Cùng tắc biến, biến tắc thông

KTS Trần Thanh Vân

Đọc bức thư của tác giả Nguyễn Anh Tuấn trên Bauxite Việt Nam ngày 31-5-2010 mà tôi thấy xót xa quá. Nhưng tôi xin có mấy lời chia sẻ với cộng đồng trí thức nước nhà và cũng là để tự động viên mình, rằng hãy vững tin, vượt qua mọi chán nản khổ đau để nắm bắt thời điểm CÙNG TẮC BIẾN, BIẾN TẮC THÔNG.

Tôi có người Cụ ngoại, tức ông ngoại mẹ tôi, là một cụ đồ hay chữ, cụ được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xếp vào một trong 94 kẻ sĩ Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến 1930 trong cuốn Giai thoại kẻ sĩ do 2 tác giả Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên biên soạn, nhưng tại gia đình chúng tôi còn có hai tập dày với nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, xin cả nhà đọc một chuyện tôi mới bổ sung năm ngoái để  cho vui và cũng để thêm lạc quan và tin tưởng ở LUẬT TRỜI.

Vâng, cụ ngoại tôi chính là Phan Văn Điện, người ta gọi cụ là Đồ Điên. Hồi nhỏ tôi được ở cạnh cụ từ lúc sinh ra đến lúc tôi lên 5 thì cụ mất. Nhưng bà ngoại tôi và mẹ tôi thì luôn kể cho tôi nghe chuyện cụ và dạy tôi học thơ cụ. Cụ ngoại tôi đi thi thì bao giờ cũng trượt, nhưng cụ đi thi thuê lại thường hay đỗ cao, nên nhiều ông Tri phủ Tri huyện do nhờ cụ mà được làm quan thường sợ cụ một phép. Cụ có hai người con trai, ở nhà mẹ tôi gọi là Cậu Sáu, Cậu Bảy, nhưng cụ cho đi học trường Tây và đặt tên là Phan Anh, Phan Mỹ. Người thời ấy bình luận là Anh và Mỹ giỏi hơn, giàu hơn, mới đáng làm con cụ, còn Pháp là đàn em, cụ khinh, không cho làm con.

Người ta hỏi cụ có đúng không? Cụ chỉ cười, không trả lời.

CHỬI MÀ CŨNG HAY NHẤT

Sau vụ chống Trung tâm thương mại 17 tầng định xây trên nền Chợ Âm Phủ, tiếp đó là vụ chống xây Khách sạn NOVOTEL ON THE PARK ở Công viên Thống Nhất, Lớp 10C Trường Việt Đức khóa tốt nghiệp năm 1960 của chúng tôi họp thường niên tại một nhà hàng ở Hà Nội. Anh Nguyễn Ninh (hiện ở Quảng Ninh) đến bên, bảo tôi đưa cho anh tờ giấy để anh tặng bài thơ, tôi không có giấy, chìa cái phong bì đưa anh, anh liền viết câu chuyện: Tại đền Sinh Từ [1] (bây giờ là trụ sở… phố

clip_image002

Bút tích cụ Nguyễn Ngô Thức viết lại đôi câu đối của cụ Phan Điện

Nguyễn Khuyến) Sau khi Hoàng Cao Khải dẹp xong “giặc” Bãi Sậy, vua Khải Định có sắc phong Khâm sai đại thần Bắc phần và cho lập đền thờ sống ở phố Sinh Từ cũ. Đền được xây xong, duy đôi câu đối trước đền vẫn để trắng. Nội dung câu đối này sẽ được viết vào lúc khánh thành Đền. Giờ khánh thành sẽ là 8 giờ sáng ngày n… thì đúng ngày ấy, khi trời chưa sáng rõ, có người đến bảo lính canh rằng họ là người viết câu đối để cho kịp Lễ khánh thành và bảo lính canh mở cửa cho họ vào viết để câu đối được đẹp.

Câu Đối rằng:

TỰ CỔ ANH HÙNG VÔ TỬ MIẾU

ĐƯƠNG KIM NGHỊCH TẶC HỮU SINH TỪ

Tôi hỏi Ninh “Tại sao ông lại tặng tôi?”

Trả lời: “Tớ chẳng biết, hình như có liên quan đến cậu”.

Tôi mang về đánh máy cẩn thận rồi đưa cho cậu ruột tôi, cựu Đại tá Lê Hùng đọc.

Cậu Hùng nói “Câu chuyện này nói về Cụ Điện”.

Tôi hỏi “Tại sao cậu biết?”

Cậu tôi trả lời: “Trên đời này chỉ có Phan Văn Điện biết chửi Hoàng Cao Khải hay như thế!”.

Tôi lại cầm bản đó đến hỏi ông anh rể chồng tôi là cựu Thiếu tướng Nguyễn Đình Lộc, cháu đời thứ 12 của Khai quốc công thần Nguyễn Xí. Anh Lộc cũng bảo câu đối này là của cụ Phan Văn Điện, rồi anh kể: cha anh xưa là giáo học ở huyện Anh Sơn, Nghệ An, ngay bên cạnh đền thờ cụ Nguyễn Xí. Cha anh hay kể rằng ở Dinh Hoàng Cao Khải làng Tùng Ảnh bên bờ sông La có câu chuyện Hoàng Cao Khải cho lính treo tấm biển trước cửa Dinh “ĐẠI ĐÁO TIỂU LAI” dụng ý nói “Đại nhân xin mời đến, kẻ tiểu nhân thì cút đi”. Phan Văn Điện người cùng làng, đọc thấy câu đó thì tức lắm. Một hôm Điện đi qua cổng Dinh Cụ Hoàng, Điện ung dung vạch quần đứng đái. Lính canh liền trói lại giải vào cho Hoàng hỏi tội, Phan Văn Điện liền giả vờ khóc khóc mếu mếu thưa rằng: “Cậu ơi, (Phan hay giả vờ nhận họ, gọi Hoàng là em mẹ như vậy) cậu chém cha đứa mô treo tấm biển đầu kia đi, hắn ra lệnh qua đây thì phải [2], con không dám mà chỉ xin trái lệnh dám đái thôi”.

Hoàng Cao Khải sợ quá vứt tấm biển đó đi.

TTV

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Chú thích:

[1] Sau khi có đền Sinh Từ tên phố được gọi theo tên đền. Nay là phố Nguyễn Khuyến.

[2] Đại tiện, phát âm theo tiếng Nghệ.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn