Dựa vào Hoa Kỳ nên hay không nên?

Lê Bảo Sơn

image

 “Cho dù Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ có chịu một “món nợ ân tình” nào đó đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì ngày nay, Đảng cũng không được phép vì món nợ “truyền thống” đó mà đánh đổi chủ quyền của quốc gia, gây ra những thiệt hại về lãnh thổ và biển đảo. Xét một cách rốt ráo, đó chỉ là món nợ giữa hai đảng chính trị chứ không phải là món nợ giữa hai quốc gia, hai dân tộc”.

BVN đoan chắc món nợ ân tình này khi nhìn trong mối quan hệ tinh thần giữa hai đảng vô sản thì không một đảng viên cộng sản Việt Nam nào - chỉ nói những người không dính với quyền lực, đấy là con số hết sức đông đảo - không nhìn nó một cách trong sáng và tuyệt nhiên không ai nghĩ phải trả món nợ đó bằng hy sinh chủ quyền đất nước, vì như thế là phản bội lại lý tưởng của chính mình mà ai cũng đầy niềm tin là khởi dựng từ lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng với thời gian, khi nó được xem xét thu hẹp lại trong lợi ích của một phe nhóm đã ôm chặt được chiếc ghế quyền lực tối cao và cứ lo mất ghế đến nơi, thì sự trong sáng đương nhiên cũng mất đi, phải giữ ghế bằng mọi cách mà cách hữu hiệu nhất là nhân nhượng lợi ích dân tộc cho tham vọng của những nhân vật chóp bu trong ĐCS Trung Quốc vốn thừa sức mạnh bảo hộ chiếc ghế giúp mình.

Có hiểu như thế mới thấy được chỗ lúng túng mâu thuẫn bậc nhất trong một bộ phận cầm quyền đất nước hiện nay: họ phải hạ mình trước Trung Quốc, ngày càng lún sâu vào việc qụy lụy Trung Quốc không thể cưỡng lại nổi, nhưng lại rất sợ mất đi tư thế chính danh trước nhân dân và đảng viên của họ. Điều đó giải thích vì sao các bậc lão thành cách mạng lại có thể đồng thanh lên tiếng rất hăng, kiến nghị những điều “nẩy lửa”. Bởi các vị ấy có trong tay ngọn cờ lý tưởng, đã đi đó đi đây khắp từ Nam đến Bắc, hiểu rõ làn sóng công phẫn ngầm trong quần chúng, và có thể nói là bắt thóp đúng “vết nứt” tối nghiêm trọng nó đang đẩy thanh danh của Đảng tới một giới hạn làm cho niềm tin của họ không còn gì để bấu víu.

Bauxite Việt Nam

Kể từ khi các tranh chấp về lãnh thổ cũng như trên Biển Đông làm cho mối quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng, ngày càng có nhiều người chủ trương “Việt Nam nên dựa vào Hoa Kỳ để đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc”. Điều đáng chú ý là trong số những người chủ trương “thân Mỹ”, có cả những người có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc ít nhiều đã từng ủng hộ Đảng trong thời kỳ “chống Mỹ cứu nước”.

I. Từ “Thân thiện với Hoa Kỳ” đến “dựa vào Hoa Kỳ”:

Một trong những người chủ trương “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông là nhà nghiên cứu Dương Danh Dy - một cán bộ ngoại giao kỳ cựu, từng là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Trong một bài viết công bố trên tạp chí Thời đại mới vào giữa năm 2006, ông nhận xét rằng: mặc dù về mặt hình thức, Trung Quốc đã thỏa thuận xây dựng quan hệ Việt – Trung theo phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” nhưng trong thực tế, họ nhắm đến ba yêu cầu:

- Yêu cầu tối đa là “biến Việt Nam thành một đồng minh trung thành của họ (trường hợp tốt hơn nữa là “tay sai tin cậy” của họ);

- Yêu cầu trung bình là “không muốn Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, trở thành nước cạnh tranh về kinh tế với Trung Quốc ở Biển Đông, tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”;

- Yêu cầu tối thiểu là “khi họ không ngăn được sự phát triển nhanh về mọi mặt của ta thì Việt Nam giữ được vị trí trung lập, không đi theo các nước lớn khác chống Trung Quốc”.

Khác với quan niệm chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam (coi Trung Quốc là đồng chí, là anh em), ông khẳng định: “Trung Quốc là nguy cơ trực tiếp nguy hiểm nhất về lãnh thổ, lãnh hải của ta”.

Chủ trương “quốc tế hóa” của Dương Danh Dy dựa trên phương châm: “đừng để bao giờ lâm vào cảnh mình là người đối đầu duy nhất với Trung Quốc”. Ông nói rõ ý kiến này như sau: “Chúng ta cần tôn trọng, nhân nhượng với Trung Quốc trong những vụ việc có thể nhân nhượng được. Quyết không đi với nước khác hay nhóm nước khác chống lại Trung Quốc và không bao giờ để rơi vào thế một mình đối đầu với Trung Quốc, nhưng quyết không khiếp sợ họ, lùi bước hoặc từ bỏ những vụ việc không thể từ bỏ được. Nội bộ chúng ta đoàn kết nhất trí, tập trung được sức mạnh và trí tuệ toàn dân, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực và trên toàn thế giới, lớn mạnh nhanh chóng về mọi mặt là bảo đảm vững chắc cho mọi ứng xử đã, đang và sẽ xảy ra trong mối quan hệ hai nước”.

Trong vấn đề quan hệ đối với Hoa Kỳ, ông tỏ ra thận trọng, bởi vì theo ông, trong tình hình hiện nay (tức những năm 2005-2006) “…chỉ cần bị chụp cái mũ “phá hoại tình hữu nghị Việt-Trung” hoặc “thân Mỹ” là nhiều sự việc đã được giải quyết một cách gọn ghẽ, và sinh mạng chính trị có thể bị đe dọa”. Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng: “…nước Mỹ không phải là kẻ thù truyền thống của ta, họ lại ở rất xa ta, không có tham vọng về lãnh thổ của ta và không có nhiều vấn đề gay cấn với ta như Trung Quốc. Là một siêu cường, Mỹ có sự thể hiện nước lớn của mình, chúng ta cần tôn trọng họ, chí ít cũng như đối với Trung Quốc. Khách quan mà nói Mỹ (một số nước phát triển ở Tây Âu, Nga, Nhật...) đang là những người kiềm chế hành vi quá khích ở Trung Quốc; không có cuộc cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn (1989) mà cuộc cấm vận về quân sự còn kéo dài đến tận bây giờ, và những tuyên bố của Mỹ, chưa ai biết là Trung Quốc đã và sẽ làm gì ở biển Đông”.

Vì thế ông cho rằng: “… cần nhanh chóng đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, giáo dục. Cần nghiêm chỉnh học tập tinh thần của cha ông, rửa mặt cho người Mỹ, dù là đã muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tất nhiên Trung Quốc không vừa lòng nếu ta cải thiện mối quan hệ với Mỹ hơn nữa, tuy vậy chúng ta không đi với Mỹ để làm hại lợi ích của Trung Quốc thì họ cũng khó ngăn cản, mà cản cũng không được nếu ta khôn khéo tính toán bước đi phù hợp.”

Lập trường “thân thiện với Hoa Kỳ” cũng nằm trong chủ trương “quốc tế hóa vấn đế biển đảo”, bởi vì theo ông: “Trong vấn đề quần đảo, Trung Quốc rất không muốn quốc tế hóa, chính vì vậy mà chúng ta cần khôn ngoan quốc tế hóa vấn đề, nhất là tìm kiếm sự “có mặt” của Mỹ [1].

Cuối năm 2009, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Australia, ông Dương Danh Dy cho rằng việc Chính phủ Việt nam đã có một số bước đi mạnh mẽ như đăng ký thềm lục địa mở rộng, tổ chức cuộc Hội thảo quốc tế tại Hà Nội vào tháng 11.2009 “là hướng đi quan trọng để quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, điều mà phía Trung Quốc không bao giờ muốn”.

Tuy nhiên, theo ông “nguy cơ vẫn còn đó”, vì dã tâm của Trung Quốc là rất lớn. Nhận định về tình hình sắp tới, ông cho rằng sau năm 2010, vẫn còn nhiều rắc rối, bởi vì “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý định thôn tính Trường Sa và làm chủ Biển Đông, nơi mà 21/25 đường vận tải biển của họ đi qua. Quảng Đông, Quảng Tây hiện có rất nhiều nhà máy lọc dầu được xây dựng, để hút dầu từ Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông”. Có hai kịch bản có thể xảy ra. Kịch bản xấu nhất là “Trung Quốc chiếm toàn bộ Trường Sa trong vòng 5, 10 năm tới, khi họ đạt được thỏa thuận lợi ích to lớn nào đó, có thể khiến Mỹ chấp nhận đánh đổi”. Còn kịch bản khả quan hơn là “thế giằng co và ràng buộc quyền lợi giữa các bên. Sự đoàn kết ngày càng tăng của các nước ASEAN, thái độ đúng mức của các nước Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ… và một số nước liên quan khác cũng như dư luận tiến bộ trên thế giới là biện pháp ngăn chặn hiệu quả những hành động quá khích” [2].

Khác với ông Dương Danh Dy, Giáo sư Ngô Vĩnh Long mặc dù đã từng có lập trường phản chiến, thân cộng nhưng không phải là đảng viên cộng sản, và cũng không sống trong nước, do đó có điều kiện phát biểu một cách thẳng thắn, ít e dè hơn.

Là sinh viên Việt Nam đầu tiên được tuyển vào Đại học Harvard vào cuối năm 1964, Ngô Vĩnh Long cũng là một trong những sinh viên “thiên tả” đầu tiên công khai bày tỏ lập trường phản đối cuộc “chiến tranh Việt Nam” ngay trên đất Mỹ. Ông cũng là Chủ nhiệm của Thời báo gà­ – một bản tin ra hàng tháng vào cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, có xu hướng phản chiến. Ngày 10.2.1972, cùng một với một số sinh viên người Việt đang du học tại Hoa Kỳ, Ngô Vĩnh Long đã thực hiện một hành động táo bạo: chiếm giữ tòa Lãnh sự của chính quyền VNCH tại New York trong lúc các nhân viên của ngoại giao đoàn đang ăn trưa để đưa ra lời tuyên bố phản đối chiến tranh.

Như vậy, có thể nói Giáo sư Ngô Vĩnh Long là một người đã từng “chống Mỹ”, mặc dù như ông đã nhiều lần nhấn mạnh: ông không “chống nước Mỹ” mà chỉ “chống lại chính sách can thiệp vào VN của chính quyền Mỹ”. Là một Tiến sĩ sử học, ông hiện là Giáo sư về lịch sử châu Á tại Đại học Maine (Hoa Kỳ), và cũng là một chuyên gia am hiểu về các vấn đề của châu Á.

Cách đây gần một năm (ngày 22.7.2009), khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Thái Lan để ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN, đài RFI (Pháp) đã phỏng vấn ông. Phát biểu nhân dịp này, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng “tín hiệu mà Hoa Kỳ bắn đi, không chỉ đơn thuần nhắm vào Trung Quốc để nước này giảm bớt các hành động quá đáng, mà còn nhắm tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để các nước này biết rõ là Hoa Kỳ sẽ không từ nhiệm trong vai trò cường quốc duy nhất có khả năng tạo thế cân bằng với uy lực đang lên của Trung Quốc tại Châu Á.”

Vì vậy, theo ý kiến của ông: “…Việt Nam trong thế đang bị Trung Quốc ''ức hiếp'' cần phải nắm lấy thời cơ này để có chính sách thỏa đáng nhằm giải tỏa được sức ép từ phía Bắc Kinh, bảo vệ được tư thế độc lập của mình” [3].

Theo Ngô Vĩnh Long, cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ, bởi vì phải có sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước ASEAN thì mới lôi kéo được các nước Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc:

“Ví dụ, vấn đề Biển Đông rất quan trọng với Nhật Bản, 90% lượng dầu từ các nơi khác chở đến Nhật Bản phải đi qua vùng Biển Đông. Tương tự như vậy, phần lớn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Hàn Quốc cũng đi qua Biển Đông. Thế nhưng, hai nước này sẽ không lên tiếng đơn phương về vấn đề Biển Đông vì họ không muốn Trung Quốc gây sức ép ngược lại trên những vấn đề khác. Nếu Việt Nam nêu vấn đề này với tư cách là một nước đơn độc thì sẽ rất khó tranh thủ được sự ủng hộ của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng nếu Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ và các nước ASEAN thì có thể tranh thủ được các nước Bắc Á trong vấn đề này”.

Mặt khác, muốn tranh thủ được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Việt Nam không thể chỉ dựa trên lợi ích riêng của mình mà phải dựa trên lợi ích chung của các nước ASEAN: “Điều cần lưu ý là vai trò của Mỹ trong việc giúp điều phối sự hợp tác của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong giải quyết vấn đề Biển Đông là rất quan trọng, nhưng Chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào vấn đề này nếu nó đơn thuần là lợi ích riêng của Việt Nam. Chỉ khi Việt Nam thuyết phục được các nước Đông Nam Á tham gia thì Mỹ mới có thể đồng ý đóng một vai trò tích cực hơn vì sự an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á, chứ không phải vì Việt Nam” [4].

Về vấn đề Chính phủ Việt Nam mua sắm vũ khí (máy bay siêu thanh, tàu ngầm,…) để tăng cường thực lực quân sự, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng điều này là hợp lý, bởi lẽ “… trước sự đe dọa của Trung Quốc, nếu Việt Nam thật sự có điều kiện thì Việt Nam đúng là phải mua vũ khí để tự vệ. Không phải là Việt Nam tự mua vũ khí để tranh chấp Biển Đông. Vấn đề này là vì Trung Quốc càng ngày càng lấn chiếm Biển Đông nên Việt Nam mua vũ khí là một chuyện bình thường”. Tuy nhiên, theo ông “… số tiền bỏ ra để mua tàu ngầm và máy bay thì không bõ vì có thể làm cách khác để quy tụ sự ủng hộ của các nước khác. Việt Nam còn là một nước nghèo mà mua tàu ngầm như vậy rất tốn kém. Để số tiền đó giúp nông dân tốt hơn” [5].

Nói cách khác, thay vì bỏ tiền mua vũ khí để tăng cường lực lượng quốc phòng, Việt Nam nên tìm cách liên minh với ASEAN, đồng thời tranh thủ cho được Hoa Kỳ. Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là một cách để đối phó với Trung Quốc hữu hiệu nhất, đồng thời đỡ tốn kém nhất.

Trong khi chủ trương liên minh với ASEAN, liên minh với Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long vẫn nhấn mạnh phương châm “dựa vào dân để tránh thế yếu”. Ông cho rằng: “… Chính phủ Việt Nam phải để cho người dân Việt Nam, phải để cho trí thức và dân chúng trên thế giới bàn về chuyện này. Nếu Trung Quốc dọa Việt Nam mà Việt Nam lại bắt bớ những người chống chính sách về Hoàng Sa hay là nói rằng Chính phủ quá nhượng bộ với Trung Quốc về Hoàng Sa, thì Trung Quốc sẽ làm tới. Đây là vấn đề rất nguy hiểm cho Chính phủ Việt Nam”.

Ông phê phán chính sách đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người yêu nước: “Rồi trong vấn đề Hoàng Sa, trong bao nhiều năm trời, Việt Nam cũng im lặng, lâu lâu mới lên tiếng rằng Việt Nam có nhiều cái này cái kia chứng minh chủ quyền, nhưng không làm gì khác, không để cho nhân dân Việt Nam bàn luận về vấn đề này. Không nói cho nhân dân thế giới biết là trong vấn đề này, Việt Nam mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, có lý chỗ nào v.v. Đến khi Trung Quốc làm quá, bắt thuyền của Việt Nam thì phản ứng của Việt Nam lúc đầu là dẹp hết các blog chỉ trích Chính phủ, đuổi một số ký giả ở trong một số báo. Mạng Bauxite Việt Nam bắt đầu nói về vấn đề bauxite và quyền lợi Việt Nam như thế nào, Biển Đông như thế nào, tôi không biết ai đánh sập cái mạng này, nhưng tôi biết rõ ràng là ông Nguyễn Huệ Chi và bao nhiêu người khác bị an ninh Việt Nam gọi vào hỏi, lấy ổ đĩa cứng máy tính v.v. Làm như vậy thì sẽ mất chính danh của Chính phủ. Mọi người thấy là Chính phủ đàn áp hay là có cảm tưởng là Chính phủ đàn áp vì Trung Quốc [6].

Nhưng làm thế nào để tranh thủ được sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ?

Ông giải đáp: “Đối với thể chế chính trị ở Mỹ, cách vận động hiệu quả nhất là chúng ta cần tuyên truyền giúp người dân Mỹ hiểu rằng vấn đề tranh chấp tại Biển Đông là nguy cơ gây mất ổn định khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng lợi ích của nhiều nước, trong đó có Mỹ, để từ đó người dân gây áp lực đòi Chính phủ Mỹ chú trọng vào vấn đề này. Đây chính là công tác ngoại giao nhân dân. Trong thời kỳ chiến tranh, Việt Nam đã thắng Mỹ một phần nhờ thực hiện rất tốt đường lối ngoại giao nhân dân. Khi đó, hàng triệu người Mỹ đã tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, rất nhiều người đã tham gia vận động hành lang ở Quốc hội, Chính phủ, nhờ đó góp phần giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước. Từ sau năm 1975, có vẻ như phía Việt Nam quan tâm hơn đến các hoạt động ngoại giao cấp chính phủ và cho rằng nó có thể giúp giải quyết những bất đồng giữa các bên. Tuy nhiên, lịch sử và thực tế đã chứng minh, trong lĩnh vực đối ngoại, nước nhỏ bao giờ cũng yếu thế hơn khi tiến hành đàm phán ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ. Vì vậy, tôi mong muốn Việt Nam đẩy mạnh lại hoạt động ngoại giao nhân dân để bù đắp những bất lợi mà một nước nhỏ thì gặp trong đối ngoại, cụ thể là trong vấn đề Biển Đông” [7].

Là con của nhà thơ Huy Cận, cháu của nhà thơ Xuân Diệu [8], Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ thuộc thành phần trí thức “tinh hoa” của chế độ cộng sản. Nguồn gốc xuất thân cũng như nền tảng giáo dục mà ông được thừa hưởng khiến người ta không thể nghi ngờ ông chịu ảnh hưởng của “ngụy quân ngụy quyền” hay “ăn phải cái bã của tư bản, đế quốc”. Trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho đài VOA vào thượng tuần tháng 4 năm 2010, với một lập trường “cấp tiến” hơn so với hai nhân vật nói trên, ông nhận định rằng Việt Nam phải dựa hẳn vào Hoa Kỳ, tìm cách liên minh quân sự với Hoa Kỳ.

Trước hết, Cù Huy Hà Vũ đánh giá: chủ trương của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc giải quyết xung đột ở Biển Đông bằng công pháp quốc tế hoặc bằng cách quốc tế hóa xung đột, cụ thể là “tìm cách nâng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 lên thành Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc nhiều hơn”, là một “sai lầm chết người”. Bởi lẽ “giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng đàm phán hoặc bằng tòa án quốc tế chỉ có thể diễn ra khi sức mạnh quân sự của hai bên đối địch ở thế cân bằng hoặc xấp xỉ để không bên nào có thể dám chắc sống sót sau cuộc chiến nếu nổ ra”. Trong tình thế mà “tương quan lực lượng vũ trang hiện nghiêng hẳn về phía Trung Quốc” thì việc Việt Nam “gấp rút hiện đại hóa quân đội nói chung, các lực lượng phòng vệ biển nói riêng” (như các hợp đồng mua tàu ngầm và máy bay trị giá nhiều tỷ đôla mà Thủ tướng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký kết với Nga và Pháp thời gian qua) “hoàn toàn không đủ để giúp Việt Nam giành thắng lợi trong hải chiến với Trung Quốc để bảo vệ toàn vẹn Trường Sa”.

Lý do tại sao? Theo ông Cù Huy Hà Vũ, có hai lý do cơ bản như sau:

“Thứ nhất, dù có tăng tốc mua sắm phương tiện chiến tranh đến mấy thì Hải quân Việt Nam cũng không bao giờ có thể bắt kịp Hải quân Trung Quốc mà tốc độ hiện đại hóa luôn được duy trì ở mức chóng mặt.

Thứ hai, chi quá nhiều tiền vào quốc phòng ắt đẩy Việt Nam vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc, biến những mâu thuẫn và bất ổn xã hội vốn đã trầm trọng thành những xung đột phá vỡ Nhà nước và xã hội. Tất nhiên trong bối cảnh đó không chỉ Trường Sa mà ngay cả đất liền của Việt Nam tất cả sẽ là mồi ngon cho một cuộc xâm lăng từ phía Trung Quốc”.

Chính vì vậy, theo Cù Huy Hà Vũ, Việt Nam buộc phải “liên minh với cường quốc quân sự nào đó”. Trong tình hình hiện nay, cường quốc đó không thể là Pháp, bởi lẽ “…không hẳn vì Pháp đã chính thức “giã từ vũ khí” với xứ cựu Đông Dương từ năm 1954 mà chính vì nước này chưa bao giờ lấy đối đầu với Trung Hoa Cộng sản làm chính sách”. Mặt khác, cường quốc này cũng không thể là Nga, bởi vì theo ông, “….Nga đang phải căng sức đối phó với các cuộc chiến ly khai ở Bắc Kapkaz cùng lúc với NATO ngày càng áp sát biên giới của cựu thành lũy cộng sản thế giới này. Tóm lại, nước Nga trong quan hệ với phần đông các nước khác đang tự hoàn thiện thành một lái súng chuyên nghiệp”. Do đó chỉ còn một cường quốc quân sự duy nhất có khả năng làm việc này, đó chính là Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh:

“Thành thử chỉ còn Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để Việt Nam có thể thiết lập liên minh quân sự, nhất là siêu cường quốc quân sự này là quốc gia duy nhất có chính sách kìm hãm sự bành trướng trên biển của Trung Quốc với sự hiện diện của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương”.

Phân tích lợi – hại của Việt Nam và Hoa Kỳ trong mối quan hệ hỗ tương này, ông nói: “Trong mọi quan hệ, cùng có lợi sẽ chơi với nhau, cái lợi càng lớn thì quan hệ càng phát triển, càng bền vững và ngược lại. Liên minh quân sự với Mỹ thì Việt Nam chắc chắn sẽ bảo vệ được Trường Sa nói riêng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nói chung trước mọi cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc và qua đó bảo vệ được nền độc lập của chính mình. […] Về phía Mỹ, liên minh quân sự với Việt Nam Mỹ sẽ có điều kiện hoàn tất chiến lược quân sự Đông Á của mình, cụ thể là khép kín “vành đai” ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc được cấu thành bởi các liên minh quân sự hiện hữu giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan “ [9].

So sánh lập trường của ba nhân vật nói trên, chúng ta thấy “thân Mỹ” có nhiều mức độ khác nhau: cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ (Dương Danh Dy), tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ (Ngô Vĩnh Long) và cao nhất là “liên minh với Hoa Kỳ” (Cù Huy Hà Vũ).

II. Những trở ngại về tâm lý trên con đường cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ:

Mặc dù “dựa vào Hoa Kỳ để kiềm chế Trung Quốc” ngày càng trở thành yêu cầu cần thiết của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, vẫn còn lại những trở ngại đáng kể trên con đường cải thiện bang giao Việt – Mỹ, đặc biệt là về mặt tâm lý quần chúng.

Chỉ xét riêng trong giới trí thức, vẫn tồn tại những quan niệm sai lệch, những ngộ nhận về mặt nhận thức. Những quan niệm lệch lạc, những ngộ nhận này có tác động không nhỏ trong việc nuôi dưỡng tâm lý “bài Mỹ”, không thuận lợi cho quá trình cải thiện bang giao giữa hai nước. Trong bài viết này, tôi chỉ lướt qua một vài ý kiến thường được nhắc đi nhắc lại trong thời gian gần đây:

1) Hoa Kỳ là một đồng minh không chung thủy:

Để chứng minh cho quan niệm này, người ta thường viện dẫn sự kiện Hoa Kỳ “bỏ rơi” chế độ Việt Nam cộng hòa sau cuộc đàm phán Mỹ-Trung vào năm 1972, dẫn đến việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Điển hình là ý kiến của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, 87 tuổi, nguyên Phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, là một trong số 16 nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của miền Nam còn ở lại khi Sài Gòn thất thủ tháng 4/1975 [10].

Trả lời phỏng vấn của đài BBC, ông cựu Chuẩn tướng này phát biểu:

“Tôi nói thật, trong tất cả các đời Tổng thống miền Nam Việt Nam, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay. Ở miền Nam này, đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chánh - mười mấy lần chứ có ít đâu. Tụi tôi trong quân đội, học ở Mỹ, học tiếng Mỹ, đi thăm Mỹ... đủ hết. Rồi tụi tôi cũng có nhiều bạn Mỹ rất tốt bụng, nhưng với Mỹ thì tôi vẫn không có bằng lòng. Thậm chí lần đi thăm đ̣ại bản doanh Cục Tình báo Trung ương (CIA) bên đó, thấy sợ hơn là thấy thích. Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao... Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã bỏ miền Nam Việt Nam”.

Nhắc lại vụ Hoàng Sa, ông nói: “Cần phải xem lại lịch sử cái thời mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu làm mất Hoàng Sa (1974). Mỹ cũng ở đó, mà có giúp gì không? Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đánh nhau với Trung Quốc rồi để mất đảo là như thế nào, vai trò các nước ra sao, phải xem lại ” [11].

Thật ra, ý kiến này chỉ là suy luận chủ quan, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và chỉ đúng trong trường hợp cá biệt của chế độ VNCH vào đầu thập niên 1970, khi chính bản thân Chính phủ Hoa Kỳ cũng phải đối phó với nhiều khó khăn nội bộ - nhất là phong trào phản chiến nổ ra gay gắt ngay trên đất nước họ, nên họ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Nhưng ngay tại châu Á, chúng ta thấy Hoa Kỳ đã không “bỏ rơi” các đồng minh khác như Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) và Đài Loan.

Sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc và Hoa Kỳ ký một “Hiệp ước Phòng thủ Tương trợ” (Mutual Defense Treaty), theo đó một cuộc tấn công đối với bất cứ bên nào cũng sẽ nhận một sự đáp trả của cả hai phía. Có thể nói cho đến ngày nay, Hàn Quốc tồn tại được như một quốc gia trước sức ép về quân sự của Bắc Hàn và Trung Quốc – chính là nhờ mối quan hệ với Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn còn 29.000 quân đồn trú tại Hàn Quốc, đó là chưa kể đến các lực lượng hải, lục và không quân đang đồn trú tại Nhật Bản.

Một trường hợp khác là Đài Loan. Từ đầu thập niên 1970, xu hướng chung của thế giới là công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China) như đại diện chính thức của Trung Quốc thay cho Trung Hoa dân quốc (Republic of China). Ngày 25.10.1971, Nghị quyết 2758 của Liên hiệp quốc thừa nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là đại diện chính thức duy nhất của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc.

Hoa Kỳ cũng phải đi theo xu thế chung ấy, và buộc phải công nhận Trung Quốc về mặt ngoại giao vào năm 1979. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Hoa Kỳ vẫn tìm cách bảo vệ Đài Loan chống lại mọi mưu toan dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ của Trung Quốc. Cũng trong năm 1979, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật về Quan hệ với Đài Loan” (Taiwan Relations Act). Căn cứ vào đạo luật này, Hoa Kỳ “coi bất kỳ nỗ lực nào không phải là những biện pháp hòa bình (bao gồm cả các biện pháp tẩy chay và cấm vận) nhằm quyết định tương lai của Đài Loan” đều là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của miền Tây Thái Bình Dương và đòi hỏi sự quan tâm nghiêm trọng của Hoa Kỳ. Đạo luật này cũng đòi hỏi Hoa Kỳ phải cung cấp vũ khí mang tính phòng vệ cho Đài Loan và duy trì khả năng của Hoa Kỳ để chống lại “bất cứ sự nhờ cậy nào vào sức mạnh hay các hình thức cưỡng bức khác” có thể gây nguy hiểm cho an ninh hay cho hệ thống xã hội và kinh tế của nhân dân Đài Loan.

Nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, chúng ta phải thấy rằng nỗ lực chủ quan của Đài Loan và Hàn Quốc là quan trọng nhất, còn sự hỗ trợ bên ngoài của Hoa Kỳ tuy cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định. Thiếu sự nỗ lực bên trong, sự hỗ trợ bên ngoài sẽ trở nên vô hiệu. Cho nên nếu trách Hoa Kỳ “phản bội đồng minh” thì cũng cần nên xem xét lại: những người lãnh đạo chính quyền VNCH chủ trương “dựa vào sức mình là chính” hay chủ trương “dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ là chính”?

2) Liên minh với Hoa Kỳ đồng nghĩa với “lệ thuộc vào Hoa Kỳ”:

Trong một bài viết dài đăng hai kỳ trên Blog phamvietdaonv, nhà văn Phạm Viết Đào cho rằng “có 3 cách… để có thể thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh với Trung Quốc”: (1) Hạ sách: Trong quan hệ với Trung Quốc nên chịu thế nước nhỏ: nhường nhịn, nhẫn nhục với Trung Quốc; (2) Trung sách: “Khi Mỹ đánh Việt Nam thì ta tìm cách liên minh với Trung Quốc, Liên Xô với phe xã hội chủ nghĩa để quyết chiến trở lại. Bây giờ Trung Quốc có ý định đánh ta thì ta lại đi liên minh với Mỹ, với Nga, với Nhật, với Hàn Quốc… để quyết chiến, quyết thắng”; (3) Thượng sách: “Phải làm cho Việt Nam mạnh và hùng cường lên cả về nội trị lẫn ngoại giao như cha ông ta đã từng làm” [12].

Chỉ cần nhìn nhận vấn đề một cách thật sự khách quan, thoát khỏi mọi thành kiến (nhất là tâm lý bài Mỹ, bài phương Tây), chúng ta dễ dàng nhận ra tính chất bất hợp lý của quan niệm xếp loại này.

Trước hết, cái mà tác giả gọi là thượng sách, thật ra là chính sách đối nội. Cái mà tác giả gọi là trung sách, thật ra là chính sách đối ngoại. Thực hiện một chính sách liên minh hay thân thiện với các quốc gia khác (nhất là các quốc gia có cùng chủ trương chống chính sách bá quyền của Trung Quốc) không hề mâu thuẫn với một chính sách đối nội “dựa vào dân là chính, sức mạnh từ bên ngoài là sự hỗ trợ cần thiết”. Hơn thế nữa, không phải quốc gia nào liên minh với Hoa Kỳ cũng đều lệ thuộc vào Hoa Kỳ hoặc mãi mãi lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Ngược lại, không phải bất cứ ai chủ trương dựa vào Hoa Kỳ cũng chủ trương “lệ thuộc Hoa Kỳ” hay “phục tùng Hoa Kỳ”.

Mặt khác, không thể so sánh thời đại ngày nay với thời đại của ông cha ta ngày xưa. Để đối phó với Trung Quốc ngày xưa, ông cha ta chỉ có thể dựa vào sức mình, không thể liên minh với bất cứ quốc gia nào khác. Nhưng trong thời đại ngày nay, không một quốc gia nào có thể đứng một mình, cô lập, nhất là khi phải đối phó với một quốc gia hùng mạnh ở sát cạnh mình.

Trong thế giới hiện đại, chi phí quân sự là cả một gánh nặng đối với mỗi quốc gia – nhất là các quốc gia chưa phải là giàu có. Hãy làm một phép so sánh:

Theo tính toán của SIPRI (Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm, Thụy Điển, Stockholm International Peace Research Institute), chi phí quân sự năm 2009 của Việt Nam là 2, 073 tỷ đô-la Mỹ chiếm 2,4% (so với GDP của năm 2008). Trong khi đó, chi phí quân sự của một quốc gia nhỏ bé (chỉ bằng một thành phố của Việt Nam) là Singapore đã lên đến 7,966 tỷ (4.1% GDP), của Đài Loan: 9,866 tỷ (2.1%), Thái Lan: 4,909 tỷ (1.5%) [13].

Việt Nam với dân số 85,7 triệu người chỉ chi cho quân sự 2,073 tỷ đô-la, trong khi Thụy Điển (một quốc gia trung lập, hầu như không tham gia chiến tranh từ khoảng 2 thế kỷ nay), với dân số 9,3 triệu đã chi 6,135 tỷ đô-la cho quân sự. Nhưng trong khi chi phí quân sự của nước ta tương đương với 2.4% GDP thì chi phí quân sự của Thụy Điển chỉ bằng 1,3 % GDP. Hãy thử tưởng tượng: nếu chúng ta nâng chi phí quốc phòng lên ngang bằng với Thụy Điển hay Singapore, Đài Loan, v.v. thì tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào?

Nhưng cho dù có nâng cao chi phí quân sự, Việt Nam cũng không thể đối phó được với Trung Quốc, vì căn cứ vào dữ liệu của SIPRI, chi phí quân sự của Trung Quốc năm 2009 đã lên đến 98,8 tỷ (2.0% GDP), chỉ thua chi phí quân sự của Hoa Kỳ: 663,255 tỷ (4.3%).

Những con số đó cho thấy: hy vọng đối phó với Trung Quốc bằng cách chỉ dựa vào sức mình, không liên minh với quốc gia nào khác, chỉ là một cách suy luận hoàn toàn mang tính chủ quan, mơ mộng dựa trên trí tưởng tượng của các văn nghệ sĩ nhiều hơn là dựa trên sự tính toán thực tế.

3) Liên minh với Hoa Kỳ lệ thuộc vào sự thay đổi đảng cầm quyền (Dân chủ hay Cộng hòa):

Ông Phạm Viết Đào viết: “còn nếu theo trung sách như ý kiến của ông Lê Bảo Sơn thì phải hú họa chờ xem bên Mỹ, dân Mỹ bầu cho người của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa làm Tổng thống. Nếu mà không may Trung Quốc đánh mà dân Mỹ lại bầu Tổng thống là người của Đảng Dân chủ thì Biển Đông, nền độc lập của Việt Nam khác gì “trứng treo đầu đẳng”?! [14]

Đây quả là một lập luận mang tính văn chương, nhưng không phù hợp với chính trị học, luật học hay thực tiễn.

Mặc dù Hoa Kỳ theo Tổng thống chế (presidential system), nhưng những chủ trương lớn về ngoại giao – nhất là các hiệp ước, đều phải được Thượng viện phê chuẩn trước khi ban hành, mà tại Thượng viện Hoa Kỳ có đại biểu của cả hai đảng – Dân chủ và Cộng hòa. Một hình thức khác của quan hệ ngoại giao là các đạo luật (vd: Đạo luật về quan hệ với Đài Loan năm 1979); các đạo luật này phải thông qua cả hai viện của Quốc hội, mà trong cả hai viện đều có đại biểu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Vì vậy, một khi chính sách liên minh với một quốc gia đã hình thành thì chính sách đó không phụ thuộc vào một vị Tổng thống nào hay một đảng chính trị nào của Hoa Kỳ.

Đó cũng chính là ưu điểm của chế độ dân chủ tại Hoa Kỳ, một chế độ chính trị dựa trên luật pháp (pháp trị) thay vì dựa trên sự yêu ghét của một cá nhân (nhân trị) hay chỉ dựa trên quyền lợi của một đảng duy nhất (đảng trị).

4) Hoa Kỳ không quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam châu Á:

Cách suy nghĩ này ngày càng tỏ ra lạc hậu so với thời cuộc.

Hạ tuần tháng 10 năm 2009, nhân dịp đến Hoa Kỳ để nhận giải thưởng của Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - Đông Nam Á (US - ASEAN Business Council), cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cảnh báo rằng: Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ mất quyền lãnh đạo đối với thế giới nếu không tham gia vào việc làm cân bằng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc tại châu Á. Ông cho rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc hàng đầu không ai có thể cạnh tranh được ở châu Á: “Tầm cỡ của Trung Quốc khiến cho phần còn lại của châu Á - bao gồm cả Nhật Bản và Ấn Độ, cũng không thể sánh được về sức nặng cũng như về năng lực trong vòng 20 hay 30 năm nữa. […] Chính vì thế chúng tôi cần đến Hoa Kỳ để tạo ra sự cân bằng. […] Tôi nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ không thừa nhận châu Á - Thái Bình Dương là nơi sẽ là trung tâm kinh tế của hành động (the economic center of action) và nếu Hoa Kỳ mất ưu thế về kinh tế hay vị trí lãnh đạo đã từng có ở Thái Bình Dương thì họ sẽ mất vị trí đó trên toàn thế giới” [15].

Lời cảnh báo đó của nhà lãnh đạo đảo quốc Singapore rõ ràng đã có ảnh hưởng đến chính giới Hoa Kỳ. Bằng cớ là việc bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Singapore vào tháng 7 năm 2009. Và rõ rệt hơn nữa là lập trường của Hoa Kỳ thông qua lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại cuộc Đối thoại Shangri-La [16] lần thứ 9 được tổ chức tại Singapore đầu tháng 6 vừa qua:

“Biển Đông là khu vực quan ngại ngày càng gia tăng. Vùng biển này không chỉ quan trọng đối với những nước tiếp giáp với nó, mà còn là mối quan ngại đối với tất cả các quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh ở châu Á”.

Và: “Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các công ty Hoa Kỳ, hoặc các công ty thuộc bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động kinh tế hợp pháp ” [17].

Bình luận về quan điểm của Hoa Kỳ tại cuộc đối thoại này, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhận định:

''Từ trước đến nay người Mỹ rất là dè dặt khi nói chuyện về những vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng bây giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mang vấn đề đó ra nói công khai ở vùng Đông Nam Á và trong một hội nghị về vấn đề an ninh vùng. Có thể đây không chỉ là một lời bắn tiếng đối với Việt Nam hay Trung Quốc, mà có thể cũng là một lời nhắn nhủ cho tất cả các nước Đông Nam Á biết rằng thái độ của Chính phủ Mỹ có thay đổi. […] Đối với vùng Đông Nam Á, nước Mỹ từng là một cột trụ về vấn đề an ninh của họ, thì bây giờ trong khi Trung Quốc đang tỏ sức mạnh về quân sự cũng như kinh tế và tìm cách gây ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á, thì đây là cái lúc mà chúng ta nghe thấy Chính phủ Mỹ nhắc nhở cho các nước Đông Nam Á biết rằng Hoa Kỳ vẫn có mặt ở trong khu vực.

Nhân chuyến viếng thăm ở Hà Nội vừa rồi, Đô đốc Willard, người cầm đầu Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, có nói một câu rất đáng chú ý. Ông bảo rằng nước Mỹ đã từng - ông ấy dùng động từ gọi là ‘’đi thuyền’’ - trong cái vùng này trong rất nhiều thập niên qua và ông nói tiếp là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có mặt ở đây. Đó là những điều mà theo tôi Chính phủ Mỹ đang muốn nhắn nhủ không chỉ riêng cho người Việt Nam mà cho tất cả các nước Đông Nam Á, cho biết là Mỹ có thể là đồng minh của các nước nhỏ ở trong vùng này nếu có tranh chấp với Trung Quốc'' [18].

III. Đâu là trở ngại lớn nhất?

Nhưng trở ngại lớn nhất trên con đường cải thiện quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ không xuất phát từ người dân nói chung hay từ giới trí thức nói riêng, mà từ chính đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận xét về một trong “ba điểm yếu” của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tống Văn Công – một đảng viên cộng sản, cựu Tổng biên tập báo Lao động, đã viết như sau: “Do “ngu trung” với ý thức hệ, Đảng Cộng sản Việt Nam không rút được bài học nhầm lẫn chọn bạn đồng minh, đã tiếp tục phạm sai lầm lớn hơn ở cuộc gặp Thành Đô năm 1990, cầu hòa với Bắc Kinh trong thế yếu. Từ đó, hai kẻ thù mang mặt nạ “đồng chí”, giả vờ kết giao trên “16 chữ vàng” (Do quá phẫn nộ trước hành động ngang ngược gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhân dân đã nhại lại thành 16 chữ đen là “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai”). Nhầm lẫn trước năm 1954 còn có thể thông cảm, nhưng từ khi Bắc Kinh liên tục gây chiến tranh biên giới với tất cả quốc gia láng giềng Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam mà vẫn còn cho rằng “từng là xã hội chủ nghĩa với nhau vẫn tốt hơn” thì thật là mù quáng” [19].

Gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cũng nhận xét rằng “16 chữ vàng” mà Trung Quốc chủ động đề ra thật ra “chỉ là lá bùa dán vào miệng để bịt miệng Việt Nam, “để ăn cướp mà Việt Nam không được la làng”, “xẻo thịt, cắt da Việt Nam cũng không kêu được”. Trong khi đó thì: “Đáng tiếc là những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn “Hữu nghị một chiều” [20].

Có thể nói: chính đường lối ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười như hiện nay. Trong khi Trung Quốc từng bước thực hiện chính sách bành trướng một cách công khai thì Việt Nam lại tiếp tục nhượng bộ hết lần này đến lần khác, trong khi nhân dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông thì lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tỏ ra khiếp nhược trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Gần đây, sau cuộc đối thoại Shangri-La 9 tại Singapore, trong khi Hoa Kỳ công khai bày tỏ lập trường có lợi cho Việt Nam và Đông-Nam Á thì phía Việt Nam lại lên tiếng “bao che” cho Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của báo chí, Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đã tuyên bố như sau:

“Tranh chấp trên Biển Đông nếu để xảy ra xung đột quân sự sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia không chỉ ở Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí cả thế giới. Cho nên các nước phải hết sức bình tĩnh, phải hết sức kiềm chế, phải xử lý ở tầm cao chiến lược. Giải pháp phải bằng đàm phán hòa bình, bằng luật pháp quốc tế và phải hết sức sáng suốt, hết sức khôn ngoan, không cho người ngoài sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ta” [21].

Ý tưởng này thật ra không phải hoàn toàn mới, mà chỉ là sự lặp lại một lập trường đã được thỏa thuận giữa hai ông Bộ trưởng Quốc phòng: Đại tướng Phùng Quang Thanh (Việt Nam) và Thượng tướng Lương Quang Liệt (Trung Quốc). Ngày 22-4, tại lầu Bát Nhất ở Thủ đô Bắc Kinh, một cuộc hội đàm đã diễn ra giữa hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và Trung Quốc. Báo Quân đội nhân dân (Việt Nam) đã đưa tin như sau:

“Về một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, Thượng tướng Lương Quang Liệt hoan nghênh và tán thành quan điểm và giải pháp mà Đại tướng Phùng Quang Thanh đưa ra. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, lấy luật pháp và các thỏa thuận đã ký kết làm căn cứ, hai bên cần phấn đấu giữ ổn định tình hình, vì lợi ích của các quốc gia, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động, làm tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quân đội[22].

Những lời phát biểu này khiến người dân cảm thấy khó hiểu, nhất là khi nó được phát ra từ cửa miệng của một ông Đại tướng chỉ huy lực lượng vũ trang. Như trên đã phân tích, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên không tin vào “16 chữ vàng” mà phía Trung Quốc ra sức rêu rao. Vậy căn cứ vào đâu mà ông Đại tướng cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ hữu nghị mang tính truyền thống? Hơn thế nữa, ông lại còn lẫn lộn giữa yếu tố bên trongyếu tố bên ngoài. Xưa nay, đối với bất cứ quốc gia nào còn giữ vững được độc lập, chủ quyền, chỉ có quan hệ đối nội mới được xem yếu tố bên trong, còn quan hệ đối ngoại - dù là quan hệ đối với một quốc gia đồng minh thân thiết nhất, cũng chỉ có thể là yếu tố bên ngoài. Nay quan hệ với ngoại bang (Trung Quốc) lại được coi là yếu tố bên trong, như thế thì còn đâu là tinh thần độc lập, tự chủ? Không lẽ sau một thời gian giương cao hai ngọn cờ (độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội) nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã mỏi tay, nên quyết định từ nay chỉ giương cao một ngọn cờ duy nhất là chủ nghĩa xã hội, còn ngọn cờ kia đành phải hạ xuống để bảo vệ ngọn cờ chủ nghĩa xã hội (thực chất là duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng)? Trong dân gian có câu: “theo Mỹ thì mất Đảng, theo Tàu thì mất nước”! Không lẽ các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản muốn chọn con đường mất nước?

Dù sao thì cũng đã đến lúc cần phải đặt chính sách đối ngoại – đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, vào chương trình nghị sự của Quốc hội và hơn thế nữa, vào “chương trình nghị sự của toàn dân”, tương tự như trường hợp của “Dự án đường sắt cao tốc” vừa qua. Không thể tiếp tục coi quan hệ đối ngoại là vấn đề “nhạy cảm”, là độc quyền của Đảng Cộng sản hay của Bộ chính trị, không cho phép ai khác được bàn cãi, phản biện hay tranh luận.

Cần khẳng định một điều: bất cứ cá nhân hay tập thể nào cũng không được phép giành độc quyền quyết định đường lối đối ngoại để có thể tiếp tục gây thiệt hại cho quyền lợi của dân tộc, xâm phạm đến chủ quyền của quốc gia. Bất cứ ai cũng không thể nhân danh một thứ “tình hữu nghị truyền thống” giả dối để tiếp tục ngăn cấm lòng yêu nước của người dân.

Cho dù Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ có chịu một “món nợ ân tình” nào đó đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc thì ngày nay, Đảng cũng không được phép vì món nợ “truyền thống” đó mà đánh đổi chủ quyền của quốc gia, gây ra những thiệt hại về lãnh thổ và biển đảo. Xét một cách rốt ráo, đó chỉ là món nợ giữa hai đảng chính trị chứ không phải là món nợ giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Những ai cố tình phớt lờ thực tế, cố tình gán ghép “món nợ ân tình” ấy cho nhân dân Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam phải trả nợ, sẽ phải đứng trước vành móng ngựa của lịch sử.

25.6.2010

LBS


[1] Dương Danh Dy, “Vài suy ngẫm về Trung Quốc”, Thời đại mới số 8, tháng 7-2006:

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai8/200608_DuongDanhDy.htm

[2] “Nhìn lại Biển Đông một năm sóng gió”, Bay Vút 24/12/2009:

http://www.bayvut.com.au/tri-thức/nhìn-lại-biển-đông-một-năm-sóng-gió

[3] Trọng Nghĩa, “Việt Nam cần tranh thủ thời cơ Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với Đông Nam Á để hạn chế sức ép từ Trung Quốc”, RFI 28/07/2009:

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4360.asp

[4] “Tranh chấp Biển Đông: Dựa vào dân để tránh thế yếu” (Lê Quang phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long), Tuần Việt Nam 31/3/2010:

http://www.tuanvietnam.net/2010-03-29-tranh-chap-bien-dong-dua-vao-dan-de-tranh-the-yeu

[5] Ý kiến chuyên gia sử học về vấn đề hiện đại hóa quân đội VN”, VOA 9.1.2010:

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/a-19-2010-01-09-voa25-82831107.html

[6] Hoàng Sa nổi lên trở lại thành điểm nóng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, RFI 18/01/2010:
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6524.asp

[7] “Tranh chấp Biển Đông: Dựa vào dân để tránh thế yếu”, bđd.

[8] Mẹ của ông Cù Huy Hà Vũ là em gái của nhà thơ Xuân Diệu.

[9] Huy Phương , «TS Cù Huy Hà Vũ: Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng”, VOA 9.4.2010:

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-south-china-sea-conflict-04-09-10-90384534.html

[10] Mặc dù là một cựu sĩ quan Việt Nam cộng hòa, nhưng từ sau tháng 4 – 1975 đến nay, ông cựu Chuẩn tướng này lại là một thành viên Mặt trận Tổ quốc. Do đó, có người cho rằng đây không phải là ý kiến của bản thân ông, mà chính là ý kiến của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn mượn cửa miệng của ông để dễ thuyết phục quần chúng mà thôi.

[11] “Khó mà trông chờ vào người Mỹ”, BBC, 10.5.2010:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100510_nguyenhuuhanh_viet_us.shtml

[12] Phạm Viết Đào, “Làm gì để thoát được một cuộc chiến tranh xâm lược từ phía Trung Quốc?”, Blog Phạm Viết Đào, 13.5.2010:

http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=5003

[13] Con số của SIPRI có khác với con số chính thức của Bộ quốc phòng VN. Theo Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố năm 2009, chi phí quân sự của Việt Nam 2008 là 27.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ), chiếm 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, theo tính toán của SIPRI, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2008 lên đến 2,138 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 2,5% so với GDP của năm 2007.

[14] Phạm Viết Đào, bđd.

[15] “US risks losing global clout – Lee Kuan Yew”, Manila Times 29.10.2010:

http://www.manilatimes.net/index.php/top-stories/4887-us-risks-losing-global-clout--lee-kuan-yew

[16] Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue) là cuộc họp hàng năm của Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Á được tổ chức ở khách sạn Shangri-La (Singapore) từ năm 2002 đến nay. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies, IISS), một think-tank được thành lập tại nước Anh từ năm 1958, là chủ thể tổ chức các cuộc đối thoại này. Cuộc đối thoại lần thứ 9 vừa diễn ra từ ngày 4 đến 6.6.2010, tập hợp gần 30 quốc gia.

[17] Ngọc Trân, “Hoa Kỳ phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”, RFA 7.6.2010:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/US-concerns-about-the-South-China-Sea-disputes-06072010063120.html

[18] “Quan điểm của Mỹ chuyển biến thuận lợi cho Việt Nam?”, RFI 13.6.2010:

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100613-quan-diem-cua-my-chuyen-bien-thuan-loi-cho-viet-nam

[19] Thiện Ý, “Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam”, talawas 19.9.2009:

http://www.talawas.org/?p=10367

[20] Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, “16 chữ vàng là thật hay giả”, Bauxite Vietnam 27.5.2010:

http://www.boxitvn.net/bai/4607

[21] “Biển Đông: Mỹ không đứng về phía nào, TQ không bành trướng”, Vietnam Net, 09/06/2010:

http://vietnamnet.vn/chinhtri/201006/Bien-Dong-My-khong-dung-ve-phia-nao-TQ-khong-banh-truong-914964/

[22] “Hội đàm giữa hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và Trung Quốc”, QĐND 23/04/2010:

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/110120/Default.aspx

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn