2/2023) và Dân Việt (3/2/2023), trong khi Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đề nghị “kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật”, dùng hình ảnh khoe thân dung tục trên không gian mạng, thì Bộ VH-TT-DL lại kiến nghị tăng thời lượng quảng cáo, nhằm “đảm bảo khả năng tự chủ về tài chính”. Nói cách khác, thu nhập khổng lồ từ quảng cáo của đài truyền hình không phải nộp vào ngân sách, mà được giữ lại để “đảm bảo khả năng tự chủ về tài chính”, như một quy chế đặc biệt.

Dư luận cho rằng các kênh truyền hình chính thống đang dành thời lượng quá nhiều cho các sản phẩm quảng cáo vô tội vạ, gây phản cảm cho khán giả theo dõi chương trình. Chưa tăng đã đáng sợ rồi, nay tăng nữa sẽ ra sao. Ngoài quảng cáo bẩn, các kênh truyền hình còn phát quá nhiều chương trình của Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến khó lường, thực trạng đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số chuyên gia truyền thông đã lên tiếng báo động về thực trạng này trên các kênh truyền hình, nhưng vẫn khó thay đổi.

Theo Tuổi trẻ (22/2/2023), trên mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok cũng như các kênh truyền hình chính thống, một số nghệ sĩ có tên tuổi đã tham gia quảng cáo “với nội dung sai sự thật”. Một số bạn đọc đòi cấm sóng vĩnh viễn các nghệ sỹ đã vi phạm quy định, lừa dối người tiêu dùng, và đòi đài truyền hình cũng phải chịu trách nhiệm vì phát sóng các chương trình đó. Một số nghệ sỹ đã chính thức lên tiếng nhận sai và xin lỗi khán giả vì quảng cáo với nội dung sai sự thật, nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Theo Kinh tế Đô thị (11/12/2022) trong số sáu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp cài đặt bộ lọc chặn quảng cáo có nội dung bẩn và độc hại. Theo cơ quan chủ quản, những quy định hạn chế thời lượng quảng cáo khiến các kênh truyền hình “không thể tối đa hóa lợi nhuận”. Vì thời lượng quảng cáo hạn chế, các kênh đó phải tăng giá quảng cáo. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp chọn các kênh quảng cáo khác có mức giá phải chăng hơn, làm doanh thu của đài truyền hình sụt giảm.

Theo các chuyên gia truyền thông, đây là điều tất yếu xảy ra trong thời đại quảng cáo trên truyền hình không còn giữ vị trí độc tôn. Thay vì bỏ một số tiền khổng lồ để xuất hiện 30 giây trên TV, các thương hiệu hoàn toàn có thể tìm các kênh truyền thông khác hiệu quả không kém, như báo điện tử và các mạng xã hội. Ở đó, họ có thể cân đối được chi phí và đo lường kết quả của hoạt động quảng cáo một cách dễ dàng. Vì vậy, ý định tăng thời lượng quảng cáo trên truyền hình vì lý do thu nhập giảm có thể phản tác dụng nếu thiếu kiểm soát.

Việc tăng thời lượng quảng cáo khiến khán giả lo ngại. Một khán giả ở Hà Nội cho biết gia đình anh là những khán giả nghiện xem phim truyền hình, nhưng gần đây quảng cáo trên “giờ vàng” nhiều vô tội vạ. Một phim khoảng 30 phút thì quảng cáo tới 15 phút. Một khán giả khác ở Hà Nội cho rằng tuy nhà đài cần quảng cáo để lấy tiền đầu tư vào chương trình tốt hơn, nhưng thời lượng quảng cáo càng nhiều thì chất lượng càng giảm. Một khán giả khác nói rằng anh có cảm giác phải trả tiền cho truyền hình cáp “chỉ để xem quảng cáo”.

Lời cuối

Trong khi các vụ đại án tham nhũng như Việt Á, AIC, Cục Lãnh sự và Đăng kiểm, đang được ưu tiên xử lý như “phần nổi của tảng băng chìm”, tình trạng tham nhũng vặt và quảng cáo bẩn vô tội vạ vẫn diễn ra “bình thường” ở khắp nơi, làm khốn khổ hàng triệu người dân và doanh nghiệp. Nếu coi chống tham nhũng cũng như chống “giặc nội xâm” thì phải đổi mới thể chế lỗi thời là cái gốc sinh ra tham nhũng và các nhóm lợi ích, nếu không muốn kết quả chống tham nhũng cũng bị vô hiệu hóa như kết quả cải cách hành chính công.

N.Q.D.

15/3/2023

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn