Báo chí và mạng xã hội

Thái Hạo

21/6 hàng năm là ngày “Báo chí cách mạng”. Bây giờ thì nó gợi nhiều suy nghĩ trong bối cảnh công nghệ và hoàn cảnh lịch sử hiện tại của xã hội ta.

Ngày nay, báo chí chính thống cũng đang phải xoay chuyển về phía mạng xã hội để tìm kiếm thông tin và các bài viết phù hợp. Các trang báo lớn cũng buộc phải lập facebook để phổ biến và tương tác với độc giả. Công nghệ đang dần làm chủ chứ không phải là ý chí. 

Có nhiều cá nhân là những người có vốn hiểu biết chuyên ngành vững vàng và am tường về xã hội đã và đang biến trang mạng xã hội cá nhân của mình thành một kênh truyền thông đầy quyền lực. Cái quyền lực mà tôi nói ở đây là quyền lực của tri thức, quyền lực của tư duy và lòng trung thực. Ở đó có những bài viết đóng góp không nhỏ cho việc định hình các chuẩn mực và thang bậc giá trị cho sự kiến tạo văn hóa, kiến thiết xã hội, xây dựng chính sách bằng tiếng nói phản biện sắc sảo, công chính và đầy trách nhiệm. Mỗi tờ báo hay tạp chí trung bình đều in với số lượng hạn chế khoảng vài ngàn là nhiều, nghĩa là chỉ có khoảng vài ngàn độc giả. Tuy nhiên, chúng ta đang thấy có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang facebook cá nhân có lượng người đọc lên đến hàng vạn, thậm chí cả hàng trăm ngàn. Rõ ràng, những trang ấy đang có tính chất của một tòa báo tư nhân hoạt động một cách đắc lực cho những mục tiêu tốt đẹp.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, có không ít những trí thức có tầm nhìn và tri thức uyên bác; tuy nhiên, có lẽ do quan niệm cũ về việc định vị giá trị của loại hình xuất bản và những lý do cá nhân nào đó, họ đang để lãng phí nguồn tài nguyên chất xám quý giá của mình khi không chia sẻ cùng cộng đồng mỗi ngày.

Các tờ báo ở Việt Nam đều là báo nhà nước và nhiều khi đã không nói hết sự thật cho dân cũng như chưa phụng sự nhân dân như là một mục đích cao nhất. Việc nhiều trí thức vẫn bám giữ vào các hình thức xuất bản truyền thống như một loại hình chính danh chính thống và coi là thước đo giá trị lớn nhất là vừa chưa hợp thời, lại càng chưa hợp tình.

Xã hội biến chuyển từng ngày, bao nhiêu vấn nạn phát sinh, bao nhiêu sai lầm nảy nở và những ung nhọt đang được nuôi dưỡng bởi một môi trường yếm khí; đây là lúc cần tiếng nói thường trực của người trí thức để cảnh tỉnh xã hội và truyền thông tri thức, chia sẻ giá trị để ngăn chặn cái xấu và xây dựng tiến bộ. Tôi nghĩ, trong bối cảnh chưa có tự do báo chí như bây giờ thì việc sử dụng mạng xã hội như một tòa soạn tư nhân là hợp lẽ và hữu ích. Nó sẽ góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đất nước một cách tích cực. Việc các trí thức lớn, đặc biệt là các nhà giáo ở cả đại học và phổ thông, lên tiếng trên mạng xã hội cũng sẽ tạo ra tâm thế và thói quen cho lớp hậu bối hình thành cái ý thức về quyền con người của họ trong việc biểu đạt suy nghĩ. Chính điều này sẽ mang lại những chuyển biến lớn lao trong âm thầm mà chúng ta không thể đo đếm hết được.

Chúng ta không thể ngồi than phiền rằng tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, tự do báo chí bị phong bế trong khi lại không sử dụng chính cái công cụ đắc dụng và “thần thông” đang có sẵn trong tay để dần kiến thiết cái khoảng trống mênh mông kia. Đó chẳng phải là một sự đổ lỗi rất vụng về sao?

Thà thắp lên một que diêm bé nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

T.H.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn