Tôi đã thực hiện đổi mới giáo dục và thất bại như thế nào

Thái Hạo

Còn rất nhiều rào cản cần phải vượt qua, nhưng tôi tin rằng, nếu sửa chữa được phần cứng – môi trường giáo dục nói chung – thì Đổi mới sẽ mang lại kết quả.

Cuối năm 2018, sau 2 năm nghỉ dạy vì quá nhiều những trì trệ và hỏng hóc của giáo dục phổ thông tưởng như không thể khắc phục, một lần nữa tôi quay lại với công việc đi dạy, ở chính ngôi trường cũ mà mình đã công tác trước đây.

Lúc này, Chương trình giáo dục đổi mới đã sắp sửa được công bố, nhưng trước đó đã có một số văn bản hướng dẫn “đổi mới” theo hướng “phát triển năng lực và phẩm chất học sinh”, ví dụ như Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH, tháng 10/2017.

Công văn này quy định, ví dụ điểm 1.b: “Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường”.

Rõ ràng, đây là một cơ hội để bước đầu có thể vùng thoát ra khỏi tình trạng “bao cấp giáo dục”. Tôi liền nắm lấy và bắt đầu thực hiện những “cải cách”. Đầu tiên tôi đề nghị được làm tổ trưởng chuyên môn như trước đây, vì nếu không có quyền thì không làm được. Ban giám hiệu chấp nhận ngay. Sau đó tôi họp với tổ chuyên môn Văn, lên kế hoạch tinh giản và cấu trúc lại chương trình cũng như các bài học trong sách giáo khoa. Cách làm là gom một số bài học lại thành một đơn vị mới, lấy tên một chủ đề/dự án phù hợp. Việc dạy và học từ đây là thầy trò sẽ cùng giải quyết các chủ đề/dự án ấy với học sinh.

Thay đổi vai trò của người giáo viên, từ chỗ truyền giảng sang hướng dẫn, “lãnh đạo”, hỗ trợ học sinh trong việc hoàn thành các chủ đề/dự án của mình. Thầy sẽ không chủ yếu đứng trên bục giảng nữa mà lui xuống dưới, nhường bục lại cho học sinh trình bày sản phẩm, trao đổi, thảo luận, tranh luận. Thầy vừa làm người hướng dẫn, vừa làm trọng tài và đánh giá sản phẩm của học sinh qua tất cả các khâu: hoàn thiện, trình bày, tranh luận, v.v. Việc kiểm tra đánh giá cũng sẽ được thực hiện đa dạng hình thức và phương pháp trong suốt quá trình học.

Đồng thời, tôi đề nghị nhà trường bỏ chương trình học thêm buổi chiều, chỉ học mỗi ngày một buổi chính khóa, dành thời gian còn lại cho các em tự học: tìm kiếm tài liệu, tra cứu, nghiên cứu, viết và tập thuyết trình. Tôi cam kết chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia với nhà trường. Và được đồng ý.

Giáo viên trong tổ đa phần e ngại, phần vì đã quen theo lối cũ, phần vì cách làm mới đòi hỏi người thầy phải đọc nhiều, hiểu biết rộng, năng động và bao quát tốt hơn. Nhưng dần, một thời gian thì hầu hết đều nhận thấy cách làm mới tích cực hơn, việc dạy và học vui hơn hẳn...

Sau  một năm chuẩn bị, đến năm học 2019-2020 chúng tôi bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình.

Mọi việc tiến triển khá thuận lợi, kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra, môn Văn toàn trường giữ được kết quả chất lượng so với năm trước, dù không còn học thêm nữa.

Nhưng cũng lúc này mâu thuẫn bắt đầu bộc lộ.

Hiệu trưởng nói với tôi rằng, “cậu làm được, nhưng còn đời sống của anh em thì sao?”, ý nói là không dạy thêm nữa thì giáo viên sẽ chật vật với cơm áo. Tôi nói không thể lấy lý do đó để làm khổ học sinh, khiến chúng phải học thêm vô bổ và khổ sở, vì thế thay vì dạy thêm để kiếm tiền không chính đáng, hãy đòi nhà nước tăng lương. Nhưng đây chưa phải vấn đề nghiêm trọng nhất, mà là cái khó dưới đây.

Học sinh, vì được học 1 năm theo phương pháp mới: tự tìm kiếm, khám phá, tự hình thành nhận thức và có quan điểm cá nhân chứ không phải kiểu học vẹt như cũ nữa; lại được rèn luyện tư duy phản biện do hình thành được từ quá trình tranh luận trong các giờ học, nên bắt đầu trở nên “khó bảo”. Có một số việc không hay, không đúng trong nhà trường đã bị các em “có ý kiến” bằng cách phản ánh với thầy cô giáo hoặc trên mạng xã hội. Khổ nỗi, nhà trường nào bây giờ cũng đầy việc “không hay” mà chẳng hiệu trưởng nào muốn người ngoài biết cả. Cho nên, học sinh phải “ngoan”, tức là im lặng vâng dạ như xưa. Lúc này thì hiệu trưởng quyết dẹp phương pháp mới của chúng tôi: ra lệnh “trở về như cũ”.

Tôi không chịu, và nói rằng tôi làm theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không hề sai phạm bất cứ điều gì, những ai ngăn cản là chống lại cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện”. Tôi đề nghị hiệu trưởng chỉ ra tôi đã sai chỗ nào, chỉ cần một điểm, tôi lập tức trở về lối cũ theo yêu cầu. Tuy nhiên, không ai chỉ ra được.

Dù thế, oái oăm thay, khi không thể tìm được lý do chính đáng để dẹp bỏ cuộc đổi mới của chúng tôi, người ta bắt đầu dùng những cách không chính đáng, như tung tin nói xấu, gây áp lực bằng cách chỉ trích và đấu tố, thậm chí còn viện đến lý do “lập trường tư tưởng” để chụp mũ. Lúc này, môi trường làm việc đã trở nên căng thẳng, việc đến trường không còn là niềm vui nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn không rời đi, và người ta cũng không có lý do gì để sa thải tôi. Tôi vẫn làm theo tinh thần đổi mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, vì thế trở thành cái gai phải nhổ đi trong mắt những người có quyền lợi liên quan. Tôi quyết định sẽ nghỉ việc, nhưng tôi không chủ động thực hiện, vì không muốn mình ra đi như một kẻ trốn chạy hoặc thất bại. Vì tôi đã không thất bại trong đổi mới giáo dục, tôi chỉ thất bại trước “quyền lực tuyệt đối” mà thôi.

Hiệu trưởng nói với tôi rằng, làm đơn nghỉ việc đi để cho dễ cư xử cả hai bên. Tôi nói không, phải ra quyết định đuổi việc thì tôi mới nghỉ. Và thế là sau đó họ phải lấy lý do “không còn nhu cầu sử dụng lao động” để chấm dứt hợp đồng với tôi.

Cuộc đổi mới của chúng tôi đến đây chấm dứt.

Bài học xương máu của tôi về lần đổi mới ấy, và có lẽ sẽ còn đúng với cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện” của chương trình 2018 đang diễn ra với rất nhiều khó khăn hiện nay, là:

Một, phải không được để lợi ích vật chất chen vào giáo dục. Việc thủ lợi và cơ hội “kiếm ăn” nếu còn hiện diện trong nhà trường thì chính nó sẽ bóp méo các mối quan hệ và phá hỏng mọi nỗ lực đổi mới. Đồng thời, nhà nước cần đảm bảo chế độ tiền lương để giáo viên sống được bằng nghề.

Hai, muốn thực hiện được đổi mới cốt lõi của giáo dục (phát triển phẩm chất và năng lực) thì phải đổi mới về mặt hành chính trước, hoặc ít nhất là song hành. Làm trong sạch môi trường giáo dục, các mối quan hệ trong nhà trường phải dựa trên sự công bằng, trong sáng, sạch sẽ. Không để hành chính lấn át và “cai trị” chuyên môn.

Ba, phải thực hiện dân chủ hóa môi trường giáo dục, người thầy cần có vị trí xứng đáng và được tôn trọng, họ không thể bị đối xử như những lao động chân tay làm thuê cho hiệu trưởng hay cấp trên. Họ cần được tự chủ về chuyên môn mà không phải dựa vào sự ban phát hay những vui buồn mưa nắng của những người quản lý.

Tôi nghĩ, mình là một trong những giáo viên sớm nhất ủng hộ và thực hiện Chương trình đổi mới 2018. Và đến nay, tôi vẫn giữ nguyên sự ủng hộ ấy, vì ngay từ đầu, dù biết rằng rất nhiều khó khăn để đi đến thành công, nhưng vì tôi nhìn thấy trong đó những hạt nhân tiến bộ sẽ giúp nền giáo dục Việt Nam thoát ra khỏi những vấn nạn của nó. Đồng thời, lối cũ là tình trạng đã quá bi đát, tất yếu phải bỏ lại phía sau. Đó cũng là lý do mà cho đến bây giờ, dù luôn phản ánh những tiêu cực và bất cập trong giáo dục, nhưng tôi vẫn đứng về phía đổi mới, bảo vệ tinh thần cốt lõi của Chương trình này.

Còn rất nhiều rào cản cần phải vượt qua, nhưng tôi tin rằng, nếu sửa chữa được phần cứng (môi trường giáo dục nói chung) thì Đổi mới sẽ mang lại kết quả, giúp giáo dục tiến bộ hơn, nhân văn hơn và hạnh phúc hơn.

Bạn đang đọc bài viết Tôi đã thực hiện đổi mới giáo dục và thất bại như thế nào tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.

T.H.

Nguồn: Báo Nông nghiệp VN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn