Hoan nghênh ý kiến của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Hà Sĩ Phu

Vài dòng gửi Nguyễn Trọng Tạo tài hoa (không phải người Kinh Bắc mà nhạc điệu thì duyên dáng hệt người Kinh Bắc quê tôi vậy)

- Hoan nghênh ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo về Gs Huệ Chi, khi anh gợi lên được sự thật này:

Chỉ cần cảm thấy một người, một việc nào đó có thể đe dọa cho “độc quyền, độc lợi” của phe đảng mình là người ta sẵn sàng vô lễ với cả những giá trị đáng kính, phải kính; một cách bất chấp. Từ đáng kính cứ “tiến thẳng” sang đáng hành hạ, bỏ qua “sự thận trọng và trân trọng đối với con người” (như lời Nguyễn Trọng Tạo)!. Khi đã không thận trọng và trân trọng với Con người thì cũng sẽ ứng xử tùy tiện như vậy với Dân tộcTổ quốc, chân lý ấy không còn phải bàn cãi.

- Nếu không phải là “người quen” của những phi lý XHCN thì không ai có thể cảm thấy bình thường khi thấy một vị giáo sư có tài năng, tuổi tác và nhân thân như Gs Nguyễn Huệ Chi lại có thể bị những người phi văn học xộc vào giường ngủ (tức khám ổ cứng vi tính, như ví von của Nguyễn Trọng Tạo) và “mời” đi làm việc một cách thô bạo bất xứng như vậy. (Dù tai họa được đưa đón bằng xe con lịch sự và bằng những lời ngon ngọt thì tai họa vẫn tên là tai họa).



- Dù cho trang mạng Bô-xít có vượt qua hàng rào của luật lệ tạm thời ở điều này điều khác, thì trước một trang mạng mang tiếng nói cảnh báo để gìn giữ đất nước , tiếng nói mạnh mẽ gần như duy nhất của giới trí thức trước tình hình đất nước ngàn cân treo sợi tóc hiện nay, và trước con số truy cập trên 17 triệu lượt cũng buộc những người ghét nó phải dừng tay.

Phải biết dừng lại trước nhân cách của một người khác, huống chi nhân cách của hàng triệu con người! Mười bảy triệu lượt người đọc này chắc phải là người Việt Nam, khinh con số 17 triệu ấy khác nào khẳng định đông đảo quần chúng Việt Nam là xấu? Ai làm được điều quá lớn lao ấy thì mọi khúc mắc , nếu có, tất nhiên có, của người ấy đều là nhỏ bé không đáng kể gì.

Chính Nguyễn Huệ xưa cũng nhiều tật lắm, chứ Nguyễn Huệ Chi thời nay đã có tật gì? Liệu có nên đối chiếu với những người chưa có công gì đáng kể mà cái tật đã to bằng năm bảy dãy biệt thự, bằng cái ghế cao ngất nghểu, bằng hàng tỷ đô la gửi ngân hàng Thụy sĩ, và nhất là cái tật chuyên gửi con cho kẻ thù dạy dỗ không?

- Nếu vì yêu nước mà phải vượt chút hàng rào (luật, dưới luật) thì cũng đáng vượt lắm chứ sao? Tình yêu nào không phải một đôi lần vượt rào, một đôi lần “xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”? Tình yêu càng lớn càng dễ gặp những hàng rào lớn. Nhưng hàng rào nào, lề phải nào lớn hơn cái lề “phải giữ lấy nước”?.

- Tố Hữu quá yêu chị láng giềng, nên đã vượt biên giới để coi “bên kia biên giới cũng là quê hương” cũng là một ví dụ muốn yêu phải dám vượt rào, nhưng tiếc rằng sự vượt rào này sai lầm, bởi đấy là hàng rào mà người yêu nước và hiểu lẽ đời không ai được phép vượt qua. Lịch sử dạy thế. “Nỏ thần vô ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”, biển này đang có hình cái lưỡi bò khổng lồ mà vó ngựa của An Dương Vương đã dừng cách đó không xa! Có sự vượt rào đáng khinh, nhưng có sự vượt rào đáng trọng, không thể đánh đồng. Nghĩa cử dám vượt những hàng rào lớn phải rất có ý thức, không bao giờ là vô tình, có quên là quên đi những gai góc của hàng rào cứa vào da thịt.

- Tôi đặc biệt đồng ý với sự phân tích rất sâu của nhà thơ Trọng Tạo về việc thu giữ và lôi từng chi tiết trong chiếc ổ cứng ra để khảo sát là xúc phạm như thế nào. Tôi cảm ứng điều này với “tư cách” một người đã có chút vốn thực tế, chưa có gì đáng khoe: Tôi chỉ viết mấy bài lý luận mà bị khám nhà tới 3 lần, tịch thu 3 dàn vi tính và phải “làm việc” với những “người rất quen” ở mọi cấp, cả thảy trên 400 buổi, ròng rã từ 1991 đến nay, tuy đã thưa dần. Tôi chia sẻ với Gs Huệ Chi về những ngày “làm việc” (không lương!) này của người hưu trí, chỉ vì tấm lòng ưu thời mẫn thế vẫn chưa chịu về hưu.

Té ra yêu nước thì phải “làm việc” ! Đúng quá, cũng như “Yêu nước phải thi đua, nhưng đây lại là sự làm việc không lương (tức vô lương !), chữ của chú Tàu cũng thâm thật. (Xin nói nhỏ: Người Việt yêu nước hay bán nước đều nên học chữ Tàu! Lịch sử lại dạy thế. Ôi, cái “thằng Lịch sử” đã làm nhiều người nổi giận cũng giảng cho ta nhiều bài lý thú lắm).

- Tất nhiên bài của Nguyễn Trọng Tạo chưa nói hết ý, hết nhẽ như cần phải nói. Nhưng hãy xuất phát từ những người khách quan, trọng đạo lý, cận nhân tình, có văn hóa như vậy, không thiên vị như vậy, biết nghĩ đến vận mệnh dân tộc như vậy, chúng ta sẽ tới được chỗ tận cùng phải tới, nơi tận cùng của sự thật.

Tôi không lạ khi căn phòng của cảm hứng thơ-nhạc như cảm hứng Nguyễn Trọng Tạo lại có “cửa khẩu” thông sang cánh đồng chính trị-xã hội bao la. Đây lại là ví dụ về sự “vượt biên” xé rào đáng quý. Thì đấy, Tản Đà là thi sĩ hơn ai hết, mà cũng chính trị hơn ai hết khi để lại câu thơ chính trị muôn đời:

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên chúng nó dễ làm quan!


Câu thơ có phần dung tục đấy, mà đẹp đến phải ngưỡng mộ. Bởi không gì đẹp hơn và trường cửu hơn chính cuộc đời muôn vạn nỗi niềm mà ta có vinh dự một lần góp mặt. Dại dột là những ai lẩn tránh.

Một lần nữa xin cảm ơn bài viết.

Thân mến

Hà Sĩ Phu (19-1-2010)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn