Mỹ có khả năng kềm hãm tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Thanh Hà

01/12/2023 

Cuối tháng 11/2023, Hoa Kỳ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau khuấy động tình hình ở Biển Đông sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Hopper có trang bị tên lửa dẫn đường hoạt động gần quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh lên án Mỹ xâm nhập hải phận của Trung Quốc. Washington khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển.  

Tàu khu trục USS Hopper. Ảnh minh họa do Hạm Đội 7 của Mỹ cung cấp. NAVY NEWS PHOTO FILES/AFP/File

RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Barthélémy CourmontĐại học Công Giáo Lille, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS của Pháp. 

Trung Quốc không một mình một chợ

Trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie số tháng 11-12/2023 đặc biệt dành về Biển Đông, giáo sư Courmont phân tích về chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng biển này. 

Về câu hỏi trước ảnh hưởng ngày càng lớn và những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đâu là quan điểm của Mỹ đối với vùng biển này, ông Barthélémy Courmont trả lời: 

Quan điểm chính thức của Washington (…) luôn là bảo đảm một vùng biển tự do và rộng mở thiết yếu trong các hoạt động giao thương. Lập trường này phản ánh quan ngại chính đáng của Mỹ và được nhiều cường quốc khác chia sẻ, là nếu an ninh trong khu vực bị xuống cấp, thì sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Lập trường đó cũng thể hiện quyết tâm đối phó với những tham vọng của Bắc Kinh muốn đặt thiên hạ trước chuyện đã rồi bằng cách tăng cường khả năng (quân sự) và sự hiện diện, đặt các nước chung quanh, như Việt Nam hay Philippines vào thế thủ. Cuối cùng, (trên chính trường Mỹ) hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đương đầu với nhau trên nhiều chủ đề, nhưng riêng liên quan đến Trung Quốc thì họ lại có cùng quan điểm. Mỗi bên đều xem Bắc Kinh là thách thức lớn nhất đang đặt ra cho Hoa Kỳ (…) Vì lý do này mà tàu chiến của Mỹ thường xuyên hiện diện trong khu vực để nhắc nhở Trung Quốc không ‘một mình một chợ’

Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông? 

Thái Bình Dương từ sau Thế chiến Thứ Hai còn được gọi là ao nhà của Mỹ bởi lý do: Sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Hoa Kỳ tăng cường hiện diện với khu vực này trên ba phương diện: kinh tế, ngoại giao và chiến lược. Đây đồng thời cũng là nguyện vọng của các quốc gia trong vùng muốn ngả vào vòng tay của Washington. Song do tác động từ chiến tranh Việt Nam, phải đợi khi Chiến tranh Lạnh cáo chung, thì Mỹ mới quan tâm trở lại đến khu vực Đông Nam Á, khẳng định lại ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng mãi cho đến tận 1997, thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính Á Châu. 

Thế rồi cũng vì căng thẳng âm ỉ với Bắc Kinh, nước Mỹ dưới thời tổng thống Obama (2009-2016) đã «xoay trục sang châu Á, vồ vập với Philippines và Việt Nam» vào lúc mà một số nước trong vùng đã bắt đầu thận trọng trước những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chỉ tiếc là «chiến lược của Hoa Kỳ đã chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự» nên không đủ sức tạo dựng niềm tin giữa Washington với các đối tác Đông Nam Á. Một số đã do dự và không dám quay lưng lại với đối tác thương mại chính là Trung Quốc. 

Mỹ có những ưu thế mà Trung Quốc không có được

Theo giáo sư Courmont thuộc Viện IRIS, răn đe Trung Quốc mới là lý do chính giải thích cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Vậy thì đâu là những lợi thế và nhược điểm của Washington trong vùng biển này? 

«Xét về mặt quân sự, lá chủ bài của Washington ở Biển Đông chính là những đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Điều đó thể hiện qua một số những căn cứ quân sự, những cơ sở của Mỹ tại nhiều hải cảng. Đó là điều mà Bắc Kinh không có được. (...) Thêm vào đấy là những căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ở đảo Guam. 

Trái lại, thế yếu của Washington thì gồm mức độ đáng tin cậy về sự dấn thân của Mỹ và từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Mỹ tham gia rồi đã rút khỏi Hiệp định Tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP ; lại cũng Washington rút khỏi Afghanistan (…) Thế rồi đã không thông báo trước với các đối tác trong khu vực khi thiết lập hợp tác quân sự với Anh và Úc - AUKUS». 

Những nước cờ riêng của mỗi đối tác châu Á

Cùng lúc, mỗi đối tác Đông Nam Á của Hoa Kỳ đều «có những chiến lược riêng». Giáo sư Courmont đơn cử trường hợp của Philippines: Manila lúc thì theo đuổi đường lối thân Mỹ, lúc lại thân Bắc Kinh. Nhưng quan trọng hơn cả theo chuyên gia Pháp này, thái độ chập chờn đó của một số nước trong khu vực cho thấy «Trọng lượng kinh tế và ảnh hưởng của Washington tại khu vực này đang bị thu hẹp lại»

Vậy đó là điều đáng mừng hay đáng lo? 

Ông Barthélémy Courmont quan niệm thiên về một trong hai giả thuyết này đều không thỏa đáng. 

Bởi trước hết, quyền lực tại Washington trong tay đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng cho thấy là ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á đang sụt giảm, bởi Mỹ thiếu một tầm nhìn chiến lược cho toàn khu vực. Nhưng bên cạnh đó thì các nước Đông Nam Á vẫn có một sự hoài nghi, ngờ vực nào đó về đối tác Mỹ. 

Riêng liên quan  «vị trí và vai trò của liên minh» giữa Hoa Kỳ và Philippines, Giám đốc nghiên cứu Viện IRIS tại Pháp nhận xét như sau: thứ nhất bang giao song phương đã trải qua nhiều «sóng gió», đặc biệt là dưới thời nhà độc tài Ferdinand Marcos, và quyền lực tại Manila giờ đây đang được đặt trong tay con trai ông là tổng thống Marcos Jr.

Thế rồi bang giao đã được sưởi ấm dưới chính quyền Obama trước khi lại bị tổng thống Rodrigo Duterte thách thức khi ông này lên cầm quyền. Từ 2022 tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thể hiện lập trường thân Mỹ.

Thứ hai, mọi người không nên quên rằng, «tương tự như nhiều quốc gia khác trong khu vực» Philippines tìm cách hưởng lợi trước xung khắc Mỹ-Trung. Dưới thời nào đi chăng nữa, Manila cũng tránh phải chọn phe. 

Về phía Trung Quốc, giáo sư Barthélémy Courmont không loại trừ khả năng Bắc Kinh làm căng với Philippines để đo lường mức độ thiết tha của Mỹ với đồng minh thân thiết này, và qua đó là với cả châu Á...

Không xa Philippines, Đài Loan cũng đang chú ý theo dõi phản ứng của Hoa Kỳ… 

Mỹ, lực bất tòng tâm 

Mỹ có còn khả năng kềm hãm những tham vọng và đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay không? Chuyên gia Pháp cũng khá thận trọng trong phần phân tích. 

«Về mặt quân sự, Hoa Kỳ vẫn giữ được khoảng cách quan trọng ở phía trước và lợi thế đó được củng cố thêm nhờ những mối đối tác chiến lược Washington đã mở rộng với nhiều quốc gia trong vùng. Đành là Trung Quốc đã tăng tốc cải thiện khả năng quân sự, nhưng cần thêm vài thập niên nữa Bắc Kinh mới giành được thế thượng phong (…) Nhưng có một thay đổi ở đây: đó là khả năng của Trung Quốc để gây áp lực đối với các nước châu Á mà từ trước đến nay vẫn bị coi là 'bướng bỉnh'. 

Về kinh tế, mặc dù Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng Bắc Kinh đã lấn lướt tất cả các đối tác Đông Nam Á. Hoa Kỳ thì không đủ sức để cưỡng lại ảnh hưởng đó của Trung Quốc trong vùng. Chính quyền Biden tháng 5/2022 khởi xướng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương IPEF để làm đối trọng với dự án Một Vành Đai Một Con Đường BRI của Trung Quốc. Nhưng đầu tư của Mỹ trong khu vực không thấm vào đâu so với những thay đổi về mặt kinh tế - và đôi khi là cả về mặt xã hội, mà các khoản đầu tư của Trung Quốc đã mang lại. (…) Tuy nhiên về ảnh hưởng ngoại giao và hình ảnh, thì Mỹ có sức thu hút lớn hơn so với Trung Quốc (…) quyền lực mềm của Mỹ lôi cuốn hơn (…)» . 

Nguy cơ xung đột ?

Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á trên biển, trên không, đã nhiều lần suýt gây ra sự cố với quân đội Trung Quốc. Có khả năng tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát hay không? 

Theo chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, nguy cơ căng thẳng leo thang là có thực khi nhìn vào «chiều sâu» mối hiềm khích giữa hai cường quốc này. Những sự cố như hồi tháng 5/2023 khi máy bay của Hoa Kỳ và Trung Quốc áp sát vào nhau,  sẽ thường xuyên xảy ra chung quanh khu vực eo biển Đài Loan và ở Biển Đông.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào một cuộc xung đột ở quy mô lớn,bởi hai quốc gia này «bị gắn chặt vào nhau và cho dù đang trong thế cạnh tranh về nhiều mặt, nhưng cả Washington lẫn Bắc Kinh mỗi bên đều ý thức được là phải duy trì đối thoại».

Washington và Bắc Kinh cùng có nhu cầu chứng minh với công luận trong nước là không «nhượng bộ đối phương một ly tấc nào (…) Trung Quốc hô hào chấm dứt mô hình xoay quanh thế giới phương Tây chẳng qua là để huy động và thuyết phục người dân về tính chính đáng của đảng Cộng sản, đồng thời gây sức ép với các nước phương Tây. 

Về phía Hoa Kỳ, chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng tương tự như chủ trương xoay trục sang châu Á của tổng thống Obama hay các cuộc chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền ông Trump, cũng chỉ nhằm mục đích nêu nêu bật mối đe dọa Trung Quốc và qua đó là để tìm cách đối phó». 

T.H.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn