Cội rễ toàn trị của bùn đỏ

Gyorgy Dragoman

Timagerần Quốc Việt dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Seeing Red in Hungary”, New York Times số ra ngày 17 tháng Mười năm 2010. Tựa đề của người dịch.

BUDAPEST – Những dấu bánh xe màu đỏ in hằn trên các con đường dẫn lên núi lửa Somlo đã tắt, quê hương vùng sản xuất rượu nho nhỏ nhất của Hungary và chỉ cách nơi xảy ra thảm hoạ môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước này có vài dặm.

Gần hai tuần đã trôi qua kể từ khi đập xi măng ngăn hàng triệu gallon chất thải độc hại bị vỡ khiến chất thải chảy tràn ngập vào hai làng và làm thiệt mạng chín người. Những cánh đồng hiện vẫn còn đỏ, in hình một cách ma quái trong màu trắng tựa như phấn  – thạch cao mà các nhóm cứu hộ dùng để trung hoà lớp bụi gây phỏng da.

Cha vợ tôi mới mua một vườn nho nhỏ trên Somlo. Mùa thu này là vụ thu hoạch đầu tiên của gia đình nên hai con tôi cứ háo hức chờ đến ngày được đi đạp nho. Do có vụ tràn bùn, chúng cũng biết thêm một điều khác.

Hai cháu hỏi tôi đây có phải là dung nham từ núi lửa phun ra không; chúng còn muốn biết liệu nó có giống như tai hoạ hạt nhân mà tôi có dịp bàn đến trong sách tôi viết. Tôi đáp: “Không, đây không phải là dung nham; đúng, nó gây phỏng; không, không có phóng xạ.”

Các con tôi không phải là những người duy nhất muốn biết nhiều hơn về “bùn đỏ”. Chất thải đến hàng chục triệu mét khối được trữ trong các hồ chứa trên khắp miền này của Hungary chính xác là chất gì?

Cha vợ tôi bảo, ông biết về cái đập đó; mọi người trong vùng đều biết. Nhưng tại vùng này của thế giới người ta lại có niềm tin kỳ lạ về sự tồn tại bất tử của bê tông nên người dân xây nhà chỉ cách đập vài trăm mét, trong khi đó MAL, công ty sở hữu đập, lại rất tự tin về sự bền vững của đập đến mức công ty không có những quy định an toàn phòng khi đập bị vỡ.

Giờ đây mọi thứ đều không rõ ràng. Những ngôi làng bị nạn nằm giữa phong cảnh đỏ như sao Hoả. Người dân cố gắng dọn sạch bằng xẻng xúc tuyết, dụng cụ thường không được lấy ra dùng trong vài tháng tới. Âm thanh đáng sợ của chất thải vỗ bì bõm quanh bề lưỡi xẻng cứ vọng hoài trong tai, và làm cho sự thiếu thông tin đáng tin cậy lúc ban đầu càng thêm đau đớn hơn.

Ngay sau vụ tràn chất thải, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đã tuyên bố chất thải màu đỏ không độc. Tổng giám đốc MAL đã nói trên đài truyền hình rằng chất thải là chất hoàn toàn vô hại, chỉ cần dùng nước rửa sạch đi là xong.

Người ta đã nhanh chóng chứng minh rằng họ nói sai. Những nhân viên cấp cứu có mặt đầu tiên tại hiện trường đã bị phỏng nặng; rõ ràng không ai báo cho họ biết chất thải có nồng độ pH 13, gây phỏng như dung dịch kiềm.

Khoảng cách giữa những tuyên bố chính thức và hiện thực của nhân dân đang chết tưởng chừng khơi rộng ra đường nứt trên tường. Đối với nhiều người, sự kiện này gợi tưởng đến thời quá khứ tưởng chừng xa xăm, khi hầu như toàn bộ cuộc sống ở Hungary được định hình bởi bao tin đồn và dối trá, khi mọi sự chỉ là trò chơi giả dối và mộng tưởng.

Lần này chúng ta đã đối diện với một nguy cơ chưa từng biết, dù nguy cơ ấy sinh ra từ một chất chúng ta đã và đang tạo ra trong hàng chục năm trời – một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất để chuyển bauxite sang alumina, để dùng tạo ra nhôm.  Sợ hãi hoá thành giận dữ, và nhân dân đòi biết sự thật.

Viện Hàn lâm vội vã lấy mẫu mới. Mười ngày sau khi chất thải bắt đầu chảy tràn ra họ mới cho chúng ta biết rằng chất thải quả là độc, có chứa lượng thạch tín cao; khi nó khô, nó sẽ biến thành bụi độc.

Tin này thật chẳng an lòng, nhưng ít ra bây giờ chúng ta biết bùn đỏ thật sự đe doạ như thế nào. Tuy các viên chức chưa nghĩ ra chính xác cách nào để ngăn chặn và dọn sạch vụ tràn chất thải này, một đập phòng hộ mới bao quanh các làng đã chuẩn bị xong, và họ bảo chúng ta rằng chẳng bao lâu nhiều người sẽ có thể về nhà.

Tuy nhiên, rõ ràng thảm hoạ này đã buộc Hungary phải đánh giá lại di sản môi trường, thực tiễn trữ những chất thải công nghiệp độc hại trên khắp cả nước suốt hàng chục năm nay của mình. Bước kế tiếp là phải tìm ra một cách chính xác chất thải nào đang được trữ lại, ở đâu và trong điều kiện như thế nào. Hơn nữa, chúng ta còn phải tìm ra cách tốt nhất để loại bỏ hay kiểm soát được những chất này.

Sự đánh giá lại này nhất định phải là cuộc thảo luận chính trị liên quan không chỉ đến các nhà khoa học. Cuộc thảo luận phải bàn về chuyện tại sao chúng ta lại từng chấp nhận những mối đe doạ như thế đối với nhân dân và đối với môi trường, như thế có nghĩa là phải bàn cãi về quá khứ của chúng ta – một chủ đề mà nhiều người đang cầm quyền rất cố muốn tránh.

Cha vợ tôi nói với tôi rằng những người bạn làm rượu nho của ông đã bắt đầu xoá sạch những dấu bánh xe trên những con đường quanh Somlo. Ông nói, ô nhiễm chưa bao giờ chạm đến nguồn cung cấp nước. Từ phương bắc, cách núi lửa rất xa, gió thổi về nên những người làm rượu nho tin có thể cứu được vụ thu hoạch nho. Nhưng đó chỉ là điều duy nhất họ chắc chắn.

G. D.

Nguồn: Talawas

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn