Chữ “Pháp” (法) của người tu hành

Phan Thế Hải 

Cuộc đối thoại giữa Khổng tử và Lão tử về Pháp

Mấy tuần nay, trên cộng đồng mạng nổi lên hiện tượng nhà tu hành ngoài quốc doanh là sư Minh Tuệ, người tu theo hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 “Pháp khổ hạnh”, trong đó hạnh đầu đà là một trong những “pháp môn” cao nhất và kinh điển nhất của “Phật Pháp”.

Vậy Pháp là gì? 

Khi đặt câu hỏi này, lão đã nhận được một số câu trả lời từ các nhà thông thái. Rằng, Pháp còn có nghĩa là luật, là giáo pháp nói chung. Pháp còn có nghĩa là luật vũ trụ hay trật tự mà thế giới chúng ta phải phục tùng, nhưng theo đạo Phật, là luật “Luân Hồi Nhân Quả”. Pháp bao trùm đời sống “vô thủy vô chung” mà tất cả mọi hiện tượng theo nhân duyên đều tùy thuộc vào đó. 

Pháp chỉ mọi hiện tượng, sự vật và biểu hiện của hiện thực dẫu có hỗn loạn nhưng rồi đều bị chi phối bởi luật Nhân - Quả

Nói về chữ, Pháp là một từ cổ rắc rối, đa nghĩa; Pháp là một trong những thuật ngữ thiết yếu nhất trong Phật giáo: Phật - Pháp - Tăng được coi là “tam bảo” của nhà Phật.

Pháp trong tiếng Phạn, cổ ngữ Ấn Độ, Pháp là “dharma” thường được dùng để chỉ giáo Pháp và sự thực hành của đạo Phật. Ý nghĩa thông thường và quan trọng nhất của “Pháp” trong Phật giáo là chân lý. Pháp đồng nghĩa với “đức hạnh”,“công chính”, “chuẩn tắc” về cả đạo đức và tri thức. 

Trong cổ văn phương Đông, chữ  =  mô tả lại cảnh sống tự nhiên, bao gồm hình ảnh dòng sông đang chảy, cánh chim bay trên trời, hình ảnh cây cối... tất cả những thứ này thể hiện cách thức vận hành của tự nhiên đều theo quy luật của nó. Pháp là phép, là phương pháp, là cách thức để giải quyết một vấn đề gì đó. Có thể nói ý nghĩa của chữ  nằm trong bốn chữ “thuận theo tự nhiên”. Mọi thứ trái với quy luật của tự nhiên là phi pháp sẽ không tồn tại được. 

Chữ Pháp  ngày nay đã giản lược đi khá nhiều chỉ còn lại bộ thủy (nước) và chữ Khứ (rời đi). Tuy nhiên ý nghĩa gốc của chữ vẫn còn. “Nước chảy chỗ trũng” đó là quy luật của nước cũng là phương pháp vận hành của tự nhiên.

Trong phương pháp giáo dục của cổ nhân cũng lấy nước làm hình ảnh mẫu mực. Đặc biệt trong tư tưởng của Lão Tử ông coi trọng mọi thứ thuận theo tự nhiên, sử dụng cái nhu hòa khéo léo để xử thế, cũng giống như nước vậy, luôn yếu mềm mà vẫn có thể làm mòn đá núi.

Vào thời k thoái trào của lễ giáo cuối thời Xuân Thu, để giữ cho tâm hồn tĩnh lặng, Lão Tử đã rời xa thế tục, gửi gắm tâm tình nơi núi non, cảm nhận cái tinh khiết và mênh mông bát ngát của thiên thiên, trải nghiệm ý nghĩa thực sự của đời người. 

Dòng chảy lưu động, biến hóa không ngừng của nước đã khơi dậy cảm hứng tâm linh của nhà hiền triết, trở thành nơi để ông gửi gắm tâm tư và sự tỉnh thức của mình. Trí tuệ và tư tưởng triết học của Lão Tử có sự liên hệ rất lớn với nước trong tự nhiên, chúng ta còn có thể gọi nó là sự thức tỉnh của “thủy tính”.

Khổng Tử nói: “Trí giả nhạo thuỷ, nhân giả nhạo sơn”. Kẻ thông đạt đạo lý thì yêu thích cái lưu động không ngừng của nước. Người an nhiên thi hành đạo lý nên yêu thích cái vững vàng của núi. Lão Tử yêu thích nước, vì nước gần với đạo. Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được”, từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ”. Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.

Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần giữ giới, khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc hiếu thắng, tranh giành, không chịu thua thiệt. 

Dẫu không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa nào của Giáo hội Phật giáo, cũng không có đệ tử, không thuyết pháp nhưng Minh Tuệ đã làm cho đại chúng giác ngộ về Pháp của nhà Phật ấy là thực hành tu tâm, dưỡng tính. Bằng hành động của mình, Minh Tuệ đã gieo thiện lành cho công chúng. Đó chính là Pháp của người tu hành.

P.T.H.

Nguồn: FB Phan Thế Hải

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn