Một vài thắc mắc

Lâm Dinh
Những điều ông Lâm Dinh thắc mắc dưới đây cũng là những vấn đề mà trong nhiều Lời đề dẫn, BVN đã đặt ra như những mối ưu tư, những lời cảnh báo, nhằm gợi ý Nhà nước tìm kiếm giải pháp triệt để cho chúng, hoặc có một cách nhận thức trở lại thực sự cầu thị hơn, để dân chúng yên lòng. Nay ông Lâm Dinh nhấn sâu vào những thắc mắc ấy, chứng tỏ đây là những vấn nạn có thực, không thể cứ làm ngơ coi như không có. Một thái độ im lặng như lâu nay của các cơ quan hữu trách thiết tưởng chỉ là sự đối phó tiêu cực mà tuy không ai nói ra nhưng cũng không ai cấm được người ta nghĩ. Như thế thử hỏi có hay gì, xét cả về tâm lý cũng như thực tiễn?

Bauxite Việt Nam


Gần đây, tôi có đọc qua một số bài báo liên quan đến tình hình đất nước và có một vài thắc mắc. Tôi kém trí nên không thể nào tự trả lời những câu hỏi này được. Nay tôi viết thư này kính mong quý độc giả của BVN giúp tôi tìm lời giải đáp.

Thắc mắc thứ nhất. Theo lời của ông Bùi Quang Tiến trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ vào ngày 26-02-2010 và BVN có đăng lại [1] thì hồ chứa bùn đỏ có khả năng chống động đất 7 độ Richter. Xin được trích lại sau đây.

[… Hồ chứa này được thiết kế có khả năng chịu được động đất 7 độ Richter, mặc dù theo dự báo vùng này chỉ có thể xảy ra động đất 5 độ Richter…]

Trận động đất 7.3 độ Richter ở Haiti đã gây ra những thảm kịch kinh hoàng. Hình ảnh những nhà cao tầng bị tàn phá khiến con người phải rùng mình sợ hãi trước thảm họa của thiên nhiên.

Vậy thì cái hồ bùn đỏ lấy đất sét nện làm nền và hai lớp vải địa kỹ thuật là gì mà có thể chịu nổi động đất 7 độ Richter? Đến như những nước có nền khoa học kỹ thuật cao như Mỹ, Nhật mà còn bó tay trước những trận động đất 7 độ Richter trở lên kia mà.


Hay như Trung Quốc, nơi có các công ty rồi đây sẽ cung cấp công nghệ tiên tiến để giúp Việt Nam khai thác bauxite (theo như sự tin tưởng của TKV và nhiều quan chức Chính phủ Việt Nam) cũng là nước gánh chịu những hậu quả nặng nề từ trong trận động đất ở Tứ Xuyên cách đây vài năm.

Như vậy chỉ có thể hiểu như sau. Một là Việt Nam đã có những phát minh vĩ đại trong kỹ thuật xây dựng để chống động đất. Hai là ông Bùi Quang Tiến nói “nhầm”. Vâng. “NHẦM”. Một căn bệnh nan y mới xuất hiện tại Việt Nam gần đây không lâu. Từ nhầm đánh máy để nhận giặc làm cha trong vụ biển đảo. Từ nhầm cô thư ký để công nhận công ơn của kẻ giết hại môi trường. Và gần đây nhất là “nhầm bản thảo” khi bị phê phán có sự phân biệt trong đối xử Công –Tư!

Thắc mắc thứ hai. Phần cuối của bài báo trên có trích dẫn lời lãnh đạo TKV đề nghị cho phép chủ đầu tư thuê đất dài hạn là 70 năm.

[……..Hội đồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho phép áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư, điều chỉnh chính sách thuế, phí hợp lý nhằm bảo đảm cho dự án có hiệu quả vững chắc. Cụ thể, cho phép chủ đầu tư thuê đất với thời hạn tối đa theo quy định là 70 năm và được miễn thuế thuê đất đối với diện tích chiếm đất cố định trong suốt thời hạn thuê, đồng thời cho phép vay một phần vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước….]

Lại thuê đất. Theo những bài báo đã đưa từ trước thì TKV là chủ đầu tư của các dự án khai thác bauxite vì “Chính phủ không (chưa) chủ trương bán cổ phần cho nước ngoài”! TKV là của Chính phủ. Toàn bộ đất đai lãnh thổ Việt Nam cũng là của Nhà nước và cũng là của Chính phủ. Vậy Chính phủ tự đi thuê đất của Chính phủ thì nghe có lạ hay không?

Người tiền nhiệm của ông Lê Dương Quang là ông cựu Kiển (hay còn gọi là ông 50/50) đã từng tuyên bố xanh rờn rằng:

- Nếu không lời “người ta” đã không cho vay. Nên nhớ, chúng tôi (TKV) đi vay mà không cần Chính phủ bảo lãnh!

Có phải vì TKV đi vay mà không có “bảo lãnh” nên giờ đây TKV phải đề nghị cho chủ đầu tư vay dài hạn là 70 năm? Một thời gian quá dài đủ để thay đổi nhiều thế hệ con cháu Việt Nam?

Thắc mắc thứ ba. Trước quan ngại của các bậc lão thành như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Giới chức các địa phương đã biện luận như sau qua lời của Phóng viên Thu Hà:

[- Giới chức địa phương khi được phỏng vấn đã bác bỏ quan ngại với lý do các dự án đều đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư….] [2]

Vậy thì, chỉ cần “các dự án đã được cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích của cộng đồng dân cư” thì từ nay ai muốn thuê ở đâu hoặc giả như có ai đó nói rằng nên cho một “nước lạ” nào đó thuê hết Việt Nam cũng được hay sao? Vì cho thuê 300 ngàn hecta và vài triệu hecta hay toàn lãnh thổ có khác gì nhau? Miễn là “đã cân nhắc và có lợi” là được?

Ngoài ra, cho thuê đã có lợi thì bán cũng có lợi. Từ “thuê” qua “bán” không cách nhau bao xa. Miễn có lợi là được.

Kính mong BVN và quý Độc giả của BVN tha thứ vì đã làm phiền vì những thắc mắc lẩn thẩn này.

LD

[1] boxitvn.blogspot.com

[2] boxitvn.blogspot.com

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn