Mạng xã hội nội địa Việt Nam: 16 năm tham vọng “bơi” ra biển lớn

Nhiều dự án được mạnh miệng đặt mục tiêu khi ra mắt, rồi âm thầm rút lui sau một thời gian.

Trọng Phụng

clip_image002

Việt Nam từ lâu đã muốn kiểm soát hay thậm chí là cấm các trang mạng xã hội nước ngoài. Do cùng chung mô hình quản trị độc đảng với đặc trưng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều ý kiến nhận định rằng, Việt Nam đang đi theo mô hình “độc tài kỹ thuật số” giống Trung Quốc bằng cách tạo ra một hệ sinh thái mạng xã hội trong nước. [1] [2]

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 935 mạng xã hội nội địa được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký. [3] Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sở dĩ có nhiều mạng xã hội như vậy, là do các doanh nghiệp tập trung vào thị trường “ngách”, chuyên biệt với những đặc điểm khác so với Facebook. [4]

Dù đạt số lượng ấn tượng, song hệ sinh thái số Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thể sánh ngang về chất cũng như tầm ảnh hưởng như Trung Quốc. Trong khi người láng giềng đã thiết lập một bức tường lửa hiệu quả để ngăn chặn các dịch vụ như Google, Facebook, Twitter, v.v. thì chưa có nền tảng nước ngoài nào bị chặn vĩnh viễn ở Việt Nam, ngoại trừ trường hợp Facebook bị tác động không thường xuyên từ năm 2009. [5] [6] Trong khi Trung Quốc hiện sở hữu các mạng xã hội nội địa quy mô lớn như Weibo, Wechat, Douyin (tên gọi nội địa của TikTok), còn hầu hết, người dân Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng dịch vụ nước ngoài.

Tính từ năm 2007, khi Tamtay.vn – trang mạng đầu tiên do người trong nước thiết kế và lập trình, cho đến nay Việt Nam đã trải qua 4 đời bộ trưởng với 16 năm nỗ lực xây dựng và phát triển mạng xã hội nội địa mang tham vọng sánh ngang với các ông lớn công nghệ trên thế giới. [7]

Ra mắt hoành tráng nhưng không đạt được kỳ vọng

Dự án mạng xã hội nội địa đầu tiên gây được sự chú ý của công luận mang tên Go.vn, do Tổng công ty Đa phương tiện Việt Nam (VTC) điều hành. Phát biểu tại lễ ra mắt ngày 19/5/2010, đại diện VTC cho biết mục tiêu của Go.vn là xây dựng nên trang mạng thông tin số một Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến. [8]

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó là ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Mạng Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với mạng thế giới bằng con đường trí tuệ và hòa bình.”

Mặc dù dự án thất bại, nhưng Go.vn là một chỉ dấu cho thấy Chính phủ Việt Nam bắt đầu quyết tâm phát triển các mạng xã hội trong nước như những lựa chọn thay thế các sản phẩm quốc tế.

Năm 2018 được coi là năm quan trọng trong lịch sử quản trị Internet tại Việt Nam. Bên cạnh sự kiện Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, công luận còn chứng kiến những phát ngôn và hành động mạnh mẽ của Chính phủ về việc phát triển hệ sinh thái số “made in Vietnam”.

Ngay sau khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng – nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để trình bày quan điểm chính sách của mình.

Tại buổi làm việc hồi tháng 9/2018, ông Hùng nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung phát triển hệ sinh thái số với các mạng xã hội với công cụ tìm kiếm “made in Vietnam” làm nòng cốt để thay thế Facebook, Google và buộc các nền tảng nước ngoài này phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. [9] [10]

Vài tháng sau, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Chỉ thị số 03/CT-BTTTT ngày 10/1/2019 về việc định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông năm 2019. Trong đó, một trong những mục tiêu của lĩnh vực an toàn thông tin là “phát triển mạng xã hội Việt Nam” và “thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số Việt Nam”. [11]

Đúng theo tinh thần của chỉ thị, nhiều mạng xã hội Việt Nam đã được ra đời từ nửa cuối năm 2019. Trong đó phải kể đến mạng xã hội Gapo do Công ty Cổ phần Công nghệ Gapo phát triển. Ngay từ khi ra mắt, mạng này đã gây được sự chú ý của dư luận khi công bố nhận được khoản cam kết đầu tư 500 tỷ đồng. [12]

Ngoài những tính năng cơ bản, Gapo còn tuyên bố sẽ tiến hành chia sẻ doanh thu với người dùng. Theo đó, không cần phải là một nhân vật có sức ảnh hưởng, chỉ cần bài viết có nhiều lượt xem, người dùng sẽ được trả tiền nội dung mà họ đăng tải. Tuy nhiên, Gapo chưa trả lời về cơ chế thanh toán và cho rằng vẫn còn đang “nghiên cứu”. [13]

Tại sự kiện tổ chức ngày 15/9/2019, ông Hà Trung Kiên – Tổng giám đốc, đồng sáng lập mạng xã hội Gapo, cho biết đứa con tinh thần của mình đã cán mốc hai triệu người dùng sau hai tháng ra mắt, kỳ vọng thu hút 50 triệu người dùng – gần bằng lượng người dùng Facebook thời điểm đó – vào năm 2021. [14] Tuy nhiên, sau thời gian được truyền thông rầm rộ, mạng xã hội này không còn giữ được sức nóng với người dùng. Ở năm 2022, tức ba năm sau khi ra mắt, Gapo không có công bố mới về số lượng người dùng. [15]

Ra mắt không lâu sau đó, mạng xã hội Lotus của Tập đoàn VCCorp với khoản gọi vốn 1.200 tỷ đồng cũng đặt ra mục tiêu đạt 60 triệu tài khoản đăng ký, chạm ngưỡng 90% người dùng Việt Nam. [16] Với tiêu chí “Content is King” – lấy nội dung làm trung tâm, Lotus chủ trương để người dùng không kết bạn mà kết nối với nhau qua các chủ đề quan tâm và các mối quan tâm, thông qua ba cơ chế: Dòng tin, Bảng tin, Thư mục/Kênh. [17]

Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động được ít lâu, Lotus đã vấp phải phàn nàn của người dùng, khi họ cho rằng mạng xã hội chưa hấp dẫn, việc đăng ký rất phức tạp. [18] Tờ Thanh niên ghi nhận hồi tháng 12/2019, Lotus gần giống như một mạng xã hội “chết” với các bài viết gần như không có sự tương tác, kể cả đó là những nội dung dễ câu “view” như mảng giải trí. Ứng dụng di động của Lotus trên Google Play bị nhiều người dùng đánh giá tệ hoặc đưa ra những phản ánh khá tiêu cực. [19]

Sau ba năm ra mắt, Lotus mới có hơn một triệu lượt tải về trên kho ứng dụng của Google, trong khi số lượng người sử dụng thực tế không được công bố. [20] Ghi nhận của Luật Khoa gần đây cho thấy, nội dung của nhiều trang tin lớn trên mạng này, dù được đăng tải hàng giờ đồng hồ nhưng cũng chỉ nhận được lượt tương tác vô cùng ít ỏi. [21]

Mạng xã hội dành riêng cho tuyên truyền viên?

Ngoài các dự án do các công ty tư nhân phát triển, lịch sử hệ sinh thái số “made in Vietnam” cũng ghi nhận nỗ lực xây dựng các mạng xã hội nội địa do nhà nước làm chủ đầu tư.

Tháng 3/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố xây dựng mạng xã hội cho giới trẻ tại một cuộc họp với lãnh đạo đoàn thanh niên. Bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, dự án này do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh điều hành với nguồn kinh phí 200 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, không còn xuất hiện thêm thông tin nào liên quan đến dự án này. [22]

Trước Gapo và Lotus ít lâu, ngày 11/6/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Tập đoàn Viettel khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo VCNET. Ngoài chức năng như một hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, giúp quản lý điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành tuyên giáo toàn quốc, chuyển từ giấy sang điện tử, v.v. VCNET còn được giới thiệu là một “mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và phản bác các thông tin sai trái”. [23]

Một số tờ báo đưa tin về sự kiện nhưng không nêu ngân sách lấy từ đâu / chi bao nhiêu cho dự án mạng xã hội do nhà nước đầu tư này. Nhiều nhà quan sát cho rằng VCNET sao chép giao diện từ Facebook, không có gì mới lạ, “vẽ dự án, tiêu tiền”. [24]

BBC có bài viết “Mạng xã hội VCNET là để ‘tuyên truyền chủ trương’ của Ban Tuyên giáo?”. Theo đó, người dùng Facebook tên Ann Đỗ cho rằng, mạng xã hội này là sân chơi riêng để cho tuyên truyền viên hoạt động. Mặc dù người dân có thể tham gia nhưng không thể nói sai khác những quy định mà họ đặt ra, mà phải chịu sự kiểm duyệt. [25]

Những điểm sáng hiếm hoi

Năm 2019, Việt Nam còn ra mắt mạng xã hội du lịch đầu tiên mang tên Hahalolo. Ngoài các chức năng tương tự như các trang mạng khác, người dùng còn được hưởng tiện ích mô hình dịch vụ du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Hahalolo kỳ vọng trở thành cầu nối trung gian giữa những người đam mê du lịch với nhau, giữa những đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành, các nhà bán lẻ, v.v. với khách hàng. [26]

Tại cuộc họp ngày 10/6/2019, ông Nguyễn Văn Hạ – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng xã hội Hahalolo tự tin tuyên bố, Hahalolo sẽ là một mạng xã hội du lịch của người Việt với số lượng người dùng lên hơn hai tỷ trong 5 năm tới, vượt mặt cả Facebook. [27]

Dù đã bị công luận trong nước đặt nghi vấn mạng xã hội này huy động vốn như đa cấp, giữ tiền trái phép của người dùng, chỉ sau thời điểm ra mắt ít lâu, thì ba năm sau Hahalolo vẫn đủ năng lực làm nhà tài trợ cho SEA Games 31 diễn ra ở trong nước. [28] [29] Tháng 8/2022, Hahalolo thông báo trở thành mạng xã hội đầu tiên ở Việt Nam chinh phục thị trường Hoa Kỳ và Ấn Độ. [30]

Lúc này, trang mạng sở hữu gần 10 triệu người đăng ký; kết nối các dịch vụ, tiện ích đến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ; trở thành thành viên của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA và Hiệp hội lữ hành Hoa Kỳ USTOA; được truyền thông quốc tế quan tâm. [31]

Là “đàn anh” đi trước những cái tên kể trên, Mocha của Tập đoàn Viettel cũng được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi, trong một “rừng” mạng xã hội nội địa, thu hút được người dùng. Năm 2019, Mocha công bố đạt hơn 19 triệu người dùng thường xuyên, đa phần là giới trẻ, với kho nội dung lớn và đa dạng, bao gồm 10.000 giờ phim, hơn một triệu bài hát, hai triệu video tổng hợp, v.v. cùng chính sách tặng 5GB dung lượng truy cập Internet mỗi tháng cho người dùng. [32]

Cuối cùng, cái tên sáng giá nhất phải kể đến Zalo được phát triển bởi công ty VinaGame (VNG). Từ phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Zalo được ra mắt vào tháng 8/2012, đến năm 2018, mạng xã hội này chính thức đạt mốc 100 triệu người dùng. [33] [34] Số liệu vào tháng 2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất trong nước với 74,4 triệu. [35]

Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỷ tin nhắn, 52 tỷ phút gọi video và 14 tỷ thông báo khẩn về COVID-19. Ngoài Việt Nam, ứng dụng này còn được sử dụng tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Đức, Myanmar, Singapore. [36]

***

Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định “Phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, một lần nữa nhấn mạnh phát triển sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam” làm cốt lõi; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng doanh nghiệp số và xây dựng nền tảng số trong mọi ngành nghề, đưa Việt Nam trở thành một xã hội số. [37]

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá về khả năng Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái số trong nước, như một giải pháp thay thế các dịch vụ nước ngoài. Nhưng quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam chí ít đã tạo ra được những dự án mạng xã hội thu hút người dùng như đã trình bày ở phần trên.

Không những vậy, dựa vào sức hút của Zalo, chính quyền Việt Nam đã tận dụng ứng dụng này như một diễn đàn cho người dân tiếp cận về thông tin về các kỳ bầu cử, làm công tác tuyên truyền chính trị, v.v. [38] Trong khi, ở phía ngược lại, họ đã và đang yêu cầu các mạng xã hội quốc tế gỡ bỏ hàng nghìn thông tin bị cho là “xấu độc”; và có động tác thao túng Facebook lưu hành một danh sách nội bộ gồm các quan chức “bất khả xâm phạm” của Đảng Cộng sản Việt Nam. [39] [40]

T.P.

Nguồn: Luatkhoa.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn