Thư ngỏ gửi ông Đinh Thế Huynh

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2011

Kính gửi: Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

Hôm qua, ngày 28/6/2011 cơ quan thông tấn Tân Hoa xã Trung Quốc đã ra tuyên bố thúc dục sự đàm phán tay đôi với Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Trong bản tuyên bố đó có nhắc tới công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thông tin này của Tân Hoa xã không thấy xuất hiện trong hệ thống báo chí của nhà nước ta, nhưng lại xuất hiện đầy trên mạng thông tin đang được gọi là “lề trái”.

Tôi cũng hiểu là có thể nhà nước ta chưa tìm ra cách giải thích có tình, có lý về nội dung công hàm năm 1958 đó. Xin mách có một ông nặc danh nào đó đã có ý kiến bình luận trên mạng Block, giải thích về bức công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng nghe thấy rất xuôi tai, có tình, có lý. Xin trình nguyên văn lời bình luận của ông nặc danh như sau:

Đã có hướng xử lý đối với công hàm 1958 của TT PVĐ.

TQ đã mắc lỗi trong việc ra công bố thúc giục sự đồng thuận với Việt nam ngày 28/6/2011. Bằng chứng là Tân Hoa xã đã phát biểu: "Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên biển Hoa Nam [Biển Đông] và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.
Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên biển Hoa Nam [Biển Đông] như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.
Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây".

[Nếu] Đồng ý như Tân Hoa xã đã tuyên bố ngày hôm qua 28/6/2011 là: "chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây" - Nghĩa là chủ quyền các hòn đảo trên Biển Đông thuộc TQ kể từ năm 1970 trở về trước là đúng . Thế thì sự việc 4 năm sau, đến năm 1974 TQ mang quân đi đánh chiếm đảo Hoàng Sa, lúc đó Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hoà (miền Nam Việt Nam) là bất hợp pháp. Từ trước năm 1970 có thể đúng là chủ quyền các hòn đảo tại Biển Đông (không bao hàm Hoàng Sa và Trường Sa, vì lúc đó chúng thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa) thuộc TQ là "không thể tranh cãi", nhưng từ năm 1974 trở đi tuyên bố về chủ quyền các hòn đảo của TQ không còn là "không thể tranh cãi" nữa, mà là phải tranh cãi trắng đen rõ ràng. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (miền Bắc Việt Nam) lúc đó không có chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và tôn trọng hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký để chính quyền Việt Nam Cộng hoà (miền Nam Việt nam) làm chủ quyền nên không thể tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây vào thời điểm đó. Do đó đúng như Tân Hoa xã đã tuyên bố: “chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970”. Đề nghị Bộ Ngoại giao và chính phủ CHXHCN Việt Nam dùng chứng cứ do chính TQ công bố này để yêu cầu TQ trả lại phần đã chiếm của Việt Nam. Mặc nhiên Công hàm năm 1958 của cố TT PVĐ đã chứng minh: chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó chỉ tán đồng các hòn đảo trên Biển Đông thuộc TQ tới vĩ tuyến 17 trở lại phía Bắc, không bao hàm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài vĩ tuyến 17 về phía Nam và thuộc chủ quyền của chính quyền Việt Nam Cộng hoà như hiệp định Giơ-ne-vơ đã ký kết”.

Lý luận của ông nặc danh chỉ ra bức công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng chỉ tán đồng với chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo trên Biển Đông giới hạn từ vĩ tuyến 17 trở lại phía Bắc, không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa là đúng và phù hợp với thực tế của lịch sử. Việc Tân Hoa xã Trung Quốc lấy công hàm năm 1958 đó ra làm bằng chứng cho rằng Việt Nam cũng công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc là sự ấu trĩ, không tôn trọng hiệp ước quốc tế, và mâu thuẫn lủng củng ai cũng thấy trong chính bài tuyên bố đó như ông nặc danh đã phân tích. Chính quyền Trung Quốc cứ cố tình cho là Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, nghĩa là Trung Quốc đã tự phơi bày sự bóp méo lịch sử, lấy sức mạnh chiến tranh để chiếm đoạt đất đai bất chấp luật lệ quốc tế như thực tế đã làm trong năm 1974. Ý kiến này chứng tỏ rằng trong nhân dân có rất nhiều ý kiến tốt và rất bổ ích cho nhà nước cũng như cho cộng đồng xã hội nếu họ được tự do ngôn luận không phải lén lút trên các trang mạng “lề trái”.

Nhớ lại khi xưa, năm 1973, Hội nghị Pa-ri chỉ thành công khi nhà nước ta đã sáng suốt với chiến lược “vừa đánh vừa đàm”. Thực tế có thắng lợi trên các mặt trận chiến trường thì mới có thắng lợi trên bàn hội nghị. Tôi rất tán thành với việc Việt Nam và Trung Quốc giải quyết các mâu thuẫn trên Biển Đông bằng con đường ngoại giao đàm thoại, tránh xung đột vũ trang đổ máu. Để việc ngoại giao đàm thoại có nhiều thuận lợi, cũng nên áp dụng kinh nghiệm sáng suốt và quý báu: “vừa đánh vừa đàm”. Ý tôi muốn nói việc “đánh” ở đây có nghĩa vũ khí là ngòi bút và chiến sĩ là những nhà báo, những nhà trí thức có tâm huyết “vào trận địa” trên các phương tiện thông tin đại chúng phân tích những điều hay lẽ phải, hợp lý, hợp tình, những tài liệu, thông tin ý kiến quý giá...

Vì vậy tôi viết thư ngỏ này đề nghị ông bật “đèn xanh” cho các nhà trí thức và các nhà báo có trình độ lý luận của trên 700 các báo đài thuộc sự quản lý của nhà nước được bình luận, phân tích làm rõ nội dung công hàm năm 1958 của cố TT Phạm Văn Đồng trong chính bài viết của Tân Hoa xã công bố ngày 28/6/2011.

Về vấn đề biểu tình tỏ rõ lòng yêu nước, ôn hoà có văn hoá của nhân dân trong nước cũng nằm trong phạm vi ông phụ trách, tôi nghĩ rằng ông cũng nên xem xét và xử lý sao cho thật hài hoà. Nhân dân bày tỏ lòng yêu nước và đã đi biểu tình thể hiện tinh thần đó là điều rất đáng mừng. Cái đáng sợ là khi toàn thể nhân dân đều lãnh đạm, hoặc sợ hãi, không ai thèm hoặc không ai dám biểu lộ lòng yêu nước nữa, mặc kệ chính quyền muốn làm gì thì làm. Và như vậy khi có chuyện cần phải huy động tới sức lực của toàn dân thì nhân dân cũng vẫn với thái độ sợ hãi hoặc lãnh đạm mặc kệ nhà nước, thì quả là rất nguy hiểm. Đừng sợ là có “thế lực thù địch” nào lợi dụng kích động nhân dân đi biểu tình để gây rối. Tổ chức nào hoặc người nào đó vận động được nhiều người dân đi biểu tình đòi chủ quyền về biển đảo của tổ quốc không đáng sợ và nguy hiểm bằng tổ chức nào hay người nào doạ nạt được hoặc vận động được tất cả người dân thờ ơ mặc kệ chính quyền muốn làm gì thì làm, không dám hoặc không thèm lên tiếng đòi chủ quyền công lý cho tổ quốc. Tổ chức nào hay người nào làm cái việc “vận động” nhân dân không thèm đi biểu tình, không thèm biểu lộ yêu nước nữa đó mới là “thế lực thù địch” của chính quyền.

Xin gửi tới ông vài lời tâm huyết và đề nghị như trên. Chúc ông khoẻ!

Trân trọng,

Lê Văn Cường

Kỹ sư Xây dựng

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn