Phân tích: Vấn đề chọn phe của ASEAN trên bàn cờ chính trị Trung - Mỹ

Hà Thanh Liên 

Trong bàn cờ chính trị Mỹ - Trung, mỗi bên đều nỗ lực lôi kéo tầm ảnh hưởng. Đáng chú ý, dường như tại khu vực ASEAN (Đông Nam Á) đang có những dấu hiệu cho thấy xu thế nhích lại gần Trung Quốc. Bài viết của học giả Hà Thanh Liên bàn về vấn đề này.

Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Indonesia vào tháng 7/2023. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm mục đích kiềm chế bành trướng sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đồng minh trong chiến lược không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn  cả khu vực ASEAN. Tháng trước, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đã công bố Báo cáo tình hình ASEAN 2024, được một số cơ quan truyền thông Trung Quốc và nước khác đưa tin làm dấy lên tranh luận, theo đó nhận định cho rằng vấn đề chọn phe của ASEAN có chuyển hướng về gần Trung Quốc hơn, do tiềm ẩn khả năng sức mạnh Trung Quốc vượt Mỹ, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có đối trọng tương xứng.

Tại sao có thay đổi này? Phải chăng đây là thế không thể đảo ngược hay sẽ tiếp tục tình trạng lắc lư?

Bối cảnh quốc tế của Báo cáo tình hình ASEAN 2024

Kể từ năm 2020, khi Viện ISEAS-Yusof Ishak bắt đầu công bố “Báo cáo tình hình ASEAN”, báo cáo này đã trở thành đánh giá thường niên về quan điểm của giới tinh hoa trong khu vực liên quan đến các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu. Cuộc khảo sát năm nay dựa trên các cuộc phỏng vấn với 1994 người ở 10 nước ASEAN gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, doanh nhân và chuyên gia. Kết quả cho thấy: 50,5% số người cho rằng ASEAN nên liên kết với Trung Quốc thay vì Mỹ, tăng đáng kể so với mức 38,9% ở năm 2023; ở Mỹ, con số này giảm xuống 49,5% từ mức 61,1% của năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thống kê bắt đầu vào năm 2020, mức thiện cảm dành cho Trung Quốc cao hơn Mỹ.

Tình hình chi tiết chọn phe cũng thú vị: Trong ASEAN chỉ có Philippines, Singapore và Việt Nam có đa số người được hỏi ưu tiên chọn Mỹ, trong khi 7 nước còn lại thích liên minh với Trung Quốc hơn. Những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sáng kiến “Vành đai và Con đường” và thương mại với Trung Quốc như Malaysia, Indonesia và Lào có lập trường rõ ràng nhất về việc chọn Trung Quốc với hơn 70% người ủng hộ.

Trong hơn 20 năm, các nước ở ASEAN theo đuổi chiến lược “dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh chính trị và dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế”. Cho đến năm ngoái, hầu hết trong số 10 nước ASEAN đều kiên quyết phản đối việc Trung Quốc mở rộng vùng biển. Giờ đây lại có thái độ thay đổi như vậy, chỉ có thể hiểu rằng niềm tin của họ đối với Mỹ đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Gaza.

Trong 3 năm kể từ khi ông Biden nhậm chức ở Nhà Trắng, Mỹ đã tham gia vào hai cuộc chiến mà tạm thời chưa thể có kết quả. Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, cộng đồng quốc tế phần lớn tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và ông Putin sẽ từ chức thì đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả năng ngừng chiến. Nhưng tác động của cuộc chiến Israel-Palestine đối với Mỹ kể từ tháng 10/2023 phức tạp hơn nhiều so với cuộc chiến Nga-Ukraine; một là những nhóm nền tảng của Đảng Dân chủ Mỹ bao gồm sinh viên đại học, LGBTQI+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và người đồng tính hoặc đang cân nhắc) và BLM đã biểu tình phản đối ủng hộ của chính phủ dành cho Israel, các cuộc biểu tình gần đây ở nhiều khuôn viên trường đại học chỉ là một làn sóng bùng phát mới; thứ hai, Mỹ đang trong tình trạng đơn độc về vấn đề ủng hộ Israel, bằng chứng thấy rõ là các tuyên bố của Mỹ tại nhiều cuộc họp của Liên Hợp Quốc, gần đây 3 nước châu Âu gồm Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine. Cả 2 yếu tố này quả thực đã làm lung lay niềm tin của các đồng minh vào Mỹ.

Đối với các nước ASEAN còn có yếu tố tôn giáo. Trong khu vực có 3 nước Hồi giáo là Indonesia, Malaysia và Brunei; 7 nước còn lại thì Campuchia và Singapore có dân số theo đạo Hồi không nhỏ, còn Việt Nam và Lào có dân số theo đạo Hồi nhỏ hơn. Thành phần dân số như vậy đã ảnh hưởng đến thái độ của khu vực đối với Mỹ liên quan cuộc chiến tranh Israel-Palestine.

Từ quan điểm này, trong mối quan hệ tam giác Trung Quốc - ASEAN - Mỹ thì không có nhiều yếu tố biến số đối với Trung Quốc. Nhưng đối với Mỹ có nhiều biến số: Một là chính trị trong nước Mỹ (chẳng hạn như kết quả bầu cử), hai là chính sách và cách xử lý quan hệ quốc tế của Mỹ. Ngoài ra, bản thân nền chính trị các nước ASEAN cũng có nhiều biến động.

Không thể thống nhất quan điểm thân Mỹ hay thân Trung Quốc

Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nay đã được 12 năm – bắt đầu từ việc ông Obama trở lại Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền ông Biden kể từ khi nhậm chức vào năm 2021 đã có nhiều chuyến thăm cấp cao với các chính phủ ASEAN – đặc biệt 2023 được coi là đỉnh cao liên lạc giữa Mỹ và ASEAN. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đối tác ASEAN, trong đó liệt kê ASEAN là một tổ chức quốc tế ngang hàng với Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi, đồng thời tuyên bố sẽ mở rộng trao đổi ngoại giao và kinh tế trong khu vực ASEAN. Nhưng cho đến nay, hầu hết các nước ASEAN đều từ chối chọn phe. Lý do đơn giản là 10 nước ASEAN có quan hệ khác nhau với Trung Quốc, chẳng hạn như khác biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mức độ đe dọa khác nhau, lượng trao đổi kinh tế khác nhau, thái độ đối với Mỹ cũng có chia rẽ…

Ví dụ Báo cáo tình hình ASEAN 2024 cho thấy, trong số những nước chọn liên minh với Mỹ thì những nước tiêu biểu nhất là Philippines, Singapore và Việt Nam, nhưng nhìn chung sự ủng hộ dành cho Mỹ ở các nước khác đã giảm. Khi Mỹ tái khẳng định cam kết quốc phòng với Philippines, thì niềm tin của Philippines vào Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 83,3% (từ mức 78,8% của năm ngoái). Tuy nhiên thái độ đối với Trung Quốc của Singapore và Việt Nam lại khác với Philippines – những nước có mối đe dọa lãnh thổ không mạnh bằng Philippines.

Singapore không còn “của nhà họ Lý”

Trong một số hội nghị châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN trước đây, thời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông nhiều lần lên tiếng cho hầu hết các nước ASEAN bày tỏ quan điểm với Mỹ: Không nên gây áp lực buộc các nước ASEAN chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng tháng Tư năm nay, ông Lý Hiển Long đã từ chức thủ tướng và ông Hoàng Tuân Tài (Lawrence Wong) kế nhiệm. Tất nhiên, thế giới bên ngoài cũng lo ngại liệu ông Hoàng Tuân Tài có và kế thừa chính sách Trung Quốc của ông Lý Hiển Long hay không.

Trung Quốc đã lên tiếng: Sau khi ông Lý Hiển Long chính thức tuyên bố sắp nghỉ hưu, ông cũng đăng bài trên mạng xã hội kêu gọi toàn thể người dân Singapore ủng hộ đội ngũ lãnh đạo Singapore thế hệ thứ 4 thời Hoàng Tuân Tài. “Đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 4” mà ông Lý Hiển Long nhắc đến ngay từ tháng 12 năm ngoái đã dẫn đầu một phái đoàn Singapore đến thăm Trung Quốc, thời điểm ngay sau khi ông Lý Hiển Long xác nhận ông Hoàng Tuân Tài là người kế nhiệm. Phái đoàn đến thăm có quy mô lớn và bao gồm hơn 1/3 quan chức cấp cao của nội các Chính phủ Singapore, trong đó 7 người là các bộ trưởng có quyền lực, và hầu hết đều là thành viên cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 4.

Khi ông Hoàng Tuân Tài nhậm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã nhiều lần thể hiện rõ thái độ đối với Trung Quốc. Ví dụ vào tháng 12 năm ngoái, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng không bao giờ nên đặt cược vào suy thoái của Trung Quốc, họ tiếp tục là nền kinh tế có thể mang lại cơ hội lớn cho hợp tác song phương. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Economist của Anh vào ngày 6/5 năm nay, phóng viên đặt câu hỏi rằng: Singapore nên ứng phó như thế nào các biện pháp trừng phạt công nghệ và hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về việc hệ thống công nghệ toàn cầu bị chia đôi? Ông Hoàng Tuân Tài nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng việc đưa ra các hạn chế xuất khẩu sẽ được cân nhắc thận trọng, [cho dù] điều này là dễ hiểu trong trường hợp có vấn đề về an ninh quốc gia”. Nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra, nếu tình hình ngày càng lớn hơn thì cuối cùng sẽ dẫn đến sự phân chia công nghệ (bifurcation) trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, điều này không chỉ gây hại cho Singapore mà còn cho cả Mỹ và thế giới.

Đã có quan điểm khẳng định rằng Singapore thời ông Hoàng Tuân Tài nhìn chung sẽ đi theo đường lối ngoại giao của thời Lý Hiển Long, đối với quan hệ với Trung Quốc về cơ bản sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”. Hơn nữa, Mỹ đang trong năm bầu cử, giai đoạn này quan hệ Mỹ - Trung đã ổn định và không bên nào muốn gây rắc rối, không có áp lực phải chọn phe sau khi ông Hoàng Tuân Tài lên nắm quyền.

Việt Nam một lần nữa tuyên bố tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”

Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ rất phức tạp, sau một thời gian tưởng như gần gũi hơn với Mỹ thì nay lại như quay trở lại đường trung lập. Hai động thái gần đây có thể làm Mỹ không vui. Một trong số đó là thông tin được Reuters tiết lộ ngày 9/5 rằng khi Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Tổng thống Nga Putin, nước này đã hoãn cuộc họp dự kiến ​​vào giữa tháng Năm với quan chức hàng đầu của EU chịu trách nhiệm về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, lý do “chưa bố trị được thời gian gặp mặt”.

Một động thái khác là vào ngày 20/5 khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan, người phát ngôn Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách “Một Trung Quốc” rằng Việt Nam sẽ kiên quyết theo đuổi chính sách “Một Trung Quốc” và thừa nhận Đài Loan trên cơ sở là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc; Việt Nam duy trì và phát triển các mối quan hệ phi chính phủ và không chính thức với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục…, không phát triển bất kỳ mối quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan. Người phát ngôn cũng nhắc lại Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, khẳng định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên eo biển Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây, Mỹ đã thực hiện nhiều hạn chế thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc ngày càng dựa vào Việt Nam để giúp lách các hạn chế thương mại đó của Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vào năm 2023 đạt gần 105 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2018 khi chính quyền Trump lần đầu áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ASEAN đã trở thành một đấu trường địa chính trị mà cả hai bên đều tích cực ve vãn nhau. Tuy nhiên, thái độ của các nước ASEAN luôn ở trạng thái lắc lư. Mặc dù Báo cáo tình hình ASEAN 2024 cho thấy những thay đổi bất lợi đối với Mỹ, nhưng thực tế nó bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh Gaza. Sau cuộc bầu cử năm nay, nếu có những thay đổi lớn về chính trị trong nước Mỹ và theo đó xảy ra những điều chỉnh quan trọng trong chính sách quốc tế, thì thái độ của các nước ASEAN cũng sẽ thay đổi giữa thân Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên trừ Philippines, những điều chỉnh ở 9 nước còn lại sẽ chỉ giới hạn ở việc “sẽ gắp đĩa nào nhiều hơn giữa hai đĩa Trung Quốc và Mỹ, tuyệt đối không có chuyện chỉ chọn một đĩa mà từ bỏ đĩa kia”.

H.T.L.

(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả đăng trên Đài RFA)

Nguồn: Trithucvn.co

 

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn