Kê khai tài sản: Trung thực thì hãy ứng cử

Lời bàn vui Chủ Nhật:

Lạ thật! Chỉ thấy nổi bật thông tin về những điều kiện “ắt có và phải đầy đủ” đối với người ứng cử thôi!

Người không cần ứng cử, tức người được “cơ cấu”, người được đề cử và gửi về các khu vực bầu cử để cho người dân (cử tri) cứ thế tự động bỏ phiếu tán thành, những bác đó có phải kê khai tài sản không nhỉ? Bản kê khai của các bác này có công bố cho dân biết dân bàn dân kiểm tra không nhỉ?

Lại nói đến Dân!

Đó là nói đến những ĐIỀU KIỆN của một cuộc sống có đầy đủ THÔNG TIN để người DÂN có được cái không khí dân chủ (chứ không phải các “quyền” dân chủ mơ hồ và quay quắt), cái sinh hoạt dân chủ của cuộc bầu cử không mang tính hình thức.

Làm cách gì bây giờ, thưa ông Lê Tiến Hảo?

Bauxite Việt Nam

"Trước hết, người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải thực sự trung thực đã. Nếu không trung thực thì không nên ra ứng cử", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào trao đổi với báo chí bên lề hội nghị hướng dẫn việc giới thiệu ĐBQH của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, sáng nay (4/3) ở Hà Nội.

Giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

Tại hội nghị, ông Lê Tiến Hào cho hay, việc hướng dẫn kê khai tài sản với người ứng cử ĐBQH và HĐND chưa thay đổi gì, vẫn theo quy định như cũ.

clip_image002

  Ông Lê Tiến Hào: Ta cứ làm theo luật. Ảnh: HLong

Tài sản của bản thân ứng viên, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đều phải  được kê khai trung thực. Cụ thể, ứng viên cần kê khai nhà, quyền sử dụng đất, tài sản, tài khoản ở nước ngoài, lương và thu nhập khác, ô tô, mô tô, tàu thuyền có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

Ứng viên sở hữu đá quý, sổ tiết kiệm, cổ phiếu... từ 50 triệu đồng trở lên cũng phải khai báo đầy đủ.

"Trước hết, người ứng cử ĐBQH và HĐND phải thực sự trung thực đã. Nếu không trung thực thì không nên ra ứng cử", ông Hào khẳng định với báo chí bên hành lang hội nghị.

Tiếp đó, cơ quan quản lý nhận bản kê khai của người ứng cử phải có trách nhiệm xem xét. Nếu phát hiện có vấn đề không trung thực thì phải yêu cầu xác minh. Ngoài ra còn có thể thông qua kênh tố cáo, phản ánh của dân...

"Hiện giờ luật quy định bản kê khai tài sản đó của ứng viên không cần phải công khai thì ta cứ làm theo luật", ông Hào nói. Cũng theo luật định, nếu bị kết luận là kê khai không trung thực, ứng viên sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XII cũng đã phát hiện một số trường hợp kê khai không trung thực. Các ứng viên không trung thực hoặc đã bị đưa ra khỏi danh sách bầu cử, hoặc đã bị kỷ luật. Thậm chí có người đã bị cách chức.

Tuy nhiên, tỷ lệ ứng viên không trung thực chỉ là thiểu số.

Giữ nguyên cơ cấu

Cũng trong sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho VietNamNet hay, Hội đồng bầu cử đã thống nhất sẽ giữ nguyên cơ cấu dự kiến bầu ĐBQH khóa XIII đã được thông báo tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất hôm 23/2.

Tại hội nghị đó, nhiều ý kiến từ đoàn chủ tịch và các tổ chức thành viên tán thành tăng số ĐB chuyên trách, đồng thời đề xuất giảm số ĐB các cơ quan hành pháp. Đề xuất nghiên cứu điều chỉnh các cơ cấu kết hợp sao cho có thêm các đại diện tiêu biểu là trí thức, doanh nhân, người ngoài đảng, đặc biệt tỷ lệ ĐB tự ứng cử.

clip_image003

  Ông Nguyễn Đức Kiên: Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sau. Ảnh: LNhung

Thống kê từ hội nghị hiệp thương các tỉnh thành cho thấy rất nhiều nơi đã thỏa thuận dự kiến giới thiệu tỷ lệ người ứng cử gấp đôi.

Tất cả các nội dung đề xuất ở trên đều được MTTQ tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Kiên, tại phiên họp thứ hai của Hội đồng bầu cử vừa qua, Chủ tịch Hội đồng bầu cử đã thống nhất̃ giữ nguyên cơ cấu, thành phần dự kiến, không có bất cứ điều chỉnh nào.

"Sau Hội nghị hiệp thương lần 1, rất nhiều địa phương muốn điều chỉnh cơ cấu như tăng người trẻ, thêm đại diện doanh nhân... Nhưng Hội đồng bầu cử thống nhất là trước hết phấn đấu giữ nguyên cơ cấu như đã định. Cơ cấu này phải được thống nhất từ Trung ương xuống địa phương", ông Kiên nói.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ cấu nào ́cho ứng viên Trung ương và ứng viên người địa phương sẽ được thay đổi linh hoạt trong quá trình hiệp thương.

Về các đề xuất của MTTQ như có đại diện Việt kiều, tăng số người ngoài Đảng, giảm đại diện khối hành pháp, ông Kiên cho rằng, do luật chưa điều chỉnh những vấn đề này nên phải "tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sau".

Về đề xuất đưa ra cơ cấu tỷ lệ cứng cho ĐB tự ứng cử, ông Kiên khẳng định, tỷ lệ ứng viên tự ứng cử có thể tính chung trong cơ cấu 10 - 15% dành cho người ngoài Đảng.

"Chúng ta tạo điều kiện và khuyến khích những cá nhân nào được dân tín nhiệm và đủ tiêu chuẩn thì cứ mạnh dạn nộp đơn ứng cử. Các tiêu chuẩn thì luật đã quy định rõ rồi, đầu tiên là phải nhậń được sự tín nhiệm từ khu dân cư. Quy trình hiệp thương bình đẳng giữa ứng viên nộp đơn và ứng viên được tổ chức giới thiệu", ông Kiên khẳng định.

Từ hôm nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ứng viên được cơ quan, tổ chức giới thiệu cũng như người tự ứng cử có 11 ngày để hoàn tất và nộp hồ sơ: 17h ngày 18/3 là hạn chót.

Ở Hà Nội và TP.HCM, người dân, các cơ quan, đơn vị có thể trực tiếp đến phòng tiếp nhận hồ sơ ứng cử thuộc Sở Nội vụ (86 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM; 18B Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngoài ra, các biểu mẫu hồ sơ cũng được giới thiệu trên trang web của Sở Nội vụ thành phố.

Lê Nhung - Vân Anh

Nguồn: Vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn