Báo Tuổi Trẻ có đang ủng hộ bạo lực trong giáo dục?

Thái Hạo 

Tôi từng đọc đoạn trích này trong bài viết của luật sư Luân Lê, và tôi cực kỳ tâm đắc: “Bạo lực sẽ ăn mòn và phá huỷ cả kẻ thực hành lẫn người phải lãnh chịu. Nó không phải là một giải pháp, nó hoàn toàn là một kết cục”.

(Trích: Những Linh Hồn Trên Đá)

Mang Tin

1.

Hai ngày trước, nick Phạm Văn Tuyên đăng tải “một đoạn clip dài khoảng 20 giây ghi lại hình ảnh một lớp học với góc nhìn từ ngoài cửa vào trong. Giáo viên cầm cây thước bằng gỗ lần lượt quất vào mông 3 em học sinh nữ. Bài đăng đã thu hút một lượng người xem lên đến hơn 3 triệu người, hơn 10 nghìn bình luận. https://www.facebook.com/share/v/166SsBsA67/

40 giờ sau, báo Tuổi Trẻ có bài “Xuất hiện clip học sinh bị đánh vào mông, cộng đồng mạng ủng hộ cô giáo”. Bài báo này, sau khi trích đăng một số bình luận của “cộng đồng mạng” theo hướng “ủng hộ cô giáo”, thì đưa thêm thông tin rằng “phòng cũng đã chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường đến gặp phụ huynh của 3 em học sinh bị cô giáo đánh. Cả ba phụ huynh đều đồng tình với cách xử lý của giáo viên và còn nhờ cô răn đe thêm" [ông Sỹ là Hoàng Thanh Sỹ - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Phú]. https://tuoitre.vn/xuat-hien-clip-hoc-sinh-bi-danh-vao...

2.

Tôi vào đọc bình luận, nhưng vì có quá nhiều (hiện đã hơn 11 nghìn), nên chỉ đọc khảo sát một lượng nhất định, thì đúng là thấy phần lớn bình luận ủng hộ cô giáo, lên án người quay và đăng clip, rất nhiều bình luận tấn công chủ trang một cách dữ dội. Tuy nhiên, không phải không có những bình luận lên án hành vi này của cô giáo, dù chiếm t lệ nhỏ hơn nhiều.

Vấn đề không phải là t lệ ủng hộ và phản đối là bao nhiêu, mà phải xem xét hành vi dưới góc độ giáo dục và pháp luật (Luật Giáo dục, Điều lệ trường học, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, Luật trẻ em...), xem hành động này của cô giáo là đúng hay sai, nên hay không, tốt hay không tốt..., chứ không phải căn cứ vào “t lệ ủng hộ”.

Việc nhiều người cho đến năm 2025 này vẫn ủng hộ hành vi bạo lực trong giáo dục là bởi họ cho rằng đó là cách dạy dỗ truyền thống hoặc cần thiết để duy trì kỷ luật. Và quan điểm này thường xuất phát từ trải nghiệm cá nhân hoặc văn hóa cũ, nhưng nó không còn phù hợp với các tiêu chuẩn giáo dục hiện đại và khoa học về tâm lý trẻ em.

3.

Ở Việt Nam: Trong quá khứ, việc sử dụng hình phạt thể chất (như đánh bằng thước) từng được một số giáo viên áp dụng như một cách để duy trì kỷ luật. Tuy nhiên, xã hội hiện đại ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền trẻ em và tác động tiêu cực của bạo lực trong giáo dục. Hiện nay, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức bạo lực, kể cả đánh đập nhẹ, đối với học sinh.

Quốc tế: Ở nhiều quốc gia, hình phạt thể chất trong trường học đã bị cấm hoàn toàn. Ví dụ, theo UNICEF, hơn 130 quốc gia đã cấm hình phạt thể chất trong môi trường giáo dục, vì nó vi phạm quyền trẻ em được bảo vệ khỏi bạo lực.

Trong trường hợp video này, cô giáo đánh học sinh tiểu học bằng thước vào mông, hành vi này được xem là không phù hợp và bị nghiêm cấm bởi các tiêu chuẩn giáo dục hiện đại, NGAY CẢ KHI NÓ KHÔNG GÂY THƯƠNG TỔN NGHIÊM TRỌNG VỀ THỂ CHẤT.

Hậu quả của lối giáo dục bằng bạo lực:

Tác động tiêu cực lên học sinh:

Về mặt Tâm lý: Trẻ em tiểu học (thường từ 6-11 tuổi) đang trong giai đoạn phát triển tâm lý nhạy cảm. Việc bị đánh, dù nhẹ, có thể gây ra cảm giác xấu hổ, sợ hãi, hoặc mất lòng tin vào giáo viên. Điều này có thể ảnh hưởng đến động lực học tập và mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Về phương pháp: Hình phạt thể chất thường không giải quyết được gốc rễ của vấn đề (ví dụ, tại sao học sinh không tuân thủ kỷ luật). Thay vào đó, nó có thể khiến trẻ sợ hãi tạm thời nhưng không giúp trẻ hiểu đúng sai một cách lâu dài.

Về đạo đức và pháp luật:

Đạo đức: Giáo viên có trách nhiệm làm gương và bảo vệ học sinh, không chỉ về mặt học tập mà cả về mặt tinh thần. Sử dụng bạo lực, dù ở mức độ nào, có thể gửi thông điệp sai lầm rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề.

Pháp luật: Theo Luật Giáo dục 2019 và các quy định liên quan ở Việt Nam, giáo viên không được phép sử dụng bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với học sinh. Hành vi đánh học sinh có thể dẫn đến các hình thức xử lý như khiển trách, cảnh cáo, hoặc thậm chí bị đình chỉ công tác, tùy vào mức độ nghiêm trọng.

Bởi những lý do ấy, hành vi sử dụng bạo lực trong giáo dục không những không nên được ủng hộ mà phải lên án và nghiêm cấm, bởi: 

-       Không phù hợp với quy định pháp luật: Hành vi này vi phạm các quy định giáo dục hiện hành ở Việt Nam;

-       Tác động tiêu cực đến trẻ: Nó có thể gây tổn thương tâm lý và không mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài.

Và đồng thời, phải có giải pháp thay thế tốt hơn: Giáo viên có thể sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực, như đối thoại, khuyến khích, hoặc áp dụng hậu quả logic (ví dụ: yêu cầu học sinh sửa sai bằng hành động tích cực), thay vì dùng bạo lực.

Thay vì tiếp tục sử dụng và ủng hộ sử dụng bạo lực, theo tôi, cần:

-       Khuyến khích và đào tạo giáo viên về phương pháp kỷ luật tích cực; 

-       Tạo môi trường học đường nơi cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy được tôn trọng và an toàn; 

-       Những hành vi sử dụng bạo lực cần bị phê phán, lên án, hoặc xử lý theo quy định của pháp luật, tùy mức độ và tính chất.

4. 

Qua phản ứng của “cộng đồng mạng” và phụ huynh trước sự việc này, thấy rằng tâm lý ủng hộ bạo lực trong giáo dục, cả ở nhà lẫn nhà trường, đều đang rất phổ biến và dường như áp đảo. Chúng ta, như đã nói ở trên, có thể hiểu được lý do, nguồn gốc và động cơ. Tuy nhiên, bạo lực không bao giờ là cách giáo dục tốt, nếu không nói là phản giáo dục.

Nhiều người lý giải rằng, vì nay có quá nhiều học sinh hư, nên việc “cho ăn đòn” là cần thiết. Nhưng đừng quên rằng, trẻ em vốn là “tờ giấy trắng”, tất cả những gì các em đang thể hiện đều là sản phẩm của gia đình, xã hội, giáo dục. Các em là nạn nhân, và chính người lớn là nguyên nhân. Không thể dùng cái sai để giải quyết cái sai do mình gây ra.

Việc báo Tuổi Trẻ “vào hùa” với “cộng đồng mạng”, với phụ huynh, và với “lãnh đạo” phòng giáo dục trong bài viết ủng hộ bạo lực này là điều rất đáng buồn và khó chấp nhận. Đáng ra, với chức năng và năng lực của cả một tòa báo lớn nhất nước, trước hành vi bạo lực như vậy trong nhà trường, báo Tuổi Trẻ phải dẫn ra các quy định trong giáo dục, trong luật pháp, dẫn ra các cách làm của những nền giáo dục tiên tiến để định hình giá trị và cách ứng xử văn minh; nhưng không, Tuổi Trẻ đã phớt lờ tất cả và làm ngược lại.

Phản ứng này của “cộng đồng mạng”, ngành giáo dục (Bình Phước) lẫn báo chí, một lần nữa cho thấy những suy nghĩ và lối giáo dục lạc hậu vẫn còn ngự trị và thống trị. Nếu không muốn thấy trẻ em sa vào bạo lực, đầu tiên chính người lớn và những người làm giáo dục phải chấm dứt bạo lực, tạo cho các em một môi trường thân thiện, lành mạnh, tử tế và một định hướng giáo dục khai phóng. 

Còn ủng hộ và cổ xúy cho bạo lực như “cộng đồng mạng”, lãnh đạo ngành giáo dục và báo chí đang làm đối với môi trường và cách thức giáo dục, thì cùng lắm kết quả thu được chỉ là “tạm thời ức chế bạo lực”, để sau đó nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Những người đang tự hào vì ngày xưa bị cha mẹ và thầy cô đánh để bây giờ được “nên người” là một minh chứng rõ ràng nhất cho tính cách bạo lực mà họ đã “học” được trong quá khứ. Nếu không tin, ta cứ quan sát mà xem, chính những người đó bây giờ thường là người đánh con nhiều nhất và thường không kìm chế được cảm xúc, dẫn đến mất kiểm soát và có xu hướng dùng bạo lực mỗi khi có mâu thuẫn trong cuộc sống. Một sự “nên người” như thế thì thật đáng lo lắng...

T.H.

Tác giả gửi BVN

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn