Trần Văn Chính bảo sao, Thứ trưởng và Thanh tra làm nấy!

Thanh Tùng

Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng? Nhà nước này đã sinh ra một (và chắc chắn không chỉ một) mô hình gọi là Bộ GD & ĐT mà các ngài lãnh đạo – không dám nói tất cả nhưng một số trong đó – đều quen mui bóp nặn từ dưới lên thông qua những bọn trung gian có giòi từ trong máu, vậy sao lại còn sinh ra một “cây xà nu” Nguyên Ngọc để làm cây cột chống cho Trường ĐH Phan Châu Trinh? Khi làm Bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn, ông chẳng đã đưa ra một đề cương chống giáo điều, đổi mới sáng tác văn học, bị ông Lành quát tơi bời, đến nỗi một nhà văn lớp đàn anh ranh ma làm bộ thương hại đến rủ lên xin lỗi ông Lành (để mình cũng được tiếng đã đưa được anh cứng đầu lên với ông ấy), Nguyên Ngọc từ chối thẳng thừng.

Con người ấy từng trở về lăn lộn trên đất Quảng ngay từ đầu những năm đánh Mỹ và ở lại cho đến tận ngày hòa bình chỉ với một tâm niệm: góp phần giành lại tự do cơm áo cho người dân ruột thịt của quê hương. Giờ đây đầu đã bạc con người ấy lại còn đi qua về lại hàng chục thậm chí mấy chục lần bàn bạc hết nước hết cái với các vị lãnh đạo địa phương để xin được lô đất ngay trung tâm Hội An, dựng lên ngôi trường đại học cho con em quê mình vào học, thì đâu có phải dễ dàng chịu để nó thoái hóa, biến chất như ngành giáo dục hiện tại?

Đã có bản lĩnh, lại được con mắt xanh của lãnh đạo tỉnh nhà cũng như lãnh đạo thành phố Hội An nhận là người tri âm tri kỷ, vậy mà quý Bộ lại không hiểu ra “chưởng lực” của Nguyên Ngọc thâm hậu như thế nào ư? Quý Bộ cả tin ở lời thằng “buôn vua” ma mãnh xúi dại dám gây áp lực để định giúp nó chiếm cái trường với khoản đất béo bở 40 hecta hòng bán đi để thành tỷ tỷ phú? Sao quý Bộ bé cái nhầm đến vậy?

Nhưng qua chuyện này cũng đủ thấy, ở cái xứ sở mà ai nấy đang kiếm đủ cách làm giàu vô tội vạ thì người có lương tâm bao giờ cũng là người khổ. Nguyên Ngọc suốt đời rước lấy cái khổ cũng chẳng có gì là lạ.

Nguyễn Huệ Chi

1. Giá của sự ngây thơ

Cái hạn của Trường Đại học Phan Châu Trình là đã cho một quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia cổ đông trong những ngày đầu thành lập. Ông Chủ tịch Nguyên Ngọc và Hiệu trưởng Phan Ngọc Thu, những nhà văn hóa, nhà giáo dục học chân chính đã quá ngây thơ tin dùng vị quan chức cao cấp nguyên là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ này, cứ tâm niệm rằng có được người của Bộ tham gia thì chắc thế nào cũng thuận lợi nhiều trong giải quyết thủ tục giấy tờ. Các ông đã thua xa các trường đại học khác về cái sự mất cảnh giác vì có trường đại học nào trong cả nước này sử dụng người của Bộ đâu. Nhưng nghĩ cũng tội cho hai ông. Không tin sao được khi vị quan chức này nói sẽ làm được tất: sẽ xin được quyết định công nhận Hiệu trưởng, y như rằng, ngày 11/9/2007 Ông Thu có quyết định công nhận là Hiệu trưởng; sẽ xin được quyết định thành lập HĐQT, y như rằng ngày 13/02/2008 có quyết định của Bộ công nhận chủ tịch HĐQT…

Tin rồi, bây giờ hai ông không còn thì giờ cho sự nghiệp giáo dục nữa mà phải dành trọn thời gian để chống chọi với các thế lực quan quyền ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cấu kết với bọn buôn bán giáo dục, ngày đêm điên cuồng chống phá ngôi trường tuổi mới lên ba của ông.

2. Bộ mặt kẻ tráo trở

Trần Văn Chính là tay mưu mô xảo trá, là kẻ buôn vua nổi tiếng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đã từng lo cho một Giám đốc lên làm Bộ trưởng, được vị này đền đáp công ơn bằng việc cho làm Vụ phó Vụ tổ chức của Bộ. Vì quá lộng hành nên vị Bộ trưởng này phải lập ra cái Trung tâm Hợp tác chuyên gia và kỹ thuật nước ngoài ở 14 Lê Thánh Tông Hà Nội và điều TVC sang đó làm Giám đốc. TVC phật ý, chơi lại bằng cách ưu tiên đặc cách cho Bộ trưởng đi học khóa tiếng Anh ở nước ngoài bằng ngân sách chương trình mục tiêu của Nhà nước, và vị này đã hớn hở ôm cục tiền đi học rồi... đi luôn (mất chức!) Trần Văn Chính đã kê khai để lấy tiền của Chủ tịch HĐQT Nguyên Ngọc như sau: dùng 10 triệu đồng chi cho Bộ xin quyết định thành lập Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh; 5 triệu đồng để xin được quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng; 15 triệu đồng để xin 700 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2007; 13 triệu đồng để xin được công văn của Bộ cho phép thi tuyển… và hầu như tất cả việc hối lộ đó đều thành công. Chứng từ này dân cư mạng cũng đã đều biết. Câu nói nổi tiếng của Trần Văn Chính: ở Bộ này thằng nào mà chả ăn tiền!

Trong lúc chờ đợi ý kiến phản hồi của Bộ từ Công văn xin thi tuyển số 4024 ngày 07/12/2007, UBND tỉnh và nhà trường được ông Chính báo tin Bộ đã đồng ý đề nghị cho Trường đại học Phan Châu Trinh thi tuyển rồi, và ông nói phải tổ chức thi trong các ngày 22, 23/12 vì các ngày đó ông mới rảnh và ông sẽ mang Công văn cho phép này vào luôn. Cơ sở địa phương mà nghe một vị quan chức của Bộ nói thế thì mừng quá đi chứ, tin quá đi chứ, vội triển khai ngay công tác thi cử. Trong thâm tâm, TVC rất muốn tổ chức thi sớm, bởi vì lúc này miền Trung đang còn trong mùa mưa lũ, nếu bất thần một cơn bão mới ập xuống làm sập trường lớp một lần nữa thì mọi vốn liếng biến thành bùn, còn để đến năm sau mới tuyển sinh thì đồng vốn bị chôn chặt coi như đi tiêu, nên TVC quyết làm.

Với tính toán như vậy, Trần Văn Chính và đã cùng bà Trần Thị Thịnh đi máy bay từ Hà Nội vào Hội An trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi. Sau khi thi xong, TVC cũng đã tự tay mình làm bản kê khai để nhận các khoản tiền chi phí, trong đó có chi phí vé máy bay, chi phí xin Bộ cấp chỉ tiêu tuyển sinh, chi phí xin Bộ đề nghị xét tuyển, chi phí xin thi tuyển, v.v như nói trên.

Sau 3 năm không moi được tiền của nhà trường như ý muốn (TVC dự kiến năm 2009 phải tuyển được 2.500 sinh viên, thu về 15 tỷ, 2010 tuyển 3.700, thu về 21 tỷ… - trích Biên bản ngày 15/6/2008 của HĐQT do TVC làm thư ký), lại gặp thái độ đủng đỉnh không tuyển nhiều, phải tập trung vào chất lượng của Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng nhà trường (năm 2008 Bộ cho 800 chỉ tuyển 417; 2009 cho 600 chỉ tuyển 217 vì chất lượng đầu vào sinh viên khu vực các năm này không cao), đặc biệt là với quan điểm phải tăng cường củng cố đội ngũ giảng viên, tăng cường cán bộ các phòng ban quản lý, xây dựng thêm phòng học… với lý do trường mới thành lập có 2 năm làm sao đòi hỏi bằng những trường 20, 30 năm nên phải tiến chậm chắc!, đồng thời lúc này kiểm toán có văn bản không cho phép ban hành quy chế chi tiêu trái luật do Chính đưa ra (đó là quy định ai đóng tiền trước 8/2007 sẽ được nhận tăng gấp 3 lần sau nhiệm kỳ 3 năm đầu); không chi lương cho những người không tham gia trực tiếp vào hoạt động nhà trường… và một số mâu thuẫn về quan điểm giáo dục khác, nên TVC càng bực tức muốn thay ngay ông Chủ tịch và Hiệu trưởng. Ngày 12/12/2009, TVC chủ mưu và thực hiện việc làm đơn tố cáo hai ông.

3. Kịch bản lật đổ Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng

Sau Kết luận 108 của Thanh tra Bộ mà toàn bộ nội dung, theo như lời một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhận xét: đóng dấu Bộ nhưng đó là văn bản của nhóm tố cáo viết, phản ứng của Trường mạnh mẽ chưa từng có, gây một làn sóng phẫn uất về cách hành xử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan Thanh tra Bộ trong giới trí thức, các nhà khoa học, các tổ chức văn hóa nước ngoài, các nhà giáo ở trường đại học cả nước.

Từ đó Trần Văn Chính mới giật mình tỉnh ra: Nguyên Ngọc cây đại thụ của văn hóa Việt có quá nhiều sự ủng hộ, không dễ gì lay chuyển. Còn Hiệu trưởng Phan Ngọc Thu thì liên tục nhận được những cú điện của học trò, bạn bè đang là quan chức và là Hiệu trưởng các trường đại học trong cả nước, điện hỏi kinh nghiệm về cách đưa các chứng từ hối lộ ra công luận vì chính họ cũng đã phải khổ sở đút lót cho các quan chức của Bộ để được giải quyết cái nọ cái kia, ức mà không làm gì được… Nên TVC phải tính toán lại và bố trí lại kế hoạch chống phá trường. Thứ nhất, phải cho ngừng tuyển sinh năm 2010 ngay vì tội chất lượng 649 sinh viên khóa năm 2007 chưa đạt yêu cầu; Thứ hai, phải phế truất ngay Hiệu trưởng Phan Ngọc Thu vì vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh 2007, tổ chức thi mà chưa có ý kiến Bộ cho phép. Phải thêm chữ nghiêm trọng vào, vì luật quy định hành vi vi phạm nghiêm trọng thì mới miễn nhiệm được.

Muốn làm cái thứ nhất phải tạo dư luận trong sinh viên khóa 2007, rằng có thể bị đình chỉ thi tốt nghiệp để sinh viên hoảng loạn đứng lên đòi quyền lợi; đồng thời phải yêu cầu nhà trường cung cấp hồ sơ kiểm tra lại (trước đó đoàn công tác của Phạm Ngọc Trúc đã vào lật từng hồ sơ để kiểm tra trong các ngày 22, 23, 24/01/2010) lôi hết 649 hồ sơ ra Hà Nội để truy xét đến cùng từng trường hợp một lần nữa theo kiểu vạch lá tìm sâu. Ý đồ của TVC và Thanh tra Bộ là chỉ cần một vài em có cái đơn ra Hà Nội, rằng tôi đã đút lót cho Hiệu trưởng chừng này, các Trưởng phòng chừng kia để được xem xét cho vào học, tại sao không cho tôi thi... là có ngay lý do để dễ dàng thực hiện việc phế truất Hiệu trưởng. Ý đồ của TVC là vậy. TVC không thể nào tin có chuyện gần 700 em được xét tuyển lại không có trường hợp nào đút lót! “Bộ này thằng nào mà chẳng ăn tiền” thì bây giờ cũng thế, phải là “Trường này thằng nào mà chẳng ăn tiền” chứ!

- Mặc dù, ngày 10/01/2010 xuất hiện vụ rải truyền đơn trong trường kích động sinh viên đứng lên đòi tự cứu lấy mình, đòi lại tiền học vì Bộ không cho thi tốt nghiệp…, gây náo loạn an ninh trong dư luận thành phố Hội An;

- Mặc dù 649 bộ hồ sơ gốc của sinh viên khóa 2007 do ông Phạm Ngọc Trúc quyền Chánh Thanh tra, bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng thanh tra yêu cầu mang ra gấp theo lệnh của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, một việc làm mà trong lịch sử giáo dục từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay chưa có ai làm…,

Mặc dù vậy, tiếc thay và nhà trường cũng tự hào thay, Nguyên Ngọc, Ngọc Thu vẫn là ngọc. Chúng cay đắng vì mòn mỏi chờ mà vẫn không có một cái đơn tố nào của sinh viên là ông này bà nọ ở trường ăn hối lộ. Nếu kể cả sự việc rải truyền đơn kích động từ tháng 1/2010 thì đến nay là 8 tháng vừa kích động, vừa om hồ sơ Thanh tra Bộ và nhóm TVC vẫn không đạt được kết quả gì!

Lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên nhân viên càng đoàn kết vững tin không hề nao núng, vẫn bình tĩnh để xử lý từng việc một vì biết bọn chúng là một nhóm người đã vừa có thế lực lại vừa ra sức cấu kết với nhau quyết phá trường rất mạnh mẽ.

Vì không làm gì được, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngọc Trúc, Bùi Thị Oanh theo kịch bản của Trần Văn Chính chơi nước bài cuối cùng, kiểu được ăn cả ngã về không, đó là cứ ký quyết định dừng tuyển sinh, cứ ký quyết định phế truất Phan Ngọc Thu, và lập đoàn công tác vào trường triển khai ngay những quyết định đó!

Cũng cần nói để bạn đọc hiểu thêm: Trần Văn Chính là kẻ rất giẻo mồm. Ngoài tiền bạc mua chuộc, anh ta có phương pháp đưa lãnh đạo Bộ lên mây xanh rất tài tình, thể hiện rất thành thạo nghệ thuật buôn vua. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nghe theo mọi sự điều khiển của TVC cũng từ cái miệng biết ca bà lên mây xanh này. Nhưng không riêng gì bà Thứ trưởng, vị Bí thư Thành ủy Hội An cũng được TVC đưa lên mây xanh, ngợi ca hết lời thiếu điều ngang bằng với lãnh tụ của đất nước. Sau khi thức tỉnh vì uy tín của thương hiệu Nguyên Ngọc, TVC cũng thay đổi chiến thuật, cũng cho vị này lên mây xanh nốt. Không nịnh sao được, nhận thức của TVC bây giờ khác rồi: Nguyên Ngọc có đứng ra làm Chủ tịch HĐQT thì mới có đất! Đất! Cái đó mới là cái mục tiêu ra sức đạt tới của Chính. 40 hec ta đất vàng ở xã Cẩm Thanh chứ ít à? Chơi ai thì được chứ chơi vào Nguyên Ngọc là trắng tay liền!

4. Nguyễn Thị Nghĩa triển khai kịch bản

Ngày 5/8/2010, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn tùy tùng hơn chục người đi trên những chiếc ô tô sang trọng đầy uy quyền vào Trường Đại học Phan Châu Trinh. Nhà trường đón bà Thứ trưởng với toàn bộ cán bộ giảng viên, Giáo sư, Tiến sĩ… Mọi người ngồi chật kín phòng họp. Bà lạnh lùng ngồi xuống, không thèm chào hỏi ai, bắt tay ai cả. Chắc bà quan niệm ở đây Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng, Trưởng phòng gì cũng là thần dân của bà ráo!

Nghĩ cũng buồn. Ít nhất bà Thứ trưởng cũng phải biết tôn trọng chủ nhà Nguyên Ngọc và Phan Ngọc Thu chứ! Văn hóa chào hỏi, cái bắt tay là ứng xử tối thiểu của con người, đứa con nít còn nhận biết được, còn làm được, thế mà bà Tthứ trưởng lại quá tội nghiệp về tầm văn hóa, đã không biết làm…

Xem bài “Sự thật về việc tháo chạy của thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa”

5. Cái lý của người Quảng

Cái lý đầu tiên để chống đỡ mọi quy kết của Bộ, đó là việc họ mạnh mẽ lên án việc chính Bộ đã vi phạm Nghị định 179 của Chính phủ! Việc lên án rất kiên quyết, rất sòng phẳng và rất có sức thuyết phục đối với mọi người dân trong cả nước, đặc biệt đối với tầng lớp trí thức, đã làm nức lòng dư luận xã hội. Nhà nước đang kêu gọi người dân phải sống và làm việc theo pháp luật mà chính Bộ lại vi phạm pháp luật, thế mà Bộ cứ lờ đi hết năm này qua năm khác. Việc lên án này là một hành động rất quả cảm của Trường đại học Phan Châu Trinh mà các Trường đại học khác nên học tập để khẳng định sự kiên định trí thức của giới mình.

Trường dẫn chứng rằng, tại Điều 9 Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 về ban hành quy chế làm việc của Chính phủ, có ghi rõ: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình và phải trả lời bằng văn bản trong thời gian kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị là không quá 10 ngày làm việc…”. Quy định là vậy, thế nhưng mãi đến 17 ngày sau Bộ mới có Công văn trả lời, và đến 24 ngày sau Trường mới nhận được văn bản không cho phép thi tuyển đó. Trường kiên quyết lên án việc vi phạm này.

Có ý kiến cho rằng trong thời đại thông tin này, cơ sở nên gọi điện xin ý kiến Bộ. Ý kiến của nhà trường lại khác: khi nhận được bản fax xin thi tuyển đó, nếu chính ông Bộ trưởng gọi điện trực tiếp cho Chủ tịch tỉnh, là những người có thẩm quyền cao nhất, hai người trực tiếp giải quyết với nhau đỡ phải để cấp tham mưu điện qua điện lại chờ xin ý kiến cấp trên mất thì giờ, thì chỉ sau 1 phút, chắc chắn mọi việc sẽ được giải quyết gọn ghẽ từ tháng 12 năm 2007 rồi chứ không phải đến 3 năm vẫn chưa ngã ngũ như bây giờ.

Qua đó để thấy Bộ Giáo dục Đào tạo là một cơ quan hết sức quan liêu, vô cùng vô cảm trước những nỗi thương tâm của người dân đang chết sống trong bão lũ, người chết, nhà cửa sập đổ, sách vở, văn bằng trôi mất, v.v. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa còn nói với Chủ tịch HĐQT Nguyên Ngọc là: đó không phải là điều kiện đặc biệt! Chưa nói ở Bộ, đó là một cơ quan mà nạn tham nhũng hối lộ tràn lan đến mức khủng khiếp, đến mức mà Trần Văn Chính đã ghi một cách rất tự nhiên không chút gượng gạo trên chứng từ nhận tiền: 5 triệu đồng để xin được quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng; 15 triệu đồng để xin 700 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2007; 13 triệu đồng để xin được công văn của Bộ cho phép thi tuyển…

Bộ phải thừa nhận những điều này đi thì mới mong tiến bộ được, thì xã hội mới thương hại mà tha thứ cho.

Nếu họ vẫn không chịu nhận tội thì chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng hãy bổ đầu họ ra, nhét một chút nhân văn của trường các ông vào đó cho họ nên người!

Địa phương và nhà trường không bao giờ xa rời ý kiến then chốt này, đó là chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vi phạm Nghị định 179 của Chính phủ, sự vi phạm đó đã gây ra biết bao hậu quả cho đến tận bây giờ. Chừng nào Bộ chưa thừa nhận điều này thì bất cứ vụ việc nào liên quan giữa Bộ và nhà trường sẽ không bao giờ có thể giải quyết thanh thoát được.

Cái lý thứ hai, việc trả lại quyết định dừng tuyển sinh. Việc này, người Quảng họ lập luận vô cùng đơn giản: Theo Điều 80 Luật ban hành văn bản năm 2008 có ghi rõ: “1. …Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ thì văn bản hết hiệu lực, nếu không hủy bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực; 2. Thời điểm ngưng hiệu lực của văn bản phải được quy định rõ tại quyết định đình chỉ việc thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Việc bà Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký quyết định dừng tuyển sinh đối với nhà trường (quyết định đình chỉ việc thi hành - TT), trong quyết định này không có câu: Quyết định này thay thế cho Quyết định 889 (của Thứ trưởng nay là Bộ trưởng ký trước đó), đối chiếu với Điều 80 rõ ràng là bà Thứ trưởng đã vi phạm Luật!

Đề cập về lập luận này của Trường đại học Phan Châu Trinh, một số người am hiểu luật cho rằng quyết định đó nếu để Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký thì đúng hơn!

Lãnh đạo Bộ đã hành xử như vậy thì sẽ sản sinh ra một đội ngũ tham mưu có đầy đủ tính cách đó khi hành xử với cơ sở, một ví dụ dưới đây:

Năm 2008, 6 tháng sau việc tổ chức thi tuyển sinh khóa đầu tiên của năm 2007, Bộ đã cử 02 đoàn thanh tra:

- Tháng 4: Quyết định lâp Đoàn thanh tra số 2146/QĐ-BGDĐT ngày 28/4/2008 để thanh tra tình hình hoạt động trường từ năm 2004 - nay (2008) do ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra là Phó đoàn. Trong Biển bản kết luận đã ghi không có sai phạm gì trong quá trình hoạt động giáo dục.

- Tháng 9: Công văn số 842/TTr-ĐH ngày 30/9/2008 do Phó Chánh thanh tra Trần Bá Giao làm Trưởng đoàn đến để kiểm tra toàn bộ hồ sơ xét tuyển và cũng đã ghi trong biên bản là trường đã không để ra sai phạm nào.

Những hai đoàn chứ không phải là một đoàn, Thế nhưng, ký tá biên bản cũng đã 2 năm, bây giờ ông Phạm Ngọc Trúc quên mất, lại được Trần Văn Chính bao cấp, nên ông cứ say sưa hồn nhiên nổ: “… với Trường Phan Châu Trinh, mặc dù có nhiều sai phạm từ năm 2007, rồi lại tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thế nhưng đến giờ Bộ đã phạt đồng nào đâu. Nhiều năm, trường còn báo cáo không chính xác nữa. Tôi nói thật, Bộ xử như vậy còn nhẹ đấy. Đáng lẽ phải dừng hoạt động của trường nữa. - phapluattp.vn ngày 10/8/2010

Ông phát biểu vậy thì ông còn chết nữa, cái lý của người Quảng lúc này càng đơn giản nữa: Phạt tiền hay phạt gì đó cũng phải theo luật. Theo Điều 5 Nghị định 49 của Chính phủ: “Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính đ­ược thực hiện”. Ngay cả Thông tư số 51 ngày 13/12/2006 của Bộ cũng hướng dẫn cho ông Trúc và cơ quan Thanh tra của ông biết mà làm việc là tại điểm I.3 d cũng nói thời hiệu xử phạt phải theo đúng Điều 5 của Nghị định 49 này. Bây giờ là đã là 3 năm rồi, nghe theo lời Trần Văn Chính, ông lôi việc cũ rích ra đòi phạt. Ông lại còn nổ trường tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh, rồi báo cáo không chính xác, đáng lẽ dừng hoạt động… thật là những phát biểu hết sức ngông cuồng, chỉ tổ làm tăng thêm độ dày của bộ hồ sơ nhà trường tố cáo ông và bà Nguyễn Thị Nghĩa đang đặt trên bản thanh tra Chính phủ mà thôi.

Ông quyền Chánh thanh tra không chịu đọc luật thì hy vọng còn cấp trên ông ngăn lại, đằng này cấp trên ông vi phạm luật còn nặng hơn, cơ sở chỉ còn đường chết chứ sống thế nào được!

Trường đại học Phan Châu Trinh, một trong những trường đại học đi theo tôn chỉ tôn trọng luật pháp, những câu hỏi của trường đều mang tính thực thi luật pháp của công dân đang bị hành hạ cho tơi bời chỉ vì đã làm cho những kẻ có quyền lực, quyền thế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, những kẻ coi luật lệ của quốc gia là giẻ rách, coi quy định của Chính phủ là chổi cùn… bị á khẩu, không trả lời được câu hỏi nào!

Xem bài “10 câu hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa trả lời cho Trường Đại học Phan Châu Trinh”

TT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn