Dân tộc nào cũng là nhân tạo

Nguyễn Quốc Tấn Trung 

Không nói, không ai biết là dốt, nói rồi thì… bó tay!

Mình có rất nhiều đồng cảm với các sản phẩm của nền giáo dục XHCN, nhất là trong các ngành công an hay quân đội vì cũng không hoàn toàn lỗi tại họ. 

Thế nhưng khi họ dùng sự khiếm khuyết của bản thân để xúc phạm người vô tội thì…

Nguyễn Hoàng Anh

Càng xem nhiều post có liên quan đến kiến thức của ông Lê Thế Mẫu, mình càng có cảm nhận ông là sản phẩm lỗi không mong muốn của quá trình đào tạo quân đội / an ninh vốn khá bài bản tại Việt Nam. 

Trong đó, đào tạo và quán triệt về dân tộc, cẩn trọng trong quan hệ sắc tộc là một trong những module đào tạo trọng yếu của các đơn vị này. Nhóm chuyên trách về dân tộc học, quan hệ sắc tộc của công an và quân đội Việt Nam tự nhận số hai thì chắc không ai dám nhận số một trên dải đất hình chữ S. Việc ông có thể thốt lên những điều vô tri như thế này không phải cho thấy sự hạn hẹp (tức chưa được đào tạo), mà là khả năng tiếp thu kém hoặc gần như không có (được đào tạo rồi nhưng vẫn không biết gì) của ông mà thôi. 

Dưới đây là một số thông tin để người đọc tham khảo.

Cần có một disclaimer (từ chối trách nhiệm) trước là tôi không hẳn là một người chống chủ nghĩa dân tộc. Và “nhân tạo” ở đây lại càng không nên có nghĩa tiêu cực. Mình cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một sản phẩm dự đoán được của quá trình phân biệt hóa các cộng đồng với nhau. Vấn đề là việc thấu hiểu đúngnó là đặc biệt quan trọng để không sa đà vào ảo tưởng rằng dân tộc này lâu đời hơn, dân tộc kia chính thống hơn, dân tộc nọ “thuần chất” hơn. 

Vấn đề 1: Định nghĩa dân tộc 

Trong không gian chính trị Việt Nam, có vẻ đang có hai cách hiểu về khái niệm dân tộc.

Cách hiểu thứ nhất, xem dân tộc là một “cộng đồng chính trị”. Cộng đồng chính trị này phân biệt họ với các cộng đồng chính trị khác thông qua tổng hòa của một số hoặc tất cả yếu tố như: danh tính chính trị - dân sự, danh tính văn hóa, ngôn ngữ, khu vực địa lý, tiếng nói, tôn giáo… Dân tộc ở đây khá gần nghĩa với sắc tộc, nhưng không hẳn là đồng nhất. 

Cách phân biệt của các “cộng đồng chính trị” đã trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử. Ví dụ, trong giai đoạn Trung đại, các cộng đồng chính trị phân biệt với nhau chủ yếu thông qua các triều đình và hoàng gia. 

Đó là lý do nhà Trần, trong sử liệu đã tin tưởng khá chắc chắn là có nguồn gốc là dân di cư Trung Hoa, vẫn là một trong các đại diện phong kiến tiêu biểu cho lịch sử của cộng đồng chính trị Việt Nam hiện đại. Phát ấn đền Trần năm nào cũng cháy hàng đó thôi.

Đó cũng lý do các vương quốc, công quốc, thân vương quốc Anglo-Saxon (một nhóm người di cư), rồi sau đó là vương quốc của người Norman/French/Flemmish (một nhóm người chinh phạt), lại được xem là đại diện phong kiến tiêu biểu cho lịch sử của đảo quốc Anh, một vùng đất không liên can gốc gác gì đến cả hai nhóm triều đình đại diện. 

Từ việc phân biệt hóa thông qua các hoàng gia, triều đình (theo chiều dọc) đến phân biệt hóa thông qua danh tính, văn hóa, tiếng nói - chữ viết của toàn bộ cộng đồng (theo chiều ngang), là cả một quá trình của sáng kiến, diễn ngôn, và đại kế hoạch. Tất cả đều là nhân tạo. 

Cách hiểu thứ hai là thường đánh đồng dân tộc với “huyết thống” của một nhóm. Điều này thường được diễn giải là một dân tộc thì sẽ có cùng một bộ gene tổ tiên, đi kèm với đó là các đặc điểm kiểu hình tương tự nhau (phenotypic characteristics): màu da, hình thể, kết cấu tóc, kết cấu khuôn mặt… 

Tuy nhiên, ngay cả cách hiểu dân tộc này cũng không thoát con đường nhân tạo. 

Ví dụ, người Việt không hiểu nhiều về sử Thái thường nghĩ rằng dân tộc Thái thì cũng “thuần” như dân tộc Kinh. Nhưng người Thái thật ra lại thuộc nhóm người “Tai” di cư đến trung phần Đông Nam Á từ Tây Nam Trung Hoa. 

Tại Đông Nam Á, họ bắt chước phong cách quản trị của Đế chế Angkor và phối ngẫu với người Khmer rồi từ đó giành ảnh hưởng và dần lấn chiếm, đánh đổ vùng ảnh hưởng của Angkor để kiến tạo ra vương quốc Ayutthaya. Đây là một vương quốc đại diện quan trọng cho danh tính “Siamese” hiện đại, nhưng chính vương quốc này lại thường tuyên xưng họ là người kế thừa của Đế chế Angkor. 

Vương quốc Chiang Mai, một vùng đất quan trọng khác của danh tính “Siamese” hiện đại, lại có tiền thân là Lan Na (Vạn Điền) – vương quốc anh em với Lan Xang (Vạn Tượng) thuộc Lào hiện đại. Và bản thân nó lại chịu ảnh hưởng về chủng tộc, chính trị của Miến Điện trong nhiều thế kỷ. 

Quan trọng hơn, ngay cả huyết thống của Hoàng gia Thái ngày nay cũng là trộn lẫn giữa nhiều dòng máu, bao gồm cả dòng máu Hoa. Vua Taksin mang nửa dòng máu Hoa trong mình, và Vua Rama I thì lại có khoảng một phần tư ( ¼). 

Người Thái hiện đại, từ đó cũng là một sản phẩm nhân tạo, lai trộn giữa Tai, Mon, Khmer, Burmese, Chinese, Viet… trong một quá trình hòa nhập - chiến tranh hàng trăm năm. 

Vấn đề 2: “Dân tộc Mỹ” thật ra còn lâu đời hơn cả nhiều dân tộc “tân tạo” Đông Nam Á

Với những kiến thức ở trên, không khó để nhận ra sự “không thuộc bài” của Đại tá Mẫu khi ông đưa ra những quan điểm có tính miệt thị rằng: Cả thế giới chỉ có hai dân tộc Mỹ và Ukraine là sản phẩm của quá trình di dân, sáng kiến chính trị, diễn ngôn phân biệt hóa, pha trộn chủng tộc… 

Ở Đông Nam Á, ngoài các thông tin mà tôi dẫn ở trên, Indonesia – quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và đang trên đà trở thành chủ thể chính trị lãnh đạo của toàn thể cộng đồng – cũng là một “dân tộc” còn chưa tới một trăm tuổi. 

Indonesia trong suốt lịch sử của mình, chỉ là tổng hòa của các thành bang, vương quốc cảng biển ăn nên làm ra với các triều đình khác biệt và lịch sử tách rời hoàn toàn nhau. Indonesia với danh tính là một cộng đồng chính trị biệt lập là một dự án cắt ghép “Frankenstein” của người Hà Lan trong công cuộc thực dân hóa Đông Nam Á của họ. Chỉ đến sau năm 1945, các lãnh đạo phong trào giành độc lập của Indonesia mới chính thức xem “Chủ nghĩa dân tộc Indonesia” là một phương án độc lập và xây dựng nhà nước hậu thực dân. 

Malaysia hiện đại cũng là một sản phẩm gần như tương tự, vừa đối phó, vừa cộng sinh với chủ nghĩa thực dân Anh. 

So với “Dân tộc Mỹ”, vốn hình thành dựa trên các sáng kiến tư pháp và triết lý xây dựng nhà nước của một số các sắc dân di cư từ giữa thế kỷ 18, không hề sai khi nhận định rằng đây là một dân tộc trải qua một khoản thời gian thử sai, xây dựng nhà nước, xây dựng danh tính… còn lâu hơn nhiều “dân tộc” khác đang tồn tại ngay ở vùng đất giàu lịch sử Đông Nam Á. 

Vấn đề 3: Dân tộc Ukraine 

Nếu chúng ta thật sự muốn chơi trò “gốc gác”, Ukraine mới thật sự là gốc gác của toàn thể các nhà nước tự xưng “Rus” ngày nay. 

Trong đó, Kievan Rus, một nhà nước trung đại lấy thủ đô Kyiv của Ukraine hiện đại làm trung tâm chính trị, mới là “gốc gác” chính trị, tôn giáo của không gian văn hóa East Slavs trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi bị Mông Cổ xâm lược và hủy diệt gần như hoàn toàn, cộng đồng chính trị Kievan Rus gặp khó khăn trong một thời gian dài để tái kiến thiết. 

Sự thất thủ và lụi tàn của Kievan Rus là cơ hội của một cộng đồng chính trị khác – Muscovy – hay thân vương quốc Moscow, trỗi dậy, hợp tác rồi sau đó lại chống đối người Mông Cổ và dần dần trở thành một thực thể quyền lực thống trị không gian văn hóa East Slavs. 

Nhưng chính điều này cho thấy sự khác biệt trong quỹ đạo danh tính chính trị, văn hóa, lãnh thổ, và các yếu tố khác của cả hai cộng đồng. 

Khi mà Kievan Rus ngày xưa trở thành một phần lãnh thổ của Khối Thịnh vượng chung Polish-Lithuanian, xây dựng một cộng đồng tự trị rồi dần dần hình thành chủ nghĩa dân tộc riêng, Moscovy phát triển trở thành một đế chế với các dự án đế quốc của riêng nó. 

Gọi “Dân tộc Ukraine” là nhân tạo, thì nó cũng không nhân tạo hơn ảo tưởng rằng Muscovy là thực thể chính trị kế thừa tính chính danh của Kievan Rus, là nhóm người “Rus” nhất trong những nhóm người “Rus”, và có khả năng độc quyền danh tính cho các cộng đồng văn hóa East Slavs.

 

N.Q.T.T.

Nguồn: FB Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn