Tư liệu liên quan đến bản Kiến Nghị 2009 (5)

GS NGUYỄN HUỆ CHI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO YOMIURI (Nhật Bản)

clip_image002

Nguyễn Huệ Chi trong những ngày rong ruổi Tây Nguyên cùng các bạn Đà Nẵng vào tháng 3-2010 để thư giãn sau khi được ngừng "thăm hỏi"

1. Tại sao ông phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên?

Không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt có lương tri nào cũng phản đối, vì đây là một dự án chưa thấy đem lại lợi ích gì cho đất nước mà nguy cơ tàn phá môi trường, tiêu diệt hệ sinh thái phong phú, và để lại những hậu quả nghiêm trọng về nguồn nước độc hại cho không chỉ riêng Tây Nguyên mà cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam Việt Nam, và không phải chỉ trong dăm mười năm mà trong ba bốn mươi năm hoặc lâu hơn thế, thì đã rành rành ra đấy. Đáng nói hơn nữa là nó đảo lộn đời sống của đồng bào người Thượng, thêm nhiều tập quán văn hóa lâu đời của nhiều tộc người Tây Nguyên rồi sẽ bị xóa bỏ. Sẽ nguy hiểm đến thế nào nếu người các dân tộc ở đây không còn không gian truyền thống để sinh hoạt và không còn duy trì được bản sắc văn hóa của mình? Anh tôi, nhà dân tộc học Từ Chi trước đây gần 20 năm đã cảnh báo việc đưa người Kinh lên thâm nhập Tây Nguyên, sẽ làm biến chất cái làng cổ truyền Tây Nguyên qua việc “tập thể hóa” đất đai du canh của họ, đẩy người bản địa vào tận chân núi, lại “soán” luôn Ông “Giàng” (Yang) mà họ thờ phụng hàng bao nhiêu đời, thay vào đấy bằng một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan kỳ cục mà đến bây giờ người Kinh, ngay cả những vị quan chức cấp tối cao, tôi mạnh dạn mà nói thế, cũng không sao “đeo đẳng” mãi được nữa! Một tình trạng đến thế mà còn kéo dài thì nhất định trước sau sẽ xảy ra “sự cố”. Rất tiếc, điều anh tôi cảnh báo đã bị các nhà chính trị bỏ ngoài tai và như ta thấy, cách đây một số năm đã được chứng thực tại Tây Nguyên. Nay, người ta lại đang làm một chuyện tàn phá mới đối với Tây Nguyên mà vẫn tuyệt nhiên không chịu rút ra bài học không xa, có gốc gác là sự thiếu hiểu biết và thiếu thật lòng tôn trọng văn hóa Tây Nguyên. Họ chỉ biết có cái lợi thiển cận mà cái lợi ấy cũng rất mơ hồ, và nếu dùng công thức 50/50 như lời ông Đoàn Văn Kiển Tập đoàn Than khoáng sản thì còn là vô trách nhiệm! Đem đất nước và dân tộc ra mà thử nghiệm mà về kinh tế chỉ có thể trông mong hòa trong khi về tất cả các mặt khác lại không hòa mà thua trắng, chỉ có đám “đỏ đen” chứ có ai trung thực và yêu nước mà lại chịu đựng nổi lối tư duy cờ bạc đó? Cái hậu họa dứt khoát sẽ đến ngay nhãn tiền. Vì nghĩ thế, tôi và một số anh em tâm huyết đã phản đối dự án này.

2. Một số người cho rằng sự hiện diện của TQ tại tây Nguyên chính là nguyên nhân để họ phản đối dự án này. Theo ý kiến cá nhân ông, tại sao họ lại coi đó là một sự đe dọa?

Câu hỏi này không rõ. “Họ” mà quý báo nói đây là ai? Nếu là đại đa số nhân dân Việt Nam thì xin quý báo điều tra thêm trong thực tiễn. Còn nếu là những người trí thức và công dân ký tên trong “Kiến nghị” thì nội dung “Kiến nghị” đã nói cụ thể, chúng tôi lo ngại ở 4 điểm:

(1) Việc lập dự án khai thác bauxite  mới được công khai hóa từ cuối năm 2008 nhưng trên thực tế lại đã được ký tắt với Trung Quốc từ khá lâu trước đó mà chưa đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Nghĩa là đối với chúng tôi, việc ký với ai cũng là quan trọng nhưng còn không kém quan trọng là nó có được tiến hành hợp pháp hay không.

Tại sao lại có chuyện như vậy ở một đất nước từ lâu đã có Hiến pháp và gần đây còn ban hành hàng loạt bộ luật được Quốc hội thông qua? Đó là điều không thể lý giải (Mới đây, ngày 4-5-2009, trả lời đông đảo cử tri Hà Nội yêu cầu đưa vấn đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên ra Quốc hội phê chuẩn và giám sát “như ý kiến của nhiều nhà khoa học và chuyên gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có nói:“Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla”. Ông còn nói thêm:“Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu” (xem: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/845582/). Trong khi đó thì mạng truyền thông Trung Quốc lại xác nhận các công ty của họ đã đổ vào Tây Nguyên những khoản tiền hết sức lớn, và họ đã bắt đầu thi công từng phần của dự án chứ không phải là “chưa ra đâu vào đâu” như ông Trọng nói (xem: http://www.youyiguan.com/bbs/viewthread.php?tid=20527).

Mặt khác, tuy chia ra từng dự án thì quy mô ở Tân Rai và Nhân Cơ nhỏ thật nhưng xét tổng thể cả quy hoạch bauxite Tây Nguyên hẳn phải nói là rất lớn, dự án bước đầu đã đạt đến từ 11, 5 tỷ đô la Mỹ đến 15, 6 tỷ đô la Mỹ! Báo “Du lịch” ngày 13-4-2009 đăng bài của một phóng viên lên điều tra tận nơi cho biết: “Dự án Tân Rai chính thức làm lễ khởi công tổ hợp nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18/11/2008. Thời gian khai thác của dự án này dự tính kéo dài trong 98 năm, trữ lượng bauxite ở Tân Rai có thể trên 700 triệu tấn. Nếu khai thác 600.000 tấn/năm thì thời gian khai thác của riêng vùng Tân Rai sẽ kéo dài 45 năm, và nếu mở rộng vùng mỏ bauxite ra Bảo Lộc, lên Di Linh thì thời hạn khai thác có thể lên tới 150 năm”.

Cớ sao ta không trình Quốc hội trên Dự án tổng thể khai thác bauxite ở toàn vùng Tây Nguyên mà lại chia nhỏ ra từng dự án con để phán xét quy mô của mỗi cái là nhỏ? Hơn nữa, trong 5 tiêu chí của một dự án “cần phải đưa trình Quốc hội xét duyệt” theo Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29-6-2006 thì có tiêu chí thứ 4 ghi rõ “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh”; Tây Nguyên ai cũng đều biết là “mái nhà Đông Dương” mà không đáng xếp vào tiêu chí thứ 4 sao? Hãy nghe Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói:“Nay lại để Trung Quốc khai thác bauxit ở Cao nguyên Trung phần thì sẽ có năm, bảy ngàn hoặc hơn một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta (vũ khí đưa vào thì không khó gì). Phía Bắc nước ta, trên biển Trung Quốc có căn cứ hải quân hùng mạnh, phía Tây Nam nước ta (Cao nguyên) Trung Quốc có căn cứ lục quân trang bị đầy đủ thì độc lập, chủ quyền mà chúng ta đã phải đổi bằng hàng triệu sinh mạng cùng xương máu sẽ như thế nào?!” (trích “Thư gửi BCT ĐCSVN và TT CPVN”). Cũng chính Kết luận số 245-TB/TW của Bộ Chính trị ĐCSVN do Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thông báo ngày 24-4-2009 có nói rõ: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa”. Kết luận ấy chứng tỏ Bộ Chính trị biết vị thế Tây Nguyên trọng yếu như thế nào.

Tôi không phải là người có thói quen thích theo dõi nhân sự của một đảng cầm quyền, cũng không thích nghe lời bàn tán xầm xì của dư luận, chỉ biết làm chuyên môn và tôn trọng những ai là đại diện cho quyền lực của đất nước, nhưng trước việc này cũng không khỏi băn khoăn: hình như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chính là một Ủy viên trong Bộ Chính trị Đảng CS thì phải. Sao ông lại trả lời cử tri của mình lạ vậy? Người ta có cảm tưởng như đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đang… cãi lại Ủy viên BCT Nguyễn Phú Trọng, hay cũng có thể luận giải theo một hướng khác, rằng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng muốn “giải thích lại” thực chất ý nghĩ của Ủy viên BCT Nguyễn Phú Trọng. Mong sao đó đều là những cảm giác nhầm lẫn (Được biết thêm chiều hôm qua, 14-5-2009, trong lời kết luận phiên họp của UBTVQH, ông Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Chính phủ “chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên để cung cấp đầy đủ thông tin tới các đại biểu Quốc hội”. Có thế chứ. Xin ghi nhận chuyển biến đó và hãy cứ chờ đợi, lắng nghe ý kiến của các vị. Tuy nhiên, nếu Quốc hội chỉ nghe mà không thảo luậnbiểu quyết thì thưa ông Trọng, đó chẳng phải là điều người dân mong đợi).

Còn ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì phải nói là càng lạ nữa. Trong buổi sáng 7-5-2009 đến thăm sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trước lời khuyên thẳng thắn của Đại tướng về việc nên dừng dự án bauxite, ông nói gọn ghẽ: “Chính phủ xin tiếp thu và nghiên cứu ý kiến của Đại tướng”, các báo mừng rỡ loan tin, vậy mà cách một hôm sau, tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, ông lại đã dõng dạc tuyên bố: Nhà nước sẽ đưa việc khai thác bauxite thành một ngành công nghiệp lớn!? Ô hay, chỉ mới qua một ngày một đêm thôi, mà cả một Chính phủ chứ có phải cá nhân ông đâu, đã “tiếp thu và nghiên cứu” xong ý kiến của vị Đại tướng nhanh thế a? Thế thì con ông và cháu ông sẽ hiểu vấn đề đạo lý lễ nghĩa truyền thống trong xã hội Việt Nam là gì? Chuyện giáo dục bằng “gương người lớn” mà không quan trọng ư? Ông có nhớ câu chuyện cổ tích về một người bố cho ông nội ăn cơm trong gáo dừa thay bát cho khỏi vỡ, vì ông nội tay đã run, và đứa con nhìn thấy liền học theo, cũng chuẩn bị sẵn hai cái gáo dừa mẻ để dành về sau cho bố mẹ, hay không? Đó là chưa nói ông đang là “tấm gương” cho cả nước nhìn vào kia mà!). Một việc làm không hợp pháp được nhắm mắt làm ngơ thì bao nhiêu việc nữa sẽ khiến cho việc điều hành đất nước này trở nên lộn xộn, không minh bạch, xa lạ với  quỹ đạo phát triển như mọi nước đã và đang đi.

(2) Ai cũng biết Trung Quốc rất cần nhôm để chạy đua trong ngành tên lửa và hàng không vũ trụ, để thực hiện những tham vọng không sao dò lường hết của họ. Từ lâu họ đã ký hợp đồng khai thác thứ quặng này ở nhiều nước và xúc tiến khai thác quy mô ngay cả trên đất nước họ. Khốn nỗi công nghệ của họ chưa đạt độ an toàn môi sinh cao, lại do những nhà thầu tư nhân thậm chí là những cai đầu dài vô học di cư bất hợp pháp chạy đua khai thác, đã gây ra những tai họa khủng khiếp ở lục địa Đen khiến cả thế giới đều lo lắng, và họ cũng đã phải đóng cửa rất nhiều mỏ quặng bauxite ở ngay trên đất nước họ (Theo GS Nguyễn Ngọc Trân trong bài “Khai thác bauxite Tây Nguyên: 3 vấn đề, 3 kiến nghị” công bố ngày 8-4-2009 thì “Gần đây thôi, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 100 mỏ bô-xít vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mỏ bô-xit Nhữ An đã bị đóng cửa sau một năm hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, cùng nhiều chứng bệnh lạ xuất hiện. Nước này cũng ra quy định các doanh nghiệp khai thác bôxit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau 4 năm khai thác, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn” (Xem: http://www.tuanvietnam.net/news/InTin.aspx?alias=thongtindachieu&msgid=6620). Cũng xin xem Dương Danh Dy: “Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi trường klhi khai thác bauxit tại một vài nơi ở Trung quốc” (http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/081128_timhieuonhiemotq.htm)). Thế thì làm sao mà tin họ được chứ! Thế mà lại ký hiệp ước mời họ đến khai thác bauxite trên đất nước mình, có phải là đã chuyển gánh nặng ô nhiễm tại đất nước Trung Hoa mênh mông sang mảnh đất Việt Nam bé nhỏ, để 85 triệu nhân dân Việt Nam gánh chịu thay cho 1 tỷ 3 dân của họ hay không? Sao lại có chuyện lạ đời như thế? Ai, người Trung Hoa hay người Việt, đã tính chuyện lạ đời như thế?

(3) Giới chuyên môn thừa biết đặc điểm quặng bauxite ở Việt Nam đòi hỏi một kỹ thuật khai thác khác với khai thác quặng bauxite ở Trung Quốc (Xem thêm bài “Vấn đề công nghệ và môi trường trong khai thác bauxite ở Tây Nguyên” của GS TS Nguyễn Thanh Sơn trên báo Tia sáng ngày 4-5-2009 (http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2825&CategoryID=3)). Thế mà ta lại du nhập công nghệ khai thác bauxite Trung Quốc vào Việt Nam kể cả du nhập nhà máy của họ. Lấy gì bảo đảm rằng những công nghệ khai thác ấy thích hợp với yêu cầu kỹ thuật khai thác bauxite của chúng ta, bớt tốn kém và đưa lại hiệu quả? Những gì người Trung Quốc đã làm ở châu Phi, nơi mà ngay cả ở nhiều mỏ đồng họ cũng phải cuốn xéo, chẳng là bài học đáng học hay sao? Tại sao cứ phải “cố đấm ăn xôi” (mà đã chắc đâu có xôi để ăn) như thế?

(4) Việc đưa công nhân Trung Quốc vào Tây Nguyên cũng là cả một vấn nạn khiến chúng tôi lo lắng. Tuy thông báo 245-TB/TW của BCT Đảng Cộng sản vừa rồi có nói “chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài”, và có chỉ thị về việc “sử dụng người lao động địa phương”, điều này có làm yên lòng chúng tôi ít nhiều, nhưng báo chí của Việt Nam trước đấy đều cho biết kể từ cuối năm 2008, các Công ty Trung Quốc đã đưa công nhân vào làm việc ở Tân Rai – và đưa vào nhiều rồi. Thế nghĩa là ông chủ có thể “chưa sẵn sàng dọn cỗ” nhưng đã có các loại “bất tốc chi khách” – khách không mời mà đến. Lạ lùng hơn nữa là những người ngoại quốc này còn làm việc một cách bất hợp pháp tại Việt Nam vì nhiều người trong số đó đến nước chúng tôi bằng visa du lịch chứ không phải visa làm việc – họ đâu được phép chuyển đổi từ “khách du lịch” sang “công nhân khai mỏ”?! Đối phó với các loại “khách” này sẽ ra sao, trong khi người Việt còn thất nghiệp và đi nhiều nước kiếm việc làm? Phải chăng là mình đã tự làm khó cho mình (nên nhớ xét về tỷ lệ, mật độ dân số ở Việt Nam hiện đã gấp đôi Trung Quốc)?

3. Xin được hỏi ông với người Việt thì TQ có ý nghĩa như thế nào (kẻ thù cũ, kẻ thù tiềm ẩn, đối thủ hay người anh lớn)?

Chúng tôi coi nhân dân Trung Quốc là bạn như mọi dân tộc khác ở gần cũng như ở xa Việt Nam. Chúng tôi nghĩ, nhân dân Việt Nam cần học hỏi mọi đức tính tốt đẹp của nhân dân Trung Quốc và củng cố mối quan hệ láng giềng giữa hai nước thật tốt. Đó là điều kiện để cả hai dân tộc cùng phát triển trong hòa bình, trong xu thế của nền kinh tế thị trường mang tính toàn cầu hóa hiện nay.  Nhưng giai cấp thống trị Trung Hoa đủ các mầu sắc từ sắc vàng các triều đại xưa đến sắc đỏ triều đại nay thì luôn luôn có dã tâm bành trướng, không phải chỉ bành trướng sang Việt Nam mà còn sang nhiều nước láng giềng, chuyện này lịch sử đã và vẫn đang còn ghi chép. Chỉ hai sự kiện này là đủ để hiểu tim đen của các “đồng chí Trung Quốc”: năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Hoàng Sa, chính quyền miền Nam Việt Nam chưa tiếp quản kịp, Trung Quốc liền tức tốc cho quân ra chiếm; năm 1974, biết tình thế nguy cấp của chính quyền Sài Gòn, Trung Quốc cũng tức tốc thực hiện chiến thuật cũ, chiếm trọn cả quần đảo Hoàng Sa. Đó là thời của vũ lực. Nay đã sang thời kỳ mới, xâm lăng bằng kinh tế và văn hóa, tiêu diệt bà con láng giềng bằng gây ô nhiễm… Bởi thế, trong huyết quản con người Việt Nam vẫn sẵn có ý thức cảnh giác với mọi nguy cơ và phương thức xâm lược, và luôn luôn tự củng cố nội lực bằng tinh thần đoàn kết rộng rãi, điều ấy là dễ hiểu.

(Mới đây thôi giới blogger Việt Nam mới phát hiện một vụ việc có thể nói là tày trời: Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương, đã ký kết xây dựng một trang mạng chung với truyền thông Trung Quốc có cả phần tiếng Việt và tiếng Hoa để đưa tin về việc hợp tác kinh tế Việt-Trung. Ngày khai trương có mặt cả 3 vị đứng đầu Đảng và Nhà nước hai bên là đồng chí Hồ, đồng chí Nông và đồng chí Nguyễn, cùng kích hoạt cho trang mạng đi vào hoạt động. Nhưng hỡi ôi, chỉ sau ít lâu thì mới biết, nhiều bài được phát trên trang tiếng Việt mang tên miền Việt Nam lại đưa những tin xuyên tạc rất thậm tệ đối với Việt Nam. Hỏi đến những người chủ trì trang mạng ở Bộ Công thương thì họ đành lắc đầu, không có cách gì để xóa, bởi một lẽ giản đơn là máy chủ do phía Trung Quốc nắm giữ. Cho đến chiều ngày 14-5 ông Cục trưởng Cục Thương mại điện tử Bộ Công thương nói với báo giới “đã gỡ xuống rồi” và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng báo về rằng tin xấu đã được “bóc”, nhưng bất cứ ai lên mạng www.vietnamchina.gov.vn vẫn thấy chúng trơ gan nằm lỳ ở đấy. Trang mạng “Bauxite Việt Nam” của chúng tôi đã loan báo điều này trong bài “Giao trứng cho ác”, có hình ảnh cả ba đồng chí lãnh đạo tươi cười đứng sát bên nhau trong ngày khởi động cái phương tiện truyền thông gây tai vạ chết người cho dân tộc chúng ta (xin xem: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.onhkvgrivrganz.vasb/lxvra/090513_tvnbgehatpubnp.ugz); còn “Blog Lê Tuấn Huy” thì nêu vấn đề hình như đã chạm tới bản chất: “Đồng tiền và chủ quyền” (http://blog.360.yahoo.com/blog-bfvqsbM9frIQmHcPB6d2QS4LkA-?cq=1&p=895); và “Blog Osin” gọi đó là “Giao trứng cho Trung Quốc” (http://www.blogosin.org/?p=898). Thử hỏi, với những chuyện chơi khăm kiểu đó, các “đồng chí Trung Quốc” thực hiên “16 chữ vàng” với Đảng Việt Nam có thật là “lòng vàng” hay không, hay là chỉ “lòng vàng” với Đảng mà “dạ tối thui” với đất nước và nhân dân này? Ngoài ra, dù gì đi nữa, dù vô tình hay cố ý, ngây thơ hay dại dột, thì vẫn cứ nhất thiết phải truy cứu hình sự: người nào ở cấp nào đã bị kẻ khác “làm xiếc” và người nào ở cấp nào là Lê Chiêu Thống trong trường hợp giao truyền thông cho Trung Quốc “nắm gáy”?)

4. Các ông đang kiến nghị gì từ phía chính phủ?

Kiến nghị đề ngày 12 tháng Tư năm 2009 của chúng tôi yêu cầu Chính phủ hãy dừng toàn bộ việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, có tổ chức giám sát chặt chẽ, và đưa dự án khai thác đó ra thông qua Quốc hội để Quốc hội xem xét thấu đáo tính chất tiền khả thi của nó, sau đó phê chuẩn hoặc bác bỏ là toàn quyền của Quốc hội. Nhưng cũng trong Kiến nghị, chúng tôi lại cũng khẩn thiết kêu gọi Quốc hội hãy “thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó” để Quốc hội có quyết định hợp lý hợp tình.

5. Các ông kêu gọi mọi người tham gia hoạt động của mình bằng cách nào?

Thực ra chúng tôi không kêu gọi mọi người tham gia ký vào “Kiến nghị” mà lúc đầu chỉ gửi e-mail đến 15 người bạn nhờ góp ý tư vấn cho mình. Không ngờ đây vốn  là một mối quan ngại đã nung nấu sẵn trong tâm can nhiều người chỉ chờ dịp là bùng phát, nên “Kiến nghị” được nhiệt liệt hưởng ứng, người này truyền cho người kia, rốt cuộc đến chiều ngày 16 (sau 4 ngày) thì đã có 133 người ghi tên vào danh sách, trong đó có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu, văn nghệ sĩ tiêu biểu ở trong nước cũng như ngoài nước. Và cho đến nay con số đã trên 1.000 người. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán trước sau của chúng tôi là muốn cho Nhà nước thấy sự thành tâm của mình, đây không phải là một việc gì khuất tất, nên những ai muốn ghi tên phải có đủ thông tin về nhân thân và về địa chỉ cư trú cụ thể. Vì thế, trong danh sách gửi lên cũng chỉ mới chọn lọc được 400 người và sắp tới sẽ có thêm 200 người nữa; những người còn lại phải bổ sung một số thông tin còn thiếu thì mới được gửi tiếp. (Hiện nay, Danh sách đợt 3 đến con số 600 đã công bố, chúng tôi sắp công bố Danh sách đợt 4 để gửi lên Nhà nước, đến khoảng 1.300. Tiến độ có chậm trễ so với lượng người đăng ký (quá chậm trễ là khác) vì chúng tôi đều làm việc “tay trái”).

6. Theo dự kiến sẽ có một cuộc tụ họp, trong hòa bình, vào ngày 23/4 để bày tỏ sự phản đối đối với việc tiến hành dự án. Xin được hỏi lý do gì đã khiến cho cuộc tụ họp ấy không diễn ra?

Chúng tôi không biết đó là dự kiến của ai, riêng chúng tôi không hề đề xuất dự kiến này.

8. Xin cho biết kế hoạch trong tương lai của các ông là gì?

Việc lưu truyền bản “Kiến nghị” trên các trang mạng kể từ ngày 12-4-2009 làm cho ba người soạn thảo chúng tôi liên tiếp nhận được một số lượng email hưởng ứng không sao trả lời xuể. Vì thế, đến ngày 22-4-2009 thì chúng tôi đành phải lập một Blog Bauxite Việt Nam (http://vn.myblog.yahoo.com/huechivn2009) để tiếp nhận thông tin từ khắp bốn phương. Nhưng rồi số lượng người truy cập cũng nhiều đến mức quá tải, đến ngày 28-4-2009 đã có hơn 41 vạn lượt người vào xem. Thế là đến ngày 27 tháng Tư năm 2009 chúng tôi lại phải chuyển đổi từ blog sang Website Bauxite Việt Nam (http://www.bauxitevietnam.info) do một số anh em tâm huyết đứng ra điều hành. Đến nay mới chỉ qua một ngày mà đã có hơn 36.000 lượt người truy cập. (Tính đến chiều 14-5-2009 đã có trên 40 vạn lượt người vào xem trang mạng của chúng tôi. Sở dĩ nói một cách phỏng đoán thế thôi vì tự nhiên trang mạng bauxitevietnam.info đang yên lành bỗng gặp “trục trặc”, vào mạng vẫn được, song upload thì không được nữa, và số lượng người truy cập hiển thị trên trang web cũng bị xóa. Ai mà lo ngại ảnh hưởng của trang mạng vốn tuân thủ nghiêm chỉnh phép nước của chúng tôi thế nhỉ? Chắc đây phải là “kẻ địch”, “mưu toan phá hoại đất nước”, nói như Thông cáo báo chí ngày 28-4-2009 của Bộ Công thương).

9. Cũng có các quốc gia khác như Mỹ đang cân nhắc khai thác khoáng sản VN. Các ông có phản đối người Mỹ tới VN không? Nếu không, tại sao ông lại Kiến nghị như vậy?

Chúng tôi không hề phản đối người Mỹ tới Việt Nam đặt quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trái lại, việc củng cố mối quan hệ Việt-Mỹ giúp cho Việt Nam phát triển là một yêu cầu tối cần thiết. Nhưng nếu người Mỹ đến chỉ để khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì mọi vấn đề đang đặt ra về môi sinh, về văn hóa, về lợi nhuận… vẫn như thế, có khác gì đâu. Chúng tôi không kỳ thị các công ty Trung Quốc, mặc dù công nghệ Trung Quốc chắc chắn là kém xa Mỹ – và đã từng để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho đất nước chúng tôi như các nhà máy mía đường Trung Quốc mà Nhà nước chúng tôi từng nhập về cách đây hàng chục năm làm cho ngành mía đường Việt Nam thua lỗ chỏng gọng vì dây chuyền công nghệ cũ mèm. Người nhập kiếm được một món béo bở, tất nhiên, còn dân chúng phải è cổ ra gánh chịu mọi hậu quả, ai mà chả thấy. (Ngay chính một trang mạng của Trung Quốc 中军网 www.milchina.com 日期:2009-5-6 10:14:12 来源: 编辑:中军编辑 3984582, trong bài “Cuộc cạnh tranh bô-xít Tây Nguyên giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ” cũng thừa nhận chính sách đưa các dây chuyền công nghệ đã bỏ đi cũng như các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc vào đầu tư tại Nam Trung Bộ Việt Nam từ lâu đã gây ra ô nhiễm tệ hại và làm cho người Việt Nam thêm nghi ngại Trung Quốc, “Nếu không phân tích vấn đề sâu sắc và có thái độ tự mình phản tỉnh, từ góc độ bản thân tiến hành kiểm thảo tìm ra mấu chốt… chúng ta sẽ ngã lộn nhào xuống hố”). Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là phải bảo vệ sự an bình của Tây Nguyên bằng mọi giá, hơn nữa cũng phải bớt dần đi cái lối làm kinh tế theo kiểu cứ moi khoáng sản lên để bán. Cái đó là một biện pháp “bóc ngắn cắn dài” chỉ làm cho kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu so với nền kinh tế các nước hiện đại.

10. Theo ông thì các công ty VN ký hợp đồng với công ty của TQ khi nào vậy?

Việc này không có báo chí nào đưa, có lẽ cũng là điều cấm kỵ sao đó nên tôi không thể trả lời quý báo chính xác được. Trên ba số báo mạng Vietnamnet bằng tiếng Anh ra các ngày 23-09-2004, 14-10-2005 và 02-11-2005 có nhắc rằng dự án ký kết đã được duyệt, số tiền là bao nhiêu bao nhiêu, nhưng lại không hề ghi rõ ngày tháng hai bên đặt bút ký. Có lẽ “lề đường bên phải” phải dùng đến loại giày riêng, buộc báo chí phải “gọt” hết những con số thòi ra như vậy cho “vừa giày”. Chỉ biết đến nay, theo trang mạng BBC, Công ty Chinalco đã đưa người vào khai thác ở Tây Nguyên rồi (Trong “Thư ngỏ” số 2 gửi lên các vị đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước ngày 7-5-2009, chúng tôi đã tra tìm được các “bản ghi nhớ” ký với nhau giữa các công ty TQ và Việt Nam từ 2001 đến 2007; như vậy, câu trả lời này đã được bổ sung cụ thể và rõ ràng).

11. Cho tới thời điểm hiện tại, theo ông được biết, đã có bao nhiêu công nhân TQ đang làm việc ở công trường?

Đây cũng là một “bí mật nhà nước” mà báo chí không được phép để lộ.

Trên Vietnamnet ngày 14-4-2009 có nói tới 20 dãy nhà tập thể dành cho công nhân Trung Quốc ở khu mỏ Tân Rai và quang cảnh hoạt động nhộn nhịp mua bán của đám công nhân nói tiếng Hoa đang sinh sống ở đây, chứ không nói rõ số lượng bao nhiêu. Tất nhiên 20 dãy nhà kia chỉ là nhà cho công nhân làm việc cơ bắp chứ chuyên gia kỹ sư Trung Quốc thì đều ở các ngôi nhà ngoài thị trấn. Tuy vậy cũng trong bài báo ấy lại có để lộ rằng: theo lời một chủ quán ăn là Phượng thì số lượng công nhân Trung Quốc ở khu mỏ vào khoảng 800 người.

Còn theo trang mạng “Sài Gòn tiếp thị” ngày 15-4-2009 thì những đợt công nhân Trung Quốc đầu tiên đã đổ bộ vào Tân Rai từ tháng Mười một năm 2008, mới đầu khoảng 700 người, nhưng vào những thời điểm làm nước rút, số lượng có thể lên đến 2.000 người. Cần chú ý thêm là cũng theo các báo trên, công nhân người Việt ở đây rất ít, quá ít người dân địa phương được nhận vào làm. Riêng ở Đắc Nông, tức ở khu mỏ bauxite Nhân Cơ, nơi hiện đang xúc tiến mạnh việc xây dựng nhà máy luyện alumin Nhân Cơ do Tập đoàn Chalco Trung Quốc trúng thầu chính, thì theo báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV News) vào thời gian cao điểm có thể có 2.000 người Trung Quốc làm việc tại đây (trích lời ông Bùi Quang Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV), nhưng  sau đó, ông Ngô Tố Ninh, lãnh đạo Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV lại đã cải chính rằng con số nêu trên là chưa chính xác, bởi vào thời gian cao điểm, trên công trường xây dựng nhà máy chỉ có gần 3.000 lao động làm việc mà thôi (Vietnamnet ngày 26-4-2009).

Chỉ chừng đó cũng đủ thấy một chuyện không có gì ghê gớm cả mà đối với thông tin truyền thông Việt Nam vẫn là cả một trò… “ú tim”. Trong khi ở Tân Rai người ta không nhận công nhân người Việt thì liệu 3.000 công nhân tại Nhà máy alumin Nhân cơ do Tập đoàn Chalco cai quản có được bao nhiêu người Việt? Muốn điều tra cho rõ điều này chắc phải có một đội ngũ các nhà xã hội học chịu khó xin phép đến Nhân Cơ hỏi chuyện từng người bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, hoặc bằng tiếng của người dân tộc bản địa rồi cứ thế làm một phép cộng tỉ mỉ mới biết đích thực có bao nhiêu trong số 3.000 công nhân kia là người Việt Nam. (Không phải chỉ ở Tây Nguyên, rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, công nhân Trung Quốc đã sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường đông đặc. Xin xem bài “Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam” của Cầm Văn Kình và Đăng Nam trên báo Tuổi trẻ ngày 16-4-2009 và trên trang mạng http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=311388; và các bài: “Người Quảng Tây ở Quảng Nam” trên báo Sài Gòn tiếp thị 5-5-2009 (http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=50976&fld=HTMG/2009/0505/50976); “Thợ Việt – Trung đón tết trên công trường thủy điện” trên báo Quảng Nam ngày 19-1-2009 (http://baoquangnam.com.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=16125&Itemid=202)).

N.H.C.

Bài đã đăng trên mạng talawwas và trên Bauxite Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn