Vấn đề “nhạy cảm” hay là sự né tránh trách nhiệm?

Thảo Lam - Cao Nhật

Bài viết của ông Mai Liêm Trực gây hứng thú cho nhiều người, vì thế trong nhóm khởi xướng BVN xuất hiện hai tiếng nói bình luận. Xin đăng cùng cả hai để bạn đọc chọn lựa.

Bình luận thứ nhất

Phải thừa nhận rằng bài trả lời phỏng vấn của ông Mai Liêm Trực vừa sắc sảo vừa trung thực. Áp dụng công thức nhân dân thường dùng A (nhưng mà + ưu điểm), ta có như sau: “Đảng viên Thứ trưởng (+ nhưng mà) trung thực và sắc sảo.


Sở dĩ phải nói trước như vậy, vì trên các diễn đàn “theo lề bên phải” và cả loại giả vờ “theo lề bên trái” – chứ không thong dong đi giữa lòng đường – có thể thấy những kiểu phát ngôn của những nhân vật sắp về hưu hoặc mới về hưu rất đáng cho các nhà xã hội học đưa vào bộ nhớ, để một ngày không xa vào lúc nào đó sẽ đem ra phân tích.


Phát ngôn của các đồng chí này chia thành ba kiểu.


Một kiểu rất trung thực nói gì chắc nịch điều đó, và lời nói kiểm chứng được vì cố gắng hòa hợp với việc làm, hễ không làm được thì không nói. Thuộc loại này, thậm chí có người tên tuổi được nhân dân truyền tụng và yêu quý; người ta yêu từ cái vóc người đến khuôn mặt, nhớ cả cặp lông mày hảo hán, nhất hạng yêu họ là những ai thua thiệt đau khổ trong chuyện đất đai.


Một kiểu phát ngôn thứ hai thuộc dạng véo von, mở miệng là “thời cơ vàng” và rủ rê bà con theo dõi Rồng rồi Hổ nhào lộn. Có đồng chí còn đem cả Khổng Tử ra nhai lại, ra vẻ có học thức, đâu phải hạng chạy chức chạy quyền. Nhiều đồng chí vội vã sơ kết tổng kết quãng đời hoạt động trên các diễn đàn, chứng minh tấm lòng son sắt với dân, bóng gió xa xôi cơ chế, nhưng cũng thủ sẵn một chức vụ ở một Trường kia, ở một Hội nọ, ở một Công ty ấy… cốt sao bảo đảm có cả diễn đàn lẫn thu nhập sau khi về hưu.


Một kiểu thứ ba phát ngôn bằng việc làm, xin hiểu “việc làm” là như sau: chẳng nói chẳng rằng, suốt ngày tá lả, phỉnh phò, ngoài những dịp bị mời mọc buộc phải xênh xang áo quần xuất hiện trước ống kính ti vi, còn lại là thời gian của im lặng tiêu hóa cho hết những kinh nghiệm công tác cách mạng bằng vàng ròng đã tích lũy được trong khi đương quyền đương chức. Loại thứ ba này chỉ có một phát ngôn được chính các đồng chí đó tổng kết thành ba chữ MA KÊ NÔ mà chẳng cần diễn giải, ai ai cũng biết!


Điểm lại như thế mới thấy ông Mai Liêm Trực thật đáng yêu. Vì những ý tưởng và cách diễn đạt của ông khiến ai đọc cũng thấy sâu sắc và trung thực.


Nhưng chỉ xin hỏi ông một điều: làm cách gì cho các đồng chí của ông lắng nghe và nghiên cứu những điều ông chân tình góp ý? Và ông sẽ làm gì khi vấp phải sự bướng bỉnh của đá tảng, những hòn đá không những có tư duy theo lề bên phải, những hòn đá có lý luận – tất nhiên là giáo điều xơ cứng – mà còn có cả tài khoản gửi ở tận những đẩu những đâu?


Dẫu sao đó vẫn là bài toán khó cho cả ông, cho những người trung thực và sắc sảo như ông, và cho cả những trang mạng như BVN.

Bình luận thứ hai

Với bản thân ông Mai Liêm Trực, người đã có những đột phá trong việc mở đường thông thoáng cho interrnet ở Việt Nam, BVN không thấy có điều gì để phải chê trách, và ý kiến của ông, xét ra cũng có không ít điều khả thủ, và bạo nữa. Tuy vậy, nhìn tổng thể thì dường như, cũng giống với những quan chức đã hưu trí, ông vẫn nói theo quán tính ở trong đầu chứ không đếm xỉa một cách sát sườn đến thực tế nóng bỏng quanh ông. Chẳng hạn, ông nói: “Lãnh đạo không phải chỉ để cởi trói, lãnh đạo không chỉ cố gắng quản lý theo kịp yêu cầu phát triển mà lãnh đạo ở giai đoạn này phải với tư duy thúc đẩy phát triển”. Ông nói hay đến thế thì lãnh đạo nào mà chẳng ưa. Nhưng nếu ông quan sát mọi việc một cách thực sự cầu thị hơn thì có lẽ mệnh đề cần đặt ra trong năm 2009 vừa qua cho người lãnh đạo là: “Lãnh đạo không phải chỉ để trói người, cũng không phải chỉ cố gắng quản lý theo đòi hỏi tự tung tự tác của các tập đoàn lợi ích chỉ biết tiêu lạm tài sản công mà làm ăn thua lỗ, càng không phải chỉ buông trôi cho các ông trời con của địa phương tha hồ xé nát kỷ cương phép nước, muốn làm giàu bằng cách nào thì làm, mà lãnh đạo cần tuân thủ những bộ luật nghiêm minh, được xây dựng trên lợi ích thật sự của nhân dân và Tổ quốc”. Nói thế tuy có phật ý lãnh đạo đấy nhưng chắc chắn là có ích hơn nhiều cho cái gọi là xây dựng một đề án thiết thực tiến tới Đại hội Đảng CSVN kỳ này.


Ấy là chúng tôi chỉ dám góp ý với ông bằng cách đói chiếu giữa những điều ông luận giải nghe có vẻ rất hay với những gì diễn ra trong đời sống hiện thực một năm qua mà chúng tôi nắm được. Còn những việc đoán già đoán non rằng Đảng CSVN sẽ kỷ niêm 100 tuổi với những cái đầu ngẩng cao như thế nào trước thế giới thì đấy lại là chuyện của thầy tướng số, mà chúng tôi vốn không tin tướng số một mảy may nên xin không lạm bàn. Chúng tôi chỉ lo, với cái bệnh “đồng huyết” hoặc “cận huyết” như hiện nay trong việc kế thừa ngôi vị, thì một thầy tướng giỏi sẽ phải đoán rằng không chóng thì chầy một tấn kịch “Ê Đíp làm vua” cũng xẩy ra thôi ông ạ. Cứ chờ đấy rồi xem.

Bauxite Việt Nam

Ông Mai Liêm Trực. Ảnh: Lê Anh Dũng



“Đừng lạm dụng từ “nhạy cảm” để né tránh những trọng trách đất nước đang đặt lên vai của Đảng” – ý kiến của TS. Mai Liêm Trực.

LTS: Bàn về việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng XI sắp tới, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông nói điều băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để các văn kiện Đại hội sắp tới có thể thực sự tiếp nhận được trí tuệ của mọi tầng lớp xã hội chứ không phải làm chiếu lệ, hình thức. Đừng lạm dụng từ “nhạy cảm” hay để lại vấn đề bức xúc cho nhiệm kỳ sau để né tránh những trọng trách đất nước đang đặt lên vai Đảng.

Hỏi dân một cách hình thức là vô trách nhiệm với dân tộc

- Một nội dung quan trọng trong Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn về việc xây dựng các văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã “đặt hàng” báo chí chắt lọc, phản ánh những ý kiến đóng góp của người dân cho Đảng. Cá nhân ông kỳ vọng gì vào vấn đề này?

- TS. Mai Liêm Trực: Câu hỏi này làm cho tôi nhớ lại sự kiện Đại hội VI cách đây 25 năm. Thời kỳ đó toàn Đảng và cả nước cũng sôi nổi thảo luận để chuẩn bị cho ĐH. Kết quả là các văn kiện cuối cùng của ĐH so với bản dự thảo đã khác nhau rất nhiều.

Nói cách khác là lãnh đạo ở những cấp cao nhất đã đủ dũng khí để nhìn nhận thực tiễn khủng hoảng của đất nước sau 10 năm được thống nhất.

Với những tư duy rất mạnh mẽ như là “Nói thẳng nói thật”, “Đổi mới hay là chết”, đã khơi dậy được ý thức đóng góp của đảng viên và nhân dân để từ đó đưa được những tiếng nói thực tiễn đến các cấp cao nhất mà những cấp cao nhất khi soạn Dự thảo chưa lường hết được những sôi động của thực tiễn và trí tuệ xã hội.

Cần học tấm gương cố Tổng bí thư Trường Chinh, ông vốn là người khá nguyên tắc, cứng nhắc, kinh viện, nhưng với cái tâm với dân tộc, với trách nhiệm với Tổ quốc, ông đã lắng nghe từ thực tế cuộc sống để mà thay đổi, để quyết liệt đổi mới.

Chính những điều đó đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của dân tộc chúng ta trong 25 năm đổi mới vừa qua.

Tôi hy vọng là Đại hội lần này sẽ có nhiều những thảo luận sôi động để mỗi người với trí tuệ và khả năng của mình được đóng góp cho việc xây dựng đường lối, chính sách đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

“Năm 1945 chỉ có 5000 Đảng viên, Đảng ta giành chính quyền, rồi lãnh đạo đất nước trong muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, mà nay cả 3 triệu Đảng viên, là chính Đảng duy nhất nắm quyền, lãnh đạo đất nước đang có những bước đi lên thì sao lại phải sợ, phải né tránh những vấn đề gọi là “nhạy cảm”?”

Sau 25 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành công. Chúng ta tự hào với điều đó nhưng khi nhìn lại thì cảm thấy vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.

Trăn trở lớn nhất là chúng ta có thể làm tốt hơn vì tiềm năng trong đất nước của chúng ta vẫn còn rất lớn. Làm sao và bằng cách nào khai phóng mọi nguồn lực để bứt phá trong giai đoạn phát triển sắp tới là câu hỏi lớn nhất mà thời cuộc đang đặt ra.

Do đó, điều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không? Hay chúng ta chỉ làm chiếu lệ, hình thức, mà biểu hiện là các văn bản dự thảo trước khi lấy ý kiến nhân dân và các văn bản sau khi có ý kiến của nhân dân đóng góp sôi nổi, đầy trách nhiệm mà chả khác là bao.

Làm như vậy là thiếu trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, nếu những cá nhân được giao nhiệm vụ chuẩn bị các văn kiện mà làm như vậy thì cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.



Điều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không? Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhân dân cần được lãnh đạo tôn trọng

- Ông vừa đề cập đến hiện tượng các văn bản dự thảo trước khi lấy ý dân và sau khi có ý kiến của dân đóng góp sôi nổi không khác nhau là mấy. Theo ông, làm thế nào để Đại hội sắp tới khắc phục được tình trạng này?

Để các văn kiện tiếp thu được tất cả những tinh hoa và giá trị của toàn dân tộc thì trước hết những người thực hiện phải có năng lực để mà đưa ra những cách thức thu hút người dân tham gia góp ý cho văn kiện. Mặt khác, những người đó cũng phải có năng lực để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Nhưng tôi có cảm giác rằng hình như việc tổ chức soạn thảo các văn kiện hiện nay vẫn là những đội ngũ đã làm nhiều kỳ các văn kiện trước đây và sức tiếp thu những tư duy mới có vẻ hạn chế.

“Nhiều việc chúng ta cứ đổ lỗi cho cơ chế, phần nào cũng có cái lý của nó nhưng cơ chế là của ai? là của mình tạo ra chứ ai, tại sao chúng ta không thay đổi cơ chế ấy?!”
Tại sao chúng ta không sử dụng những nhân lực trẻ tràn đầy sinh lực, nhựa sống từ thực tiễn cuộc sống hôm nay, cảm nhận được những đòi hỏi và hơi thở của cuộc sống hôm nay?

Khi tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân, chúng ta cần nói rõ ý kiến nào tiếp thu hay không tiếp thu và phải có đối thoại rõ ràng. Những ý kiến nào được tiếp thu, những ý kiến nào chưa thể sử dụng, chưa thể tiếp thu lúc này, nêu rõ nguyên nhân.

Trong khi có bao nhiêu ý kiến tranh cãi thì lãnh đạo phải quyết và công khai đây là ý kiến của tôi, tôi chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.

Nhân dân ta đã đi theo Đảng 80 năm nay, trao quyền lãnh đạo đất nước cho Đảng, hôm nay vẫn đặt niềm tin vào Đảng là chính Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước thì nhân dân phải được tôn trọng, phải được các cấp lãnh đạo đặt niềm tin vào mình.



Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sao phải sợ những vấn đề “nhạy cảm”?

- Có nhiều vấn đề trong các văn kiện Đại hội bấy lâu chúng ta ít được đề cập và bàn bạc vì cho rằng đó là vấn đề “nhạy cảm”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi hơi bị dị ứng với những cụm từ như “nhạy cảm”, “phức tạp” hay “phối hợp”. Những từ đấy rất bình thường nhưng hiện nay đang bị lạm dụng để né tránh.

Cái chữ “nhạy cảm” là né tránh những vấn đề đáng lý phải giải quyết nhưng lại đẩy nó sang một bên hay làm chậm lại việc giải quyết.

Cái chữ “phức tạp” bản chất là do anh không có giải pháp nên anh dùng từ đó để né tránh giải pháp.

Từ “phối hợp” để nói đây là việc của nhiều người, bản chất là để né tránh trách nhiệm,

Lạm dụng những từ nhạy cảm, phối hợp, phức tạp để tránh phải đối diện với những vấn đề bức xúc cần giải quyết là không thể chấp nhận được.

Nhất là trong thời điểm hiện nay thì quyết định chậm cũng là quyết định sai vì chậm là mất thời cơ bứt phá.

Điều này cũng phụ thuộc vào bản lĩnh của người lãnh đạo, nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là cứ nhìn xuống chân ghế thì chẳng làm được gì cả, đất nước này giao cho anh trọng trách như vậy, mất cái gì nữa mà sợ!

Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Cứ nói “nhạy cảm” nhưng ở những cấp cao không ai làm thì ai sẽ làm? Tại sao chúng ta cứ phải né tránh?

Năm 1945 chỉ có 5.000 Đảng viên, Đảng ta giành chính quyền, rồi sau đó lãnh đạo đất nước trong muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, mà nay cả 3 triệu Đảng viên, là chính Đảng duy nhất nắm quyền, lãnh đạo đất nước đang có những bước đi lên như thế này mà sao lại phải sợ, phải né tránh những vấn đề gọi là nhạy cảm?

Nhiều việc chúng ta cứ đổ lỗi cho cơ chế, phần nào cũng có cái lý của nó nhưng cơ chế là của ai? là của mình tạo ra chứ ai, tại sao chúng ta không thay đổi cơ chế ấy?!

Không thể cứ vấn đề bức xúc để lại nhiệm kỳ sau

- Như ông đã nói, chúng ta đã tiến hành công cuộc Đổi mới được gần 25 năm. Đâu là điều mà ông ưu tư cho giai đoạn đổi mới tiếp theo?

“Tôi cho rằng những biện pháp để đất nước phát triển, để bảo vệ chế độ có lẽ nên bằng hình thức xì hơi giải tỏa những bức xúc xã hội, bằng đối thoại dân chủ hơn là siết lại làm cho quả bóng thêm căng”.

Nếu tự so với chúng ta 25 năm trước thì thành tích rất là tuyệt vời nhưng so với một số đất nước cũng trong vòng 20 năm từ một nước rất nghèo nàn, lạc hậu người ta đã thành công và bỏ rất xa chúng ta.

Sau 35 năm thống nhất đất nước, tôi cảm thấy rằng chúng ta vẫn để mất nhiều thời cơ. Chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của đất nước, tài nguyên, truyền thống, trí tuệ và ý chí của dân tộc.

Dân tộc mình đã theo Đảng bao nhiêu năm, Đảng của mình là đảng duy nhất lãnh đạo và xứng đáng với điều ấy. Nhưng đứng về tâm trạng tôi cảm thấy nguy cơ tụt hậu vẫn tiếp tục còn.

Chúng ta đang cố gắng thoát khỏi thân phận một nước nghèo nhưng ngay như bản thân tôi không thể tránh khỏi cảm giác có lỗi khi những ngày gần tết mở cửa ra vẫn thấy những bà mẹ già gánh từng bó rau đi bán, không thể không cảm thấy xấu hổ và sốt ruột khi thấy phụ nữ Việt Nam phải xếp hàng cho đàn ông Hàn Quốc chọn vợ.

Công cuộc Đổi mới của chúng ta có những lúc bị lựng khựng, lúng túng và thường những vấn đề bức xúc cứ để lại nhiệm kỳ sau làm cho sức mạnh của Đảng, của Dân tộc chưa được phát huy hết.

Tôi cho rằng những biện pháp để đất nước phát triển, để bảo vệ chế độ có lẽ nên bằng hình thức xì hơi giải tỏa những bức xúc xã hội, bằng đối thoại dân chủ hơn là siết lại làm cho quả bóng nó thêm căng.

Bằng chính việc dựa vào nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân chúng ta mới có sức mạnh, mới có thể củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.




Lãnh đạo phải chuyển từ tư duy “cởi trói” đến tầm nhìn mở đường


- Vậy ông nghĩ sao về những đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy lãnh đạo quản lý giai đoạn sắp tới để đáp ứng đòi hỏi của thời cuộc?

Vấn đề của giai đoạn hiện nay không phải là giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng như trước mà đây là đây là giai đoạn chúng ta cần phải có tầm nhìn để thúc đẩy phát triển.

Cũng như tư duy trong quản lý internet trước đây có lúc là “Quản lý được đến đâu thì mở đến đó” rồi sau đó được thay bằng tư duy “Quản lý phải theo kịp với yêu cầu của phát triển”.

Nhưng bây giờ, trong những điều kiện của toàn cầu hóa, chúng ta cần tiến thêm một bước nữa đó là “Quản lý phải thúc đẩy phát triển”.

Lãnh đạo không phải chỉ để cởi trói, lãnh đạo không chỉ cố gắng quản lý theo kịp yêu cầu phát triển mà lãnh đạo ở giai đoạn này phải với tư duy thúc đẩy phát triển.

Nó đòi hỏi một tầm nhìn khai đường mở lối, yêu cầu đó cũng đòi hỏi bản lĩnh của các nhà lãnh đạo, đòi hỏi một sự lắng nghe, đòi hỏi một không khí thảo luận dân chủ.

“Lãnh đạo không phải chỉ để cởi trói, lãnh đạo không chỉ cố gắng quản lý theo kịp yêu cầu phát triển mà lãnh đạo ở giai đoạn này phải với tư duy thúc đẩy phát triển.”
Có làm được điều đó thì những tiềm năng của dân tộc mới được phát huy tối đa, và lúc đó những người lãnh đạo lại càng được tôn vinh.

Để làm sao trong 20 năm tới, đến khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, nhìn lại bây giờ chúng ta nói rằng những trí tuệ, tinh hoa trong các tầng lớp nhân dân đã được đón nhận và phát huy. Chúng ta phải nói cái đó một cách dõng dạc vì chúng ta có cơ sở và xứng đáng để làm điều đó.

Tất nhiên chúng ta không được kiêu ngạo, chủ quan nhưng chúng ta có quyền tự hào về những điều đã làm được, ta tự tin nói về kỷ niệm Đảng 100 tuổi.

Có người lo ngại cho rằng nói như vậy có quá viển vông không? Liệu Đảng ta có tồn tại được 10 năm nữa không? Tôi cho rằng chúng ta có niềm tin, có khát vọng, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, chúng ta hoạch định chiến lược, tầm nhìn, hoạch định các bước đi cụ thể, dốc hết tâm lực để thực hiện khát vọng đó.

Chúng ta đã ngẩng cao đầu không khuất phục trước các cuộc xâm lược trong thế kỷ XX và đến lúc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng chúng ta ngẩng cao đầu với thế giới là một đất nước giàu mạnh, văn minh.

Và nếu có cái dũng khí đó thì tất cả những việc đó có gì đâu mà phải sợ, có gì đâu mà thấy nó nhạy cảm quá, có gì đâu mà phức tạp quá.

* Mời quí vị độc giả nghe phần âm thanh tại MULTIMEDIA (bên tay phải, phía trên trang báo).

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông được coi là người mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam.

Mới đây ông đã được CLB Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn là một trong số 10 nhân vật có đóng góp tích cực nhất cho sự phát triển CNTT-TT thập kỷ qua

Chính ông sớm nhận thức ra xu hướng phát triển Internet, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển, với một quan điểm quản lý mang tính đột phá lúc đó là “Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”, thay cho tư duy quản lý cũ là “quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”.

Cho dù từng là Tổng giám đốc của VNPT, song ông là người ủng hộ việc phá bỏ độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Ông cũng là người rất tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới phát triển như Viettel hay S-Fone, phá bỏ thế độc quyền của VNPT trong lĩnh vực này, mang lại sức phát triển mạnh mẽ cho viễn thông Việt Nam trong những năm qua.

Nguồn: tuanvietnam.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn