''Nhận thức chung'' về Biển Đông là gì?

clip_image001

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, trái, gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh tuần trước.

Dư luận trong nước tỏ ra lo lắng trước việc người phát ngôn Trung Quốc hôm 28/6 kêu gọi Việt Nam thực hiện những gì lãnh đạo cao cấp hai bên đã thỏa thuận trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đây không phải là lần đầu tiên phía Trung Quốc thúc giục Việt Nam ''nghiêm túc'' thực thi cái gọi là ''nhận thức chung'' mà một số người nói không hiểu là điều gì.

Tuần trước Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, trong tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đã có cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh.

Ông Đới là nhân vật cao cấp nhất về phía Đảng của Trung Quốc chuyên phụ trách ngoại giao.

Sau đó ông Sơn đã giải thích với báo chí Việt Nam ba điểm chính của chuyến thăm sau khi liên tục xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và TP. HCM trong mấy tuần qua.

Ông nói Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nhưng đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông.

Cũng giống phía Trung Quốc, ''Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước,'' ông Sơn nói với Thông tấn xã Việt Nam.

''Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10/2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc,'' ông Sơn giải thích.

Nhưng phóng viên BBC Hồng Nga nói không ít người ở Việt Nam lo lắng về khả năng có thể hai bên, nhất là các lãnh đạo Đảng, đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.

Một số người không chỉ tin vào những gì được loan tải trên phương tiện truyền thông nhà nước khi nhớ lại năm 1958 Thủ tướng của miền Bắc Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng, đã ký một lá thư mà sau này gây rất nhiều tranh cãi. Lá thư ngày 14-9-1958 nói chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tán thành với một tuyên bố của Bắc Kinh về hải phận của Trung Quốc.

'Dễ trước khó sau'

Từ đầu năm 2010 đến nay, hai nước đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về lãnh thổ trên biển.

''Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác,'' ông Sơn nói.

Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Phía Việt Nam cũng ''nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội,'' ông Sơn cho biết.

''Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước''.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn