Nghịch lý về tai nạn hạn hán ở Việt Nam

Nguyễn Đình Cống

Xét ra trong “tai nạn hạn hán” ở Việt Nam hiện nay thì Trời chỉ chịu trách nhiệm một phần, đó là không có mưa, phần “hạn hán”, còn phần “tai nạn” là do con người kém hiểu biết và thiếu trách nhiệm.

Thời gian qua, liên tiếp nhận thông tin về tai nạn hạn hán ở đồng bằng Nam bộ mà xót xa, uất hận. Ngữa mặt lên trời mà than: “Xanh kia thăm thẳm tầng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”.

Ai đã từng học môn Địa lý nước Việt Nam ở bậc tiểu học đều biết đó là một đất nước thuộc vùng nhiệt đới, gió mùa, sông ngòi chằng chịt, lượng mưa hàng năm trung bình trên 1500 mm, nhân dân cần cù, lại được một Đảng Cộng sản theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) lãnh đạo. Mà Đảng tự cho là sáng suốt, là quang vinh, chủ nghĩa được Đảng cho là ưu việt nhất của nhân loại. Thế mà một vùng rộng lớn đang khốn khổ vì tai nạn hạn hán, như vậy có nghịch lý không.

Khi đã thông cảm sự khốn khổ của nông dân Việt Nam chịu tai nạn hạn hán thì sẽ vô cùng khó hiểu khi nhìn sang đất nước Israel, một nơi mà 60% lãnh thổ là sa mạc, con sông Jordan với lượng nước chỉ như một con suối nhỏ ở Việt Nam, lượng mưa bình quân hàng năm chỉ khoảng 50 mm (bằng 1 phần 30 của Việt Nam). Thế mà dân Israel không mấy khi lo đến hạn hán, không thiếu nước trong sinh hoạt, nông nghiệp không thiếu nước tưới.

Tại sao vậy? Dân Việt Nam khi gặp phải khó khăn gì không giải thích được thì đều đổ tại Trời. Nguyễn Du từng viết: “Chẳng hay muôn sự tại Trời…”. Dân lại ca: “Mất mùa là bởi thiên tai. Được mùa chính bởi thiên tài Đảng ta”. Xét ra trong “tai nạn hạn hán” ở Việt Nam hiện nay thì Trời chỉ chịu trách nhiệm một phần, đó là không có mưa, phần “hạn hán”, còn phần “tai nạn” là do con người kém hiểu biết và thiếu trách nhiệm. Thử hỏi lượng mưa ở Việt Nam và ở Israel, nơi nào nhiều hơn. Trong một chỗ khác Nguyễn Du viết: “Có Trời mà cũng có Ta”. Tôi theo cách của cụ viết 2 câu: “Nắng hạn nứt ruộng, cháy da. Do Trời mà cũng do Ta phần nhiều” (Đề nghị dừng lại vài giây để suy nghĩ: Ta ở đây là ai?).

Thiên tai có loại rất bất ngờ như động đất, sóng thần, có loại biết trước được vài ngày như bão, lũ. Hạn hán do thiếu mưa, liên quan đến hiện tượng El Nino, nước biển dâng liên quan đến biến đổi khí hậu, sông Mêkông bị cạn do xây đập chặn giòng là những việc có thể dự đoán được khá xa. Nước ngọt là tài nguyên quý hiếm đã được các nhà khoa học cảnh báo cách đây vài chục năm. Vai trò của con người, của Ta là sẽ làm gì khi đã có dự đoán, có được cảnh báo đó.

Với nạn hạn hán ở Việt Nam, Ta ở đây là ai? Là nhân dân Việt Nam chứ có ai vào đấy nữa. Không! Tôi không quy kết một cách hàm hồ như vậy. Trong tai nạn này tạm xét 3 loại người thuộc dân Việt có liên quan: 1- Những người dân đang trực tiếp chịu hạn. 2- Những trí thức, những nhà khoa học có hiểu biết về những vấn đề trên. 3- Lãnh đạo Đảng và chính quyền ở các cấp.

Người dân chịu hạn chủ yếu là nạn nhân. Họ có một vài sai lầm nhỏ là quá trông chờ và lệ thuộc vào Trời, quá tin cậy vào lãnh đạo và các nhà khoa học, bị động, thiếu sự nhạy bén…

Trí thức của Việt Nam, ngoài một số có học vị cao, có học hàm lớn mà không có phẩm chất tương xứng thì cũng còn những nhà khoa học chân chính, có trí tuệ, có tâm, có tầm, biết rõ những chuyện liên quan đến hạn hán, nhưng không thể biến từ biết thành hành động. Trí thức, nhà khoa học, ở nước nào, vào thời nào cũng thế, là nhà chuyên môn, lo làm tốt công việc cụ thể trong phạm vi hẹp của mình, còn về những vấn đề lớn của đất nước thì họ chỉ có thể góp ý, đề xuất, phản biện mà không có quyền quyết định. Riêng ở Việt Nam, việc đề xuất, phản biện, phải theo ý muốn của lãnh đạo, còn nếu nói hơi trái ý thì “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Những tấm gương của Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Ung Văn Khiêm,…và hàng trăm người nổi tiếng khác bị quy kết là phản động, là chống Đảng, bị khủng bố, tù đày còn sờ sờ ra đấy. Khi có ý kiến khác với lãnh đạo thì đến như Tạ Quang Bửu vẫn không dấu được nỗi sợ, đến như Trần Đại Nghĩa, chỉ dám phát biểu rất dè dặt.

Cộng sản Việt Nam đã có thời kỳ xếp trí thức vào hàng ngũ kẻ thù (trí phú địa hào), còn Mao Trạch Đông đã phát biểu: “trí thức không bằng cục phân”. Trong tình hình như vậy một số trí thức Việt, mặc dầu rất yêu nước, nhưng đành ngậm ngùi ra nước ngoài làm việc, số đông ở lại trong nước cam chịu phận hèn, đề cao phương châm sống “biết sợ” để tồn tại. Dù sao các nhà khoa học Việt Nam có liên quan và còn có lương tri, trước cảnh hạn hán khốc liệt hiện nay cũng nên tự trách mình đã hèn kém, không có được những đóng góp cần thiết.

Lãnh đạo các cấp mới chính là “Ta” trong vụ việc này. Những người này có nhiều việc quan trọng và cấp thiết cần đem hết công sức và trí tuệ hạn hẹp để lo lắng, họ tuy biết khả năng hạn hán sẽ xảy ra nhưng không còn trí tuệ, không còn năng lực và thời gian để giải quyết, mặc cho Trời và dân là chủ yếu, được đến đâu hay đấy. Đến khi hạn xảy ra quá nặng mới tìm cách thăm hỏi động viên và cầu xin ngoại bang mở đập, tháo cho ít nước. Công việc quan trọng nhất đối với họ, một phần là lo bảo vệ, lo chống đỡ chế độ toàn trị và tổ chức đảng đang lung lay, đang có nguy cơ tan rã, phần khác là lo tìm đủ mọi cách để thu hồi vốn (phải bỏ ra để chạy chức chạy quyền), để làm giàu cho cá nhân, để củng cố quyền lực và lợi ích nhóm. Hơn nữa cách bầu cử “dân chủ đến thế là cùng” khó chọn được những người tài giỏi, có khả năng nhìn xa trông rộng. Những tổng bí thư vừa qua chỉ biết hỏi nhân dân trồng cây gì, nuôi con gì, bỏ nhiều năng lượng để lo đấu đá nội bộ, lo củng cố quyền lực, không có trí tuệ và thiếu cả trách nhiệm để thực sự lo đến đời sống nhân dân và luôn nghi ngờ trí thức. Lãnh đạo ĐCSVN đã quen dựa dẫm, quen phục tùng cộng sản Trung quốc, quen việc xin viện trợ, thiếu tinh thần tự lập, tự cường. Ở trong nước thì lớn tiếng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng đi đến bất kỳ nước nào cũng xin người ta công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường, cắt cái đuôi định hướng, làm cái việc khó hiểu và phần nào hèn hạ (dấu đuôi để đi xin, nếu thò đuôi ra thì nhiều người không chịu nỗi).

Khi khảo sát đất nước Israel một vài người cho rằng họ phát triển được là nhờ trí thông minh của dân tộc Do thái. Điều đó chỉ đúng một phần. Xét tương quan, dân tộc Việt cũng thông minh không kém. Khác nhau cơ bản là do lãnh đạo. Lãnh đạo Việt Nam kiên trì theo CNML đã lỗi thời, lại đem thân lệ thuộc Trung quốc, còn lãnh đạo của Israel theo xu thế phát triển chung của các nước dân chủ, tiền tiến, đầy ý chí tự cường. Khi Israel mới lập quốc vào năm 1948, nhiều người Do thái từ Liên xô về, mang theo con đường xây dựng CNXH, lập ra Công Đảng có xu hướng CNML. Nhưng may thay, dân Do Thái không bị mắc lừa, kịp thời nhận ra và từ bỏ ngay xu thế cộng sản, vì thế giải phóng được năng lượng trí tuệ và sức sản xuất của dân tộc.

Singapore hầu như không có nguồn nước ngọt, phần lớn nước dùng cho sinh hoạt phải nhập khẩu, thế mà dân của họ chưa khi nào lo thiếu nước. Sing cũng đi lên từ một nước thuộc địa, họ phát triển được nhanh, một phần quan trọng là đã tránh được phong trào cộng sản.

Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang Israel và Singapore để nghiên cứu, để học tập, nhưng rồi chỉ học được rất ít và không làm theo được. Việt Nam còn mời Lý Quang Diệu và một số nhà khoa học Israel làm cố vấn, họ góp nhiều ý hay nhưng với ta không chấp nhận. Một số trí thức trong nước tham gia Ban Cố vấn để góp ý kiến cho Chính phủ, Ban chỉ tồn tại một thời rồi bị giải tán. Các nhà khoa học Việt kiều nghiên cứu, vạch ra đường lối phát triển đất nước, đường lối đó cũng bị Đảng và Nhà nước xếp xó. Tại sao vậy? Tại vì mọi sự học tập, mọi lời cố vấn, nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: “Muốn phát triển đất nước thì việc đầu tiên là phải cải cách thể chế, từ bỏ con đưởng của CNML”. Đó là điều mà lãnh đạo Đảng không thể nào chấp nhận. Đối với họ chỉ cần dùng CNML làm kim chỉ nam, kết hợp Nghị quyết của Đại hội Đảng là đủ.

Viết thêm, ở Israel có 2 tội nặng liên quan đến nước là làm ô nhiễm nguồn nước và dùng nước lãng phí. Còn ở Việt Nam, việc làm ô nhiễm các dòng sông đến mức hủy hoại môi trường đã trở nên bình thường. Một chính quyền không trong sạch làm sao giữ cho được sự trong sạch cùa xã hội và các giòng sông.

Tôi không có hiểu biết nhiều về chống hạn nên không góp được biện pháp cụ thể gì, chỉ xin chia tai nạn hạn hán ra làm 2 phần là hạn hán và tai nạn, lại phân tích vài nguyên nhân sâu xa của tai nạn để góp vào tiếng nói chung.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn