Hòa hợp và hoà giải để đưa đất nước phát triển

Phan Nhật Quang

Đầu năm Giáp Ngọ tôi xin kính chúc toàn thể người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, một năm mới An Khang, Thịnh Vượng, mọi người dân Việt Nam sẽ được hưởng một nền dân chủ thực sự, đúng nghĩa của nó.

Thưa quý vị, ngày 28 tháng chạp năm Qúy Tỵ tôi đã có dịp gởi đến quý vị một mảng tối nhất trong xã hội đương thời, đó là một trong những mảnh đời bất hạnh trong bài “Một tấm hình” (xem tại đây hay tại đây). Trong năm 2014, theo dự đoán của các nhà kinh tế thì nền kinh tế Việt Nam sẽ không có gì sáng sủa hơn, mà thậm chí có thể rơi vào cuộc khủng hoảng. Cầu mong điều đó đừng xảy ra, vì nếu xảy ra thì hàng triệu mảnh đời bất hạnh như thế này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Sau công cuộc đổi mới năm 1986, nền kinh tế Việt Nam như được cởi trói sau mấy chục năm bị dồn nén, nước ta đã có những phát triển vượt bật, từ một nước nghèo đói trở thành quốc gia đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo trên thế giới. Cuộc sống được thay đổi hằng ngày, mọi người hy vọng rằng với tốc độ phát triển như vậy thì không bao lâu nước chúng ta sẽ là một quốc gia công nghiệp, hiện đại có tầm cỡ trong khu vực. Nhưng những năm gần đây, nền kinh tế đã bộc lộ những yếu kém của nó và đi đến chổ mà các chuyên gia về kinh tế nhận định là suy thoái kinh tế đã chạm đáy của khủng hoảng, nợ doanh nghiệp nhà nước lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, bất động sản đóng băng, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 năm 2013 là 142,33 ngàn tỷ đồng, số doanh nghiệp tư nhân phá sản, đóng cửa riêng trong năm 2013 là rất lớn - khoảng 60.700 doanh nghiệp, số còn lại chỉ kinh doanh cầm chừng hay đình đốn, về mặt xã hội thì tệ tham nhũng tràn lan. Ngày 3.12.2013, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (TI), công bố chỉ số CPI (Cảm nhận tham nhũng), Việt Nam xếp thứ 116/177 nước. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của nó chính là sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế thị trường, hay còn gọi là nền kinh tế tư bản, nó không còn mặc vừa với chiếc áo vá víu Xã Hội Chủ Nghĩa mà trên thế giới người ta đã vứt đi.

Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ với các giáo sư, tiến sĩ triết học Mác- Lênin, nhưng tôi cũng hiểu rằng lực lượng sản xuất sẽ quyết định quan hệ sản xuất, chúng ta nói rằng chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng lại là trên một lực lượng sản xuất của nền kinh tế tư bản hay còn được gọi là kinh tế thị trường. Chính cái mâu thuẩn đầy nghịch lý này, kết hợp với sự độc tôn về chính trị nên sản sinh ra đặc quyền đặc lợi, nó đã biến tướng nền kinh tế tư bản nước ta thành nền kinh tế TƯ BẢN HOANG DÃ, nó đã tạo ra những nhóm lợi ích mặc sức mà tàn phá tài nguyên và môi trường sống, ra sức bòn rút thành quả lao động của xã hội một cách bất chính để làm giàu cho chính bản thân mình. Và nếu không cẩn thận, trong 2 năm 2014 và 2015 sự cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích biến thành những tập đoàn tài phiệt như nước Nga đêm trước 1991. Nền kinh tế tư bản kết hợp với kết hợp với một xã hội tư bản hiện đại, với một luật pháp nghiêm minh tam quyền phân lập, với sự cạnh tranh lành mạnh về chính trị và kinh tế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà các nước tự do dân chủ tiên tiến trên thế giới đã thành công .

Thưa quý vị, đất nước Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến đã tan hoang và điêu tàn đến mức nào, nhưng chỉ sau mấy chục năm người ta đã vươn lên là nước một cường quốc. Tại sao cũng với mô hình công ty quốc doanh, mà mô hình Chaebol của Hàn Quốc thành công rực rỡ, còn Vinashin của chúng ta thì chỉ sau 6 năm hoạt động từ năm 2006 đã để lại món nợ trên 4 tỷ dollar?

Đất nước chúng ta do hoàn cảnh lịch sử để lại, sau 1954 đất nước bị chia cắt 2 miền, và rồi chiến tranh xảy ra, cuộc chiến tranh ấy đã để lại quá nhiều đau thương cho dân tộc. Theo thống kê thì số người chết trong cuộc chiến tranh ấy lên đến 5 triệu người, theo số liệu tính đến năm 1975 thì dân số VN vào khoảng 47,6 triệu người, tức cứ chưa đến 10 người thì có 01 người chết. Hơn phân nửa dân số lúc đó sống ở miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa, vô hình chung đã đưa đến hai ý thức hệ khác nhau giữa hai miền. Sau 1975, đã có những sai lầm trong quá khứ là đã không hòa hợp hòa giải dân tộc, hơn 800 ngàn cán bộ quân, dân, cán, chính của Việt Nam Cộng Hòa bị đưa đi cải tạo, kế đến là cải tạo tư sản năm 1976 đã khoét sâu lên cái hố ngăn cách trong ý thức hệ một dân tộc.

Thưa quý vị, có những quan niệm khác nhau về ý nghĩa của cuộc chiến, người thì cho rằng đó là cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước, người thì cho rằng đó là cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt giữa hai ý thức hệ, hay cái gì khác…, nhưng dù có quan niệm như thế nào đi chăng nữa thì điều chắc chắn đã xảy ra là dân tộc chúng ta, đồng bào chúng ta đã gánh chịu mọi hậu quả và quá nhiều đau thương mất mát.

Thưa quý vị! Tại sao đang nói đến tình hình kinh tế của đất nước tôi lại nhắc đến hoàn cảnh của xã hội chúng ta. Trong một hoàn cảnh kinh tế như vậy, với những con người đã khác biệt với nhau về quan niệm, về ý thức hệ như vậy và kết hợp một hệ thống chính trị đương thời, chúng ta không thể tài nào xây dựng được một đất nước phát triển giàu mạnh được, khi mà tối ngày chỉ trách móc chửi bới nhau. Những việc gì đã xảy ra ngày hôm qua hãy để lịch sử phán xét ,vì lịch sử luôn luôn là sự thật.

Cái thuận lợi là đất nước chúng ta có hơn 4 triệu Việt kiều sinh sống trên khắp thế giới, và cũng có rất nhiều người nhiều người thành đạt và tài giỏi. Nếu chúng ta phát huy được bản tính truyền thống của người Việt, đó là lòng vị tha, gạt hết mọi khác biệt về tư tưởng, như hình ảnh anh lính cựu sĩ quan của QĐND Việt Nam khóc tức tưởi trong buổi lễ tưởng niệm 40 năm ngày các chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa (19/01/1974 - 19/01/2014) tại Hà Nội, mà hòa hợp, hòa giải, đoàn kết nhau lại để xây dựng một Việt Nam phú cường.

clip_image001

Một tấm lòng, hơn cả tấm lòng!

Thưa các vị lãnh đạo! Chắc có lẽ lời kêu gọi của tôi hơi thừa thãi đối với các vị và tôi cũng tin rằng lời nói của tôi cũng sẽ cùng chung số phận với bao nhiêu người khác, điển hình là lời nói đầy trọng lượng của các công thần của chế độ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh... Nhưng là công dân của một nước tôi không muốn đồng bào mình phải chịu thêm nhiều đau khổ nữa, tôi không muốn nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh cứ kéo lê cuộc đời của mình trong một xã hội đầy bất công, khi mà cái khoảng cách phân hóa giàu nghèo càng ngày càng xa một cách đầy nghịch lý. Các vị hãy cố gắng vì chút lương tâm còn sót lại trong mình, mà hãy nhìn xuống những mảnh đời bất hạnh ấy, chắc trong những chuyến công cán bằng máy bay hay xe hơi thì các vị đâu có tường tận được cuộc sống của những người nghèo. Các vị đừng bắt cả dân tộc phải nhắm mắt đi theo một lý tưởng hão huyền siêu thực đã đưa đẩy đất nước đến tình cảnh ngày hôm nay. Các vị cứ ra sức đàn áp các phong trào dân chủ bằng những công cụ sẵn có của mình, nhưng với một quy luật bất biến càng đàn áp thì nó sẽ càng ngày càng phát triển. Tất nhiên một khi nền kinh tế suy sụp thì xã hội sẽ tất loạn, đến lúc đó các vị có cố tình ngăn chặn như thế nào đi chăng nữa thì cũng không bao giờ ngăn chặn nổi, và chính các công cụ mà các vị đã sử dụng để đàn áp dân chúng sẽ chính là lực lượng quay lại phản các vị đầu tiên, chứ không phải nhân dân hay một thế lực thù địch nào hết, cái gương của Saddam Hussein là một điển hình.

Hãy vì một Việt Nam phú cường, chỉ có một con đường duy nhất là gạt hết mọi đặc quyền đặc lợi, quay về với nhân dân, hòa hợp, hòa giải dân tộc, xây dựng một xã hội văn minh dân chủ thực sự, tam quyền phân lập, biết tôn trọng những tiếng nói khác biệt về chính kiến. Khi đất nước giàu mạnh, toàn dân đoàn kết một lòng thì chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào, kể cả kẻ thù truyền kiếp phương Bắc.

Thay lời kết:

Tôi nghĩ rằng chế độ ngày hôm nay sớm muộn gì sẽ bị sụp đổ, chỉ còn yếu tố thời gian mà thôi. Nhưng với sự sụp đổ như thế nào để tránh được đau thương mất mát cho đất nước. Đừng để đất nước quá ruỗng mục, lòng dân oán hận thì tất biến sinh ra loạn lạc, và khi ấy tầng lớp thấp nhất trong xã hội sẽ là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất! HÃY HÒA HỢP HÒA GIẢI, HÃY TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT, VÌ MỘT VIỆT NAM PHÚ CƯỜNG ĐỂ BỚT ĐI NHỮNG MẢNH ĐỜI BẤT HẠNH.

P.N.Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn