Các chuyển biến mới về cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu

Đỗ Kim Thêm

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa áp đặt mức thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là dược phẩm. Thông qua các vòng đàm phán mới, EU hiện đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn nguy cơ này. Tuy nhiên, triển vọng đạt được thỏa thuận vẫn rất mong manh, trong khi mức thiệt hại kinh tế dự kiến đối với EU có thể lên đến khoảng 750 tỷ đô la, một con số khổng lồ.

Trên thực tế, nhiều mức thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU được lên kế hoạch có hiệu lực từ ngày 9/7/2025, nhưng Tổng thống Trump đã gia hạn đến ngày 1/8/2025 nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Brussels và Washington được tiếp tục. Hai bên vẫn đang cố gắng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn mới này.

Nguyên nhân

Vào mùa xuân năm 2025, Tổng thống Trump đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại bằng việc đơn phương công bố áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU và nhiều quốc gia khác. Trước phản ứng gay gắt từ giới chính trị và thị trường tài chính, ông đã điều chỉnh mức thuế xuống mức cơ bản 10%. Biện pháp này được áp dụng với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ hơn 170 quốc gia vào Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng áp dụng nhiều mức thuế bổ sung tùy theo quốc gia và từng nhóm sản phẩm.

Theo ước tính của Đại học Yale vào đầu tháng 7/2025, mức thuế trung bình của Mỹ hiện nay là 17,6%, mức cao nhất kể từ năm 1934. Trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, con số này chỉ là 2,4%.

Vào giữa tháng 5, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế lên đến 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng áp dụng mức thuế trả đũa lên đến 125% đối với hàng hóa từ Mỹ.

Đàm phán song phương

Cho đến nay, Mỹ đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ về thuế quan với Việt Nam và Vương quốc Anh. Theo đó, Mỹ áp mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi Việt Nam đồng ý bãi bỏ hoàn toàn thuế đối với hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, sau khi hai đoàn đàm phán song phương nhất trí áp mức thuế 11% cho hàng hóa Việt Nam, Tổng thống Trump bất ngờ nâng mức này lên 20% mà không đưa ra lời giải thích. Động thái này khiến nhiều nhà phân tích ngỡ ngàng, đặc biệt khi trước đó họ từng ca ngợi sự “ưu ái” mà ông dành cho Việt Nam.

Các doanh nghiệp Anh được hưởng mức thuế ưu đãi hơn so với các nước EU, ví dụ như chỉ phải chịu 10% thuế đối với xe cơ giới, thay vì 25%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, cả Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn chưa ký kết các hiệp định thương mại chính thức với Mỹ có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận khung nhằm triển khai các điều khoản từ vòng đàm phán Geneva, nhưng Nhà Trắng không công bố thêm chi tiết.

Lập luận của Trump

Dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump cho rằng việc áp thuế là nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng mọi giá, với chủ nghĩa bảo hộ thương mại được đặt lên hàng đầu. Trong chiến dịch tranh cử, ông lập luận rằng Hoa Kỳ đã bị các đối tác thương mại "lợi dụng" trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, EU đã phản bác lập luận này. Nếu tính cả lĩnh vực dịch vụ, EU thực chất chỉ có thặng dư thương mại khoảng 48 tỷ euro so với Mỹ, tương đương 3% tổng kim ngạch thương mại song phương, một con số không đáng kể để xem là mất cân bằng nghiêm trọng.

Mục tiêu của Tổng thống Trump là bảo vệ ngành sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm. Ông cũng cho rằng thuế quan sẽ giúp Mỹ tạo nguồn thu để bù đắp thâm hụt ngân sách và tài trợ cho các gói chi tiêu đã công bố. Tuy vậy, chính sách thuế quan cũng đang gây ra những tác động tiêu cực lên nền kinh tế Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp phản đối do doanh thu sụt giảm và người tiêu dùng lo ngại tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao.

Dù vậy, cho đến tháng 7/2025, chính quyền Trump vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước nào trong cuộc chiến thương mại này.

Phản ứng của EU

Đáp lại các biện pháp thuế quan từ chính quyền Tổng thống Trump, EU đã thông qua kế hoạch áp thuế từ 10% đến 25% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như quần jeans, xe máy, hạnh nhân và gạo. Ngoài ra, EU còn lập danh sách các mức thuế mới áp dụng cho các mặt hàng như thép, nhôm, dệt may, da, thịt bò và đậu nành. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị tạm đình chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vòng đàm phán mới với Mỹ.

Mục tiêu lâu dài của EU là tiến hành đàm phán để đưa tất cả mức thuế về mức 0%, nhưng khả năng đạt được mục tiêu này vẫn rất xa vời. Tính đến đầu tháng 7/2025, nhiều chuyên gia dự báo khả năng đạt được thỏa thuận chỉ ở mức khoảng 50%, chủ yếu do lập trường thay đổi liên tục từ phía Mỹ, gây khó khăn cho việc duy trì một chương trình nghị sự ổn định.

Để tăng sức ép lên Mỹ, EU đang xem xét các biện pháp mạnh tay hơn – chẳng hạn như siết chặt quy định đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Google và Meta. Các doanh nghiệp này hiện vẫn chưa phải chịu thuế đáng kể tại châu Âu và bị cáo buộc lợi dụng kẽ hở pháp lý để né tránh nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp này, EU cần có cơ sở pháp lý vững chắc, thông qua việc điều chỉnh luật cạnh tranh và quy định về bảo vệ dữ liệu. Quan trọng hơn cả là EU phải có sự đồng thuận chính trị mạnh mẽ giữa các quốc gia thành viên, điều vốn luôn là một thách thức lớn đối với EU.

Ảnh hưởng đến EU

Tình trạng xuất khẩu sang Mỹ đang có xu hướng sụt giảm rõ rệt. Trong tháng 5/2025, các doanh nghiệp Đức chỉ xuất khẩu được 12,1 tỷ euro sang Mỹ – giảm 7,7% so với tháng trước và là mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Nếu xu hướng này tiếp tục, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức như ô tô, máy móc, hóa chất và dược phẩm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đặc biệt, kể từ tháng 4/2025, mức thuế 25% áp dụng đối với xe cơ giới nhập khẩu vào Mỹ đã trở thành gánh nặng lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Đức, một lĩnh vực vốn phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ. Do đó, thiệt hại doanh thu hàng tỷ đô la mỗi tháng là điều đang hiện hữu, và trong tương lai gần, hàng chục nghìn việc làm trong các ngành nghề khác nhau có nguy cơ bị đe dọa.

Theo ước tính hồi tháng 4/2025, các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể gây thiệt hại lên đến 200 tỷ euro cho riêng nước Đức, và khoảng 750 tỷ euro cho toàn EU trong vòng bốn năm tới.

Ngoài ra, kể từ đầu tháng 6/2025, Mỹ đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, từ 25% lên 50%. Mặc dù tác động trực tiếp có vẻ hạn chế (do chỉ khoảng 3% sản lượng thép của Đức được xuất khẩu sang Mỹ), nhưng các hiệu ứng gián tiếp lại đang gây lo ngại. Các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác – vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ – đang đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, khiến mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh mẽ.

Tóm lại, cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương đang tạo ra áp lực ngày càng lớn và đa chiều lên nền kinh tế châu Âu – không kém gì cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung trước đó.

Ảnh hưởng đến Hoa Kỳ

Một nghịch lý đáng chú ý là chính người dân Mỹ lại đang phải gánh chịu hậu quả trực tiếp từ các biện pháp thuế quan do chính phủ Mỹ áp đặt. Nhiều doanh nghiệp Mỹ buộc phải phải tăng giá bán cho khách hàng vì thuế quan khiến giá hàng nhập khẩu tăng, cắt giảm sản lượng và sa thải lao động. Xuất khẩu sụt giảm mạnh, giá tiêu dùng gia tăng, và nguy cơ suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng hơn.

Tác động gián tiếp còn nghiêm trọng hơn: tâm lý bất ổn đang lan rộng trong giới đầu tư. Trong bối cảnh môi trường chính sách thay đổi bất thường, các doanh nghiệp ngày càng khó xác định chiến lược dài hạn, khiến lòng tin vào sự ổn định kinh tế và pháp lý của thị trường Mỹ bị xói mòn. Câu hỏi đặt ra là: Ai còn dám đầu tư vào nền kinh tế Mỹ khi luật pháp có thể thay đổi trong một sớm một chiều hoặc các thoả thuận bị trì hoãn liên tục?

Bất chấp những lo ngại chính đáng này, Tổng thống Trump vẫn tin rằng chính sách thuế quan sẽ thu hút các nhà sản xuất ô tô chuyển toàn bộ dây chuyền về Mỹ, tạo ra hàng tỷ đô la doanh thu và đưa ngành công nghiệp ô tô nội địa “vĩ đại trở lại”.

Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ một số rất ít doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng chuyển sản xuất sang Mỹ và phần lớn đang cân nhắc nên chuyển hướng đầu tư sang các thị trường ổn định hơn. Hậu quả là những khu vực yếu về hạ tầng – vốn là thành trì bầu cử của ông Trump – lại có nguy cơ bị tổn thương nặng nhất.

Về phía Đức, đầu tư trực tiếp vào Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), trong hai tháng 2 và 3/2025, đầu tư từ các doanh nghiệp Đức vào Mỹ chỉ đạt 260 triệu euro – giảm hơn 30 lần so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Triển vọng

Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và EU đang bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có và được dự báo sẽ còn kéo dài với nhiều kịch bản khó lường. Bài học mới nhất về thoả thuận Mỹ - Việt Nam có một giá trị cảnh báo đặc biệt đối với Liên Âu và các nước khác đang tiến hành đàm phán. Sau khi Việt Nam đạt đựợc thoả thuận với các nhà đàm phán Mỹ, Tổng thống Trump vẫn có thể huỷ bỏ bất cứ lúc nào. Phản ứng của chính phủ Việt Nam là "ngạc nhiên, cũng như thất vọng và tức giận" và cũng không công khai phản đối. Vấn đề còn cần phải làm sáng tỏ.

Do đó, nhìn chung, uy tín và thiện chí đàm phán của Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì không ai xác định được thời gian và hiệu lực chung quyết của việc đàm phán. Dù cả hai bên Hoa Kỳ và EU đều phải gánh chịu tổn thất nặng nề, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy là có một bước đột phá thực sự trong đàm phán.

Các rủi ro hệ thống đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại tự do và trật tự kinh tế quốc tế đang ngày càng trở nên rõ nét. Tình hình chung đòi hỏi cần phải có sự can thiệp chính sách nhanh chóng, quyết liệt và có tính liên minh cao từ cả hai phía nếu muốn tránh một cuộc khủng hoảng thương mại trong diện rộng. Thực tế đang diễn ra ngược lại, chính sách về thuế quan của ông Trump đã tạo ra sự hỗn loạn trong nền thương mại quốc tế, biền Mỹ đã trở thành nước đối tác ngày càng không còn đáng tin cậy để có thể biến đổi trật tự kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, Mỹ và các nước đối tác khác sẽ đều bị thiệt hai.

Tin cập nhật:

Trump công bố thuế 30% đối với hàng nhập khẩu của EU

Tổng thống Mỹ Trump vừa có thông báo mới nhất trên nền tảng Truth Social vào ngày 12/7 là sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa từ EU và Mexico từ ngày 1/8.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với EU là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia; do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định công bố mức thuế 30% đối với hàng hóa từ EU và quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8.

Trump cho biết là: "Chúng tôi đã thảo luận về mối quan hệ thương mại với EU trong nhiều năm và đã đi đến kết luận rằng cần phải thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề và dai dẳng này mà nó được tạo ra bởi các biện pháp thuế quan và phi thuế quan và các rào cản thương mại của EU. Thật không may, mối quan hệ của chúng tôi còn lâu mới đạt được tình trạng hỗ tương”.

Trump cũng đòi hỏi thêm là: "EU sẽ cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường miễn thuế, không hạn chế mà không áp thuế đối với chúng tôi để Mỹ cố gắng giảm thâm hụt thương mại lớn". Nhưng tổng thống Mỹ cụ thể muốn gì, cho đến lúc này vẫn chưa ai biết được rõ ràng.

Trước diễn biến mới này, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã lên tiếng phản ứng, cho rằng biện pháp của Trump sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương. EU luôn tìm kiếm một giải pháp đàm phán với Mỹ và sẵn sàng tiếp tục làm việc trên một thỏa thuận cho đến ngày 1 tháng 8. Nếu thất bại, EU sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho lợi ích của mình

Đ.K.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn