Bài học từ lịch sử

Hoàng Dũng Nhân

Ngày 10/12/2010, trên tạp chí Cầu thị của Trung Quốc xuất hiện bài báo "Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc", trong đó có nêu đích danh Việt Nam. Trong khi lãnh đạo hai Đảng, hai nước luôn nhấn mạnh phương châm mười sáu chữ vàng và "bốn tốt" trong quan hệ Việt - Trung, những bài viết như trên đáng phải phê phán bởi nó sẽ làm vẩn đục tình hữu nghị, hợp tác mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công xây dựng.

Tôn trọng tính đa chiều của thông tin, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây như một góc nhìn riêng để tham khảo.

Tuần Việt Nam

Bài này xuất hiện sau bài bình luận rắn rỏi của Nguyễn Hoàng Hà cũng về bài báo của Từ Vận Hồng trên tạp chí Cầu thịBVN đã đưa ngày 17-2-2011 (Vì sao Trung Quốc đang tức giận). Tuy vậy, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đưa tiếp bài này trên Tuần Việt Nam để bạn đọc tham khảo.

Bauxite Việt Nam

Quá khứ không thể thay đổi, dù đó là quá khứ đau thương hay hào hùng. Chúng ta chỉ có thể thay đổi tương lai, tuy tương lai còn nhiều nét chưa định hình. Gác lại quá khứ, nhưng đừng quên những bài học từ lịch sử, để tương lai không rẽ vào những khúc quanh bi tráng ấy thêm nữa.

Những ngày kỷ niệm những sự kiện, những biến cố lịch sử lớn lao của mỗi dân tộc luôn là những khoảnh khắc để tôn vinh và tưởng niệm.

Tôn vinh những hy sinh đóng góp của cả một thế hệ cho sự nghiệp bảo vệ Đất nước, vì sự tồn vong của Dân tộc. Những hy sinh và đóng góp ấy không chỉ mãi mãi được khắc sâu trong tâm khảm bao gia đình có công với Tổ quốc, mà còn vĩnh viễn ghi tạc vào ký ức của Dân tộc.

Đấy là những tấm gương để hậu thế soi chung, và từ đấy rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.

Cảnh giác đừng để lịch sử lại rẽ vào những khúc quanh bi tráng như vậy!

Lịch sử vốn không thể che đậy! Quá khứ không thể thay đổi, dù đó là quá khứ đau thương hay hào hùng. Chúng ta chỉ có thể thay đổi tương lai, tuy tương lai còn nhiều nét chưa định hình. Và lịch sử đòi hỏi phải sòng phẳng. Nó cần được ghi chép lại, mô tả như đã từng xảy ra. Dù đó là lịch sử của bá đạo hay lịch sử của vương đạo.

Vương đạo vốn là con đường chân chính của bậc thánh nhân, dùng đức và nghĩa mà hóa dân, trị thiên hạ. Đem cả nước hô hào làm việc nghĩa và không làm gì hại đến lễ nghĩa. Chỉ chuộng nhân nghĩa, vương đạo không dùng quyền uy vũ lực hay mưu mô xảo trá mà bức hiếp Man/Di để đạt mục đích.

Bá đạo là con đường chuộng bạo lực uy vũ, mưu kế thâm hiểm để đạt mục đích làm bá chủ thiên hạ, thống trị và áp bức chư hầu. Làm điều bất nghĩa, giết một người không có tội, để được cả thiên hạ, kẻ nhân giả quyết không bao giờ làm như vậy.

Tiền nhân từng dạy: Nếu muốn làm vương thiên hạ thì phải phát chính trị vương đạo, thi hành những điều nhân, khiến kẻ làm quan ai cũng muốn phục vụ dưới triều nhà vua, kẻ nông phu ai cũng muốn cày trên đất nhà vua, kẻ buôn bán ai cũng muốn đến chợ của nhà vua, khách lữ hành ai cũng muốn đi đường của nhà vua.

Được như thế, ai "liên hoành" chống lại làm gì nữa!

Nhân đây, xin đọc lại một bài viết trên báo chính thức của Trung Quốc có nội dung đề cập đến các nước láng giềng, trong đó nêu đích danh Việt Nam.

Tựa đề Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược của Mỹ kiềm chế Trung Quốc (How China deals with the U.S. strategy to contain China) xuất hiện trên trang mạng Chinascope ngày 12/2 vừa qua. Đây là bản dịch lại bài viết bằng tiếng Trung trên nguyệt san Qiushi (Cầu thị), một tạp chí chính thống của Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc, được xuất bản ngày 10/12/2010.

Tác giả bài viết là Từ Vận Hồng, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bài báo viết: Mỹ không những loan báo quay trở lại Ðông Á mà còn tuyên bố muốn lãnh đạo châu Á. Điều đặc biệt không thể chấp nhận được, theo tác giả là Mỹ đã khuyến khích các láng giềng của Trung Quốc tập hợp lại đối phó với Trung Quốc.

CHINA-VIETNAM/

Ảnh Reuters

"Những nước như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Việt Nam, Úc, Philipines, Indonesia, và Hàn Quốc đang gia nhập vào nhóm chống Trung Quốc, vì họ từng có chiến tranh với Trung Quốc, hoặc tranh chấp quyền lợi với Trung Quốc".

Từ cách nhìn như vậy, tác giả cho rằng: "Lợi ích quốc gia không thể nào bảo vệ bằng thương thuyết đơn thuần mà phải bằng chiến tranh. Do vậy, Trung Quốc phải bám lấy nguyên tắc chiến lược căn bản: Chúng ta không tấn công trừ phi bị tấn công; nếu chúng ta bị tấn công, chúng ta chắc chắn phản công".

Bài báo viết tiếp: "Trung Quốc phải gửi tín hiệu rõ ràng cho các nước láng giềng biết rằng chúng ta không sợ chiến tranh và chúng ta đang chuẩn bị cho bất cứ lúc nào chiến tranh xảy ra để bảo vệ quyền lợi quốc gia".

"Các nước láng giềng cần giao thương với Trung Quốc hơn là chúng ta cần họ. Bởi vậy, họ chứ không phải Trung Quốc sẽ phải gánh chịu tổn thật nặng nề hơn do thái độ thù địch với Trung Quốc. Trung Quốc nên tận dụng những lợi thế kinh tế và sức mạnh chiến lược này".

Có thể nói, bài viết xuất hiện trên một cơ quan ngôn luận chính thức như thế, nhất là với vị trí của người viết, không thể không đáng suy ngẫm. Chỉ hi vọng rằng, đây là quan điểm cá nhân của người viết.

Bởi để lịch sử không lặp lại những khúc quanh bi tráng, như đã nói, rất cần thiện chí thực sự của tất cả các bên.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn