Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông tại Hoa Kỳ

VOA

Một cuộc hội thảo ‘mang tính học thuật’ bàn về tranh chấp lãnh hải ở biển Đông đã được Trung tâm Văn hóa, Xã hội và Triết học Việt Nam thuộc Đại học Temple tổ chức hôm 25 tháng 3 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Tin cho hay, có khoảng 100 người tham dự cuộc hội thảo có tên gọi ‘Các tuyên bố chủ quyền trái ngược đối với biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông)’, với các diễn giả là các chuyên gia người bản xứ và người Hoa Kỳ gốc Việt.
Được biết, trong số những người đọc tham luận có các chuyên gia từ Việt Nam cũng như đại diện từ Ủy ban Biên giới Quốc gia và Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Trả lời VOA Việt ngữ hôm 25 tháng 3, ông Nguyễn Nhã, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho biết bài tham luận của ông tại hội thảo đã đề cập một vấn đề thời sự liên quan tới việc Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ gần đây, ghi chú chữ China (Trung Quốc) ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới do họ phát hành.
Ông Nhã cho biết: “Nhân vụ việc của Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ gây phản ứng ở Việt Nam, tôi cho rằng những cơ quan học thuật đó do sự thiếu thông tin, cho nên dẫn tới những sự kiện không đúng. Tôi nghĩ hội thảo này phải làm tốt để cho những cơ quan nghiên cứu ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, biết rõ sự thực về chủ quyền của Việt Nam như thế nào”.

Trong một ngày hội thảo, các học giả đã thảo luận một loạt các vấn đề như vị thế địa chiến lược của Biển Đông, các vấn đề an ninh liên quan tới khu vực này, nhất là những mối đe dọa an ninh đối với Việt Nam, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể.
Khi được hỏi về chính sách theo đuổi cách tiếp cận đa phương hóa đối với vấn đề Biển Đông của Việt Nam, ông Nhã nói rằng Hà Nội ‘không có cách nào khác’.
Ông Nhã nói: “Một nước ở thế yếu như Việt Nam thì không thể làm gì khác hơn. Và tôi nghĩ rằng cơ may gần đây đã xuất hiện từ việc Trung Quốc đăng ký thềm lục địa mở rộng là đường lưỡi bò cũng như việc Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã hiểu không đúng. Tôi nghĩ đó là điều may cho Việt Nam bởi vì có như vậy thì giới học thuật và mọi người sẽ quan tâm tới sự thực, đến các vấn đề học thuật hơn.
Như mọi người đã biết, Trung Quốc không dựa vào bất kỳ cơ sở về lịch sử hay pháp lý hay quốc tế nào, mà họ dựa vào sức mạnh và cái lý của kẻ mạnh thôi. Họ nói và bắt buộc mọi người phải nghe thôi, chứ không phải sự thực của vấn đề. Khi Trung Quốc đăng ký đường lưỡi bò ở thềm lục địa thì không thể tránh được là các nước có liên quan quan tâm tới.
Tôi nghĩ là dù Trung Quốc có phản ứng như thế nào thì cái vấn đề mọi người quan tâm tới, hay nói cách khác là vấn đề quốc tế hóa, sẽ xảy ra thôi. Căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng và gây căng thẳng trên thế giới cũng như đụng chạm tới quyền lợi của rất nhiều các nước xung quanh đó cũng như các nước liên quan tới Biển Đông”.
Hồi cuối năm ngoái, một cuộc hội thảo về Biển Đông đã diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu vấn đề này trên khắp thế giới.
Mới đây, China Daily, tờ nhật báo chính thống của Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đang quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông cũng như cho rằng ‘động cơ chính trị này của Việt Nam sẽ thất bại’.
Bản thân chuyên gia Nguyễn Nhã cho rằng những cuộc hội thảo như vậy ở Việt Nam cũng như tại các nước khác là điều cần làm nhằm vận động sự ủng hộ của quốc tế.
Ông Nhã nhận xét: “Tôi nghĩ là điều này rất cần thiết. Mà nếu hội thảo làm được, thì đó là thành công của giới học thuật. Theo tôi, nếu mà đi vào vấn đề học thuật, thì sự thực như thế nào thì càng rõ ra. Và không phải mình đứng về phía chỉ Việt Nam, mà tôi nghĩ rằng đứng về phía lẽ phải và đến sự thực. Tôi nghĩ rằng càng có nhiều hội thảo như thế này thì sự thực được ủng hộ hơn và dĩ nhiên Việt Nam có lợi hơn”.
Nguồn: VOA’s Interview

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn