Praha: Lòng yêu nước thì có nhưng “không có ai ở nhà"

André Menras Hồ Cương Quyết

Phạm Toàn dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
Lần thứ hai trong vòng ba năm nay, tôi đi Cộng hòa Séc theo lời mời của  “Nhóm Văn Lang vì một xã hội dân sự”. Lần đầu là để trình chiếu bộ phim «Hoàng Sa Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát» bản có phụ đề tiếng Việt. Lần này là để chiếu phim đó có phụ đề tiếng Séc, công sức của những người bạn Việt và Séc đau đáu trong lòng một nỗi niềm Việt Nam và Công Lý. Tôi ở bên đó từ ngày 05 đến ngày 10 tháng Sáu. Tôi trình chiếu phim được ba lần. Một lần tại Nhà Văn hóa thành phố Jhilava cách thủ đô Praha 130km. Một lần tại Viện Viễn Đông, khoa Triết thuộc trường Đại học Karlova nổi tiếng, và trình chiếu tại khu vực dành riêng cho môn … Trung Hoa học. Lần thứ ba là tại một gian phòng rộng lớn của một Xưởng giải khát – Khách sạn ở Praha, một không gian đã được chủ nhân người Séc cho Văn Lang sử dụng một cách thật là dễ thương.
Chắc là cả thảy đã có khoảng chừng 120 người dự ba cuộc chiếu phim và tham gia các cuộc thảo luận sau khi chiếu phim. Một số bạn đã phải đi xa, như chuyến đi thật cảm động của chị bạn Việt Nam trẻ trung đến từ Cheb (cách 200 km) mang theo 400 đồng euro tiền bán nem. Đó là món tiền góp gửi cho các bạn ngư dân cùng với tiền thu được của Văn Lang là 1800 USD và 400 euro. Tôi sẽ chuyển món tiền này cho các góa phụ ở Bình Châu và Lý Sơn. Chắc chắn đó là nhân dịp tôi thăm Việt Nam vào tháng Mười năm nay.
Cũng như lần đầu tôi qua Séc, lần này cuộc đón tiếp bộ phim thật cảm động và cuộc đón tiếp tác giả thì nồng nàn, thân ái.  Đó là cuộc đón tiếp của các anh các chị sống ở đó, có những người đã nhiều chục năm, nhưng không ai quên tổ quốc. Con cái họ, những cháu sinh ra và lớn lên ở Séc, một số cháu cần xem phim có phụ đề tiếng Séc, song những giọt nước mắt cùng sự phẫn nộ của các cháu thì đích thực Việt Nam khi các cháu nghe các góa phụ Lý Sơn lên tiếng.
Hoàn toàn đối nghịch lại, và tôi lấy làm tiếc phải nói rằng các đại diện chính thức của Việt Nam: Ông Trương Mạnh Sơn, đại sứ Đặc mệnh toàn quyền (tác giả chú thích thêm bằng tiếng Việt – ND)  và vị chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc, ông Hoàng Đình Thắng, cả hai vị đều cố tình làm ngơ sự kiện này. Họ cũng không thèm đáp trả lời mời kính trọng gửi tới họ bằng đường Bưu chính. Chính tôi đã thấy tòa đại sứ trống trơn không có người Việt Nam nào khi tôi đến đó xưng danh hẳn hoi và mời ông đại sứ hoặc một ai đó đại diện đi thay ông. Rõ ràng là đã có sự chờ đợi chuyến thăm tòa đại sứ của tôi, là việc tôi đã cẩn thận báo tin trong các cuộc thảo luận trước đó. Ông đại sứ có tai mắt khắp nơi ấy mà … Một cô gái Séc đón tôi từ cửa vào. Cô nàng hoàn toàn bối rối lúng túng khi có nhiệm vụ truyền đạt lại cho tôi cái thông điệp siêu thực rằng: “đại sứ không có ở đây, và trong tòa đại sứ không có viên chức người Việt Nam nào cả”. Một hình ảnh đẹp sao về sự nhã nhặn, về sự thẳng thắn, về sự trung thành và lòng dũng cảm đã được những người Việt Nam này chiềng ra ở nước ngoài cho thiên hạ thấy thế nào là đất nước Việt Nam!  Tôi thấy xấu hổ khi hình dung cô gái Séc này nghĩ gì về những người Việt Nam kia khi cô biết rằng vào lúc cô đang tiếp tôi đây, thì những ông bà Việt Nam ấy đang nấp kín trên lầu một và chờ cho tôi đi khỏi.
Nhưng tôi đã lầm khi vẫn còn ngạc nhiên. Tôi vẫn ngây thơ.  Vị đại sứ đã cư xử một cách lô gich đúng như hình ảnh cái Quyền lực đã bắt các thành viên của nó phải theo: vắng mặt, hoàn toàn vắng mặt ở nước ngoài trên địa hạt truyền thông, nhằm khẳng định chủ quyền đất nước mình.  Họ chỉ ở đó để quốc tế hóa … sự im tiếng.  Hệt như cái Đảng Cộng sản Việt Nam, kẻ ra quyết định một mình không cho ai can dự,  vẫn luôn luôn vắng mặt và im tiếng tại trận, trên vùng biển Hoàng Sa. Không có Hải quân, không có Không quân. “Hãy tự bảo vệ lấy mình”. Tương tự như vậy, ông đại sứ cũng bỏ rơi đồng bào mình đang nỗ lực báo động với giới truyền thông Séc về số phận những ngư dân và nạn bành trướng đầy bạo hành của Bắc Kinh. Đó là cái chính sách “Sếp đi vắng” (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND)  “Không có ai ở nhà” (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND)  mà tôi từng đau lòng bắt gặp qua những bận chiếu bộ phim này. Một sự trống vắng quyền lực đến kinh hoàng khiến cơn ớn lạnh chạy suốt sống lưng tôi. Nhưng trong vụ này, điều khiến tôi muốn nổi loạn hơn cả, đó không phải là cái chính sách đầu hàng này, cái chính sách «capitulation» này. Mà đó là cái áp lực mang vẻ đe nẹt, lặng câm, không trực diện đã được các giới chức muốn tác động tới những ai muốn hành động để quảng bá cái thảm kịch này tới công luận. Đây là một thí dụ: những người tổ chức cho chuyến thăm và chiếu phim rồi thảo luận đã xin phép chiếu phim tại một địa điểm có tên “Sapa”,  một trung tâm thương mại lớn ở Praha. Cả ngàn người Việt Nam làm việc ở đó. Ông giám đốc trung tâm là người Việt đã từ chối. Áp lực không trực tiếp của những nhà cung cấp hàng người Tầu cho người bán lẻ người Việt chắc chắn không nằm ngoài chuyện từ chối này. Nhưng (bên cạnh đó) còn có cả khả năng tác hại của tòa đại sứ trong những vụ mặc cả mang tính hành chính, trong những vụ cấp chứng nhận, cấp phép, cấp visa, những vụ cấp học bổng … đã khiến cho vô số những tấm lòng yêu nước phải tự thuyết phục mình nên bỏ cuộc. Đó cũng còn là chuyện tòa đại sứ có thể gián tiếp gây áp lực lên những gia đình ở trong nước. Đó là một thực tại. Người Việt ở nước ngoài khiếp sợ tòa đại sứ nước mình. Sợ đến nỗi có những người đã hỏi tôi liệu tôi có sợ sẽ bị cấm vào Việt Nam mặc cho tôi có quốc tịch Việt Nam.
Tôi khẳng định ở đây rằng, tiếp theo chuyện cấm chiếu phim Hoàng Sa Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát ở Sài Gòn năm 2011, bộ phim này đã chịu cảnh tẩy chay có tổ chức, sự tẩy chay vẫn đang tiếp tục tiến hành bởi những đại diện của nước Việt Nam ở  nước ngoài và những dây truyền lực của họ là những “Hội người Việt” (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND).  Ấy thế mà, tuyệt nhiên trong phim này không có đoạn nào tấn công vào chế độ đương quyền ở Việt Nam. Thực ra thì vẫn có những lý do chính đáng để làm công việc đó. Cũng chẳng có đoạn nào kêu gọi bạo động và cũng chẳng có đoạn nào kêu gọi đề kháng chống lại bọn xâm lược Trung Hoa. Thế mà vẫn có những lý do chính đáng để làm công việc đó. Bộ phim này hoàn toàn khách quan, chân thực, không một chút giả tạo.  Đó là tiếng nói những người ngư dân đang nai lưng làm cho gia đình mình và cho nước Việt Nam. Cũng cần ghi nhận là kể từ năm 2012 những cuộc xâm phạm vào ngư dân Việt Nam đã giảm, và ngư dân Việt không còn bị giam cầm ở Phú Lâm hoặc ở Hải Nam như trước. Liệu đó là chuyện tình cờ, hay đó là kết quả  khiêm nhường của việc truyền thông rộng rãi cái tấn bi kịch bất công đó?
Tôi mạnh mẽ khẳng định một lần nữa ở đây điều tôi đã tuyên bố với các nhà báo nước ngoài đã phỏng vấn tôi như sau: những ai ngăn cấm chiếu bộ phim này, hoặc những ai bí mật tẩy chay phim này, họ chỉ phục vụ cho cuộc xâm lăng của Trung Hoa và đem bán ngư dân cùng nền độc lập của Việt Nam đổi lấy một “tình hữu nghị viển vông”. Vì sợ hãi, hoặc vì quyền lợi riêng, những người này đã phục vụ cho một láng giềng đế quốc chủ nghĩa vô cùng quyết tâm, kẻ sẽ chỉ chùn tay nếu ta dám mặt đối mặt với chúng. Những con người này đang tự bôi bẩn mình, đồng thời cũng đang bôi bẩn hình ảnh một nước Việt Nam kiêu hùng – chúng đang phản bội lại chính nhân dân mình vậy.
A.M
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn