Sự thật “tín chỉ carbon” - Người nghèo sẽ khóc!

Cao Huy Thọ 

Số tiền VN thu được đầu tiên từ bán tín chỉ carbon là 1250 tỷ đồng. Nhưng, có biết PHẢI CHI RA BAO NHIÊU KHÔNG? Phải chi xấp xỉ 70% cho việc tư vấn, đo đếm… Có biết một năm VN thải ra bao nhiêu tấn CO2 không? Xin thưa, theo công bố từ Ngân hàng Thế giới, năm 2022 là 344 triệu tấn, xếp hạng 17 thế giới về phát thải. Còn hiện nay, việc phát thải được dự báo khoảng 450 triệu tấn CO2.

Đề cập đến con số này thì mới hiểu cái mà chúng ta có chả ăn thua gì cái chúng ta cần phải mua - tạo ra để bù vào. Vậy thì những số tiền nho nhỏ thu được có phải là chuyện lạc quan?

Cụm từ “tín chỉ carbon” trở nên vô cùng nóng trong thời gian gần đây, sau khi Việt Nam tuyên bố Net Zero vào năm 2050. Đặc biệt trong vài tháng gần đây, không ít người tỏ ra hết sức hồ hởi phấn khởi khi đọc báo thấy những thông tin đại loại như: Nông dân trồng dừa ở Bến Tre ngồi chơi không cũng có tiền bán tín chỉ carbon; VN bỏ túi 1250 tỷ đồng qua việc bán tín chỉ carbon từ rừng; Bán “không khí” lấy tiền thật;  Bán tín chỉ carbon: Tiềm năng lớn trong nông nghiệp, tiềm năng tín chỉ carbon ở TP.HCM gần 1 tỷ đô la…

Với cái máu tò mò, ưa tìm hiểu về những điều mà mình chả biết gì, tôi đăng ký đi học một khóa đào tạo về ETS (hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải) và tín chỉ carbon do một công ty là đối tác của Cục Biến đổi Khí hậu tổ chức. Giảng viên của lớp học chỉ có một người Việt từng học ở Đức và có 6 năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại Châu Âu, cùng các chuyên gia “tây”, trong đó có cả Viện phó Viện nghiên cứu Luật Môi trường của MIT.

Tại lớp học, các giảng viên kêu trời về báo chí VN khi vẽ nên khung trời màu hồng cho người dân, với những bản tin hồ hởi phấn khởi như tôi dẫn chứng ở trên. 

Ví dụ: Số tiền VN thu được đầu tiên từ bán tín chỉ carbon là 1250 tỷ đồng. Nhưng, có biết PHẢI CHI RA BAO NHIÊU KHÔNG? Phải chi xấp xỉ 70% cho việc tư vấn, đo đếm… Có biết một năm VN thải ra bao nhiêu tấn CO2 không? Xin thưa, theo công bố từ Ngân hàng Thế giới, năm 2022 là 344 triệu tấn, xếp hạng 17 thế giới về phát thải. Còn hiện nay, việc phát thải được dự báo khoảng 450 triệu tấn CO2.

Đề cập đến con số này thì mới hiểu cái mà chúng ta có chả ăn thua gì cái chúng ta cần phải mua - tạo ra để bù vào. Vậy thì những số tiền nho nhỏ thu được có phải là chuyện lạc quan?

Rồi đây sẽ thấy, mọi thứ không vui ập đến rất nhanh.

Vé máy bay hiện nay đang bị kêu trời vì đắt, rồi nó sẽ đắt hơn nữa khi các hãng hàng không sẽ phải mua tín chỉ để bù.

Điện ở Việt Nam phần lớn là nhiệt điện, phát thải rất dữ. Rồi đây, muốn cân bằng Net Zero thì phải mua tín chỉ carbon để bù. Vậy thì ĐIỆN SẼ TĂNG GIÁ. 

Xi măng với lượng phát thải tính trên 1 tấn của chúng ta cao hơn gấp đôi các nước tiên tiến, vậy thì muốn cân bằng cũng phải mua tín chỉ carbon, GIÁ XI MĂNG TĂNG.

Ngay đến xây dựng cũng thế, khi một thống kê của ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết 70% máy móc, cơ giới của các công ty xây dựng VN đang xài toàn là hàng second hand, phát thải rất cao. Và như vậy, muốn cân bằng phát thải lại phải mua tín chỉ carbon.

Đã hàng bao năm nay, chúng ta đã báo động về câu chuyện các nhà máy VN toàn xài đổ cổ lổ sĩ, phát thải CO2 rất lớn. Giờ muốn giảm thì phải thay đổi toàn bộ bằng máy móc hiện đại. “Tiền đâu mà thay?” - Đó là câu hỏi của đại diện Hiệp hội Dệt may. Và như vậy, áo quần chúng ta mặc rồi đây cũng sẽ tăng giá để bù cho cái tín chỉ carbon!

Ngay nông nghiệp cũng vậy. Một triệu ha lúa trồng đúng quy trình theo mục tiêu của Bộ NN&PTNT để cân bằng phát thải cũng là một câu chuyện không nhỏ. Vì muốn kiểm soát, việc trước tiên là phải hoàn tất chuyển đổi số nông nghiệp để kiểm soát việc trồng lúa đúng quy trình “ngập khô xen kẽ “ của IRRI. Tuy nhiên, hiện chỉ có mỗi tỉnh Đồng Tháp hoàn tất chuyển đổi số nhờ một doanh nhân làm giúp.

Ôi, hào hứng làm gì, đặc biệt khi nghe ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, khi bán được tín chỉ carbon từ rừng, người giữ rừng được vỏn vẹn có 117.000 đồng/1 ha/năm!

Chưa kể, đâu phải cứ trồng rừng là có tín chỉ carbon, mà muốn có là phải trồng cho đúng theo hệ thống (có rất nhiều hệ thống) mà phương Tây đặt ra. 

Nghĩ đời cũng bất công. Thuở xa xưa, “tây” tàn phá trái đất dữ nhất, dẫn đến việc thủng tầng Ozon, giờ bảo vệ nó thì họ đẻ ra vô số thứ, kiếm tiền từ chuyện này cũng rất ngon mà các nước kém phát triển phải đi theo.

Giờ chỉ thấy một chuyện: Sắp tới ông Trump mà thắng thì chuyện tín chỉ carbon sẽ xìu! Nhìn lại lịch sử sẽ thấy, cứ bên Mỹ phe Dân chủ lên thì chuyện tín chỉ carbon được đẩy mạnh, còn phe Cộng hòa lên thì chuyện này xếp xó. Chính vì thế, thời ông Bush đã từng rút khỏi chuyện biến đổi khí hậu, thời ông Trump thì tín chỉ carbon rớt xuống còn có 0,4 USD/tín chỉ.

Và cuối cùng, chuyện cần nhất với chúng ta là vẫn cứ phải học, vẫn cứ phải tìm hiểu để chuẩn bị đón “cơn bão” tín chỉ carbon. Tuy nhiên, quan trọng hơn là

-       Làm ơn ĐỪNG PHÁ RỪNG rồi thay bằng việc trồng rừng kiểu báo cáo thành tích;

-        Làm ơn giảm bớt việc xài đồ nhựa 1 lần; 

-       Làm ơn ĐỪNG XẢ RÁC; 

-       Làm ơn đừng nhập rác máy móc về… 

Một VIỆT NAM XANH chính là cuộc sống trong lành của chúng ta. Và nó là nền tảng để chống biến đổi khí hậu, tiến tới Net Zero.

C.H.T. 

Nguồn: FB Hân Lê

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn