Tại sao EVN mua điện mặt trời của dân giá 0 đồng nhưng mua điện của Lào 1.700 đồng?

Dân Trần

04.01.2024 

(VNTB) – EVN biện bạch rằng phải mua điện giá cao của Lào vì lý do chính trị.  

Mua điện mặt trời của người Việt Nam giá 0 đồng mà vẫn lỗ
EVN viện lý do là hiện không có cơ sở thực hiện thỏa thuận đấu nối nên nhiều doanh nghiệp muốn phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng không thể đấu nối. Nếu mua điện mặt trời thì người dân sẽ lắp đặt nhiều, lắp đặt tràn lan. Khi đó sẽ mất cơ cấu tối ưu của cả hệ thống điện, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Nếu người dân lắp đặt nhiều, lượng dư thừa nhiều, khi tất cả nguồn điện này đẩy lên hệ thống thì lưới không chịu nổi. 

“Các nhà máy khác phải giảm công suất để nhường cho nguồn điện này… Vấn đề nằm ở chỗ phải đảm bảo an toàn lưới điện và ổn định của hệ thống điện, chứ không phải là kinh tế”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói với báo chí.

Trong khi đó tập đoàn điện lực Việt Nam lại muốn mua điện gió Lào với giá 1.700 đồng. Với lý do là các nguồn điện gió nhập khẩu từ Lào có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện trong nước. So sánh giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào và các nguồn khác, EVN cho rằng các nguồn điện gió trong nước được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 khi EVN mua điện với giá 9,8 cent/kWh (hơn 2.380 đồng/kWh). 

Nếu so với nguồn điện gió chuyển tiếp được huy động vừa qua với giá 1.587 đồng/kWh, mức giá nhập khẩu điện từ Lào cao hơn, nhưng khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu cũng như không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước. (1)

Ngoài ra, tập đoàn điện lực Việt Nam còn viện lý do chính trị trong việc mua điện gió từ Lào.

Trên VnExpress, tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng,  nhắc tới “nhiệm vụ chính trị” giữa Việt Nam và Lào, khi nhập khẩu điện thực hiện theo Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ từ 2016, quy mô công suất tối thiểu 1.000 MW vào 2020, tăng lên gấp 3 (3.000 MW) vào 2025 và đến 2030 khoảng 5.000 MW. Ngoài Lào, Việt Nam còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc (từ 2005), với sản lượng từ hai nước này khoảng 1-1,5% tổng nhu cầu dùng điện cả nước. (2)

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, giải trình rằng việc khẩu điện Trung Quốc và Lào là chiến lược dài hạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông nói: “Việc nhập khẩu điện từ Lào không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn tăng cường quan hệ toàn diện Việt Nam - Lào, đảm bảo mối quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng”. (3)

Trên thực tế, đứng sau các nhà máy điện gió tại Lào đều là Trung Quốc. Mới đây nhất, ngày 25/04 tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina) vừa tổ chức lễ khởi công Dự án Điện gió Monsoon có tổng công suất 600 MW, dự án điện gió đầu tiên của Lào, tại Vientiane. Cho nên nói mua điện Lào, thực chất là mua điện của Trung Quốc. (4)

EVN chọn mua điện Lào và Trung Quốc vì lý do chính trị, an ninh quốc phòng, trong khi hoàn toàn có thể mua điện của người Việt Nam với giá rẻ, thậm chí giá 0 đồng. Sau đó bán điện luỹ kế 6 bậc cho người dân, cuối cùng vẫn lỗ. Năm 2023, EVN đã báo lỗ 24.500 tỷ. Số tiền lỗ này, sẽ lấy thuế của người dân bù vô, hoặc tìm cách tiếp tục tăng giá điện bán cho dân. 

Thật nực cười khi một nước có hơn 3.200 km bờ biển mà phải mua điện gió của một nước không có biển. Một đất nước đang có 4.600 MW điện mặt trời, điện gió đến nay vẫn chưa được hòa lưới, mà vẫn cố gắng đi mua điện của Trung Quốc, Lào. 

Có thể hiểu rằng, việc EVN mua điện gió Lào và Trung Quốc làm vừa lòng đảng cộng sản Trung Quốc. Đảm bảo an ninh quốc phòng ở đây tức là đảm bảo vai trò thống trị của đảng cộng sản Việt Nam. Cuối cùng, tiền bán điện lỗ thì dân gánh, nếu mất lòng Trung Quốc thì dân chịu. Và khi các phe phái đấu nhau, EVN sẽ là nguồn củi cho những đại án lớn tiếp sau Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát.

*

Tham khảo:

(1) https://tuoitre. vn/de-xuat-nhap-dien-gio-tu-lao-gia-gan-7-cent-kwh-20231218103621804.htm
(2) 
https://vnexpress.net/ly-do-viet-nam-muon-nhap-khau-dien-gio-tu-lao-4691705.html
(3) https://tienphong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-nhap-khau-dien-la-chien-luoc-dai-han-post1539330.tpo
(4)
 https://tapchilaoviet.org/tin-ngay/powerchina-xay-dung-du-an-dien-gio-dau-tien-cua-lao-57689.html

D.T.

VNTB gửi BVN

*

Đọc thêm: 

Việt Nam mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào

Duy Linh

Hiện Việt Nam chưa mua điện gió của Lào mà trước mắt ký hợp đồng để mua điện từ các nhà máy thuỷ điện Lào. 

Bauxite Việt Nam

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW. Lào sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định thời gian thực hiện đầu tư thủy điện.

Ngày 7-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã đồng chủ trì kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Việt Nam tăng đầu tư vào Lào năm 2023

Phiên họp tập trung trao đổi, thống nhất các nội dung đánh giá kết quả triển khai thực hiện trong năm qua, nhất là các vấn đề hai bên đã giải quyết dứt điểm, các công việc còn tồn đọng, hướng xử lý cũng như các nhiệm vụ, định hướng mới trong năm 2024.

Trong đó, về hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, hiện có 245 dự án của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,5 tUSD.

Năm 2023, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,75 t USD. Các doanh nghiệp đã đóng góp thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong 5 năm trở lại đây khoảng 200 triệu USD/năm. Lũy kế từ 2015 đến nay khoảng 1,7 tỉ USD, đóng góp 150 triệu USD cho công tác an sinh xã hội.

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 t USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%. 

Toàn cảnh kỳ họp - Ảnh: VGP

Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, với việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.

Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. 

Hai bên đã khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nong Khang từ tháng 5-2023. Hai nước cũng tìm ra hướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với dự án muối mỏ kali của Vinachem.

Ngoài ra, đã xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương.

Việt Nam và Lào cũng đã hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3.

Lào nghiên cứu điều chỉnh thời gian thực hiện đầu tư thủy điện cho Việt Nam

Về trọng tâm hợp tác năm 2024, hai bên thống nhất tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả thỏa thuận giữa hai bộ chính trị Việt Nam - Lào và kết quả cuộc gặp người đứng đầu ba đảng giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen cũng như tập trung thực hiện tốt các tuyên bố chung và thỏa thuận ký kết tại kỳ họp 46.

Hai bên tăng cường thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng và an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện.

Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập và tự chủ, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào. 

Tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào, đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư. 

Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẽ nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới. 

Về thương mại, hai nước đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023. 

Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu tư duy mới, cách làm mới trong việc triển khai kết nối giao thông hai nước.

Việt Nam và Lào sẽ huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng - Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.120 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.

Hai bên thống nhất triển khai các giải pháp đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia "Một hành trình, Ba điểm đến". 

Hai Chính phủ, các bộ, cơ quan chức năng hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và khu vực. Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả để Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2024, AIPA 45 và các hội nghị cấp cao khác.

D.L.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn