Lịch sử - Biện chứng - và quyền được tự vấn

Hoàng Quốc Dũng

Có khá nhiều người đã phản hồi – thậm chí phản đối – bài viết trước của tôi.

(Có thể xem lại tại đây: “Cách mạng cho ai?” – BVN)

Tôi không ngờ rằng một bài viết được viết với tinh thần nghiên cứu nghiêm túc và thiện chí đối thoại, lại có thể bị tấn công dữ dội đến vậy – không chỉ bởi những người bất đồng chính kiến, mà còn bởi một số lực lượng vốn coi bất cứ câu hỏi phản tư nào về lịch sử cũng là “chống phá Việt Nam” (mà ở đây, Việt Nam nên được hiểu là một đất nước chung của tất cả người Việt Nam, không phải là đặc quyền của bất kỳ nhóm quyền lực nào).

Bài viết đã có hơn 31.000 lượt truy cập, hơn 7.000 lượt tương tác và 179 lượt chia sẻ – một con số cho thấy nó đã chạm đến mối quan tâm thực sự của không ít người.

Tôi không có thời gian và cũng không có nhu cầu tranh luận với những lời lẽ công kích vô nghĩa, thô tục. Cách tốt nhất là thẳng thắn loại bỏ (block) những ai thể hiện sự ấu trĩ và thiếu văn hóa trong đối thoại.

Cũng xin nói thêm: có không ít người đọc bài viết nhưng lại không thực sự đọc để hiểu. Họ chỉ chăm chăm vào vài từ ngữ không hợp tai rồi lập tức nổi đóa và lao vào công kích, không cần biết đến toàn bộ lập luận hay tinh thần của bài viết. Điều đó cũng phần nào phản ánh một thực trạng đáng suy nghĩ về khả năng tiếp nhận những tư tưởng không quen thuộc.

Hôm nay, tôi xin dành bài này để trao đổi lại với một ý kiến phản biện cụ thể – không phải để “thắng thua”, mà để cùng học hỏi, cùng đào sâu thêm những vấn đề đã được bài viết đặt ra. Bởi đối thoại – nếu diễn ra trong tinh thần cởi mở và tôn trọng – luôn là cách để một xã hội tiến lên.

Một độc giả đã phản hồi bài viết của tôi với lời phê phán rằng tôi "không hiểu tính biện chứng lịch sử". Theo lập luận của người ấy, vì vào năm 1945 Việt Nam chưa phải là một quốc gia độc lập mà chỉ là thuộc địa, nên việc đặt ưu tiên cho mục tiêu giành độc lập là “đương nhiên” và không thể khác. Do đó, việc dựa vào Trung Quốc và Liên Xô – theo ông – là một tất yếu lịch sử. Ông gọi đó là “biện chứng”, rồi kết luận: “Không làm lại lịch sử được mà phải chấp nhận cái bi hùng của lịch sử”.

Tôi nghĩ cần phản hồi một cách rõ ràng và thẳng thắn.

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý rằng lịch sử không thể làm lại, và tôi đã nói điều đó ngay trong bài viết:

“Lịch sử không có chữ ‘nếu’ – điều đó đúng. Nhưng việc đặt giả định đôi khi giúp ta hiểu rõ hơn tác động của những lựa chọn trong quá khứ.”

“Lịch sử không có chữ ‘nếu’ – nhưng lịch sử cần được phản tư (tự vấn). Và cần dũng cảm đặt câu hỏi:

Chúng ta có thật sự giành được độc lập không? Hay chỉ thay chủ này bằng chủ khác?”

Việc tôi làm không phải là viết lại lịch sử, mà là tự vấn lịch sử – một hành vi tư duy cần thiết để không tiếp tục mắc lại những sai lầm chiến lược trong tương lai.

Và điều tôi muốn phản biện mạnh mẽ hơn nữa là: cái gọi là “biện chứng lịch sử” mà độc giả viện dẫn – thực ra lại là một lối diễn giải phiến diện và thiếu chiều sâu phản tư.

Nếu nói rằng “vào thời điểm ấy ta chỉ là thuộc địa, nên phải giành độc lập bằng mọi giá, kể cả phải dựa vào các thế lực như Trung Quốc và Liên Xô”, thì câu hỏi đặt ra là: tại sao điều đó không xảy ra ở Martinique, Guadeloupe, Guyane, Nouvelle-Calédonie...? Biện chứng chỉ có tác dụng ở Việt Nam?

Họ cũng là thuộc địa. Nhưng họ không chọn chiến tranh, không rơi vào vòng lệ thuộc một cường quốc khác. Họ đi một con đường khác – có thể không hoàn hảo, nhưng giúp họ tránh được sự tàn phá kéo dài, và giữ được một mức độ ổn định, phúc lợi xã hội, quyền lợi công dân, trong khuôn khổ một nhà nước pháp quyền.

Vậy “biện chứng” ở đâu? Biện chứng không phải là ngụy biện cho lựa chọn tồi. Biện chứng – nếu hiểu đúng theo nghĩa của Hegel, Marx hay bất kỳ nhà tư tưởng nghiêm túc nào – là khả năng nhận ra trong mỗi thời điểm lịch sử những mâu thuẫn nội tại, và từ đó mở ra các khả thể khác, chứ không đóng khung tư duy trong một lựa chọn “duy nhất đúng”.

Nếu thời điểm ấy “chỉ có một con đường”, thì hóa ra lịch sử Việt Nam là trò chơi không có sự chủ động, không có trí tuệ, không có lựa chọn?

Không – vấn đề ở đây là chúng ta đã chọn, và có thể đã chọn sai(tôi nhắc lại là có thể). Đó là điều tôi đặt ra để suy ngẫm – không phải để lên án, mà để tránh mắc lại.

Độc giả cũng nói:

“Cái chính là phải biết làm lịch sử mới cho đời sau…”

Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng tôi xin nói thẳng: chính bài viết của tôi đang làm điều đó – không phải bằng máu, bằng súng, bằng khẩu hiệu, mà bằng câu hỏi, lý trí và tinh thần phản tỉnh. Bằng cách dám chất vấn những gì từng được coi là “chân lý hiển nhiên”, và dám nhìn lại để không đánh mất thêm những cơ hội khác trong tương lai.

Chúng ta đã từng đánh đuổi Pháp – rồi rơi vào quỹ đạo Trung Quốc.

Chúng ta đã từng đuổi Mỹ – rồi đóng chặt cánh cửa hội nhập suốt hàng thập kỷ.

Nếu không dám phản tư những lựa chọn ấy, thì chúng ta sẽ không bao giờ "làm lịch sử mới cho đời sau" – như chính ông mong muốn.

Lịch sử là quá khứ – nhưng cách ta nhìn lịch sử mới quyết định tương lai.

Và để có tương lai, ta không được cho phép mình tiếp tục ngụy biện cho những sai lầm đã qua bằng những từ như “bi tráng” hay “không thể khác”.

H.Q.D.

Nguồn: FB Quoc Dung Hoang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn