Quốc hội Việt Nam không tán thành chủ trương làm đường sắt cao tốc

Ảnh: SNCF
Chiều nay, 19/06/2010, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành bỏ phiếu “Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh", một dự án gây tranh luận mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt, có 208 phiếu chống trong số 439 đại biểu có mặt, 34 người không biểu quyết.
Về việc giao cho Chính phủ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, và lập quy hoạch chi tiết, đầy đủ về dự án đầu tư một trong hai đoạn đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh hoặc thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang, trong số 409 đại biểu có mặt, 170 người đã bỏ phiếu không tán thành, 82 người không bỏ phiếu.

Nhiều tờ báo trong nước dùng từ “bất ngờ” khi nói đến kết quả cuộc bỏ phiếu. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì đây là sự kiện hiếm thấy trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Bầu không khí lúc bỏ phiếu còn được miêu tả là “nghẹt thở”, từ ngữ trong nguyên văn. Bởi vì trước đó, đại diện của Chính phủ đã liên tục gây sức ép, cố gắng thuyết phục các đại biểu Quốc hội chấp nhận dự án.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam ước tính 56 tỷ đô la là chủ đề gây tranh luận mạnh mẽ tại Việt Nam trong những ngày qua. Nhiều chuyên gia, trí thức nhấn mạnh tính phi kinh tế, phi lý cao độ của dự án trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hiền Nhân, nguyên là chuyên gia trong ngành đường sắt Việt Nam cho biết suy nghĩ của mình sau kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội:
- "Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một quốc gia dám một lúc làm 1.500 km đường sắt cao tốc, từ trước đến nay chưa có quốc gia nào làm như thế. Người ta muốn nó có chiều dài như thế người ta phải phấn đấu rất nhiều năm, rất nhiều dự án thì mới có thể thực hiện được.
Đi vào thực tế mà nói về lĩnh vực mà mình hiểu nhất là lĩnh vực tự động hóa và điều khiển từ xa trên đường sắt, thì đây là một hệ thống thiết bị hiện đại nhất, thậm chí so với hệ thống khống chế tự động và điều khiển từ xa của hàng không thì hệ thống trên đường sắt cao tốc còn hiện đại  hơn nữa. Vì vậy nếu mà cái hệ thống thiết bị này được đưa vào sử dụng trong đường sắt Việt Nam trong thời gian vào khoảng 20 năm nữa, thì theo tôi  nghĩ đây là một hệ thống thiết bị quá mức so với khả năng tiếp thu của người Việt Nam".
- Thưa ông Quốc hội Việt Nam từ trước tới nay thường thường vẫn hoạt động theo chủ trương từ trên ban xuống, ít khi có những biểu quyết mang tính chất thực sự độc lập thì lần này rõ ràng là có một bước chuyển biến đặc biệt. Quốc hội trước kỳ bỏ phiều lần này đã có đợt bỏ phiếu thăm dò và đây là một hoạt động chưa từng có. Và sau khi bỏ phiếu thăm dò thì cuộc bỏ phiếu hôm nay đã trải qua hai lần và kết quả đưa lại là ngược so với cái trước. Tức là đa số lại bác bỏ dự án đường sắt cao tốc của Chính phủ đề xuất. Vậy thì kết quả bỏ phiếu của Quốc hội vừa qua phải chăng nói lên là Quốc hội Việt Nam hiện nay đã có được vai trò độc lập hơn? Theo ông, vì sao lại có được sự độc lập đó?
-"Về khách quan mà nói, đề tài lần này đưa ra Quốc hội thảo luận là một vấn đề khoa học kỹ thuật và vấn đề kinh tế rất rõ. Nên đương nhiên khi đưa ra xã hội, khi đưa ra công luận ai cũng tham gia ý kiến được. Rất nhiều nơi, rất nhiều tầng lớp nhân dân, rất nhiều chuyên gia, rất nhiều nhà khoa học người ta đều có thể đóng góp ý kiến. Đã là một thành viên trong Quốc hội thì không thể nào người ta nghe rất nhiều phản biện như thế mà không biết sàng lọc đãi vàng trong đống ý kiến ấy. Và đây cũng có lẽ nó đi vào lòng dân mình, và cũng tạo một tiền đề để sau này mình có những vấn đề gì lớn như thế thì mình sẽ tham gia ý kiến, và Quốc hội sẽ lắng nghe. Theo mình nghĩ đây cũng là sự đấu tranh của từng thành viên Quốc hội thôi.
Có thể là có những thành viên Quốc hội trước đây không đồng ý, nhưng mà ra công khai thì... người ta cũng phải suy tính cái lợi hại, cái quyền lợi của người ta, cái ấy là tự nhiên thôi. Nó là con người. Nên là khi mà bỏ phiếu kín thì hoàn toàn người ta tự do thoải mái, người ta có thể phát biểu đúng cái ý của người ta. Nhưng mà đến lúc ra Quốc hội thì người ta lại phải suy tính, vì từ trước đến nay mà nói Quốc hội mình làm theo cách gì? Tức là ở trên có ý chỉ đạo rồi, cứ như thế mà bàn, và quyết, và cứ giơ tay ủng hộ cái của trên đã xác định! Nhưng lần này, vấn đề này nó khác một tí, phải nói về mặt tố chất, vấn đề là hoàn toàn không như những vấn đề lớn trước đây nêu ra, nó không được rõ ràng, chứ lần này rõ ràng lắm.
Còn những đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu kín thì không đồng ý làm, mà bỏ phiếu công khai thì lại đồng ý, thì đây là sự đấu tranh giữa hai cách suy nghĩ của đại biểu Quốc hội ấy, nó nói lên cái bản chất của con người của đại biểu Quốc hội thôi".
ĐT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn