Thư ngỏ gửi bác Kami về vì sao tôi phải yêu nước lén lút.

Thanh

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta có hẳn cả một  Chủ tịch  lẫn trụ sở hành chính huyện Hoàng Sa tại  Đà Nẵng. Chúng ta có hẳn đội quân đang trú đóng tại Trường Sa. Và năm 1988, có 64 chiến sĩ đã ngã xuống tại Trường Sa vì Trường Sa. Hồn thiêng còn lảng vảng đâu đây, trong đó có đến 61 vong hồn không biết có tìm được thân xác để trú ngụ? Vậy hà cớ gì khi  hô to: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam lại bị chính quyền Việt nam giải tán? Rồi  Công an theo dõi. Rồi Tuyên giáo Đào Duy Quát lên giọng chất vấn: Được gì, được gì? Làm như thế được gì?...

Được gì ư?  Bản thân những người dũng cảm hô vang để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì "đã bị" như lời trần tình của tác giả. Thế nhưng không làm như thế thì lẽ nào chúng ta thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa đã là của Trung Quốc rồi ư?

Cảm ơn tác giả tên Thanh đã nói hộ nhiều người một sự thật. Một sự thật quá đỗi xót xa, rằng: "Tôi kể dài dòng như vậy là để bác Kami thấy tại sao những người Việt Nam như tôi cứ phải lén lút nói lên lòng yêu nước. Tôi cũng muốn làm công khai lắm chứ. Tôi cũng muốn viết rõ hàng chữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" chứ. Nhưng bác phải thông cảm cho tôi là sự lo sợ cá nhân bị chiếu tướng đã đành, còn thân nhân mình nữa và đây mới là sự ám ảnh lớn nhất. Vì vậy mà tôi mới phải làm âm thầm, viết tắt cho nhanh, chứ nếu cà kê viết dài, viết rõ thì chưa làm được bao lâu là bị chiếu tướng rồi". Để rồi "Viết tới đây, tôi muốn khóc. Yêu nước mà lại lén lút sao trời? Nhưng đành vậy chứ sao".

Thưa tác giả tên Thanh, không riêng gì bạn khóc đâu. Bởi khi viết những dòng phi lộ này, chúng tôi cũng không kìm được những giọt nước mắt .

BS Nguyễn Đắc

Kính gởi Ban Biên tập Dân luận và kính thưa bác Kami,

Trong hơn hai tuần lễ, tôi không biết tại sao mà ở khu nhà tôi, không có cách nào vào được trang Dân luận, mặc dù tôi đã làm hết cách mà bạn bè chỉ để qua tường lửa. Tôi đi nơi khác thì vào được. Khi vào được, tôi đọc được bài của bác Kami. Tôi không biết bác Kami bao nhiêu tuổi, nhưng qua bài viết thì tôi đoán là bác Kami phải lớn tuổi, mới viết được bài hay như vậy, nên tôi xin phép được gọi là bác. Tôi muốn qua mấy dòng này để nói với bác Kami vài lời và xin bác bỏ qua nếu tôi có nói điều chi không phải.

Bác Kami thắc mắc là tại sao những người Việt Nam viết HS.TS.VN như tôi lại không dám viết công khai giữa thanh thiên bạch nhật, không dám viết đầy đủ nguyên câu khẩu hiệu "Quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" mà chỉ dám viết "trộm" và viết tắt cho nhanh vì sợ bị bắt.

Bác Kami nói sợ bị bắt là đúng một phần. Nhưng cái đáng sợ hơn không phải là bị bắt, mà là bị chiếu tướng suốt đời, suốt kiếp, không sao ngoi lên được. Mà sự chiếu tướng này không chỉ có mình, mà còn những người khác như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em. Đó mới là cái ám ảnh lớn nhất của người Việt Nam mình. Tôi có một trường hợp để kể về cái này. Tôi có thằng em bà con. Thằng này học hành đàng hoàng, có bằng cấp và ra đi làm lương cũng cao. Nhưng vào năm 2008, nó như tôi đều tức giận bọn Trung Quốc làm huyện Tam Sa, nó được bạn bè cho cái áo màu đen có vẽ mấy cái còng và hàng chữ "Pekin 2008". Nó nói là để phản đối Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội và tin là mặc áo này không ai dám làm gì nó, vì có vi phạm luật lệ gì đâu. Nhưng sau khi mặc chừng 1 tuần hay 10 ngày gì đó, thì công an khu vực mời nó lên nói với nó là đây là áo của bọn phản động nước ngoài, muốn gây hiềm khích giữa nước ta và Trung Quốc, khuyên nó không nên tiếp tục mặc nữa. Nó nghe vậy cũng sợ, nên lập tức cất luôn cái áo này, không dám nhơn nhơn mặc như lúc trước. Nhưng vậy mà nó có yên đâu. Chừng một tuần sau nữa, thì nó phát giác ra là nó đi đâu cũng có người kè kè theo. Rồi lại có người đến sở làm của nó hỏi về nó đủ điều. Ba má nó ở dưới quê cũng có người đến hỏi về việc làm của nó, quen ai, đi chơi với ai. Rồi chừng vài tuần sau đó, công an thành phố lại mời nó lên nói là để hợp tác làm sáng tỏ một số vụ việc. Làm sáng tỏ vụ việc gì thì không rõ, nhưng sau đó nó như con thằn lằn đứt đuôi, trốn tránh bà con, bạn bè, rồi sở làm cũng cho nó nghỉ và nó phải đi làm nơi khác. Hiện giờ thì nó đã trở lại bình thường, nhưng nó không còn là nó của năm 2008.

Tôi kể dài dòng như vậy là để bác Kami thấy tại sao những người Việt Nam như tôi cứ phải lén lút nói lên lòng yêu nước. Tôi cũng muốn làm công khai lắm chứ. Tôi cũng muốn viết rõ hàng chữ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" chứ. Nhưng bác phải thông cảm cho tôi là sự lo sợ cá nhân bị chiếu tưởng đã đành, còn thân nhân mình nữa và đây mới là sự ám ảnh lớn nhất. Vì vậy mà tôi mới phải làm âm thầm, viết tắt cho nhanh, chứ nếu cà kê viết dài, viết rõ thì chưa làm được bao lâu là bị chiếu tướng rồi. Mặc dù là viết tắt, nhưng tôi tin là người nào xem cũng hiểu. Mới đây, tôi làm [việc viết những chữ tắt này] ở trước cửa trường Chu Văn An ở quận 5. Hai hôm sau trở lại thì thấy chữ "HS.TS.VN" còn nguyên. Tôi lân la nói chuyện với đám học sinh đang đứng ngó mấy chữ này và hỏi là gì, thì có mấy đứa nói liền "thì là Hoàng sa Trường sa Việt nam đó". Tôi thấy tụi nó không có vẻ ngạc nhiên, hình như là đã biết mấy chữ viết tắt này từ trước. Người Việt nam chúng ta nhạy lắm. Chỉ nhá một cái là họ hiểu liền. Do đó, xin bác Kami đừng trách sao tôi viết tắt, mà nên khuyến khích càng nhiều người viết trên tường, trên sách báo, trên mọi phương tiện, thì càng tốt. Vì không lẽ chính quyền chiếu tướng hết cả nước sao, nếu cả nước cùng viết?

Tôi tuy vẫn sợ, nhưng vẫn muốn tiếp tục làm. Tôi xin gởi Ban Biên tập mấy tấm hình chụp hành động yêu nước lén lút của tôi trong hơn 2 tuần qua. Viết tới đây, tôi muốn khóc. Yêu nước mà lại lén lút sao trời? Nhưng đành vậy chứ sao, vì tôi biết nếu mình có bị gì, thì sẽ không ai giúp được. Thôi đành nuốt hận yêu nước lén lút vậy.

clip_image002clip_image004

clip_image006clip_image008

clip_image010clip_image012

Nguồn: Dân Luận

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn