50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ai sẽ cùng hẹn ‘Năm sau đến Hoàng Sa’?

Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016

Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016.  ẢNH: GETTY IMAGES

Tuấn Khanh

Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

15 tháng 1 2024

Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa nên là một dịp để người Việt lại cùng nhau cất lên tiếng nói vì chủ quyền, như đã từng cất lên trong quá khứ chưa xa. Bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh gửi cho BBC News Tiếng Việt.

Cái tên Hoàng Sa được nhắc nhiều nhất có lẽ là vào năm 2014. Lúc đó, giàn khoan Hải Dương-981 được Bắc Kinh kéo tới, đặt trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cuộc thăm dò này được bảo vệ đến hơn 100 tàu đủ loại của Trung Quốc, biến tâm lý chống Trung Quốc ở cả Việt Nam bùng nổ, mọi người xuống đường, báo chí tố cáo, và những cuộc biểu tình trên đường phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… không nhiều công an, an ninh kiểm soát như thường ngày.

Sau những giờ phút sôi động ấy, điều nhìn thấy – lần duy nhất sau 1979 – là hình ảnh của một quốc gia như đang cùng chung một ý nguyện chống ngoại xâm, và hơn thế nữa, là muốn bứt ra khỏi vòng tay ghì siết của cái gọi là tình đồng chí của Bắc Kinh.

Cuộc biểu tình lên án việc Trung Quốc đạt giàn khoan HD 981

Cuộc biểu tình ngày 11/05/2014 trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà nội. ẢNH: GETTY IMAGES

Liên tục trong hơn một tháng đặt giàn khoan, gây hấn, đâm đụng tàu Việt Nam, vu cáo ngược trên truyền thông, Trung Quốc trở thành câu chuyện phản ứng trải dài khắp nước. Từ bạo động ở Bình Dương lan sang nhiều tỉnh, tận Hà Tĩnh.

Thậm chí, ở Sài Gòn còn có tin một vụ tự thiêu của của bà Lê Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, trước Dinh Độc Lập ở Sài Gòn vào ngày 23 Tháng Năm, mà theo hồ sơ của công an thì bà là một Phật tử thuần thành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã để lại 6 tấm biểu ngữ chống Trung Quốc.

Đến tháng 6 năm 2014, ông Hoàng Thu, 71 tuổi, cựu binh Việt Nam Cộng Hòa, cũng tự thiêu tại bang Florida, Mỹ, để lại mảnh giấy ghi “Hai Yang 981 phải rời khỏi Việt Nam hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử”.

Nhiều người bình luận, rằng chuỗi phản ứng chống Trung Quốc trên cả nước lúc đó, là một kế hoạch của những người lãnh đạo Việt Nam cho nên mới có sự bùng phát lịch sử như vậy.

Có người còn nói, đó là cách giới thiệu lòng dân với những người trong hệ thống chính trị đang có khuynh hướng thân Trung Quốc. Điều đó có thể là sự thật vì cuộc biểu tình chỉ được thả lỏng từ ngày 11 cho đến ngày 18 tháng 5. Sau đó, những vụ trấn áp đã xuất hiện, nhiều người bị bắt, nhiều cuộc khởi động biểu tình cũng bị dập tắt.

Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. ẢNH: GETTY IMAGES

Các đường chính dẫn đến tòa lãnh sự Trung Quốc ở TP.HCM đều bị chặn

Các đường chính dẫn đến tòa lãnh sự Trung Quốc ở TP HCM đều bị chặn. ẢNH: FACEBOOK

Nhưng dù là thế nào đi nữa, những ngày ngắn ngủi đó thật cần thiết để hàng triệu người Việt Nam vô danh trên đất nước nhìn thấy nhau, nhìn thấy một nguyên khí quốc gia hừng hực chỉ lắng xuống, đợi thời điểm bùng lên trong một bối cảnh mà tình hữu nghị đỏ rực giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung, chưa bao giờ hoàn toàn là ý đảng hợp lòng dân.

Những người từng tham gia biểu tình vẫn tiếc rằng những thời điểm sôi động đó bị chấm dứt quá sớm. Nhưng trên thực tế, bàn cờ Việt Nam-Trung Quốc đã vô cùng căng thẳng vào lúc đó.

Tin tức những cuộc bạo động tấn công vào các công ty xí nghiệp của người Trung Quốc đã khiến xuất hiện thành phần cực hữu của Trung Quốc lên giọng đòi một cuộc chiến tranh. Và sau các sự kiện như ở Bình Dương, Vũng Áng, nếu không kiềm chế được mọi thứ, sẽ là dấu hiệu của một cuộc loạn lạc lớn.

Ba miền VN biểu tình lớn chống TQ

Chính quyền VN 'bật đèn xanh' biểu tình?

Cả Trung Quốc và Việt Nam cũng đều kiểm duyệt những tin tức nóng và gây sốc về tình hình chung. Còn tình hình trên biển thì tàu của Trung Quốc và Việt Nam cũng đã liên tục đâm nhau đến vài trăm lần.

Nhắc lại sự kiện này, để nhớ, một khi ngoại xâm đến cửa, không chỉ người Việt mà hệ thống chính trị nào cũng có một thái độ dứt khoát về Tổ quốc, Dân tộc. Sau vụ giàn khoan Hải Dương-981, tháng 5 năm 2014, mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lạnh đi thấy rõ trong nhiều năm, thậm chí là đối xử với nhau nhiều thứ rất gay gắt.

Điều đặc biệt của cuộc biểu tình năm 2014 và câu chuyện Hoàng Sa là người ta nhìn thấy một nước Việt Nam tất cả đều đứng về một phía: Một tấm lòng, một ý nghĩa về Tổ quốc và Dân tộc.

Hình ảnh Việt Nam lúc đó còn cho thấy rằng có thể sức mạnh của Việt Nam chưa đủ để đối đầu với Trung Quốc, nhưng nhân dân luôn đứng sau lưng những người cầm quyền, khi họ chọn một thế đứng với lẽ phải, với đất nước và không bao giờ chịu khuất phục. Lịch sử Việt ngàn năm thời Lê - Lý - Trần như tái hiện trong khoảnh khắc.

Nhà máy Mega bị thiệt hại trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Một nhà máy tại Bình Dương bị thiệt hại trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc. ẢNH: GETTY IMAGES

Khói và lửa bốc lên từ cửa sổ nhà máy ở Bình Dương vào ngày 14/05/2014, khi những người biểu tình chống Trung Quốc đốt cháy hơn chục nhà máy ở Việt Nam, trong một phản ứng dữ dội với việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Biệt Nam

Khói và lửa bốc lên từ cửa sổ nhà máy ở Bình Dương vào ngày 14/05/2014, khi những người biểu tình chống Trung Quốc đốt cháy hơn chục nhà máy ở Việt Nam, trong một phản ứng dữ dội với việc Bắc Kinh triển khai giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Biệt Nam. ẢNH: GETTY IMAGES

Không chịu khuất phục: Đó cũng là hình ảnh của cuộc Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn chủ động trong một cuộc chiến tranh không cân sức, thà chết chứ không đầu hàng, không buông tay cho kẻ thù lấn chiếm đất đai của tổ tiên. Và có như vậy thì Hoàng Sa mới trở thành một câu chuyện lịch sử về kẻ cướp và người chống kẻ cướp.

Tất cả những dữ kiện lịch sử đó được ghi lại bằng máu và mãi mãi không bao giờ phai mờ, bất chấp Trung Cộng đã đổ không biết bao nhiêu tiền của để mồm loa mép giải nói đó là đảo của họ.

Có người nhắc rằng kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Hoàng Sa, nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì chúng ta sẽ mất mãi mãi. Vấn đề pháp lý cũng quan trọng, nhưng ý nguyện của một quốc gia thống nhất mới là quan trọng hơn cả. Tây Tạng không đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng thế giới vẫn nói đó là một cuộc đánh chiếm.

Ngay cả lúc này khi tìm dữ liệu trên các trang mạng, tin tức vẫn còn nói rõ rằng Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ chính thể Việt Nam Cộng Hòa - mà Việt Nam Cộng Hòa là một bộ phận của Việt Nam có khác biệt chính trị, chứ không phải là một quân thù nào như những ngôn ngữ tuyên truyền vẫn còn nói đến tận bây giờ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về tinh thần đoàn kết của người Việt Nam

50 năm của Hoàng Sa là lúc để nhìn lại điều đau xót, là một phần đất nước đã rơi vào tay kẻ cướp. Có chiến thắng pháp lý cũng chưa chắc chúng ta đã có lại được đất đai xưa, và ngay cả có chiến tranh cũng chưa chắc đó là một cuộc chiến dứt khoát để giành lại hoàn toàn.

Vậy thì điều cuối cùng mà người Việt có thể tìm thấy - như là một vận hội, một cơ may - là cả dân tộc và những người cầm quyền đều cùng đứng về một phía, đoàn kết, buông bỏ những ngôn từ gươm giáo chống lại anh em của mình. Đất nước thực sự thống nhất để nhìn về một tương lai độc lập mà không hề chung vận mệnh với kẻ cướp.

Năm 2014 nhắc vào lúc cao trào của tình dân tộc, tất cả mọi tôn giáo đều lên tiếng, bất luận đó có bị coi là hoạt động tín ngưỡng bất hợp pháp đi nữa. Không chỉ trong nước, mà cả hải ngoại, hơn 3 triệu người Việt sống xa quê hương cũng sôi sục vì vận mệnh Tổ quốc, trong đó có không ít những tổ chức chính trị bất đồng với nhà nước.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các đại sứ quán của Trung Quốc tại nhiều nước đã diễn ra, người ta nhìn thấy cờ đỏ sao vàng đứng cùng cờ vàng ba sọc đỏ: Trong nguy nan, người Việt chỉ nhìn thấy nhau bằng quê hương.

Trên facebook, đều đặn mỗi năm, tôi nhìn thấy một người quen ở Hà Nội vẫn để dòng trạng thái là “Năm sau đến Hoàng Sa”. Lời nhắc thầm lặng chỉ vài chục năm nay, nhưng mang sức nặng của cả dân tộc Do Thái ngàn năm khi mơ được trở lại cố hương.

“Sang năm đến Hoàng Sa” là một lời hẹn lòng, là một lời cam kết thầm lặng của những người Việt yêu nước. Đó còn là một kim chỉ nam bằng máu, có giá của biết bao nhiêu người yêu nước đang phải chịu tù đày vì chống Trung Quốc, rằng nếu cùng chung một lời cam kết với nhân dân thì sẽ có tất cả, hoặc mất tất cả.

T.K.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả Tuấn Khanh, một nhạc sĩ, người viết tự do tại Sài Gòn.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn