Mấy lời chia sẻ

Thái Hạo 

1. Với tôi 

Từ lâu, tôi đã phản đối quyết liệt việc dạy thêm học thêm như cái cách nó đang diễn ra suốt hàng chục năm nay. Phản đối không phải chỉ bằng cả trăm bài viết đã đăng tải cả trên báo lẫn trang facebook cá nhân này. Tôi đã từng kể, và có lẽ nhiều bạn còn nhớ, rằng khi tôi trở lại trường học vào năm 2018, sau khi nghỉ dạy 2 năm, một trong những yêu cầu của tôi với ban giám hiệu là bỏ dạy thêm môn Văn trong toàn trường. Và được chấp thuận. Tôi đã thực hiện điều đó được hơn 1 năm, cho đến khi hiệu trưởng yêu cầu dạy thêm trở lại, dù tôi đã thực hiện được lời cam kết đảm bảo chất lượng của mình với nhà trường khi bãi bỏ dạy thêm. Bất đồng, tôi rời trường, và nghỉ việc tới bây giờ. Các bạn quan tâm chi tiết về điều này thì có thể đọc bài “Tôi đã thực hiện đổi mới giáo dục và thất bại như thế nào” ở đây: https://nongnghiep.vn/toi-da-thuc-hien-doi-moi-giao-duc...

Tại sao tôi kiên quyết phản đối việc dạy thêm như cái cách nó đang diễn ra? Vì, về cơ bản, nó không mang lại hiệu quả tích cực nào đáng kể; ngược lại, có quá nhiều hệ quả bị sinh ra, do xung đột lợi ích không thể giải quyết. Dạy thêm (nhà trường tự tổ chức hay giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình) làm phát sinh vô vàn tiêu cực mà chúng ta biết là đã và đang mất kiểm soát, biến môi trường giáo dục thành chợ đen, để các nhóm lợi ích thao túng, làm khổ phụ huynh - học sinh, và phá nát nền giáo dục. Về thực trạng, tranh luận và giải pháp, do không muốn trình bày lại, tôi đã tổng hợp một phần các viết của mình lại trong một danh sách dưới đây, ai quan tâm có thể đọc (sẽ mất khá nhiều thời gian, vì tới mấy chục bài). Mời các bạn đọc trước khi bình luận: https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/709555471051475

2. Với thầy cô 

Quan sát khoảng gần mươi năm nay, tôi có những người đồng nghiệp có năng lực, họ cũng dạy thêm ở nhà, nhưng kiên quyết không dạy thêm học sinh mà họ đang dạy trên lớp, dù không có quy định nào cấm họ làm điều đó. Tôi hiểu vì sao họ lựa chọn như thế: họ muốn giữ cái tâm trong sáng của mình, và họ biết rằng con người không phải thánh nhân, luôn có thể bị sai sử nếu không giữ mình trong những nguyên tắc được thiết định một cách hữu cơ. Nếu không như thế, chuyện xung đột lợi ích dẫn đến làm sai, làm ẩu, làm láo, làm xấu chỉ là vấn đề thời gian.

Bởi ý thức như vậy, họ từ chối dạy thêm tại nhà cho những học sinh mà mình đang dạy ở trường. Và tôi thấy họ vẫn không thiếu học trò, vẫn có thu nhập tốt, trong khi tinh thần luôn được thoải mái và đầy tự tin.

Bạn dạy tốt, tại sao dứt khoát phải đòi dạy thêm chính những học sinh mà mình đang dạy trên lớp mà không phải là học sinh ở mọi nơi khác? Lý lẽ của bạn là gì? Tôi tin rằng, với những thầy cô giỏi và có tinh thần trách nhiệm với học trò, nếu không còn được dạy thêm chính học sinh của mình nữa, quý vị vẫn sẽ sống tốt bằng năng lực và tay nghề. Tôi không thấy bất kỳ lời oán thán nào của các thầy cô trước quy định mới này là chính đáng và có thể biện minh được cả. Khi lương giáo viên đã tăng cơ bản, thì tự trọng nghề nghiệp là điều cơ bản mà mỗi người phải giữ gìn. 

3. Với phụ huynh

Phụ huynh phải hiểu rằng, KHÔNG CẤM DẠY THÊM mà chỉ quản lý dạy thêm sao cho khoa học, hợp lý, nhằm đảm bảm lợi ích chính đáng cho người học. Và tôi cũng hiểu nỗi lo lắng của phụ huynh khi việc dạy thêm ở trường và ở nhà thầy cô bị cấm, bởi áp lực thành tích, chuyện lên lớp, chuyển cấp, thậm chí là cả với chuyện “được lòng, mất lòng” thầy cô. Nhưng chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách chấp nhận cái sai, càng không thể sửa chữa cái sai này bằng cái sai khác.

Việc nghiêm cấm dạy thêm như cái cách nó đang diễn ra chỉ có tốt cho chính con cái quý vị chứ không thiệt hại gì. Các cháu sẽ không bị ép đi học thêm nữa, thay vào đó là được tự do lựa chọn học thêm nếu bản thân thật sự có nhu cầu và yêu thích. Bên cạnh đó là tuổi thơ, các cháu sẽ có một tuổi thơ lành mạnh và ý nghĩa bên gia đình, bè bạn và thiên nhiên mà không phải chạy quần quật từ sáng đến đêm nữa.

Phụ huynh thay vì sợ rằng ra các trung tâm sẽ bị chặt chém hoặc chất lượng thấp, thì hãy ủng hộ và khuyến khích khối tư nhân này phát triển, một thị trường đa dạng và cạnh tranh lành mạnh sẽ đảm bảo được cho lợi ích của các cháu, nếu các cháu có nhu cầu học thêm. Hơn nữa, điều quan trọng là, nếu các trung tâm ấy không phải là cơ sở trá hình do cán bộ hoặc giáo viên dựng lên, thì không ai ép được các cháu phải đến đó.

Phụ huynh, thay vì lo lắng khi nhà trường và giáo viên không được dạy thêm nữa, thì hãy yêu cầu việc dạy học chính khóa phải đảm bảo chất lượng, yêu cầu thi cử công bằng, khoa học, tiến bộ như chính Chương trình giáo dục đã tự đặt mục tiêu, yêu cầu đảm bảo cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, chứ không phải là tạo ra một sự thiếu thốn giả tạo để biến việc đi học của trẻ em thành một món hàng xa xỉ...

 Không thể lấy một cuộc chạy đua thành tích đầy bất công để làm sự an toàn.

4. Với các cấp quản lý

Tôi ủng hộ Thông tư 29 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký, và thấy thật may mắn khi nó được ban hành với những nội dung khác hẳn so với bản Dự thảo trước đó – tuy vẫn còn những điểm chưa toàn diện, chưa chặt chẽ, vẫn có thể tạo kẽ hở để sinh ra những chiêu trò lách luật. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu quản lý, giám sát và có những điều chỉnh kịp thời, Thông tư này sẽ hạn chế được rất nhiều những tiêu cực trong dạy thêm học thêm hiện nay, mang lại nhiều lợi ích cho người học và xã hội.

Các cơ quản quản lý cần có những hành động sát sao, nhằm quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn những biến tướng trong dạy thêm sau ngày 14 tháng 2 như nó đang manh nha và có nhiều nơi đã bộc lộ ra. Nếu quan liêu thì mọi việc sẽ khó mà sáng sủa hơn được.

Tìm kiếm công bằng cho người học nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích cho người dạy, không thể bắt giáo viên dạy ôn tập cuối cấp miễn phí như yêu cầu của một số địa phương mà báo chí và mạng xã hội đang phản ánh. Điều 7 của Thông tư 29 đã quy định là dùng tiền ngân sách để dạy thêm cho 3 đối tượng (học sinh yếu, học sinh giỏi và học sinh ôn thi), thì phải triển khai thực hiện, không thể "đánh trống bỏ dùi".

Kết luận

Để có một nền giáo dục tử tế hơn, trách nhiệm thuộc về cả xã hội, mỗi người dân vừa nên góp tiếng nói, vừa thay đổi nhận thức để có thái độ đúng đắn và những đòi hỏi chính đáng. Không thể tiếp tục duy trì cái sai để mong có được một môi trường lành mạnh.

T.H.

Tác giả gửi BVN 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn