Mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cần hướng tiếp cận mới

LS. Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng luật sư NH Quang & Cộng sự; thành viên Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế VICMC)

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng phương thức PPP, không có lĩnh vực văn hóa. 

Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, mà không có lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, những rủi ro pháp lý trong kiểm duyệt luôn là “bản án treo” cho những sản phẩm văn hóa ra đời. Các rào cản trong việc khuyến khích tư nhân cùng tham gia vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời có trong chuyên đề Người Đô Thị số này.

*

Sự kiện một nhà sưu tầm cổ vật của Việt Nam đưa được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại về nước thông qua mua trực tiếp từ người bán ở nước ngoài, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước là một trường hợp hiếm hoi thể hiện sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để có thể giúp cho người mua ở Việt Nam thực hiện thành công thương vụ này, như được phép chuyển tiền ra nước ngoài… Trường hợp hợp tác công tư này nên là cá biệt hay nên hình thành một cơ chế hợp tác công tư có tính bền vững, minh bạch, thuận tiện để thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa?

UBND TP.HCM đang xúc tiến thành lập một số tuyến phố chuyên doanh một số loại hàng, như quần áo tại đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức), vật liệu xây dựng tại tuyến Tô Hiến Thành - Thành Thái… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của thành phố.

Ở Hà Nội, những tuyến phố “hàng”, “phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ”, “Tạ Hiện”… không chỉ nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại mà đã là một giá trị văn hóa từ cảnh quan cho đến tinh thần hợp tác kinh doanh (buôn có bạn, bán có phường) của người Việt Nam. Làm sao để giữ gìn được giá trị văn hóa này khi mà các trào lưu thương mại điện tử, siêu thị lên ngôi có thể làm suy yếu hay xóa bỏ các phố “hàng”. Nếu Nhà nước chỉ tập trung vào bảo tồn những khu vực này thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân sống trong khu vực. Sinh hoạt của người dân tại khu vực di sản cũng chính là di sản cần phải được duy trì và bảo vệ. Những khó khăn, bất cập ở các khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) cần phải có phương án giải quyết. 

Các ví dụ nêu trên chưa mô tả hết nhu cầu hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân về bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ có đặt ra nhiệm vụ tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư công trình, dự án ứng dụng, nghiên cứu khoa học, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã thể hiện nhu cầu và mong muốn của Nhà nước về sự tham gia của nhân dân. Tuy nhiên, các quy định về hợp tác có tính chất đối tác giữa Nhà nước và người dân hiện chưa giải quyết được những vấn đề, mong muốn nêu trên. 

Sinh hoạt của người dân tại khu vực di sản cũng chính là di sản cần phải được duy trì và bảo vệ.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) năm 2020 quy định 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP nhưng không có lĩnh vực văn hóa. Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì đối tượng điều chỉnh chỉ là các cơ sở ngoài công lập, tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp công lập mà không có chủ thể là chính quyền địa phương như quy định tại Luật PPP. Như vậy, rõ ràng các quy định pháp luật hiện hành đã không giải quyết được nhu cầu hợp tác đối tác công tư ở ví dụ nêu trên cũng như các trường hợp khác. 

Trở lại ví dụ về hợp tác giữa Nhà nước và cá nhân, tổ chức trong việc sưu tầm, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể hoặc phi vật thể của Việt Nam hay thế giới để người Việt Nam có thể hưởng thụ các giá trị văn hóa đó. Chiến lược phát triển văn hóa đã đặt định hướng phải xây dựng khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của bảo tàng tư nhân, nhưng quy định về bảo tàng tư nhân hiện hành (Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL) mới tập trung vào vấn đề hoạt động riêng của bảo tàng thuộc khu vực tư nhân mà chưa có những quy định về hợp tác đối tác công tư để cùng nhau gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa. Trong khi đó, khu vực tư nhân có những thế mạnh về khả năng giải quyết vấn đề nhanh, hiệu quả mà không phải trải qua các thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian về mua sắm công ở khu vực Nhà nước. Ngược lại, khu vực Nhà nước có những lợi thế về thẩm quyền, không gian, đội ngũ chuyên gia có thể giúp hoạt động văn hóa có chiều sâu… 

Mô hình đối tác công tư trong việc bảo tồn và phát triển các làng cổ, phố cổ có gắn giữa hoạt động thương mại và hoạt động văn hóa. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có các khu phố cũ, phố cổ đã hình thành các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa để thu hút du lịch, phát triển các hoạt động thương mại ở địa phương đem lại nguồn thu cho người dân địa phương và nhà nước như Canada, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Singapore, Đức… Các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa được hình thành ở nhiều thành phố trên thế giới giúp cho việc bảo tồn, gìn giữ các tuyến phố “hàng” này. Đây là mô hình hợp tác giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân tại các khu thúc đẩy (phát triển) thương mại, văn hóa (Business improvement district - BID).

Ví dụ đơn giản nhất về khu BID mà nhiều người có thể nghe nói đến hoặc đã từng đến tham quan là các khu China Town ở một số thành phố trên thế giới. Thống kê nhanh cho thấy hiện nay Hoa Kỳ có hơn 1.000 khu thúc đẩy thương mại - văn hóa, riêng  bang New York có khoảng 76 khu; Singapore có 10 khu và hiện đang được mở rộng thêm; Canada có trên 80 khu; Anh có trên 300 khu... Mô hình BID xét về bản chất là mối quan hệ đối tác công tư nhằm thúc đẩy thương mại và văn hóa.

Sân khấu Sen Hồng ở Công viên 23 Tháng 9 (Quận 1) từng có tư nhân đề xuất đầu tư nhưng bất thành. Do bị bỏ hoang 4 năm nay, nhiều hạng mục xuống cấp, thành nơi xả rác, tiêm chích ma túy... Hiện TP.HCM đang có dự định sửa chữa nhằm phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Để hình thành và vận hành các tuyến phố hoạt động hiệu quả, chính quyền là cầu nối để các đơn vị kinh doanh (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), người dân hợp tác hình thành các khu thúc đẩy thương mại văn hóa này, xây dựng các cẩm nang hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp tự thành lập, hỗ trợ về bảo đảm an ninh, trật tự… Các khu thúc đẩy thương mại văn hóa khi được xây dựng còn là động lực phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường sống cho khu vực xung quanh. 

Mô hình các khu BID của thế giới dường như phù hợp với thực tiễn của phố cổ Hà Nội, TP. HCM, Hội An và nhiều địa phương khác. Nếu hình thành được các khu BID, chính quyền - người dân - doanh nghiệp sẽ cùng nhau cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo tồn khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị để phát triển dịch vụ thương mại du lịch. Nhưng để mô hình này có thể áp dụng được ở Việt Nam thì Quốc hội cần phải ban hành văn bản để giải quyết những hạn chế và khoảng trống từ các luật hiện hành, như Luật Đầu tư Công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư… 

Áp dụng phương thức hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa là một việc làm cần thiết để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Nhà nước nắm giữ nhiều công trình, thiết chế văn hóa (thư viện, nhà văn hóa, nhà cổ, công trình kiến trúc có giá trị, công trình thể thao...) nhưng một số công trình, thiết chế này chưa phát huy được hiệu quả theo đúng mục tiêu, công năng của công trình, gây lãng phí trong khi nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày một lớn. Đơn cử một sự kiện biểu diễn âm nhạc của nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào 2 ngày (29-30.7.2023).

Theo thống kê, tổng số khách du lịch đến Hà Nội và tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn trong 2 ngày biểu diễn tăng hơn 25%. Công suất huy động phòng khách sạn tại khu vực gần đêm biểu diễn tăng 20% so với ngày cuối tuần các tuần trước đó. Các điểm du lịch tại Hà Nội ghi nhận lượng du khách tăng nhẹ 15 - 20%... Như vậy, nếu Nhà nước có thể hợp tác với khu vực tư nhân theo phương thức O&M (kinh doanh và quản lý) hoặc một phương thức nào khác được quy định cụ thể thì sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn. 

Như đã nêu ở trên, Nhà nước cần sớm có các quy định về đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa để có thể thu hút được nhiều hơn nguồn lực về tài chính và trí tuệ của xã hội đầu tư vào các công trình, thiết chế và hoạt động văn hóa. Các phương thức hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa có thể áp dụng tương tự như các phương thức hợp tác đối tác công tư theo Luật PPP hiện nay, gồm có BOT, BTO, BLT, BTL, O&M… nhưng không bị giới hạn về yêu cầu mức vốn đầu tư như luật hiện hành. Các phương thức này có ưu điểm là quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bên, mối quan hệ đối tác được dựa trên cơ sở hợp đồng. Quyền lợi của các bên sẽ được bảo đảm và ngang bằng theo hợp đồng. Mục tiêu của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa phải được đáp ứng dựa trên cơ sở hợp đồng và pháp luật. Đối với việc hình thành và hoạt động các khu BID, văn bản có tính hợp đồng được ký kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp và người dân trong khu vực BID. 

Áp dụng phương thức hợp tác đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa là một việc làm cần thiết để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Người dân có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các công trình, thiết chế văn hóa được quản lý chuyên nghiệp, có chất lượng. Nhà nước có thể giảm bớt và cơ cấu lại các nguồn chi ngân sách đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cho hiệu quả hơn. Chưa kể, Nhà nước có thêm nguồn thu từ các hợp đồng đối tác công tư. 

N.H.Q.

*

Ý kiến bổ sung:

TS. Trịnh Đăng Khoa (Phó hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP.HCM):

Hợp tác công tư là tất yếu để giải bài toán lợi ích văn hóa cho toàn xã hội.

Theo tôi, cái nào tư nhân làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện. Chúng ta có cảm giác rằng sản phẩm văn hóa từ tư nhân sinh động, phong phú, đa dạng, dồi dào, được đầu tư lớn…, trong khi khu vực Nhà nước ít hơn. Điều đó là một lẽ bình thường khi chúng ta hiểu được quy luật của thị trường đầu tư sản xuất hàng hóa, ở đây là văn hóa.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế để có thể dùng ngân sách Nhà nước mua sản phẩm, đặt hàng ý tưởng hay tạo điều kiện đầu tư cho khu vực tư nhân để họ tạo ra những tác phẩm theo định hướng Nhà nước với mục tiêu phục vụ văn hóa. Không nên chỉ dùng ngân sách cho đơn vị Nhà nước. Như vậy, bật ra cơ chế hợp tác công tư như một tất yếu để giải bài toán được lợi cho cả phía Nhà nước lẫn tư nhân và xã hội. Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa có một hành lang pháp lý thật sự rõ ràng, minh bạch, dễ dàng để cho tư nhân có thể tham gia đồng hành cùng Nhà nước tạo ra những tác phẩm có giá trị.

Nếu xã hội hóa chỉ là chủ trương, thì PPP là một chính sách rất cụ thể, thuộc về luật hóa. Đó là một dạng thức để hợp tác trong kinh tế rất rõ ràng mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Vấn đề là những cái của thế giới khi đem vào Việt Nam cần điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thể chế của mình.

Ngoài ra, văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt. Liên quan việc kiểm duyệt trong lĩnh vực này cũng cần phải có các tiêu chí, chuẩn mực phù hợp trong cách tiếp cận của văn hóa. Bởi văn hóa không bao giờ là duy nhất đúng cả. Nó chỉ sẽ đúng ở hệ tọa độ của nó, gồm không gian, thời gian và chủ thể. Chỉ cần lệch một trong 3 yếu tố thì cái hôm trước có thể là văn hóa nhưng đến hôm nay có khi phi hoặc vô văn hóa.

Tôi cho rằng hệ tọa độ văn hóa của người kiểm duyệt và nhà đầu tư sản xuất phải tương đồng. Và hai chủ thể này phải chú ý một chủ thể thứ ba nữa, là chủ thể tiêu dùng. Như vậy cần làm sao hài hòa được hệ tọa độ văn hóa của cả 3 nhóm chủ thể này thì việc kiểm duyệt mới bảo đảm những giá trị đúng, để giúp xã hội tốt hơn. Nếu lấy chiều từ Nhà nước đi xuống hay từ nhu cầu người dân đi lên, đều phải cân nhắc.

Do đó, cần cơ chế kiểm duyệt thế nào để thấy rằng duyệt cho đối tượng sản xuất theo nhu cầu người dân khác với nhu cầu đặt hàng của Nhà nước. Chúng ta không thể lấy một bộ tiêu chí để kiểm duyệt, xét duyệt cho mọi sản phẩm văn hóa.

*

Ông Mai Bá Hùng (nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa  - Thể thao TP.HCM):

Hình thức hợp tác nào cũng cần quyết tâm từ lãnh đạo.

Vừa qua kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về ban hành danh mục 23 dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa đầu tư theo phương thức PPP, mừng lắm. Lãnh đạo thành phố quan tâm cơ sở vật chất như vậy là tốt quá rồi.

Vấn đề còn lại theo tôi là phương thức triển khai làm sao cho tới đích. Chứ còn trước giờ nhiều lần cũng đã thông qua các dự án nhưng không thực hiện được. Đối với các dự án thể thao, văn hóa, cái khó nhất vẫn là đền bù giải phóng mặt bằng. Cho nên sự quan tâm của HĐND, UBND thành phố sẽ càng đáng mừng hơn nếu tập trung giải quyết vấn đề “đất sạch”.

Với các hình thức đối tác công tư, tôi cho rằng cái nào cũng được, BT hay nói thật là có thể chuyển về đầu tư công cũng được, vấn đề còn lại là quyết tâm của lãnh đạo mà thôi.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn