Không có gì tự nhiên

Nguyễn Thị Bích Hậu

Người Hàn làm ra nhiều thành tựu được thế giới công nhận, ví như xe hơi, điện thoại đi động, tivi, đồ điện máy, con chip, tàu vũ trụ… Nhưng họ vẫn có một nỗi niềm đau đáu, đó là còn chưa có mấy giải Nobel. Họ chỉ có 1 giải Nobel Hòa bình. Vì vậy họ rất muốn có giải này ở các lãnh vực khác, mà văn chương là một trong số đó.

Nhà văn viết hay ở Hàn thật ra không hiếm. Nhưng vấn đề là văn chương của họ khó vượt qua biên giới vì rào cản ngôn ngữ.

Vì thế từ 1996, chánh phủ Hàn đã cho thành lập Quỹ dịch thuật văn học Hàn. Sau tới 2001 thì đổi tên thành Viện dịch thuật văn học Hàn quốc, gọi tắt là LTI.

Tổ chức này có nhiệm vụ tài trợ cho việc biên dịch và xuất bản các tác phẩm tiếng Hàn để thúc đẩy việc biên dịch văn học Hàn Quốc chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy nhiều chương trình trao đổi ở nước ngoài nhằm tăng cường cơ sở xuất khẩu văn học Hàn Quốc và thiết lập mạng lưới cho các nhà xuất bản Hàn Quốc và nước ngoài. Ngoài ra, LTI Hàn Quốc còn nỗ lực bồi dưỡng các biên dịch viên chuyên nghiệp để nâng cao năng lực biên dịch văn học Hàn Quốc.

Họ coi đây là 5 chương trình trọng điểm và làm rất tốt. Bao gồm tài trợ dịch thuật- tài trợ xuất bản sách Hàn; Tổ chức nhiều hoạt động văn chương ở nước ngoài cho các nhà văn Hàn tham gia; Đào tạo 200 dịch giả giỏi bắt đầu từ khi họ là sinh viên; Dịch vụ thông tin cung cấp đầy đủ các thông tin về thị trường sách vở tại Hàn; Mở thư viện lưu trữ đầy đủ toàn bộ các tác phẩm văn chương Hàn đã dịch ra 40 thứ tiếng trên thế giới.

Họ còn có một tạp chí riêng in 5000 bản mỗi kỳ bằng Anh ngữ mang tên Văn học Hàn quốc ngày nay, phát hành rộng rãi.

Kwak Hyo-hwan, trong hình, là chủ tịch thứ 8 của Viện dịch thuật văn học Hàn cho hay trong nhiệm kỳ của ông, Viện này sẽ bứt phá. Ông nói: “Tôi muốn vượt ra ngoài khái niệm “toàn cầu hóa” hay quảng bá văn học Hàn Quốc ra nước ngoài bằng cách tự tin xác lập nó như một thành viên của văn học thế giới.”

Sinh năm 1968, Kwak là một nhà thơ nhưng ông có bằng tiến sĩ từ Khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc của Đại học Hàn Quốc. Ông từng làm việc như một nhà báo tại hãng tin Yonhap của chính phủ Hàn. Ông đã tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu cho văn học Hàn trên toàn cầu.

Bằng cách này, Hàn đã cho xuất bản gần 2000 tác phẩm văn chương của họ dịch 40 thứ tiếng trên thế giới ở nhiều nước.

Chỉ riêng VN hiện cũng đã có hơn 300 cuốn sách của Hàn các loại ( bao gồm cả các sách ngoài văn chương) đã dịch ra tiếng Việt và xuất bản.

Cứ thế, văn học Hàn tiến lên. Năm 2011, tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-Sook được dịch và xuất bản ở 31 nước, phá kỷ lục sách bán chạy của The New York Times (in lần đầu 100.000 bản); năm 2012, tác phẩm đoạt giải Man Asia Literary.

Đến năm 2016, Người ăn chay của Han Kang đoạt giải Man Booker quốc tế (lần đầu tiên cho văn học châu Á), được dịch ra 22 ngôn ngữ.

Nhà thơ Ko Un có thơ được dịch và xuất bản bằng 25 ngôn ngữ, 3 lần được đề cử giải Nobel.

Và cuối cùng, hôm qua nhà văn Han Kang đã đoạt giải Nobel 2024 vì tác phẩm tuyệt hay của bà.

Nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực mấy chục năm qua của Chính phủ Hàn quốc đối với nền văn chương xứ họ. Tôn vinh các tác phẩm hay của văn chương nước nhà, chính là cách tốt nhất để bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc.

Hình tòa nhà của Viện dịch thuật văn học Hàn, Thư viện của Viện này và hình chủ tịch thứ 8 của Viện.

N.T.B.H.

Nguồn: FB Nguyễn Thị Bích Hậu

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn