Thư bạn đọc gửi từ Na Uy: KIẾN NGHỊ ĐỔI TÊN BIỂN “NAM TRUNG HOA” THÀNH BIỂN “ĐÔNG NAM Á” - BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ!

Nguyễn Đắc Hải Di

Trước tiên tôi xin mở đầu bằng một câu chuyện có thật. Khoảng đầu năm học này tại trường, tôi tình cờ thấy một tấm bản đồ tôi đã chụp lại ở đây:

clip_image001

Trong đó Sør- KinaNam Trung Hoa, và Paracel- øyene (Kina)Hoàng Sa (Trung Hoa).

Ban đầu tôi đã sôi sùng sục lên và muốn làm rõ. Nhưng trong lớp có 2 học sinh người Việt thì chỉ có tôi phản ứng, người còn lại đứng đờ ra không nói gì và hơi cười cười như thể đó chỉ là trò vui và tôi đang thổi phồng vấn đề. Cô giáo của tôi không nghĩ rằng đó là việc quan trọng và bảo nhà trường không thể xé cái bản đồ đi mà thay bằng cái khác được vì nó đắt tiền, như thể chuyện giá tiền quan trọng hơn vấn đề lãnh hải của một quốc gia! Tôi đã đi khắp trường và thấy mọi cái bản đồ đều như vậy. Nhiều lần khác tới một số cơ quan, công ty… cũng thấy cũng loại bản đồ đó!

Tôi luôn nhắc mọi người nước ngoài tôi gặp nói Lunar New Year thay vì Chinese New Year, nhưng làm sao tôi có thể nói với từng người trong số họ về vấn đề này, khi mọi bản đồ ở Na Uy đều như vậy, và đa số các bản đồ khác trên thế giới đều như vậy, và mọi người bắt đầu hình thành suy nghĩ vùng biển đó tên là biển Nam Trung Hoa, thuộc về Trung Hoa, và họ chẳng cần quan tâm điều tôi đang nói!

Tôi biết có người sẽ trách tôi đã không đi tới tận gốc vấn đề để giải quyết cho xong, việc tiếp tục lên tiếng để yêu cầu thay toàn bộ số bản đồ ở trường không phải là điều không thể và ít nhất tôi cũng có thể làm thức tỉnh những người dạy và học ở trường. Tôi biết việc tôi bỏ cuộc nghe rất đáng xấu hổ và không có tư cách để nói ai khác, và tôi chỉ đang vụng về biện minh cho chính mình.

Nhưng liệu tôi sẽ làm được gì khi những người Việt Nam khác hoàn toàn không quan tâm, những người bản xứ cũng như người nhập cư ở đây không quan tâm, và mọi người bắt đầu tin những cái bản đồ ấy?

Liệu tôi sẽ làm được gì khi báo chí Trung Quốc đã tuyên truyền kích động chính nhân dân họ rằng vùng biển thuộc về họ và Việt Nam là lũ vong ơn bội nghĩa, luôn hung hăng chiếm biển đảo của Trung Quốc? Liệu tôi sẽ làm được gì khi khắp nơi trên thế giới treo bản đồ khẳng định vùng Biển Đông đó mang tên biển Nam Trung Hoa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Trung Hoa? Liệu tôi sẽ làm được gì khi chính bản thân người Việt Nam cũng thờ ơ không bận tâm, nghĩ rằng cái tên không mấy quan trọng, hoặc chấp nhận nhún nhường, hoặc cũng bỏ cuộc như tôi đã bỏ ý định muốn thay đổi những tấm bản đồ ở trường tôi?

Theo bài viết “Vài suy ngẫm về Trung Quốc” của ông Dương Danh Dy, nguồn tài nguyên nước của Trung Quốc chỉ chiếm 6% của thế giới và tính đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về lượng nước sử dụng. Không có gì ngạc nhiên về âm mưu thôn tính quá lộ liễu của Trung Quốc, đã thấy rất rõ trong nhiều bài viết đăng trên báo mạng công khai của Trung Quốc do ông Vũ Cao Đàm dịch. Và Việt Nam sẽ không có cơ hội lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa nếu Trung Quốc đã chiếm được vùng Biển Đông. Hiện nay, đối với quần đảo Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đòi chủ quyền nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp. Về quần đảo Trường Sa, theo bài viết của ông Dương Danh Dy: “Đây là nơi tranh chấp của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi-líp-pin, Brunei, Malaysia về biển đảo và Indonesia (có thể cả Đông Timor) về lãnh hải. Hiện nay số đảo bãi ngầm mà các bên chiếm giữ là Việt Nam 21, Phi-líp-pin 8, Trung Quốc 6 và Đài Loan 1”.
Trong bài viết của Mặc Lâm trên RFA có đoạn như sau: “Năm 2009 đã có 33 tàu và 433 ngư dân, từ đầu năm 2010 đến nay 3 tàu và hơn 40 ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc, thậm chí tịch thu tàu, ngư cụ, sản phẩm đánh bắt được trên tàu. Việc làm của một bộ phận quan chức Trung Quốc khi bắt giữ tàu và đòi tiền chuộc làm nhiều người liên tưởng đến bọn hải tặc Somali”.

Và theo bài viết “Hải quân Trung Quốc thay đổi trò chơi” của ông Michael Richards, “với tổng cộng khoảng 260 tàu hải quân, không thua con số 286 tàu của Hải quân Hoa Kỳ bao nhiêu, Trung Quốc hiện có 75 tàu khu trục lớn, tàu khu trục nhỏ, tàu vận tải đổ bộ và tàu ngầm. Điều này làm cho Trung Quốc trở thành lực lượng tàu chiến lớn nhất ở châu Á, theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc cho Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc”.

Điều đó cho thấy khá rõ tham vọng của Trung Quốc, và hiện nay nhiều nghiên cứu cho thấy, có khả năng trong tương lai Trung Quốc sẽ vượt trên Mỹ về kinh tế, và muốn chiếm hữu và khai thác tài nguyên ở không chỉ khu vực Đông Nam Á mà còn cả Châu Phi.

Trong tình huống đó, tôi sẽ làm được gì?

Tôi biết, MỘT cá nhân riêng lẻ như tôi không thể làm được gì, nhưng MỌI người dân Việt Nam có thể bắt đầu từ những việc nho nhỏ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên lãnh thổ và lãnh hải của mình, như rất nhiều người Việt trong và ngoài nước vừa qua đã cùng nhau lên tiếng thành công trong vụ Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ phát hành bản đồ với chi tiết sai về quần đảo Hoàng Sa làm cho họ phải đồng ý chỉnh sửa là 1 ví dụ.

Xin hãy bắt đầu từ những việc nho nhỏ, như ủng hộ phong trào kiến nghị đổi tên “Biển Nam Trung Hoa” thành “Biển Đông Nam Á”. Chỉ cần mỗi người nhích ngón tay, bấm vào đường link này: Change.org
Hãy cho thấy rằng tham vọng Trung Quốc muốn vin vào cái tên để chiếm hữu Biển Đông không thể thực hiện. Hãy cho thấy rằng 600 triệu dân Đông Nam Á sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ. Hãy công khai vấn đề Biển Đông ra quốc tế và khiến thế giới có cái nhìn chính xác hơn về chủ quyền Biển Đông. Không phải tất cả đều có thể cầm súng chiến đấu và hy sinh vì đất nước, nhưng tất cả chúng ta đều có thể ký tên.

Chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi.

Hãy tham gia ký kiến nghị. Vì chủ quyền lãnh hải. Vì những người lính đã ngã xuống khi bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Vì những người ngư dân đã bị bắt, bị đánh đập và giết chết ngay trên chính vùng biển của Việt Nam. 
NĐHD, một người Việt đang sống tại Na Uy.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn