Cơ quan tiến hành tố tụng cố ý khép tội cho người vô tội – Trường hợp ông Hồ Trọng Hiếu

Nguyễn Thị Dương Hà

Trong mọi hoạt động, kể cả tố tụng hình sự, sai lầm của cơ quan công quyền không thể không xảy ra. Sai lầm có thể bắt nguồn từ quan liêu, dốt nát về nghiệp vụ. Nhưng điều quan trọng là sai lầm phải được kịp thời phát hiện và khắc phục nhằm giảm tối đa những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho nạn nhân. Có như vậy nhân quyền mới được bảo đảm.
Ngược lại, các cơ quan tiến hành tố tụng thấy sai mà không sửa, hơn thế nữa lại bao che sai lầm cho nhau: Viện kiểm sát bao che Công an, Tòa án bao che Viện kiểm sát, Công an dẫn đến các vụ án oan thì những hành vi đó chỉ có thể được gọi là Tội ác! Điều nghiêm trọng là những hành vi cố ý bức hại người vô tội – Tội ác ấy không phải là hiếm ở Việt Nam mà vụ án Hồ Trọng Hiếu tại Đài phát sóng phát thanh Quán Tre (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình.
BVN xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về vụ án oan nổi cộm nói trên của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ, người đã bào chữa cho Tướng Công an Phạm Xuân Quắc trong vụ án PMU 18, Trung tá Công an Dương Tiến trong vụ án chuyển giao tài liệu của Viện kiểm sát kết luận đương kim Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ của nhà thầu xây dựng… với niềm tin vững chắc: Tội ác cuối cùng phải được chặn đứng!

Bauxite Việt Nam
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà
Trưởng VPLS CÙ HUY HÀ VŨ

 Ngày 31/3/2010 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ông Hồ Trọng Hiếu, nguyên Giám đốc Đài phát sóng phát thanh Quán Tre và các ông Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn, hai nguyên Phó Giám đốc ra xét xử về “Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 282 Bộ Luật hình sự theo Cáo trạng số 16/VKSTC – V1B ngày 20/10/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phải nói đây là một “kỳ án” vì có thời gian điều tra kỷ lục: 5 năm kể từ khi ông Hiếu bị Đại tá Phạm Hùng Chiến, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an ký quyết định khởi tố bị can vào tháng 5/2005. Thế nhưng đây lại là một vụ án được tạo dựng hoàn toàn, một vụ án oan vì không có việc ông Hồ Trọng Hiếu phạm tội.
Cáo trạng kết luận “Hồ Trọng Hiếu, Giám đốc Đài PSPT Quán Tre không có thẩm quyền giao đất theo Luật Đất đai, nhưng từ năm 1992 đến năm 1997, Hồ Trọng Hiếu đã cùng Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc đã xét duyệt và quyết định cấp 14.388,8m2 đất “chuyên dùng” cho 77 hộ dân làm nhà ở trong khu vực Đài PSPT Quán Tre, vi phạm Điều 12, 13 Luật Đất đai năm 1987; Điều 19, 23 Luật Đất đai năm 1993. Hành vi xét duyệt và cấp đất “chuyên dùng” trái pháp luật nêu trên đã gây hậu quả Nhà nước phải chi trả đền bù khi thu hồi diện tích đất 3.531,6m2 cho 15 hộ dân Đài PSPT Quán Tre số tiền 7.260.814.800 đồng…Hành vi nêu trên của Hồ Trọng Hiếu, Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn đã phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo Điều 282 Bộ Luật hình sự”.

Căn cứ để buộc tội ông Hồ Trọng Hiếu là Kết luận Giám định ngày 16/01/2006 và ngày 19/03/2009 của Giám định viên – Bộ Tài nguyên và Môi trường được Cáo trạng dẫn ra như sau: “Để thực hiện quy hoạch khu cư xá theo luận chứng, Tổng cục bưu điện cần phải trình Hội đồng bộ trưởng. Căn cứ ý kiến của Hội đồng bộ trưởng xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, lãnh đạo Công ty cần phải làm thủ tục tiếp theo để Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu hồi một phần diện tích đất do Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đang quản lý, sử dụng để giao cho các hộ nhưng Công ty không làm. Diện tích đất mà ông Hoàng Bạn, ông Hồ Trọng Hiếu đã quyết định cấp cho cán bộ, công nhân viên Đài Quán Tre làm nhà ở nhưng chưa đuợc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt theo quy định tại Điều 11 Luật đất đai năm 1987. Khu đất này là đất chuyên dùng thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II (nay là Đài PSPT Quán Tre) phục vụ mục đích xây dựng hệ thống mạng truyền thông. Việc quyết định cấp (giao) đất cho các hộ của ông Hoàng Bạn, ông Lưu Chính và ông Hồ Trọng Hiếu là không đúng thẩm quyền theo quy định tại các Điều 12,13 của Luật đất đai năm 1987 không phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được xác định tại Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ ngày 29/01/1993 của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc các ông Hoàng Bạn, ông Hồ Trọng Hiếu và ông Lưu Chính cấp đất cho các hộ làm nhà ở trên đất chuyên dùng do Công ty đang quản lý, sử dụng là không đúng căn cứ giao đất và thẩm quyền giao đất quy định tại điều 12,13 của Luật đất đai năm 1987 và điều 19.23 Luật đất đai năm 1993”.
Trước hết, Kết luận của Giám định viên – Bộ Tài nguyên và Môi trường là vô cùng rối rắm, đầy mâu thuẫn:
  • Một là: Khẳng định “Khu đất này là đất chuyên dùng phục vụ mục đích xây dựng hệ thống mạng truyền thông” mà không dẫn ra được bất cứ văn bản pháp lý nào có nội dung như thế thì chỉ có thể là nói khống!
  • Hai là: Khẳng định “Khu đất này là đất chuyên dùng phục vụ mục đích xây dựng hệ thống mạng truyền thông”, tức không được sử dụng để làm khu cư xá mà lại còn hướng dẫn Tổng cục bưu điện trình Hội đồng bộ trưởng xét duyệt quy hoạch khu cư xá thì có khác nào lừa Tổng cục bưu điện và Hội đồng bộ truởng vào con đường phạm pháp!
  • Ba là: Khẳng định việc ông Hồ Trọng Hiếu cấp đất cho cán bộ công nhân viên để làm nhà ở là “không phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được xác định tại Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ ngày 29/01/1993 của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh” nhưng “mục đích sử dụng đất đã được xác định” là gì thì lại không nêu ra được!

  • Bốn là: Viện dẫn các Điều 11,12,13 Luật đất đai mà không dẫn nội dung chi tiết thì làm sao có thể xác định ông Hồ Trọng Hiếu đã làm trái các quy định pháp luật này!
Vv..Vv
Chỉ riêng một số mâu thuẫn, phi lý trên đây trong cáo buộc chống lại ông Hồ Trọng Hiếu cũng đã đủ cho thấy có một mưu toan truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hiếu cho bằng được. Tuy nhiên, phân tích những kết luận bất chấp pháp luật của Giám định viên – Bộ Tài nguyên và Môi trưòng nói riêng, của Cáo trạng nói chung, sẽ là cách chứng minh tốt nhất cho nhận định này.
1. Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đã làm đầy đủ các thủ tục để được giao đất làm khu cư xá.

Cáo trạng nêu kết luận của Giám đinh viên “Để thực hiện quy hoạch khu cư xá theo luận chứng, Tổng cục bưu điện cần phải trình Hội đồng bộ trưởng. Căn cứ ý kiến của Hội đồng bộ trưởng xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, lãnh đạo Công ty cần phải làm thủ tục tiếp theo để Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu hồi một phần diện tích đất do Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đang quản lý, sử dụng để giao cho các hộ nhưng Công ty không làm”. Kết luận này hoàn toàn phi lý, bởi 2 lý do sau:
Thứ nhất, Tổng cục Bưu điện trình Hội đồng bộ trưởng xét duyệt quy hoạch khu cư xá thì sau khi quy hoạch được Hội đồng bộ trưởng xét duyệt Tổng cục Bưu điện phải là cơ quan làm thủ tục tiếp theo với Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh chứ tại sao lại đổ vấy cho Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II?
Thứ hai, trên thực tế Tổng cục bưu điện chưa bao giờ trình Hội đồng bộ trưởng quy họạch khu cư xá thì làm sao có thể kết luận Công ty đã không căn cứ vào ý kiến của Hội đồng bộ trưởng để làm thủ tục tiếp theo! Rõ ràng Giám định viên mắc chứng bệnh hoang tưởng, tưởng tượng ra một điều gì đó rồi tin là có thật trong thực tế!
Tóm lại, nếu quy hoạch khu cư xá đã không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà ở đây là Hội đồng bộ trưởng theo quan điểm của Giám định viên – Bộ Tài nguyên và Môi trường, xét duyệt thì đó là lỗi của Tổng cục bưu điện do đã không trình Hội đồng bộ trưởng và lỗi của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh do đã không hướng dẫn Tổng cục bưu điện trình Hội đồng bộ trưởng sau khi nhận được đơn xin công nhận quyền sử dụng đất của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II kèm theo Luận chứng khu cư xá đã được Tổng cục bưu điện xét duyệt chứ không thể là lỗi của Công ty.
Về phần mình, Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đã làm hết trách nhiệm của mình để được giao đất làm khu cư xá cho cán bộ, công nhân viên Công ty. Cụ thể như sau:
  • Căn cứ Quyết định số 891/KTTKTC ngày 16/12/1990 do Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam Nguyễn Hữu Bản ký thay Tổng Giám đốc cho phép thanh lý khu cư xá có từ trước 1975 do Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II quản lý và sử dụng, ngày 10/6/1991, Giám đốc Công ty Hồ Trọng Hiếu đã gửi Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam Công văn số 84/PTTH đề xuất chuyển khu cư xá ra sát tuờng rào Đài nhằm tạo điều kiện ăn ở cho cán bộ, công nhân viên đồng thời tạo vành đai bảo vệ Đài. Ngày 29/7/1991, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam Hoàng Bạn đã ký thay Tổng giám đốc phê duyệt đề xuất trên vào bản đồ địa giới đính kèm Công văn số 84/PTTH.
  • Ngày 30/2/1992, Giám đốc Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II Hồ Trọng Hiếu gửi Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh Công văn số 20/92/CV- PTTH đề nghị giải quyết một số thủ tục cần thiết cho việc quy hoạch lại khu cư xá Quán tre.
  • Ngày 14/8/1992, Giám đốc Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II Hồ Trọng Hiếu gửi Tổng Công ty bưu chính viễn thông Việt Nam Tờ trình đề nghị phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật “Khu cư xá Trung tâm phát sóng Quán Tre” có diện tích đất 15.935m2 được chia thành lô do Viện thiết kế xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh lập và được Phó Tổng giám đốc Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam Đặng Đình Lâm ký thay Tổng giám đốc phê duyệt.
  • Ngày 12/12/1992, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực ký quyết định số 163/TCBĐ “cho phép Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II được quy hoạch khu cư xá Quán Tre theo Luận chứng” và “giao cho Giám đốc Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II được sắp xếp lại khu cư xá Quán tre để ổn định chỗ ăn ở cho CBCNV, đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ”.
  • Ngày 20/3/1998, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Huỳnh Ngọc Ấn đã ký thay Tổng giám đốc Công văn số 351/ĐPT gửi Sở Địa chính thành phố Hồ Chí Minh thông báo Đài phát sóng phát thanh Quán tre được tiếp tục quy hoạch theo Luận chứng đã được phê duyệt tại Quyết định số 163/TCBĐ của Tổng cục trưởng Tổng cục bưu điện và giao cho giám đốc Đài được tiếp tục sắp xếp lại khu cư xá.
  • Căn cứ Công văn của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đề nghị công nhận quyền sử dụng đất của Công ty để làm khu cư xá Quán Tre theo Luận chứng đã được Tổng Công ty bưu chính viễn thông và tiếp đó Tổng cục bưu điện phê duyệt, ngày 29/01/1993, Trưởng Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Phú Sang, thừa uỷ quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 255/QĐ-UB “V/v Uỷ quyền cho Trưởng Ban quản lý ruộng đất Thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đã ký Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng 1,5219 ha đất chuyên dùng của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II. Như vậy, diện tích được Ban quản lý ruộng đất Thành phố công nhận để làm khu cư xá là ít hơn so với Luận chứng kinh tế – kỹ thuật (1,5935 ha) và so với diện tích khu cư xá cũ (1,8700 ha).
2. Ông Hồ Trọng Hiếu có thẩm quyền cấp đất cho cán bộ, công nhân viên để làm nhà ở theo Luận chứng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt .
Như đã đề cập, Cáo trạng nêu Kết luận của Giám định viên – Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định thu hồi một phần diện tích đất do Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II đang quản lý, sử dụng để giao cho các hộ”. Thế nhưng kết luận này hoàn toàn không có căn cứ pháp luật. Thực vậy, Khoản 3 Điều 13 Luật đất đai quy định:
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương có thẩm quyền quyết định:
a) Giao đất cho các tổ chức kinh tế quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp;
b) Giao đất để sử dụng vào mục đích khác không phải sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong phạm vi sau đây:
Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 2 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình không theo tuyến.
Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 5 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình theo tuyến.
c) Giao đất chuyên dùng để sử dụng vào mục đích chuyên dùng, trừ đất thuộc vùng lãnh hải.
d) Xét duyệt kế hoạch giao đất khu dân cư nông thôn để nhân dân làm nhà ở theo định mức hàng năm đã được Hội đồng bộ trưởng xét duyệt cho mỗi loại xã.
đ) Giao đất khu dân cư thuộc nội thành nội thị theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Như vậy, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thẩm quyền giao “đất khu dân cư”, tức giao đất để làm khu dân cư theo quy hoạch, chứ không có thẩm quyền giao đất cho các hộ dân như kết luận của Giám định viên, đồng nghĩa thẩm quyền này thuộc về cơ quan, tổ chức được giao “đất khu dân cư”.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 30/HĐBT ngày 23/3/1989 “Về việc thi hành Luật đất đai” của Hội đồng bộ trưởng quy định: “Cấp nào có thẩm quyền ra quyết định giao đất thì cấp đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do đó, việc Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh thừa uỷ quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 255/QĐ-UB ngày 18/7/1991của UBND thành phố Hồ Chí Minh “V/v Uỷ quyền cho Trưởng Ban quản lý ruộng đất Thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh) ra Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ ngày 29/01/1993 công nhận quyền sử dụng đất của Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II đối với 1,5219 ha đất chứng tỏ diện tích đất này đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, chứ không phải vẫn chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao để từ đó kết luận một cách sai trái là ông Hồ Trọng Hiếu với tư cách Giám đốc Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II đã “giao” đất không đúng thẩm quyền khi ra các quyết định cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của Công ty!
Vấn đề còn lại là Giám đốc Hồ Trọng Hiếu có quyền ra quyết định cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của Công ty hay không. Như trên đã đề cập, Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh giao cho Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II 1,5219 ha đất là để làm khu cư xá theo Luận chứng đã được cơ quan chủ quản của Công ty xét duyệt (Bản đồ giải thửa đính kèm Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ thể hiện 04 khu đất: A,B,C,D như trong Luận chứng). Vì vậy, Công ty phải có nghĩa vụ thực thi Luận chứng bằng cách cấp hay phân đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Công ty trong phạm vi 1,5219 ha đất được giao. Nói cách khác, nếu Công ty không có quyền cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Công ty thì khu cư xá không thể hình thành và trong trường hợp đó mục đích giao đất không thể đạt được. Cũng cần khẳng định rằng ngoài Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II không ai có quyền cấp đất cho cán bộ, công nhân viên của Công ty để làm nhà ở, kể cả cơ quan chủ quản là Tổng cục bưu điện hay Đài Tiếng nói Việt Nam, vì Công ty là chủ sở hữu duy nhất quyền sử dụng 1,5219 ha đất được giao theo Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, Giám đốc Hồ Trọng Hiếu với tư cách đại diện hợp pháp của Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II là người có thẩm quyền ra quyết định cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Công ty theo Luận chứng. Tuy nhiên, Giám đốc Hồ Trọng Hiếu không tuỳ tiện cấp đất mà căn cứ theo “Danh sách cán bộ, công nhân viên được cấp đất tại khu cư xá mới Đài Quán tre” đã được Hội đồng phân phối đất của Đài phát thanh phát sóng Quán Tre (Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II trước đây) và Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phê duyệt ngày 25/6/1993 (Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Huỳnh Ngọc Ấn đã ký thay Tổng giám đốc).
Cáo trạng nêu: “Ngày 22/4/1996 (Cáo trạng viết sai là 24/4/1006) Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 245/TTg Về tổ chức thực hiện một số vấn đề cấp bách trong quản lý, sử dụng đất của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định: “Nghiêm cấm các tổ chức tự chia đất cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở…”. Hồ Trọng Hiếu biết quy định trên nhưng ngày 12/01/1997 Hiếu tiếp tục ký 06 quyết định cấp đất đợt 03 cho 06 cán bộ, công nhân viên”. Cáo buộc này hoàn toàn sai trái vì nguyên tắc của pháp luật là “bất hồi tố”, điều này có nghĩa Chỉ thị số 245/TTg chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm ban hành trở đi trong khi căn cứ pháp luật mà ông Hiếu dựa vào để tiếp tục cấp đất cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở là Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ ngày 29/01/1993 của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh. Việc Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Huỳnh Ngọc Ấn đã ký thay Tổng giám đốc Công văn số 351/ĐPT ngày 20/3/1998, gửi Sở Địa chính thành phố Hồ Chí Minh thông báo Đài phát sóng phát thanh Quán tre được tiếp tục quy hoạch theo Luận chứng đã được phê duyệt tại Quyết định số 163/TCBĐ của Tổng cục trưởng Tổng cục bưu điện và giao cho giám đốc Đài được tiếp tục sắp xếp lại khu cư xá càng khẳng định việc cấp đất của ông Hồ Trọng Hiếu là đúng đắn.
Tóm lại, việc Giám đốc Hồ Trọng Hiếu cấp đất để làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Công ty hoàn toàn phù hợp với mục đích sử dụng đất là làm khu cư xá được xác định tại Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ ngày 29/01/1993 của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh. Nói cách khác, muốn bác bỏ thẩm quyền cấp đất của Giám đốc Hồ Trọng Hiếu thì không thể không bác bỏ trước hết thẩm quyền giao đất của Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh, điều mà Cáo trạng không những không làm mà còn khẳng định qua việc thừa nhận tính hợp pháp của Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ.
Ngoài ra, một khi Cơ quan CSĐT và Viện kiểm sát kết luận ông Hồ Trọng Hiếu đã cấp (giao) đất không đúng thẩm quyền, trái pháp luật thì các cơ quan tiến hành tố tụng này nhất thiết phải đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất này theo Khoản 7 Điều 14 Luật đât đai (Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Luật này). Do đó, việc không có bất cứ đề nghị nào thu hồi đất cấp không đúng thẩm quyền trong Kết luận điều tra lẫn trong Cáo trạng chỉ có thể chứng minh ngược lại là ông Hồ Trọng Hiếu đã cấp đất đúng thẩm quyền.
3. Đất giao cho Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II không phải là “đất chuyên dùng”
Đến đây cần phải khẳng định rằng Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh đã sai khi xác định đất giao cho Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II là loại “đất chuyên dùng” thay vì “đất khu dân cư” hay “đất ở”. Thực vậy, Khoản 3 Điều 12 Luật đất đai năm 1987 quy định: “Việc quyết định giao đất phải căn cứ vào yêu cầu sử dụng đất đai ghi trong luận chứng kinh tế – kỹ thuật và trong thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”, điều này có nghĩa Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể giao “đất khu dân cư” hay “đất ở” chứ không thể giao “đất chuyên dùng” cho Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II vì yêu cầu sử dụng đất đai ghi trong Luận chứng kinh tế – kỹ thuật của Công ty là làm khu cư xá. Còn nói Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh khi xác định “đất chuyên dùng” là căn cứ vào thực trạng sử dụng đất thì cũng sai nốt vì theo bản đồ địa chính 299/TTg tại thời điểm Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ, khu đất của Đài Quán tre thuộc thửa 43 tờ bản đồ số 2 xã Đông Hưng Thuận loại đất “T”, nghĩa là “Thổ cư” – đất ở (Báo cáo số 163/BC-UBND –BBT ngày 28/11/2006 của UBND Quận 12). UBND thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 1845/UBND-PCNC ngày 25/4/2009 v/v sử dụng đất của 77 hộ dân tại Đài phát sóng phát thanh Quán tre, quận 12 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khẳng định: “Ngày 29 tháng 01 năm 1993, Ban quản lý ruộng đất thành phố có Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ, công nhận quyền sử dụng đất của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II với diện tích 1,5219 ha đất đối với phần đất quy hoạch Khu cư xá cán bộ, công nhân viên…Tiếp theo, Giám đốc Đài phát sóng phát thanh Quán Tre đã ra quyết định cấp đất cho cán bộ công nhân viên của Đài làm nhà ở, trong đó có một phần diện tích nằm trong Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ và Đơn vị có công văn xin công nhận quyền sử dụng đá ở cho các cá nhân sử dụng đất ở. Ban quản lý ruộng đất đã cử nhân viên xem xét hồ sơ và kiểm tra thực tế “ghi nhận đó là đất ở” nên đã ký các quyết định chứng nhận quyền sử dụng đất theo đề nghị cho 2 cá nhân gồm: Quyết định số 683/QĐ-ĐĐ ngày 01/7/1993 cấp cho ông Nguyễn Văn Tư, được quyền sử dụng khu đất diện tích 120m2, nhằm thửa 1511 tờ bản đồ số 2 (theo tài liệu 299/TTg), loại đất: Thổ cư; Quyết định số 695/QĐ-ĐĐ ngày 01/7/1993 cấp cho ông Hồ Trọng Hiếu, được quyền sử dụng khu đất diện tích 375 m2, nhằm thửa 1510 tờ bản đồ số 2 (theo tài liệu 299/TTg), loại đất: Thổ cư”.
Tóm lại, cho đến thời điểm Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng đất của Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II, không có bất cứ văn bản pháp lý nào xác định khu đất do Công ty quản lý và sử dụng là “đất chuyên dùng” mà chỉ có bản đồ địa chính lập theo Quyết định 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ của xã Đông Hưng Thuận xác định khu đất đó là “thổ cư” tức “đất ở”. Kết hợp với mục đích của Quyết định số 90/QĐ-ĐĐ là giao Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II 1,5219 ha đất để làm khu cư xá theo Luận chứng đã được cơ quan chủ quản của Công ty xét duyệt thì đất được giao cho Công ty phải là “đất khu dân cư” hay “đất ở” chứ không thể là “đất chuyên dùng”.
Việc Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh đã xác định sai loại đất giao cho Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình II rất có thể bắt nguồn từ ngộ nhận rằng đất giao cho cơ quan, tổ chức phải là “đất chuyên dùng” bất luận mục đích sử dụng.
Kết luận lại, ông Hồ Trọng Hiếu hoàn toàn có thẩm quyền cấp đất cho cán bộ, công nhân viên để làm nhà ở theo Luận chứng đã được cơ quan chủ quản xét duyệt và đất mà Ban quản lý ruộng đất thành phố Hồ Chí Minh giao theo thẩm quyền cho Công ty Kỹ thuật phát thanh và truyền hình II không phải là “đất chuyên dùng”. Do đó việc Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát đã khởi tố và truy tố ông Hồ Trọng Hiếu về “Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo Điều 282 Bộ Luật hình sự do đã có hành vi “cấp đất không đúng thẩm quyền” và hành vi “cấp đất “chuyên dùng” cho cán bộ, công nhân viên Công ty để làm nhà ở” là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.
Ngoài ra, cứ theo Cáo trạng thì ông Hồ Trọng Hiếu đã cùng các ông Cao Xuân Thăng và Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc đã xét duyệt và quyết định cấp trái pháp luật 14.388,8m2 đất “chuyên dùng” cho 77 hộ dân làm nhà ở trong khu vực Đài PSPT Quán Tre và hành vi nêu trên đã gây hậu quả Nhà nước phải chi trả đền bù khi thu hồi diện tích đất 3.531,6m2 cho 15 hộ dân Đài PSPT Quán Tre số tiền 7.260.814.800 đồng. Giả thiết lời buộc tội của Viện kiểm sát là đúng thì Nhà nước bắt buộc phải thu hồi toàn bộ 14.388,8m2 đất của 77 hộ dân chứ không chỉ là 3.531,6m2 của 15 hộ dân! Chính mâu thuẫn nổi cộm này tự nó đã chứng minh việc truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hồ Trọng Hiếu và hai cán bộ thuộc quyền là hoàn toàn phi lý, hoàn toàn trái pháp luật!
Ngay việc điều tra kéo dài suốt 5 năm, từ tháng 5/2005, với 3 lần kết luận điều tra bị Viện kiểm sát trả lại và 01 lần thay đổi tội danh, từ “Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 281 BLHS sang “Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ” cũng đã đủ cho thấy không có sự việc ông Hồ Trọng Hiếu và hai cán bộ thuộc quyền phạm tội. Do đó, việc các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ông Hồ Trọng Hiếu và hai cán bộ thuộc quyền ra xét xử không gì khác hơn là nhằm trốn tránh trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội!
Nguyên tắc của Pháp luật là không được truy cứu trách nhiệm hình sự người vô tội. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đình chỉ ngay vụ án hình sự đối với ông Hồ Trọng Hiếu và hai cán bộ thuộc quyền vì không có sự việc ông Hồ Trọng Hiếu và hai người này phạm “Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ”!
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà
Trưởng VPLS CÙ HUY HÀ VŨ
ĐT: (04) 39902269; 0983345392
Fax: (04) 8435793
Email: havulaw@yahoo.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn