Trung Quốc, Việt Nam trong một cuộc chiến bằng mồm

M Goonan

China, Vietnam in a war of words, Jul 9, 2011, Asia Times Online

Điều đáng phàn nàn trong bài báo sau đây, là ký giả M Goonan (một tên giả) đã thiếu chính xác một cách tế nhị, như có ý bóp méo thông tin (disinformation) khi viết rằng “Biển Đông là tên gọi chính thức mà Việt Nam dùng để chỉ Biển Nam Trung Hoa, nơi mà tàu Trung Quốc và Việt Nam đã có những vụ đụng độ trong vùng biển tranh chấp [BVN in đậm]. Thật ra, hai vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Việt Nam nằm hẳn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Để minh họa cuộc chiến bằng mồm (the war of words), M Goonan chỉ đưa VietnamNet ra làm trường hợp điển hình mà không nêu ra những trường hợp báo đài Trung Quốc từng đưa ra những lời đe dọa dùng vũ lực với Việt Nam. (Mời đọc thêm trên Bauxite Việt Nam: “Tin về Việt Nam trên đài truyền hình Trung Quốc: Việt Nam khiêu khích Trung Quốc?” Ký giả M Goonan hiện đang ở Hà Nội, chúng tôi hi vọng ông hay bà sẽ điều chỉnh cách đưa tin của mình.

Bauxite Việt Nam

HÀ NỘI - Cuộc tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông đã giành tít lớn trên báo chí toàn cầu trong những tháng qua. Tại Việt Nam (VN), các bài viết về cuộc xung đột này trên báo chí do nhà nước quản lý đã nói theo lập trường dân tộc chủ nghĩa của đảng cộng sản đang cầm quyền, nhưng vẫn không theo một chiều hướng rõ ràng như đã diễn ra với các vấn đề tranh chấp trước đây liên quan tới Trung Quốc (TQ).

VietnamNet, một cơ quan đưa tin trực tuyến tại Việt Nam, cho đăng một bài báo vào tuần trước với cái tít khá vụng về: “Mạng xã hội Việt Nam ‘rực đỏ’ vì Biển Đông’”. Biển Đông là tên gọi chính thức mà Việt Nam dùng để chỉ Biển Nam Trung Hoa, nơi mà tàu TQ và VN đã có những vụ đụng độ trong vùng biển tranh chấp.

Mạng xã hội mà tờ báo mạng nhà nước [VietnamNet] nói đến là Facebook, một website mà chính phủ VN muốn chặn đứng nhưng giả vờ như không. Bài báo ghi nhận hằng trăm ngàn người Việt Nam đã gia nhập các nhóm yêu nước trên mạng để chống lại hành vi quyết đoán của TQ trên Biển Đông.

“Ngoài những chủ đề liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, các chủ đề về tinh thần yêu nước, bài học chiến đấu của cha ông cũng được đưa ra bàn luận sôi nổi”, bài báo viết. “Vấn đề căng thẳng ở Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cả dân tộc. Cư dân mạng xưa nay ‘có tiếng’ là chỉ quan tâm đến các vấn đề vui chơi giải trí, nay lại thực sự nghiêm túc với các vấn đề chính trị [trích nguyên văn]”.

Giữa khi nói về các hình đại diện (avatars) biểu lộ lòng yêu nước và các kiến nghị trên mạng, bài báo trong một cách nào đó đã quên ghi nhận sự kiện Facebook là một trong những khí cụ chính để kêu gọi xuống đường biểu tình chống TQ trong năm buổi sáng Chủ nhật vừa qua. Bài báo cũng quên nhắc đến những lệnh của chính phủ cấm bàn chuyện chính trị trên Internet.

Vào cuối năm 2008, một lệnh chính thức được phê chuẩn nhằm giới hạn việc chuyện trò trên nhật ký mạng vào các vấn đề cá nhân nhưng hoàn toàn cấm bàn chuyện chính trị. Cho đến nay, các cuộc biểu tình tại thủ đô Hà Nội vẫn không được nhắc đến trên báo chí trong nước.

“Theo tôi nghĩ, chính phủ Việt Nam trên đại thể không có một chiến lược vững chắc để chỉ đạo báo chí đăng tin về vấn đề này, bằng chứng là các bài báo đã thiếu tính nhất quán”, đó là phát biểu của Geoffrey Cain, một học giả Fulbright hiện làm việc tại TP Hồ Chí Minh, đang nghiên cứu về ngành truyền thông VN.

Tính thiếu nhất quán này bao gồm cuộc tấn công khá lạ lùng vào các phương tiện truyền thông TQ và các tuyên bố chủ quyền trước sau như một của VN trên các vùng biển tranh chấp. Tuy vậy, giọng điệu hằn học nhắm vào các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà người ta thường thấy trên báo chí TQ, bằng cả tiếng Hoa lẫn tiếng Anh, cho đến nay vẫn rõ ràng thiếu vắng trên báo chí VN.

Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Biểu hiện một chút lòng yêu nước và một chút tinh thần dân tộc thì được chính phủ cho phép, nhưng những tuyên bố tiêu cực nhắm thẳng vào TQ thì không”.

Trong những năm qua, nhà cầm quyền đã bắt giữ và tuyên án tù một số blogger trong nước dám đăng những tài liệu bị cho là chỉ trích TQ. Một blogger, ông Nguyễn Văn Hải, lãnh án hai năm rưỡi tù giam sau khi kêu gọi biểu tình trên blog Điếu Cày của ông chống lại cuộc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh khi cuộc rước này được lên kế hoạch đi qua thành phố Hồ Chí Minh.

Bản chất của những cuộc chống đối và lời bình luận ấy khác với bây giờ vì chúng đả kích chính phủ VN khi cho rằng chính phủ này đã khấu đầu trước TQ trên các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Thật ra, các nhà hoạt động dân chủ đôi khi cũng sử dụng những lời kêu gọi tinh thần dân tộc, bao gồm cả lập trường bị cho là thiếu quyết đoán của chính phủ trong các tuyên bố chủ quyền khi đối diện với TQ, để thúc đẩy nghị trình dân chủ của họ.

Sự kiện này vẫn chưa thấy xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống TQ hiện nay, mặc dù hẳn nhiên là chính phủ đang mở to mắt cảnh giác để đảm bảo rằng các cuộc biểu tình không quay qua phản đối cách điều hành đất nước. Tất nhiên, việc này chắc chắn không diễn ra trên báo chí được nhà nước kiểm soát chặt chẽ nhưng có thể diễn ra trên các blogs hoặc Facebook.

Tuy nhiên, đường lối của chính phủ liên quan việc cho phép biểu lộ những tình cảm chống TQ đã rõ ràng được nới lỏng vì những căng thẳng ngày càng gia tăng với TQ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện với lời công bố về cuộc thao diễn bắn đạn thật trong một khu vực biển Đông nằm trong khu đặc quyền kinh tế Việt Nam và một luật mới về động viên sẽ bắt đầu hiệu lực vào tháng Tám.

Ông Thayer cho rằng nói chung “các diễn biến tình hình nghiêm trọng liên quan đến TQ và Biển Nam Trung Hoa không được tường thuật” trên các báo chí trong nước, nhưng ông vạch ra nhiều tờ báo Việt Nam cho đăng các bài viết về tình cảnh khốn khổ của ngư dân Việt bị tàu TQ sách nhiễu hoặc giam giữ. Một số bài viết khác được cho phép xuất bản là những bài “chứng minh các liên hệ lịch sử của Việt Nam đối với các đảo và mỏm đá trong Biển Nam Trung Hoa”, ông Thayer nói.

Học giả Cain cho rằng nhiều bộ ngành khác nhau trong chính phủ có thể có những chương trình nghị sự cạnh tranh nhau, liên quan đến các bài đăng trên báo. “Trong cuộc tranh chấp Biển Đông chẳng hạn, nhiều ký giả cho tôi biết rằng các lực lượng hải quân Việt Nam ủng hộ việc xuất bản một số bài viết nhất định với lợi ích làm cho họ trở thành những anh hùng dũng cảm chống TQ, trong khi Bộ Công an [mật vụ] không muốn thấy có những bài báo như thế vì chúng kích động bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình”.

Sự thiếu thông tin đã làm cho những tin đồn thổi lan ra quá mức. Một giả thuyết phổ biến là những cuộc biểu tình chống TQ là thực sự do chính phủ tổ chức, chứ không phải chỉ được chấp nhận. Những tin đồn này đã được loan truyền bất chấp sự kiện công an rõ ràng đã cố gắng giải tán cuộc biểu tình chống TQ gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, nhà cầm quyền thường lệ đặt rào cản không cho người biểu tình xâm nhập vào con đường trước Sứ quán Trung Quốc, mặc dù họ cho phép người biểu tình tuần hành trong thành phố gây cản trở lưu thông trong vài tiếng đồng vào năm buổi sáng Chủ nhật liên tiếp. Biểu tình phản đối nơi công cộng là chuyện hiếm thấy tại Việt Nam dưới chế độ độc tài, nhất là những cuộc biểu tình chính trị công khai không liên quan đến đời sống hằng ngày hay an sinh của dân chúng. Lần trước, vào năm 2007, tiếp theo những cuộc biểu tình chống TQ là những cuộc bắt bớ.

Một số người tin rằng tình hình có thể lắng dịu trước khi bùng lên lại. Nhận thấy rằng những căng thẳng tiếp diễn hiện nay là không hoàn toàn có lợi, Hà Nội và Bắc Kinh vừa mới soạn một thông cáo báo chí chung trong đó có phần nhấn mạnh “nhu cầu hướng dẫn dư luận dân chúng theo đường lối đúng đắn, tránh những lời nói và việc làm có phương hại đến tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau của nhân dân hai nước”.

Bản tuyên bố chung cũng ghi nhận tình hữu nghị giữa hai nước và nhu cầu hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Ông Thayer cho rằng thậm chí với bản tuyên bố chung, tình hình vẫn còn “rất tế nhị” và rằng tôn trọng những ý định của nó sẽ không dễ dàng. “Bất cứ một sự vi phạm nào rất có thể sẽ được phóng lớn”, ông nói.

Như vậy, những cuộc chiến tranh bằng mồm giữa hai nền báo chí do nhà nước kiểm soát có thể còn sách động những cuộc tấn công mới. Có những tin tức liên quan đến các cuộc tấn công mạng khi căng thẳng lần đầu tiên bắt đầu sôi sục, bao gồm một cuộc tấn công do tin tặc nhắm vào VietnamNet diễn ra vào năm ngoái. Mặc dù một số nhà quan sát tự hỏi phải chăng trang mạng này chỉ là một mục tiêu đánh phá của những người có chủ trương cứng rắn trong chế độ, nhưng nguồn tin thân cận của tờ báo cho rằng những cuộc tấn công này có thể đã đến từ “bên ngoài Việt Nam” – nghĩa là, từ Trung Quốc.

M Goonan, một tên giả, là một ký giả đưa tin tự do hiện ở tại Việt Nam.

Trần Ngọc Cư dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn