Chuẩn kép

South China Morning Post

21/9/2010

Greg Torode

image Trưởng Ban Á châu, Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng

Mượn cách dùng điệp từ “tưởng tượng” của John Lennon trong ca khúc trứ danh Imagine, chúng ta cũng hãy “tưởng tượng” xem nếu thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hiện đang bị giam giữ chỉ là một trong hàng trăm ngư dân đã bị phía Nhật Bản bắt và tống giam trong suốt 18 tháng qua? Lại “tưởng tượng”, nhiều người trong số đó còn bị lực lượng tuần tra Nhật Bản đánh đắm tàu thuyền, bị tịch thu phương tiện đánh bắt?

Và “tưởng tượng” tiếp, Nhật Bản ra giá hàng ngàn đô la để đổi lấy tự do cho mỗi ngư dân? Chính phủ dĩ nhiên phản đối việc trả tiền chuộc, trong cơn tuyệt vọng để được gặp lại chồng, cha, con, anh em mình, gia đình các nạn nhân đành phải cắn răng thanh toán khoản tiền chuộc “tự cứu mình”. Các tin đồn còn cho rằng một số ngư dân thậm chí đã bị giết.

Tôi đưa ra viễn tượng với những hình ảnh trên cho một bạn sinh viên đại lục. Cậu ta bị sốc nặng. "Không thể tưởng tượng nổi hậu quả đâu!" Cậu thốt lên: "Sẽ có một làn sóng căm giận đối với chính phủ Nhật mà tôi không thể tin rằng bất cứ thường dân Nhật Bản nào có thể được an toàn tại Trung Quốc". Chắn chắn là không thể chịu đựng nổi khi nghĩ về điều này, căn cứ trên cơn sốt ngoại giao và áp lực xã hội hiện đang chĩa vào Tokyo sau quyết định tiếp tục giam giữ viên thuyền trưởng.

Tuy nhiên, cái gọi là viễn tượng này đã… xảy ra, nhưng không liên quan gì đến lực lượng tuần tra Nhật Bản hay tàu cá Trung Quốc trên các vùng đảo đang tranh chấp ở Hoa Đông. Thay vào đó, lại chính là cách mà các tàu Trung Quốc đã đối xử với ngư dân Việt Nam tại Biển Đông. Những gì xảy ra ở Điếu Ngư đảo không thấm tháp vào đâu so với các vụ bắt giữ đã diễn ra hầu hết tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa – nơi cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền và hiện bị chiếm đóng bởi Trung Quốc kể từ năm 1974.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối trong khi báo chí nhà nước của quốc gia này – một phiên bản ít phức tạp nhưng vụng về như nhau của mô hình báo chí đại lục – đã khuấy động dư luận bằng những câu chuyện về nỗi đau của thân nhân các nạn nhân mòn mỏi chờ đợi tin tức về những người thân bất hạnh. Dưới áp lực ngoại giao của phương Bắc, các quan chức Việt Nam đã cố gắng kiểm soát tình trạng căng thẳng bởi chủ nghĩa dân tộc ngay sau các cuộc xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc.

Tình hình hiện nay là cái giá cần suy ngẫm, bất kể chuyện đúng hay sai trong vấn đề đảo Điếu Ngư hoặc câu chuyện của ngư dân Việt Nam – những người cũng đã và đang bị giam giữ tại Indonesia và Malaysia những năm gần đây. Đối với nhiều chính quyền trong khu vực, các hành động của Trung Quốc rõ ràng là một kiểu áp bức "làm như tôi nói, không phải như tôi làm" hòng manh nha dự cảm về một kỷ nguyên thống trị của Bắc Kinh. Các vụ bắt giữ người Việt Nam hẳn nhiên đã tạo ra những cộng hưởng ngoại giao trong một khu vực rất nhạy cảm và đã ban cho Hoa Kỳ cơ hội để nhảy vào.

Như đã từng nêu trước đây, dường như không ai trong khu vực muốn “ngăn bước” Trung Quốc nhưng chắc chắn các quốc gia cũng không muốn bị bắt nạt và/hoặc cuối cùng thấy mình phải quỵ lụy trước một siêu cường duy nhất. Do đó, cân bằng chính là tên của trò chơi. Điều này đã hối thúc Washington, với các dấu hiệu khác thường của Chú Sam tại Biển Đông, cũng như quan chức Hoa Kỳ đã tìm cách tái can thiệp vào một Đông Á đầy nhiễu nhương.

Kết quả? Hoa Kỳ đã được chính thức mời tham gia đóng một vai trò trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đồng thời, với vai trò này, Hoa Kỳ là yếu tố củng cố thêm tầm ảnh hưởng của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc qua tuyên bố “tìm kiếm một giải pháp hoà bình và đa phương” – một động thái khiến Bắc Kinh rất tức giận.

Những vấn đề này sẽ được bàn cãi công khai tại Hà Nội vào tháng tới khi Việt Nam chủ trì một cuộc họp đầu tiên trong lịch sử giữa 10 Bộ trưởng Quốc phòng khối ASEAN và các đối tác từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nga.

Tất cả những thay đổi bước ngoặt trên sân khấu ngoại giao và chiến lược của khu vực lại xảy đến dưới sự giám sát của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Cây gậy chỉ huy đó lại sẽ sớm được chuyển qua cho Indonesia – một quốc gia ngày càng xác quyết rằng đã có những vấn đề với Trung Quốc ở Biển Đông căn cứ vào những yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển trên.

Điệu bộ cứng rắn về ngoại giao xung quanh vụ tạm giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc tại Nhật Bản là muốn khuấy động tình cảm dân tộc sâu sắc trên khắp đại lục và nguy cơ cũng khuấy động những lo ngại khác tại một khu vực mà quốc gia nào cũng đang cố gắng “đứng thẳng” trước Bắc Kinh./.

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn