Anh phân vân với dự án tàu cao tốc

Thanh Bình

clip_image001Tàu cao tốc - đến Anh cũng phải nghĩ. Ảnh: WSJ

Tại sao "tại nước Anh, các ông nghị vẫn tiếp tục cân nhắc với bài toán 45 tỷ USD cho đường tàu dài 480 km"? Và “nước giàu nhất thế giới là Mỹ lại có quan điểm khiêm tốn hơn nhiều về tàu cao tốc”?

Bởi vì với quãng đường dài 500km họ dự tính phải đã chi hết 48 tỷ USD. So với dự kiến đường sắt cao tốc VN hơn 1.500km mà tính toán ra chỉ có 56 tỷ - rẻ dã man! Hôm trước có một bài báo nói rằng toàn tuyến ĐSCTVN thực tế phải hết hơn 100 tỷ USD là ít (là ít đấy thôi chứ chúng tôi vẫn chưa cho con số này là “đinh đóng cột” đâu, có thể gấp đôi hoặc gấp ba kia, dám lắm). Chả lẽ Chinh phủ làm cái trò ma... để lừa QH?

Biết đâu đấy. Cứ xem chỉ số IQ của các vị thì bây giờ tin vào các vị chỉ sợ đổ thóc giống ra xay mất.

Đặng Thị

Khi mà ngay cả Mỹ cũng dè dặt, thì tại Anh dự án đường sắt gần 500 km đang được đưa ra cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng giữa hai mặt lợi ích và chi phí.

Những tháng gần đây, dự án đường sắt nối London với các vùng phía Bắc đang được đưa ra bàn thảo. Theo đó, nếu đi vào thực thi đường sắt này sẽ dài 480 km, nối liền 3 thành phố Birmingham, Manchester và Leeds với thủ đô London theo một mạng lưới hình chữ Y.

Hiện nay, hầu hết những người làm luật ở Anh cảm thấy rằng vì chưa có tàu cao tốc nên họ đang khá lạc hậu với trào lưu của thế giới. Tuy nhiên, trước khi quyết định bỏ phiếu ủng hộ, nước này cần phải cân nhắc giữa mặt lợi và bất lợi. Hồi tháng 3, một báo cáo mang tên "Cuộc cách mạng cao tốc" đã được trình lên Chính phủ Anh để phân tích cả hai khía cạnh này, theo tin từ tờ Wall Street Journal.

Con tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới là tàu Tōkaidō Shinkansen của Nhật, nối hai thành phố Tokyo và Osaka, hoàn thành vào 1964 nhằm kịp phục vụ Thế vận hội mùa hè năm đó. Dù xây từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, tàu Tōkaidō Shinkansen có vận tốc chỉ chậm hơn chút xíu so với tàu ngày nay. Nếu tàu TGV Est của Pháp hiện tại với vận tốc 320km/h thì tàu Shinkansen lúc đó đã chạy tới 200km/h.

Kể từ sau sự kiện đường sắt cao tốc ra đời tại Nhật Bản, trong suốt hàng chục năm sau đó thế giới vẫn khá ngần ngại chưa dám noi gương. Chỉ đến hơn chục năm gần đây, tàu cao tốc mới dần được đón nhận, xuất hiện lần lượt ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại châu Âu, Tây Ban Nha mới đây đã vượt qua Pháp để trở thành nước sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc rộng nhất khu vực. Còn trên phạm vi toàn thế giới, Trung Quốc mới là quán quân.

Cái lợi không thể phủ nhận của tàu cao tốc là tiết kiệm thời gian. Hồi 1964 khi tàu Tōkaidō Shinkansen được đưa vào sử dụng tại Nhật, nó đã rút ngắn thời gian đi lại giữa Tokyo và Osaka từ 7 tiếng xuống còn 4 tiếng đồng hồ. Đến nay, tàu Shinkansen hiện đại chỉ chạy hết có 2 tiếng rưỡi. Một trong những con tàu cao tốc "trẻ" nhất là tại Tây Ban Nha, đã rút ngắn khoảng cách từ Madrid đến Seville xuống chỉ còn 2 tiếng rưỡi, so với hơn 6 tiếng trước đây.

Ưu điểm này của đường sắt cao tốc biến nó trở thành một lựa chọn thiết thực đối với tầng lớp doanh nhân phải di chuyển nhiều. Dù thời gian chạy của tàu cao tốc nhỉnh hơn từ hai đến ba tiếng so với máy bay trên cùng một quãng đường, tàu cao tốc vẫn được chuộng hơn. Các ga tàu thường nằm ở trung tâm thành phố, do đó hành khách tiết kiệm được thời gian đến và rời sân bay. Khâu kiểm tra an ninh của các sân bay thường phức tạp cũng làm giảm tính cạnh tranh của loại hình này. Hơn nữa, ở trên tàu người ta có thể sử dụng điện thoại di động thoải mái. Một số tàu cao tốc ngày nay còn có cả kết nối Internet.

Tại châu Âu, tàu cao tốc được sử dụng khá phổ biến. Tàu cao tốc TGV từ Paris đến Lyon chiếm đến 90% lưu lượng di chuyển giữa hai thành phố trên. Tương tự, khi con tàu nối Madrid với Seville được khai trương năm 1992, nó nhanh chóng thu hút 80% hành khách thường xuyên di chuyển giữa hai điểm này.

Kết quả đó khuyến khích Chính phủ Tây Ban Nha mơ đến một kế hoạch đầy tham vọng khác. Dự án mà nước này đang nghĩ đến là đưa mạng lưới tàu cao tốc lan tỏa khắp đất nước, đảm bảo rằng 90% dân số Tây Ban Nha sẽ không ở xa quá 50 km so với đường tàu gần nhất. Theo dự tính ban đầu, Tây Ban Nha sẽ tốn khoảng 120 tỷ euro, tương đương 145 tỷ USD, để đạt mục tiêu trên.

Tuy nhiên, tham vọng của Tây Ban Nha vẫn chưa là gì nếu so với Trung Quốc. Đất nước châu Á gây sốc khi tuyên bố sẽ chi 100 tỷ USD mỗi năm vào hệ thống đường sắt, trong đó chủ yếu là tàu cao tốc. Tuy nhiên, chưa cần đầu tư thêm thì hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng đã lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài lên đến 6.400 km. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020, nước này sẽ có 48.000 km đường sắt cao tốc, bằng tổng toàn bộ đường sắt cao tốc trên thế giới cộng lại.

Trong khi đó, nước giàu nhất thế giới là Mỹ lại có quan điểm khiêm tốn hơn nhiều về tàu cao tốc. Hồi năm ngoái, Chính phủ Mỹ công bố gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỷ USD để nâng cấp hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, khoản tiền này sẽ được chi chủ yếu cho các hoạt động nghiên cứu sơ bộ về tuyến đường nối giữa những thành phố chính của California và Florida, hoặc nâng cấp các đường sắt cũ hiện tại. Nay nước Mỹ chỉ có duy nhất một tuyến đường tạm có thể coi là cao tốc, là đường sắt Acela ở vùng hành lang Đông Bắc. Tuy vận tốc tối đa là 150 dặm một giờ nhưng thực tế người ta thường chạy chậm hơn nhiều. Tuyến đường 450 dặm giữa Boston đến Washington thường tốn khoảng 7 tiếng đồng hồ. Vận tốc này khiêm tốn hơn nhiều so với Trung Quốc. Khi tuyến đường sắt dài 1.120 km từ Bắc Kinh đến Thượng Hải hoàn thành vào năm sau, người ta sẽ đi hết 4 tiếng đồng hồ.

Tàu cao tốc không phải chỉ có toàn ưu điểm. Trong đó, cản trở lớn nhất chính là chi phí. Nghiên cứu thực hiện năm 2005 đã cho thấy tính trung bình, cứ mỗi km đường sắt cao tốc sẽ tốn khoảng 22 triệu USD. Hóa đơn có thể tăng lên đến 43 triệu USD khi đường tàu đi qua các đoạn địa hình trắc trở. Hơn nữa, khoản tiền đầu tư này đều phải lấy từ chi tiêu công, vì các công ty đường sắt thường giỏi lắm cũng chỉ kiếm đủ tiền để trang trải việc vận hành.

Theo tác giả của báo cáo "Cuộc cách mạng cao tốc" ở Anh, việc thu hồi vốn chậm chạp của đường sắt cao tốc sẽ không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư khu vực tư nhân.

Còn về phía hành khách, chi phí cũng là một vấn đề vì giá vé cắt cổ. Giá vé một chiều từ London đến Paris dài 240 dặm tốn khoảng 179 bảng, tương đương 262 USD.

Tuy nhiên, bất chấp rào cản lớn này, tàu cao tốc vẫn là ước mơ đối với nhiều quốc gia, kể cả những nước nghèo. Ước mơ đó được kỳ vọng sẽ đem lại cho tàu cao tốc một vị thế mới trong thế kỷ XXI, sau khi được phát minh từ hồi thế kỷ XIX. Còn tại nước Anh, các ông nghị vẫn tiếp tục cân nhắc với bài toán 45 tỷ USD cho đường tàu dài 480 km.

TB
Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn